ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 24-11-24 04:20:13
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Về thăm chợ lúa Khánh Bình

Báo Cà Mau (CMO) Những lần xuôi ngược từ TP Hồ Chí Minh về Cà Mau (theo đường quốc lộ cũ), cứ qua đoạn Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, nơi vẫn được gọi tên là chợ lúa của Nam Bộ, chúng tôi sực nhớ quê mình cũng có một chợ lúa rất độc đáo, nhưng có lẽ còn ít người biết đến: Chợ lúa Khánh Bình ở huyện Trần Văn Thời.

Vậy là vừa ăn Tết Kỷ Hợi xong, hẹn với mấy anh cán bộ xã Khánh Bình về thăm chợ lúa một chuyến, lúc lúa vụ hai đã được bà con thu hoạch rộ. Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Dương Minh Sang giới thiệu ngắn gọn: “Mấy anh nhà báo kêu bằng chợ lúa thôi, chớ bà con ở đây chỉ gọi đơn giản là bến thu mua lúa. Cả xã có 3 bến chính là Rạch Cui, Ông Bích và Kinh Hội, nhưng giờ bên Kinh Hội hầu như ít hoạt động”.

Chợ lúa Khánh Bình cũng đã giải quyết được công việc cho hàng trăm lao động nhàn rỗi ở nông thôn tăng thêm thu nhập từ nghề bốc vác.
Vận chuyển lúa bằng băng chuyền, bến Rạch Cui trở thành điểm tập kết của hàng trăm thương lái ở khắp nơi Nam Bộ tụ hội vào mùa thu hoạch.
Bến Ông Bích, nơi những thương lái địa phương cùng nhau san sẻ những nỗi lo lắng của nông dân, bởi giá lúa có cao thì người thu mua mới có lãi.

Sự hình thành của chợ lúa Khánh Bình kể ra cũng song hành cùng với những thăng trầm của địa phương thuần nông này. Nó bắt đầu manh nha từ khi người nông dân nơi đây tiên phong làm lúa sạ 2 vụ, rồi lúc cao điểm là 3 vụ. Cây lúa trở thành mặt hàng nông sản chủ lực, có giá trị thương phẩm, nhu cầu buôn bán, trao đổi cứ tăng dần. Ban đầu, chỉ một vài người dân địa phương có ghe lớn đứng ra thu gom, đem xay xát rồi bỏ mối vựa. Dần dà, sự tham gia của khách thương hồ khắp Nam Bộ tập trung về đây sau mỗi vụ thu hoạch khiến việc giao thương trở nên sôi nổi. Cảnh trên bến dưới thuyền tấp nập khiến cả vùng quê thêm nét tươi mới sau mỗi vụ mùa. Theo anh Sang, trước khi chưa có hệ thống cống khép kín tiểu vùng, mùa mưa thì đập ngăn mặn bị phá ra, tới mùa hạn thì đắp lại. Thương lái thu mua lúa phải “lòi” hàng qua đập. Cũng từ đó hình thành đội bốc vác trên dưới trăm người, đều là dân Khánh Bình chuyên nghề vác lúa.

Cú hích lớn nhất của chợ lúa Khánh Bình được đánh dấu khi một hộ dân đứng ra đầu tư bằng dây chuyền để vận chuyển lúa qua cống Rạch Cui năm 2016. Cũng từ thời điểm đó, Rạch Cui trở thành bến chính, còn bên Ông Bích chỉ là bến phụ, bến địa phương như bà con ở đây quen gọi. Anh Sang nhẩm tính, chợ lúa Khánh Bình là nơi giao thương của cả vùng rộng lớn chớ không riêng Khánh Bình. Phải kể đến vùng nguyên liệu lớn ở khắp nơi của huyện Trần Văn Thời như Khánh Bình Đông, Trần Hợi… Nhẩm tính số liệu, anh Sang chắc mẫm, mỗi vụ như vậy riêng chợ lúa Khánh Bình thu mua trên dưới 1 ngàn tấn lúa thương phẩm. Đến năm 2017, bến Rạch Cui được đầu tư nạo vét, thông luồng tuyến, sẵn sàng phục vụ tàu ghe trọng lượng lớn trên 100 tấn lưu thông.

Ghé thăm bến Ông Bích, anh Lê Hoàng Vũ chuyên nghề thu mua bám bến này hơn 10 năm, chia sẻ: “Tôi dân gốc ở đây, nhà sắm 2 chiếc ghe lớn để thu mua lúa rồi đem xay xát và bỏ mối gạo lại cho các vựa”. Cái hay của nghề thu mua lúa theo anh Vũ là, năm nào giá lúa cao, không chỉ bà con phấn khởi mà người thu mua cũng có lợi nhuận nhiều hơn. Còn năm nào giá cả thấp, bà con nông dân và cánh thu mua đều rầu thúi ruột.

Anh Vũ chỉ sang người đàn ông độ gần 60 tuổi, giới thiệu: “Đây, anh Ba Thương, thâm niên làm nghề này mấy chục năm, anh ruột chủ tịch xã đó nghen!”. Vừa mới chạy ghe ra bến đậu, anh Ba Thương rầu rầu: “Năm nay mới đầu vụ mà giá lúa thấp quá, nói thiệt, không chỉ bà con lo đâu, anh em thương lái cũng sợ bà con ví lúa lại, không thu mua được thì đâu tính tới chuyện lỗ lời nữa”.

Hỏi thăm các anh ở bến Ông Bích, năm nay bên bến Rạch Cui tình hình ra sao, mấy anh lắc đầu: “Ở bển cũng lưa thưa vài ghe lớn tỉnh ngoài, khác hẳn với mọi năm, độ này là hàng chục chiếc chen nhau ăn hàng”. Dọc đường xuống Rạch Cui, gặp lão nông Ký Văn Hoàng đang phơi lúa, xin chụp mấy tấm ảnh làm tư liệu, ông vốc lên một nắm lúa no tròn, mắt xa xăm: “Mấy anh coi, lúa cỡ này mà giờ chỉ còn 4.500-4.600 đồng/kg. Hổm rày tôi tiếc quá, bán lẻ cho dân nuôi gà, mỗi ký cũng nhích lên “vài phân”. Nghe ông Hoàng nói mà xót lòng: “Mấy anh tính coi, nông dân thì trông chờ hết vô lúa, mà giá cả kiểu này thì phá huề là hên lắm. Coi như bỏ công, bỏ sức, có gạo đủ ăn thôi”.

Cả xã Khánh Bình gần 2.300 ha đất trồng lúa, năng suất bình quân cũng 6 tấn/ha, tính ra nếu mỗi ký nhích lên được “vài phân”, nghĩa là vài trăm đồng thôi, chuyện buồn vui của nông dân đã rất khác. Vậy mới hiểu thêm, nỗi niềm trăn trở lớn của nông dân, trong đó có người trồng lúa, hiển hiện qua từng nhịp trồi sụt của giá cả thị trường. Mà giá cả là câu chuyện rất khó hiểu, chẳng ai biết đâu mà lần, vậy là cứ cầu mong…

Ông Đặng Hoàng Gởi, ấp Rạch Cui, xã Khánh Bình, là người đã nâng tầm chợ lúa với việc đầu tư hơn 400 triệu đồng để lắp băng chuyền vận chuyển lúa qua cống. Từ năm 2016, cứ tới vụ thu hoạch là băng chuyền hoạt động bất kể ngày đêm. Đội quân bốc vác được thành lập tại bến này quân số hơn 50 người, chủ yếu là thanh niên, có cả những lão nông địa phương kiếm thêm thu nhập. Cứ 1 tấn lúa vận chuyển 50 ngàn đồng thì chủ băng chuyền nhận 22 ngàn đồng, còn lại là phần của đội bốc vác. Anh Nguyễn Văn Kỷ, đội trưởng đội bốc vác, cho biết: “Lúc cao điểm, anh em làm việc ngày đêm, ban đêm thì giá vận chuyển cao hơn chút ít. Thu nhập mỗi người cũng kha khá, anh em lại có dịp gặp gỡ, chuyện trò nên vui lắm”.

Ngó thấy ông Trần Văn Hồ, anh Kỷ cười nói: “Như chú này nè, lớn tuổi mà nhỏ con nữa, dân chuyên nghiệp bốc vác ai mà mướn”. Chú Hồ bộc bạch: “Lúa ở nhà gặt hết rồi, rảnh công chuyện mình ra phụ anh em chút đỉnh, được thêm đồng nào hay đồng nấy”. Đúng lúc đó, có tín hiệu của đội trưởng chuyền lúa cho ghe ở Bến Tre tải trọng gần 100 tấn. Mỗi người vào vị trí, nhịp nhàng chuyển lúa lên đầu này băng chuyền, đầu kia có người đỡ bao, xả lúa ra khoang.

Người ta chưa có cái định nghĩa rõ ràng nào về chợ. Chợ là nơi mua bán, nơi nhộn nhịp, nơi có những người sống bằng những nghề “ăn theo”… Nếu nôm na là vậy thì bến Rạch Cui đúng là chợ, chợ lớn hẳn hoi.

Tranh thủ anh em bốc vác làm việc, chị chủ ghe ở Bến Tre vào góc mát uống nước, chúng tôi tranh thủ hỏi thăm. Chị nói ghe đi khắp Nam Bộ, từ Tây Ninh tới Cà Mau. Riêng bến Rạch Cui năm nào cũng tới, bởi lúa ở đây nhiều, đẹp và bà con buôn bán đàng hoàng, uy tín. Chị nói gom lúa xong là một mạch về Cái Bè để gia công, xay xát lúa thành gạo thương phẩm. Ghe không đi từ Tiền Giang về đây chạy gần 30 tiếng, còn có hàng thì cỡ 2 ngày 2 đêm. Ghe chạy theo tuyến kênh xáng Khánh An, vòng qua kênh xáng Bạch Ngưu hướng Thới Bình rồi lần theo tuyến Tắc Cậu, Kiên Giang ngược về Tiền Giang. Và lúa Cà Mau cũng từ con đường này mà đi khắp nước mình, ra thế giới.

Chợ lúa Khánh Bình năm nay không đông vui, nhộn nhịp bằng mọi năm. Trên gương mặt nông dân và cả thương lái cũng hằn lên lo lắng. Nhưng có điều chắc chắn rằng, nơi đó vẫn là điểm tụ hội, nơi niềm vui của hạt lúa được kết tinh, lắng đọng. Giá lúa lên, ghe lại về nhiều, người ta cười vui hơn để nhắn với nhau vụ sau sẽ gặp lại. Cà Mau quê tôi tự hào có một cái chợ bình dị, độc đáo và đằm thắm tình người như thế…/.

Phạm Hải Nguyên

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài cuối: Thầm lặng việc thiện nguyện

Gương mặt đôn hậu, nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi là điều dễ tạo thiện cảm với bất cứ ai khi gặp cô Phạm Thị Ngọc Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Phường 6/2, TP Cà Mau. Nhiều năm duy trì “Tủ bánh mì yêu thương”, lặng thầm trao hàng trăm món quà thiết thực tới những hoàn cảnh kém may mắn, cô Thảo cảm nhận được niềm hạnh phúc khi được sẻ chia.

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài 2: Người gieo hạnh phúc

Mỗi ngày trôi qua, trên khắp quê hương Cà Mau xuất hiện nhiều tấm gương bình dị mà cao quý. Ðó là câu chuyện của người phụ nữ vượt qua nỗi đau của bản thân để dìu dắt những người khuyết tật hoà nhập cộng đồng, là câu chuyện của những cựu chiến binh giàu nghĩa cử cao đẹp... Họ thầm lặng đóng góp cho đời, gieo hạt giống yêu thương, điểm tô cho cuộc sống thêm những gam màu tươi sáng.

Tô thắm vườn hoa tử tế

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường nói, xã hội ta có rất nhiều những tấm gương người tốt, việc tốt. Họ có mặt khắp nơi, đó là những bông hoa đẹp trong rừng hoa đẹp. Ðiều đó được minh chứng ở Cà Mau, nơi tình đất - tình người bền chặt thuỷ chung, sâu nặng nghĩa tình. Trong hành trình phát triển quê hương, bằng những việc làm trượng nghĩa, người Cà Mau đã tô thắm thêm vườn hoa tử tế, làm lay động bao trái tim và lan toả giá trị sống tốt đẹp.

Cửa Lớn mở tương lai

Những năm 1990 của thế kỷ trước, mỗi dịp nghỉ hè, tôi lại được theo ghe bán hàng bông của ba má, xuôi ngược từ xứ ngọt Trần Văn Thời về đất mặn Ngọc Hiển xa xôi và lạ lẫm.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng - Bài cuối: Bàn về giải pháp

Thực tiễn công tác xây dựng đội ngũ người hoạt động ở ấp, khóm kế cận ở Cà Mau đầy sinh động, với nhiều cách làm hay, kinh nghiệm hữu ích. Bằng việc kết nối, đảm bảo tính kế thừa để phát huy tối đa những ưu điểm, bổ trợ những hạn chế giữa các thế hệ; đội ngũ này vừa ổn định vừa có những điểm sáng đột phá gắn với xu hướng trẻ hoá, chuẩn hoá. Bên cạnh đó, sự phát triển khởi sắc của tỉnh nhà cũng đang tạo ra môi trường tốt để nhiều người trẻ chọn trở về gắn bó lập thân, lập nghiệp.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng - Bài 2: Những tín hiệu tích cực

Năng nổ, nhiệt huyết, nhạy bén và dám nghĩ, dám làm đang là những ghi nhận, đánh giá của các cấp uỷ đảng, chính quyền và Nhân dân khi nói về những người trẻ tuổi hoạt động ở ấp, khóm. Không khí tươi mới với nguồn năng lượng tích cực của đội ngũ trẻ đã thực sự trở thành điểm sáng ở nhiều địa bàn ấp, khóm ở Cà Mau trong hành trình phát triển. Ðó cũng là gợi ý hữu ích để Cà Mau tiếp tục công việc chuẩn hoá, trẻ hoá; tăng cường chất lượng và xây dựng đội ngũ kế thừa đảm đương nhiệm vụ ở khóm, ấp trong bối cảnh hiện nay.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng

Thực tế đã khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khóm trong việc cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn đời sống. Ðây là cánh tay nối dài của cấp uỷ, chính quyền cơ sở, nơi trực tiếp, sâu sát nhất với Nhân dân. Mọi chuyển động của cấp “cơ sở của cơ sở” sẽ quyết định đến việc thành hay bại của một quyết sách, một chủ trương, một phong trào... gắn với nhiệm vụ chính trị và sự phát triển của từng địa phương.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững - Bài cuối: Hướng đến tín dụng "xanh"

Thông qua các khoản vay ưu đãi, nông dân và các hợp tác xã (HTX) có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến, từ đó xây dựng nền tảng cho các mô hình kinh tế nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, tín dụng chính sách (TDCS) không chỉ giới hạn trong việc hỗ trợ sản xuất mà còn mở rộng sang các lĩnh vực quan trọng, như bảo vệ môi trường và phát triển tín dụng xanh.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững

Tín dụng chính sách xã hội (CSXH) đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của các nhóm yếu thế và phát triển kinh tế địa phương. Các chính sách đổi mới đã giúp hàng ngàn người tiếp cận vốn hỗ trợ, vượt qua khó khăn và xây dựng sinh kế bền vững. Bên cạnh đó, các hợp tác xã và mô hình nông nghiệp xanh ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế địa phương. Nỗ lực đổi mới trong quản lý và triển khai tín dụng đã phá vỡ rào cản, mở ra cánh cửa cho một tương lai phát triển toàn diện.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững - Bài 2: Xoá rào cản, mở cửa cơ hội

Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tín dụng chính sách xã hội (CSXH) không chỉ là công cụ hỗ trợ người dân thoát nghèo mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương. Các khoản vay ưu đãi đã tạo điều kiện cho hàng ngàn hộ khởi nghiệp, mở rộng sản xuất, cải thiện đời sống và đóng góp vào sự phát triển bền vững. Ðặc biệt, CSXH đã hỗ trợ những nhóm yếu thế và các cá nhân chấp hành xong án phạt tù vượt qua rào cản xã hội, tạo điều kiện cho họ tái hoà nhập cộng đồng và xây dựng cuộc sống mới. Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp tài chính, tín dụng này đã trở thành nền tảng vững chắc để họ từng bước vươn lên, thay đổi cuộc sống.