Vào những ngày cuối thu, theo chân các bạn đồng nghiệp Báo Tuyên Quang, chúng tôi đến thăm Khu di tích lịch sử Tân Trào, nơi Chiến khu Việt Bắc của những ngày kháng chiến chống Pháp.
“Mình về mình lại nhớ ta
Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào”
(Việt Bắc - Tố Hữu)
Vào những ngày cuối thu, theo chân các bạn đồng nghiệp Báo Tuyên Quang, chúng tôi đến thăm Khu di tích lịch sử Tân Trào, nơi Chiến khu Việt Bắc của những ngày kháng chiến chống Pháp.
Khu di tích lịch sử Tân Trào (thuộc 2 huyện Sơn Dương và Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang), cách Hà Nội khoảng 150 km.
“Ðể tham quan hết Khu di tích lịch sử Tân Trào, quý khách phải mất khoảng nửa tháng, bởi toàn khu có đến 183 di tích lớn nhỏ”, cô thuyết minh viên xinh đẹp trong trang phục dân tộc Tày có tên Trương Mỹ Duyên thông tin.
Ðiểm dừng chân đầu tiên của đoàn là lán Nà Nưa, dưới chân dãy núi Hồng, nơi Bác Hồ ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945. Lán được dựng theo kiểu nhà sàn của đồng bào miền núi, có 2 gian nhỏ, gian bên trong là nơi Bác nghỉ ngơi, gian bên ngoài là nơi Bác làm việc và tiếp khách. Phía trước có phiến đá tự nhiên, Bác hay ra ngồi làm việc.
Theo lời cô thuyết minh, trước kia nơi đây là khu rừng nguyên sinh, muỗi, vắt nhiều vô kể. Ngoài việc phải sống, sinh hoạt trong điều kiện chật chội của căn lán chưa đầy 12 m2, ăn uống chỉ có “cháo bẹ, rau măng”, Bác còn phải đối mặt với căn bệnh sốt sét hoành hành, có những lúc thập tử nhất sinh. Dẫu vậy, Bác vẫn không nghĩ đến bản thân mình, dốc toàn tâm toàn sức lo việc nước.
Cách lán Nà Nưa khoảng 500 m là làng Tân Lập, nơi đây còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử đặc biệt quan trọng thời kỳ tiền khởi nghĩa. Trước làng là cây đa Tân Trào. Dưới gốc đa này, chiều 16/8/1945, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân lệnh số 1 và ngay sau đó, quân giải phóng đã làm lễ xuất quân, lên đường qua Thái Nguyên tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội.
Trong làng, có ngôi nhà ông Hoàng Trung Dân, nơi Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến tháng 8/1945. Ðây cũng là nơi đánh máy Bản Quân lệnh số 1 của Uỷ ban Khởi nghĩa toàn quốc (tức Lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước) tháng 8/1945.
Từ cây đa Tân Trào đi khoảng 200 m về hướng Bắc là đình Tân Trào. Ðình trước đây có tên là Kim Long, được khởi dựng vào khoảng năm 1853, nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh và là nơi hội họp, sinh hoạt văn hoá của dân làng. Ðình thờ Thành hoàng làng cùng các vị sơn thần quanh khu vực. Năm 1923, đình được trùng tu lại theo lối kiến trúc nhà sàn, gồm 3 gian 2 chái, mái lợp lá cọ, sàn lát ván. Với Nhân dân, ngôi đình này rất linh thiêng, bởi luôn đem lại bình yên và may mắn cho dân làng.
Ngoài giá trị tín ngưỡng, văn hoá, đình còn mang giá trị lịch sử đặc biệt. Ðây là nơi được Bác Hồ và Trung ương Ðảng chọn để tổ chức họp Quốc dân Ðại hội trong 2 ngày 16 và 17/8/1945. Tại đây, các đại biểu đã tán thành chủ trương tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng 8/1945; thông qua Lệnh Tổng khởi nghĩa và 10 chính sách lớn của Việt Minh. Các đại biểu bàn bạc và nhất trí quy định Quốc kỳ của Việt Nam là lá cờ đỏ sao vàng; thống nhất lấy bài “Tiến quân ca” của Nhạc sĩ Văn Cao làm Quốc ca. Ðồng thời, cử ra Uỷ ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Hội tụ đầy đủ các yếu tố về thiên thời, địa lợi, nhân hoà, Tân Trào vinh dự được chọn là “Thủ đô lâm thời Khu giải phóng” trong thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945. Khi cả dân tộc bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954), Tân Trào một lần nữa lại vinh dự được chọn làm “Trung tâm Thủ đô kháng chiến”, nơi đặt trụ sở làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Ðảng, Chính phủ, Quốc hội và nhiều bộ, ban, ngành Trung ương (cả thảy có 65 cơ quan Trung ương, 13/14 bộ, ngành đóng nơi đây, trừ Bộ Quốc phòng đóng ở Ðịnh Hoá). Với những giá trị lịch sử to lớn, Khu di tích lịch sử Tân Trào đã được công nhận là Khu di tích Quốc gia đặc biệt. |
Phía trước ngôi đình có phiến đá tròn, bà con nơi đây gọi là đá thiêng, không ai được giẫm chân lên.
Trên phiến đá ấy, vào dịp lễ, Tết, bà con đặt lễ vật lên để cúng thần linh trước, sau đó mới đem vào đình thắp hương, bởi vậy bà con coi phiến đá như một chiếc mâm trời. Tại phiến đá này, sáng 17/8/1945, thay mặt Uỷ ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên thệ quyết giành độc lập cho Tổ quốc. Kể từ giờ phút ấy, phiến đá được bà con gọi là “phiến đá thề”.
Một điều cũng hết sức đặc biệt và thú vị mà cô thuyết minh viên thông tin, đó là, trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh biên giới phía Bắc, làng Tân Lập có trên 200 người con lên đường bảo vệ Tổ quốc từ mái đình này; tất cả đều xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương, không một ai hy sinh. Làng Tân Lập là địa phương duy nhất trong cả nước không có nhà bia ghi danh liệt sĩ.
Dẫu thời gian hạn hẹp chưa khám phá hết các di tích nơi đây, nhưng được về Chiến khu Việt Bắc, cảm giác như được chạm tay vào lịch sử, như nghe âm vang hào khí của những ngày thu Tháng Tám; càng trân trọng thành quả cách mạng của thế hệ cha ông và càng thấy tự hào nơi "Quê hương cách mạng dựng nên Cộng hoà" (Việt Bắc - Tố Hữu)
![]() |
Lán Nà Nưa, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945, để chuẩn bị cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945. Ảnh: THANH QUANG |
![]() |
Ðình Tân Trào, nơi tổ chức Quốc dân Ðại hội và diễn ra nhiều sự kiện lịch sử đặc biệt khác. Ảnh: T.Q |
![]() |
Dưới gốc đa này, chiều 16/8/1945, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân lệnh số 1 làm lễ xuất quân tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội. Ảnh: ÐỨC TOÀN |
Nhà ông Hoàng Trung Dân, nơi Ðại tướng Võ Nguyên Giáp ở, làm việc và đánh máy Bản Quân lệnh số 1. Ảnh: HUYỀN ANH |
Huyền Anh