ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 8-5-25 03:43:09
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Về với ngoại

Báo Cà Mau (CMO) “Tết này, thế nào anh em tụi mình cũng phải tranh thủ về đầy đủ cho ngoại vui nghen!".

Trời cuối năm dần trở khuya, lời hẹn của nhóm anh em họ chúng tôi theo ly cay chuyền tay được nhóm lên đều đặn. Cụm từ “về đầy đủ cho ngoại vui” lặp đi lặp lại đôi lúc bị hụt hơi giữa đoạn, không biết có phải vì đã ngà say hay không mà trong mắt nhau cứ ánh lên một màu đỏ buồn man mác. Ai cũng biết, mỗi khi gió Tết thổi giòn hàng cau cũng là lúc ngoại tôi thêm một bước về gần bên cái hữu hạn của trăm năm...

Tết là dịp con, cháu được quây quần bên ngoại.

Những chiều về thăm, sung sướng được nghe hoài giọng run hiền như tiếng đàn bầu: Thấy chó sủa là ngoại ngồi nhìn ra hàng ba hoài coi có phải con hôn? Xốn xang, lòng ước phải chi nắng đậu yên bên cánh bướm đừng bao giờ lung lay.

“Con chim se sẻ nó đẻ cột đình

Bà ngoại đẻ má, má đẻ mình em ơi!”

Tôi thương câu ca dao này từ hồi còn nhỏ xíu hay lẽo đẽo theo sau hơi ấm bình yên rồi được thoả sức tan vào nắng trưa trong chờn chập cánh cò. Nơi đó là cả bầu trời tuổi thơ, bởi vậy những đứa cháu tuy đã lớn khôn bay vút muôn phương nhưng lúc nào cánh chim trở về cũng thèm thuồng được chút dại khờ rúc vào lòng bà nhõng nhẽo như những ngày xưa.

Ngồi với ngoại một hồi thế nào những câu chuyện ngày cũ cũng được chắp lại mải mê. Chuyện hồi đó nghèo, bầy con mười một đứa nối nhau gọn bâng như củ khoai, lúa mùa đẻ bụi; chuyện tản cư những năm li loạn mỗi lần nhắc tới còn thấy ớn lạnh rùng mình; chuyện mừng rớt nước mắt từ cái nhà lá được đổi thành mái ngói ba căn đỏ au sau bao mùa tích góp; chuyện con gái con trai lớn lên cưới vợ gả chồng rồi lần lượt góp vào những đứa cháu cùi cụi, đứa này hồi nhỏ hiền khô, đứa kia xấu hấy khó nuôi quá trời... Trong miền nhớ của ngoại, cái gì cũng mới tinh như hôm qua làm cho người đối diện bị cuốn theo đôi lúc cũng quên mất tiêu cái chép miệng “mới hồi nào” đã âm thầm gom hết cả đời người.

Có lần ngồi trong mâm cơm, những hình ảnh được chiếu lại, cậu út nhỏ xíu gầy nhom mà mỗi lần tắm má cằn nhằn: "Hỏng biết nuôi mầy tới chừng nào mới lớn để nhờ!", vậy mà bây giờ cũng ngót nghét tuổi năm mươi. Cái thằng nhỏ ú nu, dễ ợt nằm ngửa trên võng ai cho bú thì bú, lớn chút nữa mỗi lần quậy phá bị mẹ đánh đòn là chạy núp sau lưng ngoại, chớp mắt một cái cũng lần lựa bỏ tuổi hai mươi thiệt xa. Ánh trẻ nhìn nhau ngẩn ngơ, thầm ngưỡng mộ trí nhớ của người bà tuổi hạc mỗi khi nhìn về quãng dài thăng trầm đã đi qua, những trang sách đời người lật chậm rãi mang theo bài học nhân nghĩa, về cách đối đãi ở đời để thấm đậm đà trong lời nhắc gọn hơ: Làm người khó lắm nghe con...

Ðời ngoại trải qua nhiều lần khóc con. Dòng sông chảy tràn qua những miền ký ức, cậu Ba, cậu Tư rồi cậu Bảy lần lượt về đất như nhuộm thêm tóc ngoại màu phai. Cậu Ba, cậu Bảy mất khi mới ngoài tuổi hai mươi, trong giấc ngủ chập chờn một thuở, tiếng thanh niên trong vắt gọi “Má ơi, má ơi!” làm ướt gối hoài. Chắc sợ má buồn, sau này những thanh âm thổn thức vơi đi theo dáng gầy. Vậy mà mỗi lần tới ngày cúng cơm của con là thế nào gương mặt, nụ cười người xưa cũng hoà theo giọt nước mắt: Thương thằng Ba hồi đó đẹp trai, ngoan lắm, khi có ba đứa con mà vẫn dạ thưa với ba má ngọt xớt. Thằng Bảy có hàm răng sáng trưng, khoái ca vọng cổ bài “Tần Quỳnh khóc bạn”. Có lần lén rót dầu lửa cho nhà ghệ, má phát hiện cầm cây rượt đánh, chạy ù ù rồi té lật ngửa vô ụ rơm cười khà khà làm má đánh hỏng đành. Vậy mà cũng nỡ bỏ đi trong một tai nạn chiều mưa khi lời hẹn hò với người yêu còn dang dở...

Hôm bữa vừa hồi phục sau cơn bệnh, ngoại nhắc đêm hôm nằm chiêm bao thấy thằng Tư cứ nhìn hiền khô: Con ngồi trên bàn mà sao má không lên nhìn con? Lời kể lại với đôi mắt ráo hoảnh, chuyện đến đi với ngoại gần đây giản đơn thiệt lạ. Giản đơn như những lần gượng dậy sau bạo bệnh vắt cạn sức già để cố gắng đợi ngày nhìn thấy mấy thằng cháu trai cưới vợ. Cánh hạc chắc cũng nghĩa tình nên lần lựa không nỡ đến chở người đi...

Ánh già phơi lắt lẻo trên hàng cau, nơi có lời hứa hẹn đậu lại sau mấy lần đám cúng cơm thưa dần những bước chân quen thuộc. Ngoại ngồi mình ên bấm ngón tay lẩm bẩm lục lại từng tên cháu nội, ngoại tới cố hơn bốn chục đứa của mình rồi dặn dò, khi nào nhà có đám tiệc phải nấu cỗ đủ đầy để tụi nó về ăn. Ðám tới, nụ cười ánh lên tươi rói nhìn tốp cháu "mới hồi nào nhỏ xíu mà giờ nhậu quá trời" chen lẫn tiếng tặc lưỡi: Phải chi có đứa kia; sao không thấy đứa nọ... Lúc đó chắc không có ai để ý, nhịp võng hơi chùng thêm như quyện niềm thương với cái già của ngoại.

Gió xuân thổi xôn xao, từng câu chuyện của anh chị em họ "năm thuở mười thì" có dịp ngồi lại tiếp nhau rộn rã. Men say thấm, bấc giác nhớ những lần cánh hạc cố ý bỏ quên không rước ngoại, không khí chùn hẳn với đau đáu một nỗi lo chung. Hỏi lo gì, chắc không ai dám nói...

"Tết này mình sắp xếp tề tựu về đầy đủ để nội, ngoại vui nghen!", lời hẹn chợt í ới cất lên chắc lụi. Bữa đó chắc sẽ vui lắm, nụ cười của ngoại sẽ thắm màu xuân. Những cánh chim sum vầy cùng thưởng thức màu Tết thi vị của trăm năm, rồi còn để tranh thủ nghe lòng ướp ngọt lịm tiếng quê hương nữa chớ.../.

 

Hoàng Phúc

Lưu Hữu Phước – Nhạc sĩ tài danh đất Tây Đô

Hai ba thế hệ người Việt Nam hát những ca khúc của nhạc sĩ tài danh Lưu Hữu Phước. Không có cuộc đời nào, tâm hồn nào trên đất nước Việt Nam thân yêu thế kỷ vệ quốc anh hùng mà không được Lưu Hữu Phước giục giã.

Ngày giải phóng Cà Mau

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 3: Bức tranh văn hoá đa sắc

Dù ở vùng đất mới, gốc gác khác biệt, song khi về tới Cà Mau, thế hệ tiền nhân đã sớm ý thức về nguồn cội, quần tụ và cố kết với nhau bằng sợi chỉ đỏ chảy xuyên suốt của nền văn hoá dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 2: Con người Cà Mau - Nét duyên xứ sở

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Con người là chủ thể văn hoá, cách ứng xử của con người với chính mình, với thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội định hình nên đặc điểm và tính cách của nền văn hoá ấy”. Ở vùng đất mới Cà Mau, nếu không nói về con người Cà Mau, tính cách và cốt cách của con người Cà Mau thì quả thật là một điều thiếu sót lớn. Hồn cốt quê hương, khí phách của ông cha là nơi hậu thế soi chiếu vào đó để nhận diện được chính mình và khơi mở những chặng đường tương lai của mảnh đất này.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc

Khi Báo Cà Mau đăng loạt ghi chép pha chút hơi hướng khảo cứu này, tỉnh Cà Mau đang hừng hực khí thế, với thế và lực mới vững vàng hoà vào dòng chảy thời đại cùng cả dân tộc, đất nước Việt Nam tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn thịnh, giàu mạnh, hạnh phúc.

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều

Thông tư 29/2024/TT-BGDÐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Câu hỏi đặt ra là việc quản lý sau đó như thế nào để không có việc “nóng” kiểm tra thời gian đầu, còn sau lại đâu vào đó? Giáo viên, phụ huynh và học sinh các cấp sẽ “sống” cùng với thông tư như thế nào? Bên cạnh đó, các cơ sở dạy thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang oằn mình để đón thêm lượng học viên quá tải...

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài cuối: Nền móng vững chắc cho Cà Mau vươn xa

Chủ trương sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, một quyết sách chiến lược của Chính phủ hướng đến bộ máy hành chính tinh gọn đã mang đến những thay đổi sâu rộng trong quản lý đô thị trên cả nước. Tại Cà Mau, bối cảnh mới này đòi hỏi sự đánh giá lại về quỹ đạo phát triển của các khu vực đô thị, đặc biệt là những nơi đã nỗ lực xây dựng các tiêu chí đô thị văn minh. Tới đây, các danh xưng hành chính có thể thay đổi, nền tảng hạ tầng, kinh tế và xã hội đã được kiến tạo vẫn là tài sản vô giá, làm nền móng vững chắc, định hình tương lai phát triển của Cà Mau sau này.