ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 25-9-24 21:22:11
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Vị ngọt đất biển

Báo Cà Mau (CMO) Hơn 10 năm trước, người dân ở xã Khánh Hội (huyện U Minh) không ngờ rằng có một ngày nơi đây sẽ trở thành vùng đất học. Như sự đền đáp cho ý chí, quyết tâm vươn lên của những người nông dân chân lấm tay bùn, thế hệ trẻ hôm nay đã viết tiếp ước mơ mà cha mẹ các em chưa thực hiện được, trở thành niềm tự hào của gia đình, làng xóm.

Mặc dù có lợi thế từ khai thác đánh bắt thuỷ hải sản, nhưng Khánh Hội được biết đến là vùng đất còn nhiều khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo trên 12%. Trong 9 ấp của xã có đến 7 ấp cuộc sống người dân gắn liền với kinh tế biển. Xưa nay nghề biển được xem là vất vả, nặng nhọc, nhưng biển vẫn là nguồn sống dồi dào, là kinh tế mũi nhọn, giúp trẻ em nơi đây có được con chữ, mở ra một tương lai tươi sáng hơn.

Chỉ tính 277 hộ dân tại Ấp 8, xã Khánh Hội đã có 37 hộ tham gia Hội Khuyến học, 32 hộ có con em đang học các trường đại học, cao đẳng (trong đó có 47 người học đại học, 7 người học trung cấp, 3 người học sau đại học). Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, tinh thần hiếu học ngày càng lan toả, dần thoát khỏi cuộc sống vất vả, mưu sinh trong mưa nắng.

Ông Hiền (Phan Minh Hiền, Ấp 8, xã Khánh Hội) cùng Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học ôn lại chuyện nuôi con học hành.

Gia đình ông Chí (Phan Minh Chí, Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học Ấp 8, xã Khánh Hội) là gia đình thứ 4 chúng tôi ghé thăm, chẳng hộ nào có người trẻ ở nhà. Chẳng phải vì những chuyến biển xa hay lao động ngoài tỉnh như một số nơi khác, mà là tất thảy con cái đều đã đi học. Có người đã ra trường, tìm được công việc ổn định ở các thành phố lớn, có người tiếp tục học cao hơn để nâng cao trình độ. Ông Chí tự hào: “Vùng quê này tuy nghèo, thiếu thốn thật nhưng người dân quyết tâm cho con ăn học. Xóm này hễ nhắc đến chuyện ăn học thì có thể nói không thua kém ai”.

Ngày mưa, gió thốc từng cơn vào chái nhà. Mùa mưa năm nay căn nhà dường như thêm cũ và xuống cấp, nhưng đối với vợ chồng ông Toàn (Bùi Minh Toàn, Ấp 8, xã Khánh Hội) và bà Tinh (Nguyễn Kim Tinh), điều đó chẳng quan trọng. Với vợ chồng ông, căn nhà chỉ cần đủ che nắng, che mưa, chỉ cần con trai lớn và con gái út của ông được vào đại học.

“Rồi đây tụi nó sẽ không phải bán lưng cho đất, bán mặt cho trời như cha mẹ nó”, ông Toàn vừa nhấp ly trà nóng, vừa nói với vẻ tự hào.

Lạ thật, giữa thời tiết mưa gió vậy mà ngôi nhà cứ ấm áp và rộn tiếng cười. Chắc có lẽ mấy hôm nay được mùa biển và niềm vui được nhân lên khi đứa con gái út học ở Trường Đại học Cần Thơ được nghỉ mấy tuần, tranh thủ về quê thăm nhà, phụ giúp cha mẹ.

Bên bếp lửa than, bà Tinh vừa nhanh tay đảo chảo kẹo chuối còn nóng hổi để "đãi" con gái, vừa khoe: “Hết năm nay nữa là nó tốt nghiệp đại học. Để nuôi anh em tụi nó được như hôm nay, kể sao cho hết vất vả, cũng nhờ có chiếc ghe để bám biển mới đủ sức”.

Em Bùi Ngọc Tiền, Ấp 8, xã Khánh Hội, hiện là sinh viên năm cuối của Trường Đại học Cần Thơ cùng mẹ bên bờ rau của gia đình.

Thu nhập từ ruộng vườn chẳng được bao nhiêu nên từ khi gắn bó với vùng đất U Minh này, vợ chồng ông quyết định dồn vốn đầu tư thêm chiếc ghe đi biển. Ông bà có 4 người con, khi con trai lớn vào đại học thì hai con kế tiếp đành khép lại ước mơ vì gia đình không đủ sức. Con gái út lớn lên được đi học và đỗ vào đại học, viết tiếp những ước mơ dang dở của hai anh mình. Ông Toàn cho hay: “Cuộc sống gia đình tuy vất vả, nghề biển phụ thuộc vào thiên nhiên lắm vất vả, nhưng niềm an ủi lớn nhất của vợ chồng tôi chính là hai đứa con đã nên người, được học hành tử tế”.

Không riêng ông Toàn, nhiều gia đình ở xã bãi ngang này vẫn quyết tâm cho con ăn học dù chẳng mấy dư dả. Ông Phan Minh Hiền, ở Ấp 8, hiện có một người con là tiến sĩ, một người là thạc sĩ và đang công tác tại một trường đại học. Người ta biết đến gia đình ông không chỉ vì gia đình có truyền thống cách mạng mà còn vì sự cần cù, tận tuỵ trong hành trình nuôi con ăn học thành tài.

Ông Hiền cho hay: “Không nói đâu xa xôi, khoảng 10 năm trước, việc đi học ở vùng đất này là chuyện không hề dễ dàng. Lộ chưa có, trường học cũng đâu khang trang như bây giờ. Nhà nào nghèo, không có điều kiện mà ráng cho con ăn học đôi khi còn bị dè bỉu, chê cười. Vậy mà người ta vẫn bỏ ngoài tai, quyết tâm nuôi con ăn học. Để có được trái ngọt hôm nay, họ đã đánh đổi không ít mồ hôi, nước mắt xuống từng tấc đất, mảnh vườn và từng con nước biển”.

Phó chủ tịch UBND xã Khánh Hội Châu Minh Đảm thông tin, 5 năm trở lại đây, đời sống kinh tế, văn hoá của người dân có bước chuyển biến đáng kể. Không ít gia đình chấp nhận vất vả cho con được đến trường, được theo đuổi ước mơ. Chính vì vậy, việc con em bỏ học theo cha mẹ mưu sinh trên những chuyến biển giảm dần, nhất là đối với học sinh ở độ tuổi THCS. Tỷ lệ học sinh cấp THCS được tiếp tục vào cấp THPT là 98%. Nhờ sự nỗ lực ấy mà nay có một ấp người ta hay truyền tai nhau là làng đại học".

Có một niềm tin đang hình thành và lớn dần lên đối với người dân xứ biển này, rằng một ngày không xa, làng quê nghèo xa xôi sẽ khởi sắc khi những mầm non tri thức tiếp tục vươn cành, đơm hoa, kết trái./.

Kim Chi

50 học sinh, sinh viên tại Cà Mau nhận học bổng The Corea Peace3000

Sáng 22/9, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị phối hợp với đại diện Tổ chức The Corea Peace3000 tại Cà Mau tổ chức triển khai “Chương trình học bổng - The Corea Peace3000”.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Cô bé Trạng nguyên tiếng Anh

Tại Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2024, do Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Ðồng tổ chức, tại Ðại học Hàng hải Việt Nam, TP Hải Phòng, tỉnh Cà Mau có duy nhất một em đạt danh hiệu "Trạng nguyên tiếng Anh". Ðó là em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (Phường 9, TP Cà Mau).

Trao giải Đại sứ văn hoá đọc năm 2024 cho 34 học sinh

Cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc năm 2024 phát động từ ngày 1/5-10/6/2024, dành cho học sinh của các trường Tiểu học, THCS, THPT và các loại hình giáo dục khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Ổn định trường lớp năm học mới

Năm học 2024-2025, huyện Năm Căn có 30 trường học do huyện quản lý, trong đó, mầm non - mẫu giáo 9 trường, tiểu học 11 trường và THCS 9 trường, với tổng số trên 10.500 học sinh, được biên chế thành 337 lớp.

Ðường đò đến trường

Huyện Ngọc Hiển, mảnh đất cực Nam Tổ quốc, là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cà Mau. Năm học mới 2024-2025, toàn huyện có trên 11 ngàn học sinh theo học ở 27 trường, với 10 điểm lẻ trên địa bàn.

Quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025

Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND ngày 11/7/2024 của HĐND tỉnh Cà Mau quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025 bằng mức thu học phí năm học 2021-2022 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Đảm bảo nguyên tắc tổng số tháng thu học phí không vượt quá 9 tháng/năm học.

Sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức, huyện Đầm Dơi

Ngày 11/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau công bố Quyết định của UBND tỉnh Cà Mau về việc sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức (huyện Đầm Dơi) thành Trường THCS và THPT Tân Đức.

Ứng dụng công nghệ thông tin, nâng chất lượng dạy học

Xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong trường học là hết sức cần thiết và là xu thế tất yếu, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên Trường THPT Thái Thanh Hoà, huyện Ðầm Dơi, đã có nhiều cố gắng trong ứng dụng CNTT vào việc dạy học, công tác quản trị nhà trường.

Phấn đấu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT

Năm học 2023-2024, tỉnh Cà Mau có 99,31% học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Nhằm phấn đấu 100% HSSV tham gia BHYT năm học 2024-2025, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các trường học trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh, để đảm bảo tất cả HSSV, bất kể điều kiện kinh tế hay hoàn cảnh gia đình, đều có cơ hội nhận được sự chăm sóc y tế cần thiết.