ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 7-5-25 13:28:01
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Vi phạm về môi trường diễn biến phức tạp

Báo Cà Mau (CMO) Ðó là một trong những nhận định quan trọng của Ðại tá Phạm Minh Luỹ, Phó giám đốc Công an tỉnh Cà Mau khi trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Cà Mau về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về môi trường và những dự báo.

Tuy việc xử lý chất thải, nước thải đã được một số công ty, doanh nghiệp quan tâm nhưng theo Đại tá Phạm Minh Luỹ vẫn còn nhiều công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cuốn theo lợi nhuận, cố ý dùng nhiều thủ đoạn vi phạm pháp luật về môi trường.  Ảnh: PHONG PHÚ

Như báo Cà Mau đã thông tin qua loạt bài 3 kỳ “Phát triển không đánh đổi môi trường”, phát hành ngày 13, 14, 15/7/2021, phản ánh thực trạng ô nhiễm môi trường, những tác động và công tác quản lý. Ðồng thời, đề xuất hướng gợi mở những giải pháp ứng dụng khoa học - công nghệ trong xử lý rác thải. Phóng viên báo Cà Mau nhận được sự quan tâm, chia sẻ từ Ðại tá Phạm Minh Luỹ, Phó giám đốc Công an tỉnh Cà Mau, về những thông tin trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường của lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Cà Mau.

- Xin Ðại tá cho biết, đã qua lực lượng Cảnh sát môi trường kiểm tra, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực được phân công trên địa bàn tỉnh Cà Mau đạt được những kết quả và hạn chế gì?

Ðại tá Phạm Minh Luỹ: Trước tiên, Công an tỉnh Cà Mau xin cảm ơn phóng viên báo Cà Mau đã quan tâm và góp phần quan trọng cùng lực lượng chức năng của tỉnh Cà Mau trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự nói chung và đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về lĩnh vực môi trường nói riêng.

Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Cà Mau tập trung thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự trên lĩnh vực môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm. Chủ động kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 đã kiểm tra, phát hiện 342 vụ, 381 đối tượng vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; xử phạt hành chính với số tiền gần 3,4 tỷ đồng; tịch thu số lượng lớn tang vật có liên quan.

Các lĩnh vực vi phạm thường xuyên như an toàn thực phẩm 55 vụ; xây dựng, môi trường đô thị 44 vụ; nông nghiệp, ngư nghiệp 28 vụ; kiểm dịch thú y 22 vụ; tài nguyên, khoáng sản 16 vụ...

Tuy nhiên, từng lúc, từng nơi hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường, bơm, chích tạp chất vào tôm nguyên liệu, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật chưa được kiểm dịch, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm... còn tiềm ẩn phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân và sức khoẻ người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

Công tác phối hợp giữa các ngành chức năng với lực lượng công an trong công tác thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực môi trường chưa được duy trì thường xuyên; trang thiết bị chuyên dụng phục vụ phát hiện nhanh các hành vi vi phạm trên các lĩnh vực có liên quan còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu công tác.

- Qua công tác nắm tình hình, kiểm tra, xử lý và phối hợp kiểm tra xử lý, xin Ðại tá cho biết tình hình vi phạm về môi trường trên địa bàn tỉnh thời gian qua có chiều hướng diễn biến như thế nào?

Ðại tá Phạm Minh Luỹ: Qua công tác nắm tình hình, kiểm tra, xử lý và phối hợp kiểm tra xử lý vi phạm về môi trường trên địa bàn tỉnh năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, phát hiện, xử lý nhiều hơn 143 vụ, nhiều hơn 143 đối tượng so cùng kỳ.

Ðiều này xác định ý thức bảo vệ môi trường của một số công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh được nâng cao; tích cực thực hiện các phương án bảo vệ môi trường, hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển bền vững.

Song, do tác động của nền kinh tế thị trường, vẫn còn nhiều công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cuốn theo lợi nhuận, cố ý dùng nhiều thủ đoạn vi phạm pháp luật về môi trường. Dự báo thời gian tới, tình hình vi phạm pháp luật về môi trường trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp.

- Những hành vi vi phạm chủ yếu liên quan đến môi trường cần được quan tâm đúng mức, tránh gây bức xúc trong Nhân dân hiện nay, thưa Ðại tá?

Ðại tá Phạm Minh Luỹ: Qua thực tế nắm tình hình, kiểm tra, xử lý và phối hợp kiểm tra, xử lý; những hành vi vi phạm chủ yếu liên quan đến môi trường cần được quan tâm đúng mức, tránh gây bức xúc trong Nhân dân hiện nay chủ yếu là:

Vi phạm trong xả nước thải, khí thải gây ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, đô thị: Nước thải sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở chế biến thuỷ sản chưa được thu gom triệt để, xả trực tiếp ra môi trường, xử lý không đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước nuôi thuỷ sản, khí thải, mùi hôi chưa có biện pháp xử lý, thường xuyên gây mùi hôi thối ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khoẻ người dân (điển hình như Khu Công nghiệp Hoà Trung và Sông Ðốc).

Vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm: Tình trạng sử dụng chất cấm, chất ngoài danh mục cho phép, nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm như sử dụng hàn the trong sản xuất pa-tê, chả lụa, bánh phở, bún; sử dụng hoá chất trong tẩy trắng mực, nội tạng động vật; bơm nước vào gia súc, gia cầm trước khi giết mổ; bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.

Ô nhiễm môi trường trong các hoạt động cải tạo ao đầm nuôi thuỷ sản: Việc lạm dụng các loại hoá chất độc hại, cấm sử dụng trong cải tạo và xử lý ao đầm; việc cải tạo ao nuôi, xử lý bùn thải không đúng quy định, nguồn thức ăn dư thừa thối rữa bị phân huỷ, các chất tồn dư của vật tư sử dụng như hoá chất, vôi, khoảng chất lắng đọng (có những hộ, trong quá trình sên vết ao đầm đưa bùn thải xuống sông, rạch, làm môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, dẫn đến mâu thuẫn giữa các hộ dân nuôi tôm quảng canh cải tiến và hộ dân nuôi tôm công nghiệp).

Xả chất thải rắn sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, đô thị, sông, rạch: Lượng rác thải rắn sinh hoạt phát sinh trung bình khoảng 180-200 tấn/ngày; trong đó, tỷ lệ được thu gom, vận chuyển xử lý chiếm khoảng 85% lượng rác thải phát sinh, còn lại 15% chưa được thu gom, thải bừa bãi ven đường, khu vực chợ, sông, kênh, rạch, mương, các khu đất trống, nơi công cộng..., gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và sức khoẻ người dân.

Ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa: Một số hộ dân sống gần kênh, rạch, sông chưa có ý thức bảo vệ môi trường, nhất là trong việc xử lý rác thải nhựa (vứt các loại túi ni-lông và rác thải nhựa xuống kênh, rạch). Rác thải nhựa không thể tự tiêu huỷ nên tích tụ ngày càng nhiều, về lâu dài, đây là vấn đề đáng quan tâm vì ảnh hưởng sức khoẻ, đời sống và mỹ quan đô thị.

- Công tác phối hợp giữa lực lượng chuyên trách Cảnh sát môi trường Công an tỉnh với các ngành chức năng thời gian tới được xác định cụ thể ra sao, thưa Ðại tá?

Ðại tá Phạm Minh Luỹ: Ðể thực hiện tốt công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý tội phạm, vi phạm về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm thời gian tới, lực lượng công an chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng có liên quan, thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể:

Một là: Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.

Hai là: Tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.

Ba là: Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm sâu rộng trong Nhân dân và cộng đồng, nâng cao trách nhiệm, chung tay bảo vệ môi trường thông qua hình thức phối hợp với các cơ quan báo chí của tỉnh, truyền thanh cấp huyện, cấp xã, các hội, nhóm tình nguyện.

Bốn là: Tham mưu xây dựng các chương trình, kế hoạch phối hợp các ban, ngành, đoàn thể trong hoạt động bảo vệ môi trường, nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả, gắn bảo vệ môi trường với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Triển khai và hưởng ứng tích cực các chiến dịch truyền thông về môi trường như ngày Môi trường thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn...

Cùng với các ngành chức năng liên quan, Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Cà Mau đã và đang nỗ lực đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm về môi trường, góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững.

- Xin cảm ơn Ðại tá!

 

Phong Phú - Văn Ðum thực hiện

 

Lưu Hữu Phước – Nhạc sĩ tài danh đất Tây Đô

Hai ba thế hệ người Việt Nam hát những ca khúc của nhạc sĩ tài danh Lưu Hữu Phước. Không có cuộc đời nào, tâm hồn nào trên đất nước Việt Nam thân yêu thế kỷ vệ quốc anh hùng mà không được Lưu Hữu Phước giục giã.

Ngày giải phóng Cà Mau

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 3: Bức tranh văn hoá đa sắc

Dù ở vùng đất mới, gốc gác khác biệt, song khi về tới Cà Mau, thế hệ tiền nhân đã sớm ý thức về nguồn cội, quần tụ và cố kết với nhau bằng sợi chỉ đỏ chảy xuyên suốt của nền văn hoá dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 2: Con người Cà Mau - Nét duyên xứ sở

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Con người là chủ thể văn hoá, cách ứng xử của con người với chính mình, với thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội định hình nên đặc điểm và tính cách của nền văn hoá ấy”. Ở vùng đất mới Cà Mau, nếu không nói về con người Cà Mau, tính cách và cốt cách của con người Cà Mau thì quả thật là một điều thiếu sót lớn. Hồn cốt quê hương, khí phách của ông cha là nơi hậu thế soi chiếu vào đó để nhận diện được chính mình và khơi mở những chặng đường tương lai của mảnh đất này.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc

Khi Báo Cà Mau đăng loạt ghi chép pha chút hơi hướng khảo cứu này, tỉnh Cà Mau đang hừng hực khí thế, với thế và lực mới vững vàng hoà vào dòng chảy thời đại cùng cả dân tộc, đất nước Việt Nam tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn thịnh, giàu mạnh, hạnh phúc.

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều

Thông tư 29/2024/TT-BGDÐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Câu hỏi đặt ra là việc quản lý sau đó như thế nào để không có việc “nóng” kiểm tra thời gian đầu, còn sau lại đâu vào đó? Giáo viên, phụ huynh và học sinh các cấp sẽ “sống” cùng với thông tư như thế nào? Bên cạnh đó, các cơ sở dạy thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang oằn mình để đón thêm lượng học viên quá tải...

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài cuối: Nền móng vững chắc cho Cà Mau vươn xa

Chủ trương sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, một quyết sách chiến lược của Chính phủ hướng đến bộ máy hành chính tinh gọn đã mang đến những thay đổi sâu rộng trong quản lý đô thị trên cả nước. Tại Cà Mau, bối cảnh mới này đòi hỏi sự đánh giá lại về quỹ đạo phát triển của các khu vực đô thị, đặc biệt là những nơi đã nỗ lực xây dựng các tiêu chí đô thị văn minh. Tới đây, các danh xưng hành chính có thể thay đổi, nền tảng hạ tầng, kinh tế và xã hội đã được kiến tạo vẫn là tài sản vô giá, làm nền móng vững chắc, định hình tương lai phát triển của Cà Mau sau này.