Sáng 2/1, nhiều tài xế Công ty Cổ phần Bảo Gia Cà Mau tiếp tục ngưng hoạt động, thể hiện phản đối các quy định về chế độ làm việc cũng như hợp đồng lao động khi làm việc cho Công ty Cổ phần Bảo Gia Cà Mau. Tình trạng nay đã xảy ra mấy ngày qua.
Qua tìm hiểu của phóng viên, được biết nguyên nhân ban đầu là do các chính sách đối với các tài xế chưa thoả đáng, chưa thực hiện đầy đủ, không đảm bảo quyền lợi cho các tài xế theo lời hứa ban đầu.
Nhiều tài xế Công ty Cổ phần Bảo Gia Cà Mau bỏ việc tập thể để đòi quyền lợi.
Anh Bùi Quốc Hài, nhân viên lái xe Công ty Cổ phần Bảo Gia Cà Mau, cho biết: “Anh em tài xế bị mất rất nhiều quyền lợi khi làm việc tại công ty. Về bảo hiểm, phía công ty thông báo sau 2 tháng thử việc, đến tháng thứ 3 tài xế sẽ được ký hợp đồng và đóng bảo hiểm đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật, nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa có bảo hiểm. Thêm nữa, quy định họp định kỳ vào thời điểm 4-5 giờ sáng, nếu đi trễ thì phạt 200 ngàn đồng. Bên cạnh đó, định mức bảng lương quá cao, anh em tài xế chạy không nổi, cụ thể, quy định 28 triệu đồng thì được trả lương 8 triệu đồng. Doanh thu này rất khó đạt khi số lượng xe của công ty ngày càng nhiều”.
Anh Đoàn Minh Kha, nhân viên lái xe Công ty Cổ phần Bảo Gia Cà Mau, cho biết: “Tôi là một trong những nhân viên đầu tiên của công ty. Khi mới vào làm, công ty hứa hẹn sau 1 tháng thử việc sẽ ký hợp đồng chính thức, tuy nhiên sau 1 tháng công ty yêu cầu ký hợp đồng hợp tác lao động thời gian 2 tháng, tới nay đã hết hạn. Tôi đã làm tới tháng thứ 6, thứ 7 rồi mà vẫn chưa được ký hợp đồng lao động với công ty, chưa được hưởng bất cứ chính sách gì theo quy định của pháp luật”.
Anh Kha cho biết thêm: “Lúc đầu Cà Mau có khoảng 160 xe taxi điện, nhưng giờ đã lên hơn 200 chiếc. Xe nhiều mà lượng khách không tăng nhưng công ty không giảm mốc doanh thu đem về của tài xế, dẫn đến anh em chạy không đạt doanh thu và phải nhận lương thấp. Bên cạnh đó, công ty bắt buộc tài xế phải chịu 50% phí sạc pin trong khung giờ từ 6 giờ sáng đến 10 giờ tối. Thu nhập thấp, cộng thêm chi phí sạc pin nữa thì chúng tôi không đủ kinh tế để trang trãi cuộc sống”.
Trước thực trạng trên, anh Đoàn Minh Kha yêu cầu công ty điều chỉnh lại chính sách lương cho anh em tài xế.
Anh Phạm Hoàng Nhớ, nhân viên lái xe Công ty Cổ phần Bảo Gia Cà Mau, bày tỏ: “Đại diện anh em tài xế, tôi muốn công ty thực hiện đúng cam kết về các chính sách cũng như điều chỉnh chính sách tiền lương nếu anh em chạy đạt khoảng 25 triệu thì được hưởng 8 triệu đồng để anh em tài xế có thu nhập tốt hơn”.
Anh Nhớ cũng phản ánh vấn đề bão dưỡng xe. Thời gian bảo dưỡng, bảo trì xe theo quy định của hãng là 12.000 km, nhưng trên 20.000 km công ty mới cho xe đi bảo dưỡng. Như vậy xe hoạt động không đảm bảo an toàn, nhưng nếu xảy ra tai nạn thì tài xế phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Từ 22 giờ đêm đến 6 giờ sáng, giá vận chuyển không theo giá khuyến mãi của công ty. Công ty rất thiếu trách nhiệm với anh em tài xế, xem thường sự an toàn khách hàng”.
Anh Nhớ cho biết, trong ngày 2/1, có hơn 100 tài xế của công ty này ngưng hoạt động.
Trước những bức xúc của nhiều tài xế, phóng viên liên hệ gặp gỡ đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Bảo Gia Cà Mau để tìm hiểu vụ việc. Ông Hồ Hoàng Anh, Giám đốc công ty với thái độ to tiếng nói: “Sự việc xảy là do có sự kích động từ bên ngoài, phía công ty hoàn toàn không sai. Chúng tôi đang đưa ra các biện pháp xử lý và khẳng định đây hoàn toàn không phải đình công”. Nhưng khi phóng viên ngỏ ý muốn biết giải pháp xử lý của công ty như thế nào thì ông Hồ Hoàng Anh không cho biết.
Có thể thấy việc công nhân, nhân viên của một công ty cùng tạm nghỉ việc tập thể để đòi quyền lợi là một tình huống khá nghiêm trọng. Để xác định đúng sai và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động và công ty, cần có sự vào cuộc của ngành chức năng liên quan.
Đặng Duẩn