Cà Mau là một trong những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực nhất bởi tình trạng xói lở bờ biển. Hơn lúc nào hết, tỉnh cần có những dự án lớn và dài hơi để ứng phó với biến đổi khí hậu. Ðể làm được điều này, bên cạnh việc huy động nguồn vốn từ Trung ương đến địa phương thì hợp tác quốc tế là một trong những giải pháp mà tỉnh đã nỗ lực thực hiện để hướng đến xây dựng các công trình bền bỉ, chống chịu trước thiên nhiên.
- Chủ động phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông
- Chủ động ứng phó thiên tai trên biển
- Tiến tới cộng đồng an toàn trước thiên tai
- Sông Ðốc cần hỗ trợ thêm nguồn lực phòng, chống thiên tai
Tỉnh Cà Mau với địa hình thấp, 3 mặt giáp biển, đường bờ biển dài và chịu ảnh hưởng của 2 chế độ thuỷ triều (chế độ nhật triều của biển Tây và chế độ bán nhật triều không đều của biển Ðông). Ðây là vùng biển dễ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất và dễ bị tổn thương nhất trước những tác động của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, sự suy giảm lượng trầm tích do xây dựng đập trên sông Mê Kông cũng góp phần làm tăng tốc độ xói lở bờ biển khu vực.
Theo những nghiên cứu của Tổ chức AFD (Cơ quan Phát triển Pháp), vùng ven biển phía Tây của Cà Mau được bồi lắng từ năm 2000 trở lại đây, nhưng những năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2008, phần lớn diện tích này không còn được bồi lắng như trước, trong khi tình trạng sạt lở và xói mòn xảy ra và xâm nhập sâu vào đất liền. Ðể khắc phục tình trạng này, chính quyền địa phương phải đầu tư hằng năm một số tiền lớn để củng cố và bảo vệ bờ biển, cũng như nạo vét hệ thống kênh rạch.
Tại khu vực cửa biển Sào Lưới, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, nhiều năm nay sạt lở đã trở thành cơn ác mộng của những hộ dân sống ven bờ biển nơi đây. Ðưa mắt nhìn về những bờ đất mong manh bị xói lở loang lổ, cách khoảng 500 m chỉ còn trống trơ vài cây mắm, ông Huỳnh Văn Thuấn, ấp Sào Lưới, xã Nguyễn Việt Khái, chắc lưỡi: “Ngày xưa ở ngoài đó là rừng, mấy năm nay sóng đánh sập hết, mấy miếng vuông gần đây nông dân phải bỏ vì giữ đất không nổi. Những căn nhà nằm trong này cũng không an toàn, chỉ cần vài mùa biển động, sóng sẽ đánh tới nhà”.
Các công trình ứng phó sạt lở ven biển được tỉnh đầu tư xây dựng trước đó đã phát huy tác dụng, giúp diện tích rừng bị mất dần phục hồi. (Trong ảnh: Một đoạn bờ kè tại cửa biển Sào Lưới, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân).
Sinh sống tại cửa biển này từ năm 2000 bằng nghề nuôi tôm, tận mắt chứng kiến cảnh mất nhà, mất đất canh tác, hư hỏng các công trình giao thông, bà Hồng Tuyết Linh, ấp Sào Lưới, không khỏi xót xa: “Ngày xưa ở đây nước ít lên lắm, gần đây nước biển hay dâng cao, bờ bao, bờ kè chống tràn vào vuông tôm quá mỏng, thành ra mỗi lần nước lên là tràn tới mé lộ rồi tràn vào vuông. Nuôi tôm thất, đi biển cũng dở, người dân ở đây chỉ biết làm mướn để sống, nhiều người bỏ xứ đi tìm nghề khác. Hôm nay nghe tin trên tỉnh có dự án làm kè chống sạt lở ở khu này, bà con trông lắm”.
Là một trong những khu vực sạt lở xung yếu, nếu như không có những công trình bảo vệ thì nhiều tuyến dân cư trong khu vực này sẽ bị sóng biển nuốt chửng, nguy cơ mất đất, mất đi những đai rừng phòng hộ sẽ tiếp tục diễn ra theo chiều hướng phức tạp hơn.
Sau 10 năm đàm phán, Dự án “Xây dựng đê biển Tây từ Cái Ðôi Vàm đến Kênh Năm và kè phòng, chống sạt lở bờ biển các đoạn xung yếu từ cửa biển sông Ông Ðốc đến cửa biển Bảy Háp, tỉnh Cà Mau” đã được khởi động. Ðây là một trong những công trình quan trọng nối dài những “tường thành” giữ đất cho vùng biển phía Tây của Cà Mau. Ông Oliver Brochet, Ðại sứ Cộng hoà Pháp tại Việt Nam, khẳng định: “Thông qua dự án này, Cà Mau sẽ trở thành địa phương hình mẫu để giải quyết các câu chuyện về biến đổi khí hậu, chống sụt lún. Với vai trò là đối tác chiến lược toàn diện, các tổ chức, doanh nghiệp Pháp luôn đồng hành cùng Việt Nam, không chỉ ở vấn đề biến đổi khí hậu mà còn ở các lĩnh vực giao thông, năng lượng hạt nhân, năng lượng tái tạo”.
Vào ngày 7/12/2024, Ðoàn công tác của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Liên minh Châu Âu (EU) đến khảo sát khu vực xây dựng kè chống sạt lở tại xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân.
Dự án nói trên là thành quả của một mối quan hệ hợp tác sâu sắc, sau một thời gian dài đàm phán, chuẩn bị giữa AFD, Liên minh Châu Âu (EU) và các cơ quan chức năng của tỉnh Cà Mau trong việc hỗ trợ nguồn vốn không hoàn lại. Trong dự án này có những hợp phần cho phép xây dựng cơ sở hạ tầng chống xói lở, qua đó tăng cường nhận thức của người dân trước biến đổi khí hậu.
Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: “Các giải pháp mà AFD và EU đang thực hiện tại vùng dự án góp phần đảm bảo an toàn cho đê biển và khu dân cư thuộc vùng dự án, đồng thời bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và tạo cơ hội tham gia được vào thị trường tín chỉ carbon, nâng cao năng lực ứng phó thiên tai của người dân. Ðặc biệt, dự án này hỗ trợ đa dạng hoá các hoạt động sinh kế, nhằm cải thiện thu nhập cho người dân, giảm phụ thuộc vào đánh bắt gần bờ. Về tổng thể, dự án sẽ góp phần thay đổi bộ mặt của tỉnh một cách tích cực và đóng góp vào sự phát triển bền vững chung của toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long”./.
Hữu Nghĩa