Từ những cơ duyên khác nhau, nhiều người con đất Bắc xa quê vào Nam lập nghiệp, trong hành trang họ mang theo có phong vị của món ăn quê nhà. Ðể rồi chính những món ăn thân thuộc của quê hương đã tạo cho họ sinh kế mới ở vùng đất cực Nam.
- Tinh tuý món gỏi đồng quê
- Mắm chưng - Món ngon cho bữa cơm gia đình
- Bánh mì - Món ăn dân dã mà gây thương nhớ
- Món ngon từ cá bống
Cà Mau có nhiều cửa hàng phục vụ các món ăn đặc trưng miền Bắc đã khẳng định thương hiệu hàng chục năm. Thời gian ấy không chỉ minh chứng cho sức hấp dẫn của những món ăn đến từ đất Bắc mà còn cho thấy sự nỗ lực, miệt mài của người đầu bếp. Bởi lẽ, ngoài chuyện giải quyết các vấn đề cơ bản trong kinh doanh, họ còn phải thật uyển chuyển để “làm dâu trăm họ”, vì nếu giữ nguyên bản món ăn thì thực khách miền Nam khó tiếp nhận, còn nếu biến tấu cho hợp khẩu vị địa phương thì lại bị phàn nàn là “nấu không chuẩn”.
Ðã hơn 10 năm nay, cửa hàng của chị Nguyễn Thị Hà, Phường 8, TP Cà Mau, là địa chỉ quen thuộc của nhiều thực khách khi muốn thưởng thức các món ăn mang hương vị Hà Nội. Nổi bật trong số đó có món bún chả. Khác với nhiều loại bún, hương thơm của bún chả không toả ra từ nước dùng mà từ chả viên, chả lá lốt (thay cho nem cua biển để phù hợp khẩu vị người Cà Mau) và thịt nướng, nước chấm là nước mắm pha với vị chua, cay, mặn, ngọt để khi ăn với thịt, chả, rau, bún có sự cân bằng, vừa vị.
Bún chả là món ăn có sự kết hợp hài hoà từ màu sắc đến hương vị.
Hai yếu tố quan trọng quyết định chất lượng của món bún chả là phần thịt nướng thơm, nóng, cùng nước chấm pha đúng chuẩn.
“Có lần cùng chồng vào Cà Mau buôn bán, tôi thấy người Cà Mau nói chuyện sao mà dễ thương quá, sao mà ngọt quá, nên tôi quyết định ở lại với mảnh đất này”, chị Hà kể lại đầy xúc động về lý do chị chọn an cư tại vùng đất cuối trời Nam.
Chị Hà chia sẻ, bản thân chị đã yêu món bún chả từ khi còn là thiếu nữ, từ những ngày còn đi làm thuê tại Hà Nội. Từ tình yêu đó thôi thúc chị mạnh dạn bỏ 18 triệu đồng (cách đây hơn 10 năm) chỉ để học một buổi duy nhất cách làm bún chả đúng chuẩn. Thời buổi ấy công nghệ chưa phát triển, nên khi đã có nghề, chị Hà cũng bán được một thời gian rồi ngưng vì người dân ở Cà Mau chưa biết và chưa quen với món ăn này. “Mở bán một thời gian, chủ yếu có vài khách là người Bắc đến ăn nên tôi ngưng. Ngưng bán thì lại có mấy bạn trẻ ở Tân Tiến, Ðầm Dơi ngày nào cũng đến hỏi chừng nào bán lại. Tôi cứ nói dối các bạn là sắp mở lại, nhưng rồi thấy các bạn hỏi nhiệt tình quá nên tôi quyết định bắt đầu làm lại và phát triển được như hôm nay”, chị Hà kể.
Hơn 20 năm nay, hàng bánh cuốn nóng của gia đình chị Phan Thị Thanh, Phường 9, TP Cà Mau, là điểm đến thân thuộc của thực khách mê món ăn này. Bánh cuốn nóng có thể nói là sự lựa chọn thú vị cho bữa sáng ngon và dinh dưỡng. Với nhiệt độ mát mẻ, hay se lạnh của buổi sớm, ngồi tại hàng ăn, nhìn người thợ khéo léo tráng từng chiếc bánh nóng hổi, tròn đều, cũng là sự hấp dẫn. Phần bột được pha với độ mềm dai vừa phải, cuộn với thịt bằm và nấm bên trong. Khi ăn cùng phần nước chấm chua ngọt, hành phi, ít rau giá, tạo nên sự cảm nhận đa vị trên đầu lưỡi, thơm lừng, nóng hổi.
Ngoài cách pha bột, người thợ còn phải thật khéo tay để tráng ra những chiếc bánh tròn với độ dày đều nhau.
Bánh cuốn nóng hổi là sự lựa chọn lý tưởng cho bữa sáng trong những ngày se lạnh.
Vào Cà Mau chưa tròn năm, trong lúc chưa biết phải bắt đầu từ đâu, nỗi nhớ hương vị của món ăn quê nhà thôi thúc chị Mai Thị Phương, Phường 5, TP Cà Mau, mở cửa hàng bán một số món ăn Hà Nội như xôi khúc, xôi xéo, bánh dày... Hầu hết các nguyên liệu đều được chị Phương nhập từ quê nhà vào. Ðặc biệt là nếp, phải là loại nếp tròn hạt, màu đục, nấu dẻo mà không nhão, càng nhai càng ngọt thì mới làm nên những chiếc bánh ngon. Bởi lẽ với thực khách yêu thích những món ăn này, cảm nhận ngon ngọt nhất là nằm ở hạt nếp, ở phần bột dẻo thơm, không chỉ đơn thuần là hương vị ở đầu lưỡi mà còn ẩn chứa nhiều giá trị văn hoá.
Ðể phù hợp với khẩu vị người dân Cà Mau, chị Phương có những cải biến như thay lá khúc dùng trong món xôi khúc thành lá dứa, vì lá khúc ở đây khó tìm và nó có vị nồng, không quen sẽ khó ăn.
Ðể phù hợp với khẩu vị người Cà Mau, xôi khúc được làm từ lá dứa để tạo độ thơm, thay vì lá khúc như nguyên bản.
Các nguyên liệu làm bánh từ nếp, chả,... đều được chọn từ miền Bắc gửi vào để giữ được chuẩn vị nhất.
“Làm những món ăn yêu thích mỗi ngày vừa giúp tôi có công việc, đỡ nhớ quê, vừa giúp mang ẩm thực miền Bắc đến với mọi người. Dù mới mở bán nhưng các món ăn được đón nhận khá tốt, sắp tới tôi dự định sẽ phục vụ thêm nhiều món ăn đặc trưng khác của Hà Nội”, chị Phương tâm tình.
Ðức Minh - Minh Thừa thực hiện