Thế hệ 8X, 9X chắc hẳn ai cũng từng biết đến món sương sâm - món ngon dân dã được chế biến từ loại lá của dây leo hoang dại, dây dại này có sức sống mãnh liệt, mọc quanh năm nơi các bờ vườn ở miền Tây.
Thuở bé, con nít xóm tôi thích nhất là đi hái lá sâm về, cùng nhau vò rồi chờ cho sương sâm đặc lại, hí hửng múc từng muỗng ăn với nước cốt dừa, hay sữa đặc, đơn giản hơn là ăn với đường cát trắng thêm viên đá lạnh cũng ngon hết sẩy.
Ngày nay, khi có quá nhiều món ăn vặt hấp dẫn rao bán từ quê ra phố để sắp nhỏ tha hồ chọn lựa, nhưng hễ có điều kiện và thời gian là các bà, các mẹ quê tôi sẽ chiêu đãi món ngon này để các con được nếm thử vị tuổi thơ ngọt ngào, thơm mát. Thử nghĩ, dùng muỗng múc một miếng sương sâm màu xanh thẫm cho vào miệng nhai từ từ. Vị thanh, giòn, dai của sương sâm, hoà lẫn vị mát lạnh của đá, ngọt của đường, béo của nước cốt dừa thì tuyệt vời biết mấy!
Lá sương sâm ngon phải là lá già, có màu xanh sậm (khi vò có nhiều nhựa, dai, không bở).
Cho lá sương sâm vào thau, đổ một lượng nước nấu chín để nguội thích hợp (bí quyết) để sương sâm khi đông không quá mềm cũng không quá cứng. Dùng tay vò nát lá trong nước, sao cho dịch nước trong lá hoà tan vào nước, có màu xanh thẫm và có độ sánh.
Cho nước sương sâm vào vợt lược lấy nước cho vào thau (bỏ xác) và đem nước sương sâm ra phơi khoảng 30 phút, sương sâm đông cứng lại, cho vào ngăn lạnh là xong.
Ngon hơn hẳn là thêm nước cốt dừa béo ngậy, tạo mùi thơm bằng dầu chuối nữa để có ly sương sâm ngọt thanh, thơm mát.
|
Thạch sương sâm còn có thể biến tấu ăn với hạt é, một loại thức uống mát lành, bổ dưỡng.
|
Băng Thanh - Lê Tuấn thực hiện