(CMO) Lâu nay, nhiều người đinh ninh rằng, Tổ quốc đến phía địa đầu cực Nam chỉ còn một mũi đất vươn mình ra biển mang tính biểu tượng thiêng liêng. Thật ra, Ngọc Hiển nếu nhìn một cách tổng quan hơn, phải là cái đinh ba với mũi chính là Ðất Mũi, một bên là vùng Tam Giang Tây, giáp cửa Bồ Ðề và phía còn lại là Viên An với cửa biển Ông Trang.
Và ở Ngọc Hiển, nếu Tân Ân là địa danh xuất hiện trên sử liệu chính thống đầu tiên thời Minh Mạng triều Nguyễn, thì kế tiếp chính là sự xuất hiện của địa danh Viên An. Chính xác là vào năm 1910, Viên An là 1 trong 9 làng thuộc tổng Quảng Xuyên. Viên An xưa bao trọn cả địa phận Viên An Ðông và Ðất Mũi ngày nay. Mảnh đất huyền thoại từ thời khẩn hoang, lập xóm, lập làng và là căn cứ địa cách mạng kiên trung trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc. Ðất Viên An là đất cội rễ và nước ở Viên An là nơi khơi nguồn cho mạch sống của muôn đời…
Ở xứ Viên An, hầu hết các tên gọi đều bắt đầu từ “kênh, rạch, xẻo (xẽo)”. Rừng - sông nước và những con người đặt dấu chân khai phá đã làm nên tên gọi của nơi đây. Ca dao xưa có câu “Bao giờ hết đước Năm Căn/Ông Trang hết cá, Viên An hết rừng”. Chuyện kể, đầu thế kỷ XX, dân Viên An còn nghề câu sấu, bắt cọp, săn kỳ đà. Ðặc sắc nhất phải kể đến cách bắt cọp với tên gọi rất vương giả là “đãi yến”. Thật ra, người săn cọp dùng miểng chai sành cà nhỏ, tẩm vào thịt heo rồi để vào rừng cho cọp ăn. Cọp ăn no mồi, bị miểng chai cào xé trong bụng, dần kiệt sức, vậy là bà con đốn đước, xóc chéo, niệt lại khiêng về.
Cồn Ông Trang, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển. Ảnh: THANH DŨNG |
Nói về cá, tôm của vùng Viên An, ông Tô Văn Ðoàn (sinh năm 1937) thuật lại điều tai nghe, mắt thấy và chính ông cũng là người trong cuộc. Ông Ðoàn mở lời: “Hồi sau giải phóng thôi, tôi làm giám đốc làng cá Viên An. Khi đi báo cáo ở hội nghị toàn quốc, nhiều người há hốc miệng mồm vì sản lượng của riêng Viên An còn hơn 6 tỉnh khác ở phía Nam cộng dồn lại”. Câu chuyện bên ly trà như ngưng đọng thời rừng vàng, biển bạc chưa xa.
Mùa cá hội, nhất là cá đường, cá rúng, cá dứa, xứ Viên An bước vào không khí náo nhiệt, kỳ vĩ và giàu có. Tiếng cá gù vang rền mặt sông, cửa biển, ngư dân quây lưới, cứ vậy mà ghe xuồng khẳm mẹp về bến. Còn ốc len, cứ chọn cây đước, cây mắm nào đó, dùng cần xé đan bằng dừa nước hoặc lưới bao gốc, cứ lấy tay mà tuột, một cây vài chục ký là chuyện thường. Bắt vọp thì bước một bước, tay quơ một vòng tròn chu vi, đi được cỡ 5, 6 thước thì khiêng không nổi. Khách tới, chủ nhà bước xuống chân cầu thang mé sông, quơ đại vài cái, năm bảy ký sò huyết con bự chảng đã sẵn sàng. Ngày sau, có khách tới, cũng chỗ cầu thang ấy, cũng năm bảy ký y chang. Mùa ba khía hội, dân Viên An xưa đâu cực nhọc bắt từng con. Chọn một khoảng đất, dùng lưới ven lại thành miệng hom, cứ thế mà lùa. Ba khía nhiều quá, đầy xuồng, người ta phải gạt bớt lại kẻo chìm xuồng.
Ông Tám Ðoàn hoạt động trong tổ Ðảng thời kháng Pháp, sau đó công tác tuyên huấn ở huyện thời chống Mỹ, sau giải phóng ông về làm phó chủ tịch UBND xã Viên An, giám đốc làng cá, rồi về huyện ông là Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Ngọc Hiển cho đến lúc về hưu. Là dân cố thổ của Viên An, lại kinh qua nhiều vị trí công tác, lãnh đạo, thế nên câu chuyện của ông vừa có cái bình dị, tin cậy nhưng cũng đầy minh triết về các chặng đường phát triển của Viên An.
Viên An xưa chỉ có làng Cái Xép là xôm tụ. Nhưng vị trí ở doi Ông Trang nằm giữa các ngã sông, nước Cửa Lớn đổ về, một phía rẽ nhánh xuống Ðất Mũi, một phía đổ ra cửa Ông Trang là nơi có vị thế đắc địa để quần tụ cư dân, phát triển sản xuất, buôn bán. Chợ Ông Trang hình thành lâu đời, qua nhiều dâu bể. Cũng như các chợ nằm ở ngã sông khác của Cà Mau như Chà Là, Cái Keo, Bà Hính phía Ðầm Dơi, Cả Nẩy (Năm Căn), Tân Hưng (Cái Nước)…, chợ Ông Trang thời kháng Pháp vừa là chợ dân sinh, vừa là đầu mối thông tin liên lạc cho cách mạng.
Thời kháng Mỹ, độ thập niên 1960, dân Viên An còn bắc được cây cầu nối sông hoàn toàn bằng đước nhưng được thiết kế có nhịp, có lan can tay vịn được kỳ công đục đẽo, vững chắc. Tuy nhiên, cây cầu không thể trụ vững trước âm mưu, thủ đoạn thâm độc và đạn pháo của kẻ thù. Ðến khoảng năm 1970, doi Ông Trang chỉ còn lại đồn giặc. Người Viên An đã vào các làng rừng, kề vai sát cánh với cách mạng. Dân Viên An khát cất nước mặn để lấy nước ngọt; đói lòng, người dân bẻ trái mắm để nấu ăn thay cơm, son sắt một lòng với Ðảng, với Bác Hồ.
Cũng từ những vạt rừng đước, Ðền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu tiên của tỉnh Cà Mau được xây cất nên từ tấm lòng, từ sự tiếc thương vô hạn của Nhân dân Viên An với Bác. Sự kiện này được ông Tạ Văn Ứng - người trực tiếp lãnh đạo việc xây đền (đã tạ thế cách đây mấy năm), trong dịp chúng tôi về tìm thêm tư liệu trước đây thuật lại: “Khi nghe tin Bác qua đời, dân Viên An không ai không rớt nước mắt. Dù không có chủ trương của trên, nhưng với sự chủ trì của những người cao tuổi ở Viên An, bà con đồng lòng xây Ðền thờ Bác”. Giữa rừng già, dân Viên An huy động thợ mộc, chăm lo hậu cần, làm cật lực mấy tháng trời, ảnh Bác được bí mật chuyển về. Ngày 30/9/1969, Ðền thờ Bác được khánh thành tại ngã năm Ông Bộng, ấp Ông Trang. Trên nóc lợp thiếc sơn xanh, trong đền trang trí rất đẹp. Gian thờ nghiêm cẩn lộng 2 câu liễn đối: “Chí khí trang sơn hà, cứu quốc anh hùng duy hữu nhất/Minh tinh quang vũ trụ, Á, Âu hào kiệt thị vô song”.
Ðến ngày toàn thắng, dân Viên An lại cùng nhau rước Bác về thị xã Cà Mau báo công. Người dân nơi đây gom ghe đi biển, kết bè thuỷ lục, trang trọng thỉnh ảnh Bác và cùng đoàn quân chiến thắng tiến thẳng ra thị xã Cà Mau dự lễ mít-tinh chào mừng hoà bình độc lập đầu tiên vào ngày 15/5/1975. Nơi đoàn rước Bác đi qua, vang vọng khắp rừng đước, nhánh sông và cả thị xã Cà Mau rực rỡ cờ hoa là lời bài ca “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”…
Cô trò Trường Tiểu học 1 Viên An về nguồn, ôn lại lịch sử hình thành đền thờ Bác Hồ đầu tiên của tỉnh Cà Mau. |
Về Viên An, chúng tôi đi trên cây cầu bê-tông vững chãi nối đôi bờ vui vừa mới khánh thành. Theo lời của những bậc cao niên, cây cầu hiện nay cũng gần với vị trí cây cầu đước ngày xưa. Từ Ðền thờ Bác dựng ở đầu doi Ông Trang phóng tầm mắt nhìn đước rừng, trời nước mênh mang, phía bên kia là chợ Viên An đang vươn vai khoẻ khoắn, lòng bồi hồi bao cảm xúc.
Về với Viên An là về với đất cội, nước nguồn. Từ phía đất này, mạch sống muôn đời của quê hương, xứ sở đơm hoa, kết trái./.
Phạm Quốc Rin