ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 18-7-25 06:57:58
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Vinh quang bất tử

Báo Cà Mau Mỗi câu chuyện từ những nhân chứng đi ra từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đều là những trang sử sống quý giá, sinh động, mà may mắn thay, hậu thế chúng tôi, những người không biết đến bom đạn chiến tranh còn có thể nghiêng mình chiêm ngưỡng.

Về Tân Hưng (xã Tân Hưng, huyện Cái Nước), địa danh có từ thời mở đất, lập làng của tiền nhân tại Cà Mau, không khí thanh bình, diện mạo trù phú bừng khắp quê hương. Thật khó để mường tượng ra, nơi đây suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân, đế quốc là địa bàn chiến tranh khốc liệt, đồn bót dày đặc, mất mát, đau thương không sao kể siết.

Năm nào cũng vậy, đúng dịp 30/4, những Bộ đội Cụ Hồ năm xưa lại hẹn nhau tề tựu về Bia ghi danh liệt sĩ xã Tân Hưng để nhớ về những đồng chí, đồng đội đã hy sinh vì nghĩa lớn.

Hồi ức về chiến tranh, về đồng chí, đồng đội đã nằm xuống mãi mãi được những người còn lại nhắc nhớ, vinh danh.

Bàn tay run run lần dò theo từng dòng tên, cựu chiến binh Bùi Văn Phận (bí danh Ba Phương, ngụ ấp Tân Hoà, xã Tân Hưng), nay đã ngoài 80 tuổi, bồi hồi: “Lứa đi bộ đội cùng lượt với tôi, giờ chỉ còn vài người. Hy sinh nhiều lắm, nhưng một người ngã xuống thì nhiều, rất nhiều người khác xông lên, bởi lúc bấy giờ, chỉ có lòng yêu nước, căm thù giặc, quyết tâm giải phóng quê hương, đất nước là thôi thúc thiêng liêng hơn hết thảy”.

Với ông Ba Phương, những ký ức về chiến tranh còn mới nguyên như vừa diễn ra hôm qua, hôm kia. Ðó là thời khắc mà ông cùng đồng chí, đồng đội hừng hực khí thế tiến về giải phóng và tiếp quản thị xã Cà Mau.

Bập điếu thuốc rê bự chảng, khói bay cay xè mắt, ông Ba Phương trầm ngâm: “Mình giải phóng Cà Mau gọn ơ, giặc tan rã, đầu hàng hết. Sau này biết thêm, toàn miền Nam giải phóng mà tốn rất ít súng đạn, nghĩa là không có thêm đổ máu, hy sinh. Cái này là cái tài tình, sáng suốt nhất của Ðảng, của cách mạng, càng làm cho ngày chiến thắng thêm trọn vẹn”.

Chỉ huy trực tiếp của ông Ba Phương thời điểm giải phóng Cà Mau là ông Lưu Tấn Tài (bí danh Ba Hiền, ngụ ấp Cái Giếng, xã Tân Hưng), khi ấy là Chính trị viên Tiểu đoàn 1 Ðịa phương quân Cái Nước, hồi nhớ: “Ðơn vị tôi phụ trách hướng Nam Cà Mau, mục tiêu chính là Hải quân của địch. Ðêm 30/4, lực lượng cơ động hành quân về kinh Rạch Rập nhắm hướng kẻ thù chờ giờ G. Rồi đơn vị nhận được lệnh trên: “Không nổ súng, ém quân, chờ tiếp quản mục tiêu”, lúc này anh em trong lòng khấp khởi quá chừng. Hình như ai cũng cảm thấy được giây phút chiến thắng đã cận kề rồi”.

Ông Lưu Tấn Tài, bí danh Ba Hiền bồi hồi: "Chúng tôi may mắn còn được sống. Mãi mãi nhớ về những đồng chí, đồng đội đã hi sinh, chưa hưởng trọn vẹn độc lập, hoà bình, thống nhất".

Theo lời kể của ông Ba Hiền, hơn 5 giờ sáng, ông được phân công cùng một đồng chí bảo vệ tiến vào sào huyệt Hải quân địch ở Cà Mau. Tên thiếu tá chỉ huy hải quân đã đào tẩu, còn tên đại uý cấp phó khúm núm mời ông ngồi vào bàn, mời ly cà phê, ông khẳng khái: “Bộ đội chúng tôi không quen dùng thứ này, cảm ơn ông”. Lúc này dù mới tờ mờ sáng, trời mát mẻ nhưng tên đại uý của địch mồ hôi chảy lòng ròng. Quân địch rệu rã nhốn nháo, hàng ngũ lộn xộn, súng đạn chất ngổn ngang. Ðến hơn 6 giờ sáng, ta tiếp quản hoàn toàn mục tiêu, ông Ba Hiền phân công, cắt cử lực lượng vào tiếp quản, giải tán binh lính địch cho về gia đình và trình diện sau 3 ngày.

“Giải phóng Cà Mau rồi. Tin chiến thắng toàn miền Nam bay về. Ðất nước hoàn toàn thống nhất. Tôi sững người, nước mắt rơi lã chã. Hồi chiến đấu, tôi và đồng đội ao ước, ngày hoà bình nếu may mắn còn sống, cùng đi trên con đường trải nhựa ở thị xã Cà Mau thì còn hạnh phúc nào bằng. Nay đã là sự thật rồi. Tôi không thể tả cảm xúc lúc đó, chỉ thấy nhớ tiếc khôn nguôi những đồng chí, đồng đội đã nằm xuống trước ngưỡng cửa hoà bình, thống nhất”, ông Ba Hiền trải lòng mình.

Ðộc lập, hoà bình, thống nhất của dân tộc được góp nên từ biết bao hy sinh, mất mát. (Trong ảnh: Những cựu chiến binh xã Tân Hưng lần dò từng dòng tên liệt sĩ là đồng chí, đồng đội đã hy sinh).

Những người đi trong đoàn quân chiến thắng vẫn nhớ như in về tâm thế của bà con thị xã Cà Mau khi quân giải phóng tiến vào: “Bà con nhà nào cũng he hé cửa, ngó coi bộ đội mình ra sao. Giải phóng rồi thì bà con ùa ra chúc mừng, thăm hỏi, tiếp tế đủ thứ lương thực, thực phẩm, rồi thì cờ nước, ảnh Bác Hồ trương lên rực rỡ, ngập tràn khắp thị xã. Lòng người phấn chấn, rộn rã, vui mừng dâng lên như sóng trào, gió cuộn”.

Những dòng chính sử ít nhắc đến, nhưng một chi tiết mà ông Ba Hiền kể cho thấy sự ngoan cố, giãy giụa của tàn quân giặc tại Cà Mau: “Ngày 2/5, nhận tin quân địch ở Bình Hưng chưa buông súng, đơn vị hành quân bằng đường thuỷ về giải phóng mục tiêu. Thế nhưng, khi đến nơi, giặc đã buông súng đầu hàng rồi, chúng tôi tiếp quản, sau khoảng một tuần thì rút lực lượng về tập hợp ở Cái Nước”.

Hoà bình, thống nhất chưa lâu, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam nổ ra. Những người con Tân Hưng nói riêng và Cà Mau nói chung lại hăng hái lên đường bảo vệ thành quả cách mạng, tiêu diệt bè lũ khát máu diệt chủng Pôn Pốt. “Lại mất mát, lại hy sinh, nhưng không có gì ngăn cản được chiến thắng chính nghĩa của cách mạng Việt Nam. Thế nhưng, nhiều đồng chí, đồng đội đã ngã xuống mà chưa được hưởng đủ đầy, trọn vẹn thành quả của độc lập, hoà bình, thống nhất. Ðó là điều nuối tiếc, là nỗi day dứt khôn nguôi của những người may mắn còn được sống như chúng tôi”, ông Ba Hiền tâm sự.

Những cựu chiến binh xã Tân Hưng tề tựu về Bia ghi danh Liệt sĩ của địa phương để tri ân, tưởng nhớ công lao của đồng chí, đồng đội đã hy sinh; giáo dục truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương cho thế hệ trẻ.

Ðất và người Cà Mau cùng nghiêng mình để vinh danh những người đã xả thân vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, hoà bình, thống nhất cho dân tộc. Anh linh, ký thác của tiền nhân mãi mãi bất tử trong chặng đường đi tới vinh quang của Tổ quốc Việt Nam. Mang tâm thế của người thuật lại, kể lại, cho lòng mình đồng vọng với lịch sử oai hùng của thế hệ cha anh trên mảnh đất Cà Mau, chúng tôi - thế hệ tiếp nối càng hiểu nhiều, càng thêm yêu, thêm tự hào về quê hương, đất nước./.

 

Ghi chép của Hải Nguyên - Hữu Nghĩa

 

Đại lễ 30/4 - Đất nước trọn niềm vui

​Chúng ta đang cùng nhau sống lại những giờ phút lịch sử trọng đại, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Mốc son chói lọi này đang được khắc sâu trong tim mỗi người con đất Việt, và niềm xúc động ấy lan tỏa diệu kỳ trên mọi miền Tổ quốc, đặc biệt rực cháy tại TP. Hồ Chí Minh - thành phố vinh dự và tự hào được mang tên vị lãnh tụ kính yêu.

Huyện Vĩnh Lợi: Sôi nổi chuỗi hoạt động chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và Ngày Quốc tế Lao động (1/5), huyện Vĩnh Lợi đã tổ chức Giải đua xuồng ba lá năm 2025 trong không khí phấn khởi, sôi nổi và đậm đà bản sắc văn hóa Nam Bộ.

Viết tiếp truyền thống vùng đất anh hùng - vững bước hội nhập và phát triển cùng đất nước

Cách đây 50 năm, ngày 30/4/975, Bạc Liêu giành lại chính quyền, góp phần cùng quân và dân cả nước hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, đem lại hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất đất nước và hạnh phúc cho Nhân dân.

Bạc Liêu 50 năm: Từ chiến trường đến những công trình thế kỷ

Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày non sông thu về một mối - hành trình 50 năm là một bản hùng ca về ý chí kiên cường, sức sáng tạo và khát vọng vươn lên của Bạc Liêu khi đã biến những vùng đất từng nhuốm màu khói lửa thành những công trình, dự án mang tầm vóc thế kỷ, làm thay đổi diện mạo quê hương một cách ngoạn mục.

Sức sống mới ở những vùng căn cứ cách mạng

​Bạc Liêu có nhiều vùng đất từng là chiến trường ác liệt, oằn mình dưới mưa bom bão đạn, nhưng sau 50 năm thống nhất đất nước đã trở thành những địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Cuộc sống người dân nơi đây ngày càng ấm no, hạnh phúc, giữ vững truyền thống cách mạng và hướng tới phát triển bền vững.

Thế hệ sinh năm 1975: Trưởng thành cùng quê hương Bạc Liêu

Những ngày này, cả nước đang hân hoan hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Trong dòng chảy lịch sử đặc biệt ấy, có một thế hệ được sinh ra đúng vào thời khắc thiêng liêng của dân tộc.

Đại thắng mùa Xuân 1975: Minh chứng thuyết phục về sức mạnh đoàn kết dân tộc

​Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc ta.

50 năm - Bạc Liêu chuyển mình theo sự phát triển của đất nước

​(Phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều tại họp mặt kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp chặt chẽ các mặt đấu tranh giải phóng tỉnh Bạc Liêu (30/4/1975) không đổ máu

​Đại thắng mùa Xuân năm 1975 ở tỉnh Bạc Liêu là kết quả của quá trình lãnh đạo của Đảng bộ trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác đại đoàn kết dân tộc một cách tài tình và xuất sắc, phối hợp chặt chẽ lực lượng tôn giáo, dân tộc và cách mạng trong các ngày của tháng Tư lịch sử để Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu giành lại chính quyền từ tay chính quyền Sài Gòn sớm hơn các tỉnh trong đồng bằng sông Cửu Long và không đổ thêm máu.

Những thắng lợi tạo đà cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 30/4/1975 góp phần kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta; đánh dấu bước phát triển tới đỉnh cao của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam, trong đó, nghệ thuật tạo sức mạnh về lực lượng và thế trận là những nét đặc sắc tiêu biểu.