(CMO) Trải qua 40 năm phát triển, ngành giáo dục huyện Ðầm Dơi vững bước khẳng định “thương hiệu”, trở thành điểm sáng của ngành giáo dục và đào tạo (GD&ÐT) Cà Mau trong việc giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao.
“Trong suốt hành trình không ngừng gieo mầm tri thức, chắp cánh ước mơ với bao lớp học trò trưởng thành luôn có sự quan tâm, động viên kịp thời của Ðảng bộ và chính quyền, cùng sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và sự hiếu học của những người con quê hương anh hùng”, ông Võ Lợi, Trưởng phòng GD&ÐT huyện Ðầm Dơi, khẳng định đầy tự hào.
Diện mạo tươi mới
Là người gắn bó gần 40 năm với ngành giáo dục huyện, ông Võ Lợi tâm đắc: “Sự chuyển biến rõ nét nhất của ngành là từ hơn 10 năm trở lại đây. Ðơn cử như việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, mãi đến năm 2004 Ðầm Dơi mới công nhận được 1 trường, đến năm 2008 công nhận được thêm 2 trường. Nhưng kể từ năm 2011, nhất là từ năm 2014 cho đến nay liên tiếp công nhận nhiều trường trên địa bàn huyện đạt chuẩn quốc gia”. Hiện toàn huyện có 44/64 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 68,75%, trong đó có Trường Mầm non thị trấn Ðầm Dơi đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Ðặc biệt, sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XI và Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ÐT, cùng với ngành GD&ÐT tỉnh nhà, GD&ÐT huyện Ðầm Dơi đã đạt được những kết quả quan trọng: hệ thống trường lớp và quy mô giáo dục phát triển nhanh, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của Nhân dân (toàn huyện có 65 trường, trong đó có 64 trường công lập, 1 trường tư thục). Công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục có nhiều tiến bộ, nhất là đối với người dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách và người có hoàn cảnh khó khăn; bình đẳng giới được bảo đảm.
Tiết thực hành thí nghiệm hoá học của cô trò Trường THCS Dương Thị Cẩm Vân.
Ðiểm nhấn nổi bật của ngành còn là chất lượng giáo GD&ÐT được nâng lên, công tác phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non cho trẻ 5 tuổi, PCGD tiểu học đúng độ tuổi, chống mù chữ; PCGD THCS được duy trì tỷ lệ đạt chuẩn theo hàng năm. Mạng lưới trường lớp đã được phân bố hợp lý, trường học được quan tâm đầu tư ngày càng khang trang, hiện đại. Công tác phát triển đội ngũ được đặc biệt chú trọng củng cố và đổi mới, toàn huyện có hơn 1.600 quản lý, giáo viên, nhân viên, có 92,6% đạt trình độ chuẩn (trên chuẩn 14,3%), có 2 giáo viên được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; trong số giáo viên đứng lớp giảng dạy phần lớn có tay nghề khá, giỏi, đội ngũ này luôn tâm huyết với nghề nghiệp, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu đổi mới sự nghiệp GD&ÐT huyện nhà.
Phong trào khuyến học, khuyến tài đã phát triển một cách tích cực ở tất cả các xã, thị trấn và đã lan toả đến khóm ấp, trường học, nhiều năm liền đạt kết quả quan trọng trong việc vận động xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học. Hiện nay, nhiều gia đình, nhiều dòng họ đã khắc phục khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi chăm lo cho con em học tập thành tài, đóng góp xây dựng quê hương, đất nước.
Ðối với ông Võ Lợi, không tự hào sao được về thành tựu phát triển của ngành giáo dục huyện nhà khi chính bản thân ông là giáo viên một thời điều kiện kinh tế - xã hội địa phương còn lắm khó khăn, từng dạy trong ngôi trường cây lá tạm bợ, dạy theo ca, ghép lớp. Ðó là thời điểm “món gì cũng thiếu”, từ mạng lưới trường lớp, đến trang thiết bị, kể cả đường sá đi lại cách trở, đời sống giáo viên chật vật… Có lúc, trên địa bàn huyện có đến 170-180 điểm lẻ (cả 3 cấp: mầm non, tiểu học và THCS), đến nay chỉ còn 98 điểm lẻ (THCS không còn điểm lẻ). Nhìn lại để thấy sự nỗ lực rất lớn của ngành trong việc rà soát, sắp xếp mạng lưới trường và nhiều thế hệ giáo viên, học sinh đã vững vàng vượt qua gian khó, bám trường, bám lớp để dạy tốt, học tốt, gặt hái quả ngọt ngày nay.
Cũng chính sự nỗ lực ấy, qua 40 năm, ngành giáo dục huyện đã khoác lên mình một diện mạo tươi mới, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Ðơn cử, năm học 2021-2022, một năm học đầy khó khăn, thử thách khi giáo viên, học sinh chỉ được nghe tiếng trống khai trường bằng hình thức trực tuyến bởi đại dịch Covid-19 đang trong thời điểm diễn biến phức tạp nhất. Thế nhưng, bằng tinh thần, quyết tâm, thầy cô giáo và các em học sinh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy và học, được các cấp ghi nhận và khen thưởng. Về cá nhân, UBND huyện công nhận 154 danh hiệu Lao động tiên tiến; 249 danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; 169 bằng khen Chủ tịch UBND tỉnh; 5 danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Về tập thể: công nhận 61 tập thể đạt danh hiệu Lao động tiên tiến; 20 tập thể lao động tiên tiến xuất sắc; 13 bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; 3 cờ thi đua. Nhiều năm liền Phòng GD&ÐT huyện Ðầm Dơi được Sở GD&ÐT Cà Mau khen hoàn thành xuất sắc trong các lĩnh vực công tác.
“Nhờ sự đổi mới mạnh mẽ trong công tác giảng dạy mà chất lượng giáo dục được nâng cao, nhiều giáo viên đoạt giải cao tại hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Các em học sinh đoạt nhiều giải thưởng tại các kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Huyện Ðầm Dơi tự hào là một trong những đơn vị trong tốp dẫn đầu chất lượng giáo dục của tỉnh và được tỉnh đánh giá cao”, ông Võ Lợi phấn khởi.
Học sinh thích thú được nghe cô giáo kể chuyện tại Thư viện thân thiện của Trường Tiểu học Phan Ngọc Hiển.
Vững tin tiến bước
Từ ngôi trường thiếu thốn cơ sở vật chất, hàng chục năm phải học nhờ, năm 2015 Trường Tiểu học thị trấn Ðầm Dơi chia tách thành 2 trường, là Trường Tiểu học Ngô Bình An và Trường Tiểu học Phan Ngọc Hiển (cùng toạ lạc tại thị trấn Ðầm Dơi), đến nay cả 2 điểm trường đều được đầu tư khang trang, hiện đại, chất lượng dạy và học nâng lên hàng năm. Riêng Trường Tiểu học Phan Ngọc Hiển đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và thực hiện dạy bán trú.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Ngọc Hiển, cô Nguyễn Thị Ngọc Tươi chia sẻ: “Ðể xứng danh ngôi trường mang tên Anh hùng - Thầy giáo Phan Ngọc Hiển, những năm qua, tập thể sư phạm nhà trường cố gắng nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ, nhận được sự đồng thuận, niềm tin yêu của phụ huynh, học sinh”. Thời gian tới, nhà trường tiếp tục duy trì phát huy thành tích đạt được, vững tin với quyết tâm cao đạt chất lượng và tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Trong niềm vui, phấn khởi khi nhà trường ngày càng được quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng, thầy Tạ Thanh Bự, Hiệu trưởng Trường THCS Dương Thị Cẩm Vân, tâm tình, trường là một trong những cái nôi đào tạo, lá cờ đầu về chất lượng giáo dục của huyện nhà. Trong suốt chặng đường dài hình thành và phát triển, mặc dù đối mặt nhiều gian khó nhưng nhà trường luôn đoàn kết, nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ giáo dục, cùng với sự hỗ trợ, ủng hộ của các cấp, các ngành, của toàn xã hội đã tạo nên diện mạo mới hôm nay. “Tập thể sư phạm quyết tâm nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt chương trình GDPT 2018 và sẽ không ngừng rèn luyện, tự học, vận dụng những kiến thức phục vụ tốt trong quá trình giảng dạy, góp phần tạo nên sức bật mới cho ngành giáo dục huyện nhà”, thầy Tạ Thanh Bự khẳng định.
40 năm qua, ngành giáo dục huyện đã và đang khẳng định vai trò ươm mầm tri thức, đóng góp tích cực vào sự phát triển của huyện trong công cuộc đổi mới - phấn khởi với thành tựu này, song ông Võ Lợi vẫn trăn trở khi ngành vẫn còn một số hạn chế, khó khăn cần khắc phục, như thiếu giáo viên môn Tin học ở cấp tiểu học; thiếu phòng học dạy 2 buổi/ngày; trang thiết bị dạy và học, phòng học bộ môn, phòng thực hành thí nghiệm phục vụ cho chương trình GDPT một số trường chưa đảm bảo; thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục vẫn còn lúng túng…
Tiết học thực hành bộ môn Tin học của học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Phan Ngọc Hiển (thị trấn Ðầm Dơi, huyện Ðầm Dơi).
“40 năm ngành giáo dục với nhiều bước tiến, song, đời sống giáo viên hiện vẫn gặp nhiều khó khăn. Mong rằng, thời gian tới sẽ có chính sách cải thiện điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ, tạo động lực cho giáo viên cống hiến và gắn bó với nghề, chú trọng chính sách thu hút nguồn nhân lực, người tài, người giỏi về công tác trong ngành. Dù vậy, tôi kỳ vọng thế hệ nhà giáo tiếp nối với lòng nhiệt huyết, tình yêu nghề sẽ vượt lên mọi khó khăn để cống hiến cho sự nghiệp trồng người, góp phần xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp, văn minh”, ông Võ Lợi gửi gắm kỳ vọng./.
Băng Thanh