ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 02:31:50
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Vùng đất nặng ân tình

Báo Cà Mau (CMO) Gần tới ngày kỷ niệm 68 năm thành lập lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) chú Năm Tặng (Phan Hữu Tặng, Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Trần Văn Thời), gọi đề nghị: “Con có thể cùng mấy chú về Khánh Lộc một chuyến không? Chú và các chú trong Hội Cựu TNXP huyện và xã Khánh Lộc dự định thăm lại vùng căn cứ và những gia đình ngày xưa đã hết lòng đùm bọc, chở che cho lực lượng TNXP”.

Cơn mưa lớn đêm trước vừa dứt, trời buổi sáng còn âm u, mấy chú cháu đèo nhau trên con đường ẩm ướt, trơn trượt, hai bên rêu bám, qua nhiều cây cầu cao ngất về ấp Rạch Ruộng C, xã Khánh Lộc. Vừa đi, chú Ba Hùm (Phan Văn Hùm, Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Khánh Lộc) vừa giải thích: “Thật ra thì Đại đội TNXP đầu tiên của tỉnh là Nguyễn Việt Khái 1 được thành lập tại ấp Cái Rắn, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, nhưng thành lập xong là hành quân ngay lên tuyến đường 1C. Các đơn vị còn lại sau này hầu hết ra đời ở Khánh Lộc (ngày xưa là Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời), đóng quân, huấn luyện ở đây trong suốt thời gian dài từ năm 1968 đến gần cuối năm 1970 mới rời khỏi. Trong thời gian này, lực lượng TNXP cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân và được bà con hết lòng chở che, đùm bọc, yêu thương. Có thể nói, vùng đất này rất nặng ân tình với TNXP”.  

Ngôi nhà đầu tiên chúng tôi ghé thăm là gia đình ông Trần Văn Do, ấp Rạch Ruộng C (trong kháng chiến chỉ có 1 ấp Rạch Ruộng, nay chia thành 3 ấp: Rạch Ruộng A, B và C - PV).

Chú Ba Hùm kể lại: “Nhà ông Do khá rộng so với các hộ khác trong ấp. Ông Do và các con hết lòng chăm lo cho TNXP, coi các chú như con cháu trong gia đình. Nhà có mấy chục công ruộng, ao rau muống và rất nhiều cá, anh em cứ tự do ăn, muốn bắt bao nhiêu cũng được”. Ông Do đã qua đời, căn nhà cũ giờ đã được xây dựng thành nhà tường khang trang bên dòng kinh Cây Ổi, nhưng dấu ấn đặc biệt về nơi này hầu hết lực lượng cựu TNXP đều nhắc nhớ, đó chính là một trong nhiều nơi diễn ra lễ tang Bác Hồ năm 1969. 

 

Chú Tư Đạo (Ngô Quang Nhơn, hiện là Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP TP. Cà Mau), lúc đó với vai trò Tỉnh đoàn uỷ viên, phụ trách TNXP Cà Mau, là người được giao nhiệm vụ tổ chức buổi lễ tang hôm đó, ngậm ngùi kể lại: “Buổi tang lễ diễn ra chỉ khoảng nửa giờ nhưng đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng chúng tôi. Hôm đó trời mưa như trút nước, bà con nhân dân và lực lượng TNXP gần 100 người không vào nhà mà đứng bên ngoài làm lễ. Bài điếu văn được chính tôi viết bằng cảm xúc thật sự, kể về công lao của Bác và sự mất mát to lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân khi Người không còn nữa, đã làm cho mọi người không cầm được nước mắt”.

Sau tang lễ Bác Hồ, Đại đội Quyết Thắng 3 nhanh chóng được thành lập, lấy Đại đội Quyết Thắng 2 làm nòng cốt và tiếp tục đưa lên chiến trường 1C vận chuyển vũ khí. Chú Tư Đạo nhớ lại: “Bác Hồ mất đi là tổn thất lớn đối với Đảng và cả dân tộc. Quán triệt tinh thần chỉ đạo biến đau thương thành hành động, lực lượng TNXP như có thêm động lực hăng hái xung phong lên tuyến đường 1C với tinh thần quyết tâm rất cao. Hoạt động có chất lượng, 3 đại đội (Quyết Thắng 1, 2 và 3) đã chuyển hàng trăm tấn vũ khí về giao cho quân khu, cho công an vũ trang của khu, rồi đưa về tỉnh Cà Mau phục vụ chiến đấu. Vừa vận chuyển, TNXP còn phối hợp với bộ đội cùng đánh địch”.

Đi hết con kinh Cây Ổi, chúng tôi đến ấp Trảng Cò, thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Mai Thị Điểu. Căn nhà tình nghĩa nằm bên bờ kinh Trảng Cò hôm nay 50 năm trước là ngôi nhà ba gian, có gác mái rộng mênh mông và là nơi thường xuyên nuôi chứa trên dưới 20 TNXP.

Mẹ Điểu là người phụ nữ nhân hậu, một lòng phục vụ cách mạng. Một mình mẹ làm ruộng, nuôi heo, nuôi cá, gà, vịt, tất cả nguồn thu đều dành cho TNXP. Mẹ chỉ có một người con trai duy nhất, anh Trần Thanh Tùng tham gia cách mạng và hy sinh tại ấp Đất Cháy, xã Phong Lạc năm 21 tuổi. Chồng của mẹ, ông Trần Văn Duyên, là bộ đội tập kết cũng hy sinh năm 1968, không tìm được hài cốt. Giờ đây, ở tuổi xế chiều, mẹ sống cô đơn trong căn nhà rộng, nhờ sự chăm sóc của đứa cháu gọi bằng bà dì. Nhớ chồng, thương con, nhưng mẹ luôn tự hào vì chồng, con mẹ đã hy sinh vì Tổ quốc, gia đình mẹ đã tận trung với cách mạng.

Mẹ Việt Nam anh hùng Mai Thị Điểu bên di ảnh con trai duy nhất hy sinh trong kháng chiến.

Chú Tư Đạo là một trong những cán bộ TNXP đóng quân thời gian dài trong gia đình mẹ Điểu. Vô cùng trân quý tấm lòng người phụ nữ này, chú kể lại: “Địa hình khu vực Trảng Cò rất tốt, là vùng giải phóng sâu, có điều kiện bảo vệ được lực lượng, vì vậy, cả tiểu ban TNXP dời về đó đóng quân hết, sống chủ yếu ở nhà chị Năm Điểu và một số nhà bà con lân cận. Nhà chị Năm coi như nhà của TNXP, họp hành, liên lạc, tập hợp, huấn luyện gì cũng diễn ra ở đó. Đất rộng, huê lợi nhiều, chiều chiều mấy anh em lấy năm, bảy tay lưới giăng là sáng ra cá ăn không hết. Chị Năm luôn hết mình với TNXP, làm lúa được bao nhiêu nuôi TNXP hết. Cả bà con khu vực đó cũng như chị Năm vậy, hết lòng thương yêu, đùm bọc TNXP. Ngược lại, anh em TNXP ngoài thời gian huấn luyện cũng tham gia công việc nhà cửa, đồng áng cùng với bà con”.

Chú Hồng Minh Chính, hiện là Chánh Văn phòng Hội Cựu TNXP tỉnh Cà Mau, cũng có thời gian dài bám trụ tại nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Mai Thị Điểu. Nhiệm vụ của ông lúc đó là huấn luyện, bổ sung các lực lượng cho C112, cho Trung ương Cục. Chú bùi ngùi nhớ: “Không thể một từ diễn tả hết được tình cảm gắn bó thân thiết của bà con nhân dân Trảng Cò nói riêng, Khánh Lộc (Trần Hợi) nói chung đối với TNXP. Đó còn là cái tình đối với quê hương, với cách mạng. Có những lúc lực lượng đóng quân đông đúc, tuổi trẻ mà, quậy tưng bừng, vậy mà bà con không phiền hà, trái lại còn rất vui vẻ. Những lúc anh em được lệnh hành quân, nhiều cô bác xuống bến đưa tiễn, khóc ròng vì biết rằng khi ra đi khó có dịp quay trở lại”.

Người dân Trảng Cò còn thương TNXP vì trong lực lượng này có những cô gái tuổi mới 14, 15, tâm tính còn rất ngây thơ, non nớt. Chú Chính kể một chuyện vui: Có lần đơn vị huấn luyện phản ứng nhanh. Khi đang ngủ, nghe còi báo động, thay vì ôm ba lô hành lý chạy, thì có cô gái ôm gối mà chạy. Đến nơi tập hợp lực lượng, chỉ huy kiểm tra lại mới phát hiện, dở khóc dở cười.

Chú Chính cho biết, sau hoà bình, nhiều lần ông về thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Mai Thị Điểu và bà con kinh Trảng Cò. Lần nào gặp lại, mẹ cũng xúc động nghẹn ngào. Bà con xung quanh hay tin kéo đến hỏi han không ngớt.

Mỗi năm về lại mái nhà xưa, ông đều vui mừng chứng kiến sự thay da đổi thịt của vùng đất này. Nhiều căn nhà tường khang trang mọc lên hai bên bờ kinh Cây Ổi, kinh Trảng Cò, dòng kinh đã được nạo vét rộng và sâu, vỏ máy ngược xuôi. Xã anh hùng Khánh Lộc giờ đã là xã nông thôn mới.

Chú Ba Hùm làm một phép so sánh: “Trong kháng chiến, khu vực này không có tới 15% nhà cột kê, đa phần là cột cặm. Đời sống bà con nghèo lắm. Làm lúa vất vả mà một công có mười mấy giạ. Nhà ông Năm Do còn có lúc gạo không đủ ăn. Vậy chớ khi có phong trào vận động lạc quyên cho kháng chiến là luôn sẵn sàng”.

Ông Hồ Văn Hùng, con trai ông Hồ Văn Cửng, cũng là một gia đình nuôi chứa lực lượng TNXP, đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo đại đội, cho biết: “Cha mẹ tôi là dân Bến Tre về vùng đất này lập nghiệp và xem đây là quê hương thứ hai của mình. Nhà tôi rộng nên được chọn làm điểm họp hội của TNXP. Anh em tôi lớn lên đi bộ đội, cha mẹ tôi ở nhà vừa làm ruộng, vừa phục vụ kháng chiến, đặc biệt là đùm bọc, chở che cho lực lượng TNXP. Gia đình làm lúa cũng chỉ đủ ăn thôi, nhưng khi cách mạng lạc quyên, cha tôi sẵn sàng ủng hộ 200 giạ. Số lúa đó gia đình phải làm lụng vất vả 2 năm mới có”.

Chú Ba Hùm khẳng định: “Cuộc sống người dân Khánh Lộc hôm nay có thể gấp 10 lần thời điểm đó”.

Phó chủ tịch UBND xã Khánh Lộc Đinh Tấn Lạc thông tin: “Năm 2011, Khánh Lộc được chọn chỉ đạo điểm xây dựng xã nông thôn mới của huyện. Đến cuối năm 2016, Khánh Lộc vinh dự được công nhận danh hiệu này. Đó là nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Toàn xã có 9 ấp, ấp nào cũng có lực lượng TNXP (cả xã có 40 TNXP, riêng ấp Rạch Ruộng A 26 TNXP - PV). Các cô chú là những tấm gương sáng về tinh thần tiên phong, gương mẫu trong các phong trào ở địa phương, cho bà con noi theo”.

Rời Khánh Lộc khi cơn mưa chiều vẫn còn rả rích, gió thổi lạnh từng cơn len vào da thịt, nhưng trong lòng tôi nghe ấm áp lạ. Cảm giác ấm áp ấy lan toả từ một vùng đất với những con người nhân hậu, thuỷ chung./.

Thuỳ Trâm

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.

Hành trình của khát vọng và hành động

HÐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương bằng việc ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài cuối: Nhìn từ thực tế

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Thắng giặc nghèo” không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.