(CMO) Mùa khô chưa qua, hàng chục ngàn hộ dân trên địa bàn tỉnh chưa chủ động được nguồn nước sinh hoạt. Những hộ thiếu nước hợp vệ sinh đa phần không sống tập trung mà rải rác ở những vùng xa xôi, hẻo lánh. Để các công trình cấp nước tập trung dẫn tới được những hộ này, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Vì vậy, giải pháp trước mắt là người dân chuẩn bị các dụng cụ chứa nước, đợi những cơn mưa đầu mùa để có nước sinh hoạt.
Năm nay, nhiều khu vực ở vùng ngọt hoá như U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình vẫn đang thiếu nước ngọt, nhất là vào cao điểm mùa khô.
Mỏi mòn chờ nước sạch
Hơn 2 tháng qua, hơn 1.000 hộ dân vùng sâu xã Tân Lộc Đông, huyện Thới Bình lâm vào cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt. Những hộ có lu trữ nước mưa phải sử dụng tằn tiện. Hơn 95% hộ dân trong xã có giếng khoan nước ngầm. Tuy nhiên, nhiều hộ vẫn chịu cảnh khổ thiếu nước sinh hoạt vì giếng khoan bị hụt hơi.
Ông Nguyễn Minh Dong (Ấp 2, xã Tân Lộc Đông) cho biết: “Bơm phải mồi 2-3 lần mới có nước lên được. Mà nước giếng khoan, bơm lên xài cũng không đảm bảo. Trong khi bên kia Ấp 3 có đường ống nước của trạm cấp nước sạch dẫn về từ năm 2014. Còn bên đây, đến giờ vẫn chưa có đường ống dẫn nước sạch về”.
Công trình cấp nước sinh hoạt xã Tân Lộc Đông có hệ thống cấp nước kéo dài 15 km, phục vụ khoảng 500 hộ dân sử dụng, tổng kinh phí đầu tư 10 tỷ đồng. Còn trên 480 hộ dân ở tuyến kinh Nông Trường (Ấp 2), kinh C3 (Ấp 3) và kinh Tân Phong (Ấp 6) chưa có nước sạch sử dụng. Đầu năm 2018, Hội Phật giáo tỉnh vận động hỗ trợ 20 giếng khoan cho 20 hộ nghèo trên địa bàn xã.
Chị Nguyễn Thị Nhí (Ấp 3), thuộc diện hộ nghèo, được hỗ trợ giếng khoan, nhưng đến nay, để có nước sử dụng, chị phải tốn hơn 3 triệu đồng để mua ống, nén, ống tiêm và vật tư tráng xung quanh.
Chị Nhí lo lắng: “Hơn 6 năm nay tôi xin nước, xách bên nhà chị xài ké. Được hỗ trợ giếng khoan nước, tôi mừng lắm, nhưng năm nay tôm thất quá nên đến giờ vẫn chưa có tiền mua vật tư, thiết bị gắn giếng nước. Bây giờ đợi mưa xuống hứng nước xài thôi chứ giếng khoan chắc phải chờ vụ tôm sau đỡ thì tôi làm để tiện sinh hoạt hơn”.
Chị Nguyễn Thị Nhí ở Ấp 3, xã Tân Lộc Đông, xách từng thùng nước từ nhà người thân về xài. |
Theo đánh giá của ông Võ Văn Nam, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Tân Lộc Đông, hiện nay, nhiều hộ dân muốn đấu nối với đường ống chính để dẫn nước sạch về sử dụng. Tuy nhiên, nếu làm vậy, công suất nước sẽ giảm, đường ống dẫn nước qua các kinh, rạch dễ bị nhiễm bẩn. Vì vậy, chính quyền địa phương đang trình lên cấp trên xem xét để thiết kế công trình cấp nước sạch cho bà con những nơi chưa có đường ống đi qua.
Còn tại xã Khánh Hoà, huyện U Minh, còn khoảng 300 hộ dân thuộc Ấp 2 và Ấp 5 trong tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng.
Ông Triệu Phú Quốc, Trưởng Ấp 2, xã Khánh Hoà, cho biết: “Nước ở đây bơm lên nấu ăn không được do nhiễm mặn, phèn nặng. Khoan giếng cạn không có nước, còn khoan càng sâu thì độ phèn, mặn càng cao. Nguồn nước để phục vụ ăn uống chủ yếu là dự trữ nước trong mùa mưa và đổi nước bình. Hằng ngày, người dân phải đổi nước từ 13.000-14.000 đồng/bình. Một tháng, trung bình mỗi nhà xài từ 14-15 bình nước. Vì vậy, những hộ khó khăn càng chật vật khi phải gánh thêm chi phí nước sinh hoạt”.
Niềm vui chưa trọn...
Hơn 2 tháng qua, người dân ấp Mũi Tràm, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời không còn sống trong cảnh thiếu nước sạch như những năm trước. Công trình cấp nước nông thôn ấp Mũi Tràm, xã Khánh Bình Tây Bắc có tổng chiều dài đường ống chính hơn 20 km, cấp nước cho 641 hộ với công suất 30 m3/giờ. Tổng mức đầu tư công trình đến thời điểm hiện tại hơn 9 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Công trình cấp nước nông thôn ấp Mũi Tràm, xã Khánh Bình Tây Bắc cơ bản đáp ứng nhu cầu nước sạch cho 641 hộ dân trên địa bàn xã. |
Là hộ đồng bào dân tộc Khmer còn gặp nhiều khó khăn, trước đây, chị Phan Ngọc Thu (ấp Mũi Tràm, xã Khánh Bình Tây Bắc) rất khổ sở khi giếng khoan nhà chị không sử dụng được hơn 1 năm, chị phải đi xin từng xô nước để sinh hoạt, còn nước uống thì mua 10.000 đồng/bình.
Khi công trình cấp nước đưa vào sử dụng, đường ống kéo về và được hỗ trợ gắn đồng hồ, chị Thu vui mừng: “Mình chỉ tốn 200.000 đồng mua ống nhựa để dẫn nước vô nhà. Nước này sạch lắm, uống, nấu ăn được luôn. Được Nhà nước hỗ trợ nên gia đình tôi xài tiết kiệm, nhà 3 người 1 tháng sử dụng chừng 2 khối nước, không còn cảnh xách, mua nước như lúc trước nữa”.
Từng là vùng thiếu nước sinh hoạt cục bộ vào mùa khô hạn, đến nay, xã Khánh Bình Tây Bắc có tổng số 3 công trình cấp nước tập trung, đảm bảo cho 1.826/3.510 hộ có nước sạch sử dụng. Tuy nhiên, vẫn còn 1.684 hộ sử dụng nước giếng khoan tại nhà nhưng chưa đảm bảo, thường xuyên bị nhiễm phèn, mặn.
Ông Nguyễn Văn Nho (ấp Kinh Dớn, xã Khánh Bình Tây Bắc) ngao ngán: “Mùa hạn ở đây là phải chịu phèn, nước bơm lên 2 ngày là phèn đóng một lớp dưới đáy. Nghe nói có công trình cấp nước sạch nhưng chưa tới đây. Nhà tôi tới 8 người nên bồn 1.000 lít chứa nước mưa xài không đủ trong mùa khô, dành dụm mua thêm mấy cái thùng phuy đợi mưa xuống để hứng xài cho mùa khô năm sau”.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, tổng số hộ dân nông thôn tại Cà Mau là 225.885 hộ. Trong đó, số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh là 204.566 hộ, chiếm 90,56%, số sử dụng nước đạt QCVN 02/BYT là 99.838 hộ, đạt 44,2%, số hộ chưa chủ động được nguồn nước sinh hoạt là 22.000 hộ, gần 10%. Trong đó có khoảng 4.600 hộ thiếu nước sinh hoạt gay gắt, tập trung ở các xã Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Bình Đông (huyện Trần Văn Thời), Khánh Hoà, Khánh Tiến (huyện U Minh), Tân Lộc Đông (huyện Thới Bình), Quách Phẩm Bắc, Tân Duyệt, Ngọc Chánh (huyện Đầm Dơi), Nguyễn Việt Khái (huyện Phú Tân), Hiệp Tùng, Hàng Vịnh (huyện Năm Căn) và Tam Giang Tây (huyện Ngọc Hiển).
Các kinh mương nước ngọt, mạch nước ngầm dần cạn kiệt, nước mặn bao vây. Nhiều hộ có điều kiện đầu tư giếng khoan nhưng nguồn nước chưa đảm bảo hợp vệ sinh, khâu vận hành cũng gặp nhiều khó khăn. Dù mùa mưa đang cận kề nhưng người dân vẫn đang rất lo lắng về tình trạng thiếu nước trong mùa hạn năm sau. Họ chỉ mong sớm được đầu tư hệ thống cấp nước sạch để không phải mỏi mòn chờ mưa như những năm qua./.
Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh hiện có 239 công trình cấp nước tập trung nông thôn; trong đó có 139 công trình không có hệ thống lọc nước sạch, đến nay 36 công trình đã hư hỏng và kém hiệu quả. Trước thực trạng này, giải pháp được đặt ra là mở rộng tuyến ống dẫn nước tại các trạm cấp nước hiện có và xây dựng mới tại khu vực đông dân cư. Nguồn kinh phí dự kiến 82 tỷ đồng, trong đó mở rộng tuyến ống là 15 tỷ đồng, xây dựng mới 67 tỷ đồng. |
Trịnh Thảo