Ông Trần Trung Thành (sinh năm 1969, ở ấp Xẻo Ðước, xã Phú Mỹ) là tấm gương điển hình tái hoà nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong án phạt tù, vươn lên trở thành công dân có ích cho xã hội.
- Tín dụng cho người chấp hành xong án phạt tù
- Mang hy vọng cho người lầm lỡ
- Những người thầy đặc biệt
- Mái nhà chung của người lầm lỡ
Năm 2006, đang có gia đình hạnh phúc cùng vợ và con trai, phụng dưỡng mẹ già trên 80 tuổi, do làm vuông kém hiệu quả, vì những phút giây bồng bột, thiếu hiểu biết về pháp luật, ông Thành đã tàng trữ, lưu hành tiền giả và bị bắt, bị kết án 21 năm tù.
Ông Thành bồi hồi kể, đau đớn nhất là khi ông còn đang trong tù thì mẹ mất, ông không được về thọ tang. Cũng trong thời gian này, vợ ông bỏ ra đi không lời từ biệt.
Ân hận về hành vi sai trái của mình, khát khao sớm được đoàn tụ gia đình, trong thời gian chấp hành án, ông Thành tích cực tham gia học nghề đan mây, mong sau khi mãn hạn tù có được cái nghề nuôi sống bản thân. Nhờ tích cực lao động, cải tạo tốt, ông được mãn hạn tù trước 5 năm (ra tù ngày 14/8/2022) và bắt đầu hành trình khởi nghiệp, viết lại trang đời mới.
Quyết tâm làm lại cuộc đời, tuy nhiên với một người vừa chấp hành xong bản án tù, sự tự ti, mặc cảm và điều kiện gia đình kinh tế khó khăn đã làm ông e dè, lo lắng. “Khi mới trở về, tôi mặc cảm lắm. Bản thân từng phạm tội và bị ngồi tù, tôi sợ những ánh mắt kỳ thị của mọi người, có lúc không biết phải bắt đầu cuộc sống mới từ đâu”, ông Thành nhớ lại.
Nhưng trái ngược với những gì ông nghĩ, chính quyền địa phương, bà con hàng xóm, người thân không những không kỳ thị, xa lánh mà còn nhiệt tình giúp đỡ để ông có thể tái hoà nhập cộng đồng. Ông Ðỗ Văn Hiền, Trưởng ấp Xẻo Ðước, cho biết: “Nhận thấy ông Thành cần cù, chí thú làm ăn, địa phương đã tạo điều kiện để ông được vay vốn, tạo việc làm để từng bước vươn lên trong cuộc sống”.
Ông Trần Trung Thành giới thiệu sản phẩm ghế nhựa đã hoàn thành.
Với số tiền 50 triệu đồng được vay từ nguồn vốn giải quyết việc làm, cộng sự quyết tâm và những kiến thức học được từ nghề đan mây, ông Thành đầu tư thiết bị, máy móc để khởi nghiệp. Ðược sự giới thiệu của người quen, ông Thành nhận sợi dây nhựa giả mây của công ty ở Bình Dương rồi đan thành sản phẩm các loại như: sa lon, bàn, ghế... hưởng thù lao theo sản phẩm.
Khởi đầu với nghề đan bàn ghế nhựa giả mây khá thuận lợi, nhận được phản hồi của công ty ở Bình Dương khá tốt, sản phẩm làm ra đạt chất lượng nên công ty đã cho ông nhận với số lượng lớn để làm và sau đó xuống tận nơi gom sản phẩm, từ đó ông Thành đã thành lập cơ sở đan gia công.
Ông Trần Trung Thành giao hàng cho lao động nhận về làm tại gia đình.
Ðến nay, cơ sở của ông đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 12 lao động ở địa phương. Những lao động bận việc gia đình có thể nhận hàng về nhà để đan, vừa có thể lo cho gia đình, con cái, vừa kiếm thêm thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng, giúp cải thiện cuộc sống.
Ông Phan Minh Thiện, 41 tuổi, ấp Xẻo Ðước, chia sẻ: “Gia đình có trên 10 công đất nhưng nuôi tôm thất bát thường xuyên, thu nhập bấp bênh, lại còn nuôi 2 con nhỏ ăn học. Nhờ đan ghế nhựa chỗ anh Thành mà thu nhập cũng ổn, trung bình mỗi tháng gần 5 triệu đồng, cuộc sống ổn định hơn”. Cùng ấp, ông Nguyễn Văn Khởi, 54 tuổi, cũng làm ở cơ sở của ông Thành, chia sẻ: “Tôi vui lắm vì tìm được việc làm ở gần nhà, vừa làm kinh tế gia đình, vừa thêm thu nhập ổn định, khỏi phải làm ăn xa”.
Gần 1 năm nay, mỗi tháng cơ sở ông Thành xuất đi từ 300-500 sản phẩm, sau khi trừ chi phí, nhân công, mỗi tháng ông còn lợi nhuận từ 15-17 triệu đồng.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, cho biết: “Khi ông Thành trở về địa phương, lãnh đạo xã kết hợp các ban, ngành đến thăm hỏi, động viên, tạo điều kiện để ông Thành sớm hoà nhập cộng đồng. Ông Thành có ý chí lao động cao, tự mở cơ sở để có thu nhập trang trải cuộc sống, tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, đây là điều đáng được biểu dương”./.
Phan Anh