(CMO) Du lịch được Cà Mau xác định là một trong những nguồn lực chiến lược trong thời kỳ hội nhập, đổi mới và phát triển. Khác với những ưu thế về ngư - nông - lâm nghiệp đã khẳng định được vị thế; công nghiệp - dịch vụ bắt đầu có những đột phá lớn; du lịch Cà Mau chỉ mới thực sự chuyển mình trong thời gian gần đây.
Trong bản đồ du lịch Cà Mau, du lịch Ngọc Hiển đóng vai trò trọng tâm, chủ đạo và đang tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ so với các địa phương khác. Có thể nói, du lịch là tài sản "vàng ròng" mà thiên nhiên, vị trí địa lý và bản sắc văn hoá đã ưu ái dành tặng cho huyện cực Nam Tổ quốc. Nâng tầm du lịch Ngọc Hiển, biến những tiềm năng du lịch thành các giá trị hiện hữu để người dân hưởng lợi, xây dựng quê hương giàu đẹp là đích đến không còn xa nữa.
Tầm nhìn chiến lược về du lịch
Ngay từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Cà Mau đã nổi lên một số địa điểm du lịch “tự phát” có sức hút khá lớn, trong đó phải kể đến bãi Khai Long phía Ngọc Hiển và hòn Đá Bạc phía U Minh Hạ - Trần Văn Thời. Điều kiện giao thông khi ấy vô cùng khó khăn, hạ tầng du lịch hầu như chưa có gì, thế nhưng lượng khách đến, chủ yếu là nội tỉnh vẫn tạo ra “cơn sốt” thực sự. Nhiều người còn nhớ cảnh xuồng ghe chen kín các kênh, rạch ở khu vực Khai Long. Còn ở phía Đá Bạc, chiếc cầu dẫn ra hòn bị sập vì quá tải.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (giữa), lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Cà Mau thực hiện nghi thức khánh thành Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau. Ảnh: K.PHƯƠNG |
Và rồi, Công viên Văn hoá Du lịch Mũi Cà Mau nhanh chóng được hình thành vào đầu năm 2000 để đón đầu xu thế, đặt những viên gạch nền tảng đầu tiên cho du lịch tỉnh nhà. Đây là nỗ lực và cũng là tầm nhìn chiến lược của tỉnh Cà Mau nói chung và địa phương Ngọc Hiển nói riêng trong việc tận dụng, khai thác các lợi thế để bứt tốc phát triển.
Năm 2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cà Mau ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 10/10/2016 về phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, du lịch Ngọc Hiển được coi là hạt nhân phát triển.
Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030 thông qua Quyết định số 774/QĐ-TTg, tạo bước ngoặt và cơ hội lớn để du lịch Ngọc Hiển cất cánh. Nói như Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Ngô Minh Toại: “Du lịch là một trong những lĩnh vực đột phá chiến lược của địa phương. Chỉ khi nào tận dụng, khai thác và phát triển đúng hướng lĩnh vực này thì diện mạo, vị thế và tầm vóc của Ngọc Hiển mới thực sự được khẳng định”.
![]() |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (giữa) đến thăm và làm việc tại xã Đất Mũi. Ảnh: N.PHÚ |
Quyết tâm làm du lịch, huy động các nguồn lực xã hội làm du lịch, để người dân tham gia và hưởng lợi từ du lịch là mục tiêu xuyên suốt của Ngọc Hiển qua các giai đoạn. Chỉ trong vài năm trở lại đây, du lịch Ngọc Hiển đã lột xác hoàn toàn, tiến lên chuyên nghiệp, đa dạng về dịch vụ và sản phẩm du lịch, lượng khách tham quan tăng theo cấp số nhân. Quan trọng hơn, hình ảnh của đất, người và văn hoá đặc trưng Ngọc Hiển đã lan toả sâu rộng, tạo nên sức hút mạnh mẽ mà hiếm nơi nào so sánh được.
Nhìn vào thời điểm hiện tại, khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, du lịch Ngọc Hiển vẫn là lựa chọn của đông đảo du khách. Điều đó cho thấy rằng, phía trước vẫn còn rất nhiều điều để kỳ vọng. Chưa kể, du lịch Ngọc Hiển vẫn đang được hoạch định, tính toán để trở thành ngôi sao sáng, không chỉ riêng trên bản đồ du lịch tỉnh nhà, mà còn của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, của cả nước và xa hơn là cả thế giới.
Tươi mới du lịch ngọc hiển
Xuôi ngược Ngọc Hiển ngót chục năm, chúng tôi cảm nhận sâu sắc những đổi thay cả trong tư duy, cách nghĩ, cách làm du lịch của vùng đất chót cùng cực Nam Tổ quốc. Nhớ lão nông Nguyễn Văn Nhuần, ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, buổi đầu được vận động làm mô hình du lịch homestay với trăm ngàn bỡ ngỡ: “Đó giờ làm nông dân, chuyển qua mần du lịch thấy khó quá”. Rồi sau đó vài năm, khi trở lại, ông Nhuần không chỉ tiếp khách “ta” mà còn tiếp cả khách “Tây”, các dịch vụ và sản phẩm du lịch trở nên thuần thục, chuyên nghiệp. Doanh thu từ du lịch giúp lão nông này thay đổi hẳn: “Mần du lịch coi vậy mà vui. Tự hào nhất là mình giúp du khách thêm hiểu, thêm trân trọng vùng đất cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc”.
![]() |
Bí thư Huyện uỷ Ngọc Hiển Phạm Chí Hải (bìa phải) kiểm tra công trình cây xanh, điện trên tuyến lộ hai chiều trung tâm huyện. Ảnh: C.HIỂU |
Xóm vuông heo hút ở Cồn Mũi, ai ngờ phất lên thành xóm du lịch cộng đồng với hơn chục hộ tham gia. Con tôm, con cua, cá thòi lòi, ốc len, vọp rừng, sò huyết…, bao nhiêu thứ sản vật quê hương đều “lên đời” để trở thành đặc sản du lịch. Và rồi, những cánh rừng đước xanh tít tắp, bãi bồi đất ngày đêm nảy nở, cũng trở thành một phần của du lịch Ngọc Hiển, giúp những con người chân chất nơi xứ Mũi có thêm niềm tin để dấn bước vào một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ.
Câu chuyện của anh Nguyễn Văn Hôn, từ một lái cua, lái tôm, lái hàu trở thành ông chủ du lịch mới thật sự làm người ta ngạc nhiên. Điểm dừng chân Hoàng Hôn của anh giờ là thương hiệu có tiếng của du lịch Đất Mũi. Anh Hôn tâm sự: “Mình làm du lịch phải bằng cái tâm. Tôi đi nhiều, thấy Đất Mũi không thua kém bất cứ chỗ nào, vấn đề là phải làm sao cho có quy củ, bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn. Làm sao để thu hút khách tới, tới rồi phải quay lại và giới thiệu người khác đến thăm”. Anh Hôn cũng là người tiên phong khai phá tour du lịch xuyên rừng, tham quan bãi bồi, xây dựng các sản phẩm du lịch thật sự mang thương hiệu Đất Mũi.
![]() |
Người dân khắp mọi miền đất nước tham dự sự kiện khánh thành công trình Cột cờ Hà Hội tại Mũi Cà Mau. Ảnh: NHẬT HUY |
Phó ban Quản lý Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau Lê Tùng Cường thông tin: “Diện mạo Khu Du lịch Mũi Cà Mau đã thay đổi ngoạn mục. Các công trình biểu tượng Cột cờ Hà Nội, đền thờ Lạc Long Quân, tượng Mẹ, các biểu tượng sản vật đặc trưng của vùng Đất Mũi, hệ thống xe điện vận hành đưa đón khách… tạo nên sinh khí tươi mới, ngày càng chiếm được thiện cảm của du khách. Bên cạnh đó, việc sắp xếp, bố trí lại dân cư khu vực lân cận cơ bản hoàn thành, góp phần cho các hoạt động du lịch thuận lợi, chuyên nghiệp”.
Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Ngô Minh Toại nhấn mạnh: “Phát triển du lịch phải gắn chặt với sinh kế và lợi ích của người dân. Đây là tài sản chung cần thúc đẩy phát triển, nhưng phải gắn với các mục tiêu an sinh xã hội và phát triển bền vững. Du lịch cần doanh thu, nhưng song hành đó là sự phát triển đời sống Nhân dân, bảo đảm bền vững hệ sinh thái rừng đước, tập tục sinh hoạt và văn hoá bản địa của cư dân”. Ngọc Hiển chủ trương tận dụng triệt để những tài nguyên sẵn có để làm du lịch, làm du lịch phải có sự đồng thuận và đồng hành của người dân với quy mô, mức độ phù hợp".
![]() |
Khu Du lịch Khai Long nhìn từ trên cao. Ảnh: CHÍ DIỆN |
Tỉnh Cà Mau đang tính toán để tiếp tục đầu tư, nâng cấp du lịch Mũi Cà Mau nhằm cải thiện về kết cấu hạ tầng du lịch, nhân lực du lịch, sản phẩm và dịch vụ du lịch. Trong đó, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải lưu ý, phải đầu tư tập trung, lựa chọn những cá nhân, tổ chức đầy đủ uy tín, năng lực tham gia, không để tình trạng xé nhỏ, chây ì. Huy động tất cả các nguồn lực xã hội làm du lịch, bảo đảm du lịch phát triển nhưng không mâu thuẫn với các mục tiêu về an sinh xã hội, môi trường và văn hoá. Tất cả chỉ chờ những vướng mắc về hành lang pháp lý được khai thông.
Ngọc Hiển đang có trong tay tài sản bằng vàng ròng, một nguồn lực có thể giúp huyện cực Nam Tổ quốc vươn xa, tiến nhanh vào tương lai./.
![]() |
Nhà nghỉ chân tại bãi bồi Đất Mũi. Ảnh: K.PHƯƠNG |
![]() |
Du khách trải nghiệm nghề nuôi hàu lồng tại Mũi Cà Mau. Ảnh: Q.RIN |
Tôm khô Rạch Gốc ngày càng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Ảnh: C.HIỂU |
Phạm Hải Nguyên