Năm 2014, huyện Phú Tân được phân bổ 16,5 tỷ đồng cho chương trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Nguồn vốn này không nhiều so với nhu cầu xây dựng 7 trường đạt chuẩn. Do vậy, xã hội hoá chương trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là việc làm cần thiết nhằm huy động sức dân cùng với Nhà nước hoàn thiện cơ sở vật chất trường lớp, cùng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.
Năm 2014, huyện Phú Tân được phân bổ 16,5 tỷ đồng cho chương trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Nguồn vốn này không nhiều so với nhu cầu xây dựng 7 trường đạt chuẩn. Do vậy, xã hội hoá chương trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là việc làm cần thiết nhằm huy động sức dân cùng với Nhà nước hoàn thiện cơ sở vật chất trường lớp, cùng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.
Năm 2014, Trường THCS Rạch Chèo, xã Rạch Chèo, là địa chỉ nổi bật của phong trào xã hội hoá xây dựng trường lớp, mặc dù trường không nằm trong kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia năm 2014.
Kế hoạch nhỏ, hiệu quả lớn
Thầy giáo Nguyễn Văn Sinh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Rạch Chèo, cho biết, thực ra phong trào xã hội hoá xây dựng trường lớp ở đây đã được nhà trường phát động thực hiện từ nhiều năm qua. Mấy năm đầu, Nhà nước đầu tư xây dựng, ngôi trường này được xây trên phần đất trũng, thiếu vốn nên chỉ san lấp được phần nền đủ để xây dựng phòng học, còn sân trường là khoảng nước mênh mông, học sinh không có sân chơi. Từ đó, nhà trường nảy ra sáng kiến là phát động trong học sinh thực hiện mô hình kế hoạch nhỏ.
Từ một huyện vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, hiện nay huyện Phú Tân đã rút ngắn được khoảng cách với những đô thị khác về chất lượng giáo dục. |
Hằng ngày, khi đi học, mỗi em mang một bịch đất khoảng 2 kg để đắp nền sân trường. Kế hoạch nhỏ nhưng đã mang lại hiệu quả lớn, sau mấy năm, sân trường được hình thành. Từ khoảng nước mênh mông giờ được san lấp bằng phẳng. Các em có chỗ vui chơi, chào cờ hằng tuần. Trong đó, phần đất chủ yếu do học sinh lấy từ đất gia đình qua cải tạo vuông nuôi tôm hoặc đất bờ xáng. Rõ ràng, giá trị của việc làm này khó có thể định lượng được.
Năm qua, do nhu cầu bức xúc trong việc xây dựng hàng rào sân trường cũng như san lấp tiếp phần mặt bằng từ sân trường ra tuyến lộ cấp 6, nhà trường xin ý kiến chính quyền địa phương và vận động các nhà tài trợ, phụ huynh tiếp sức thực hiện. Qua họp phụ huynh và nói lên ý nghĩa của việc làm hàng rào và san lấp mặt bằng này, hầu hết các bậc phụ huynh và các nhà hảo tâm đồng tình ủng hộ. Qua đó, các nhà tài trợ và phụ huynh đóng góp hơn 650 triệu đồng để làm hàng rào quanh trường, san lấp được một phần ao nước trước trường.
Chi phí làm hàng rào hơn 500 triệu đồng, san lấp hơn 150 triệu đồng. Riêng việc san lấp mặt bằng, nhà trường sẽ tiếp tục phát động rộng rãi trong Nhân dân và các nhà hảo tâm hỗ trợ hoàn thành trong năm 2015. Từ đó, tạo nền tảng vững chắc để khi có nguồn vốn cấp trên đầu tư sẽ tiếp tục thực hiện hoàn chỉnh khu trường đạt chuẩn quốc gia theo kế hoạch năm 2015.
Khó định lượng
Năm 2014, huyện Phú Tân công nhận 4 trường đạt chuẩn quốc gia, 3 trường còn lại đã được kiểm tra đạt chuẩn và đang đề nghị tỉnh công nhận trong quý I/2015. Như vậy, mặc dù nguồn vốn có giới hạn, nhưng năm qua, cơ bản huyện Phú Tân đã hoàn thành kế hoạch xây dựng 7 trường đạt chuẩn quốc gia. Để hoàn thành kế hoạch này, việc huy động xã hội hoá trong Nhân dân có vai trò quan trọng.
Ông Huỳnh Hùng Cường, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Phú Tân, cho biết, chẳng những ở các trường nằm trong kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia năm 2014, mà ở các trường khác khi xây dựng mới đều phải tính toán đến việc đảm bảo theo chuẩn quốc gia. Do đó, phải huy động sức đóng góp trong dân rất nhiều. Nhất là việc vận động bà con hiến đất đủ diện tích và các khoản đóng góp khác như: trang bị thêm cơ sở vật chất, khuôn viên, san lấp mặt bằng… Việc làm này là rất lớn, khó có thể định lượng được. Nhưng bình quân hằng năm, mỗi trường đều huy động từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng.
Thầy giáo Nguyễn Văn Thám, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Hiệp, xã Phú Tân, cho biết, ngoài nguồn vốn được cấp trên phân bổ hơn 2,5 tỷ đồng cho xây dựng cơ sở vật chất trường đạt chuẩn quốc gia, đến nay, đơn vị đã huy động xã hội hoá trong Nhân dân gần 100 triệu đồng cho các công trình phụ trợ khác và bổ sung cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập.
Theo đó, để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, không những đảm bảo về cơ sở vật chất mà đòi hỏi phải nâng cao về chất lượng, làm tốt công tác huy động, tạo điều kiện cho học sinh đến trường. Ông Lâm Kiệt, ấp Rạch Chèo, xã Rạch Chèo là cá nhân tiêu biểu trong việc vận động làm con đường cho học sinh đến trường. Ông còn giúp đỡ tập, viết, tiền bạc cho em Nguyễn Văn Toán, cùng ấp, có điều kiện đến trường.
Theo thống kê của ngành giáo dục huyện, chỉ riêng nguồn vốn xã hội hoá phục vụ cho xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia gần 600 triệu đồng, chưa tính giá trị đất đai Nhân dân đã hiến. Đây là sự nỗ lực rất đáng ghi nhận, bởi trong cùng một lúc bà con phải đóng góp cho nhiều chương trình khác nhau. Do đó, sự đóng góp đó có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần cùng với Đảng, Nhà nước chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Kết quả nổi bật là năm qua, chỉ với nguồn vốn có giới hạn, huyện Phú Tân đã hoàn thành được việc xây dựng 7 trường đạt chuẩn quốc gia./.
Bài và ảnh: Quốc Hiệp