Mô hình trên nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe, giúp các đơn vị kiểm soát, định danh chính xác người dự thi, tránh tình trạng gian lận khi sát hạch lái xe và rút ngắn thời gian cũng như tiết kiệm nguồn nhân lực trong các kỳ thi.
- Bàn giao công tác quản lý Nhà nước về sát hạch và cấp giấy phép lái xe
- Bộ Công an hướng dẫn đổi, cấp lại giấy phép lái xe từ 1/3/2025
- Quy định về cấp giấy phép lái xe từ 1/3/2025
Thực hiện Kế hoạch số 279/KH-UBND của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện các mô hình Ðề án 06 trên địa bàn tỉnh, vào ngày 28/12/2023, Sở Giao thông vận tải (nay là Sở Xây dựng) đã chủ trì phối hợp với Viettel Cà Mau và Trung tâm Ðào tạo và Sát hạch lái xe Cà Mau thống nhất triển khai mô hình thiết bị giám sát thi cử, sát hạch lái xe.
Trước đó, Viettel đã tổ chức khảo sát thực tế, nhận thấy việc sát hạch lái xe tuy có áp dụng phần mềm vào nội dung thi nhưng nhìn chung các giám thị và giám khảo vẫn còn thực hiện bằng thủ công nhiều khâu trong việc đánh giá kết quả và giám sát thi cử, nhất là phần kiểm tra xác thực danh tính thí sinh trước khi vào phòng thi, việc này tiềm ẩn nhiều rủi ro để lọt các trường hợp thi hộ. Ðến ngày 6/1/2024, tại Trung tâm Sát hạch lái xe loại III Khang Minh, Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Viettel Cà Mau và Trung tâm Ðào tạo và Sát hạch lái xe Cà Mau chính thức bắt đầu triển khai thí điểm mô hình này.
Việc minh bạch trong thi cử được nâng cao sẽ tránh được tình trạng anh em ruột, anh em sinh đôi đi thi hộ. (Ảnh Vietel cung cấp)
Hệ thống được đưa vào mô hình cung cấp sử dụng thiết bị đọc thẻ căn cước công dân có tích hợp camera nhận diện khuôn mặt, kèm theo phần mềm xác thực sinh trắc học có kết nối tới C06 Bộ Công an. Giải pháp này ứng dụng công nghệ mới nhất là Viettel IDCheck và Viettel eKYC, thu thập thông tin từ thực địa kết nối trực tiếp về máy chủ AI của Viettel để phân tích dữ liệu và đối chiếu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trước đây, các sát hạch viên phải trực tiếp kiểm tra hồ sơ, đối chiếu nhận dạng từ căn cước công dân trên hồ sơ. Nhưng nay thí sinh chỉ mất khoảng 5 giây để kiểm tra thông tin từ thiết bị giám sát, giảm thời gian chờ đợi và tạo tâm lý thoải mái hơn cho học viên trước khi tham gia kỳ thi.
Sau 3 tháng thí điểm, đã triển khai được 12 kỳ thi sát hạch (10 kỳ thi mô tô và 2 kỳ thi ô tô), với hơn 9.400 thí sinh được xác thực thông tin. Viettel đã hỗ trợ hơn 28.000 lượt xác thực Viettel eKYC để thực hiện thí điểm. Qua kiểm tra phát hiện 2 trường hợp thi hộ. Ðiều bất ngờ hơn là cả 2 trường hợp này đều là anh em ruột, hoặc sinh đôi nên diện mạo khuôn mặt vô cùng giống nhau, nếu xác thực bằng cảm quang mắt thường sẽ rất khó phát hiện.
Theo ông Trần Hoàng Ngọc Tâm, Phó giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội - Chi nhánh Cà Mau (Viettel Cà Mau), cho biết: “Mô hình mang tính răn đe rất cao, dẫn đến việc giảm tỷ lệ người thi hộ xuống rõ rệt. Ngoài ra, đây cũng là công cụ hỗ trợ đắt lực cho giám khảo, giảm được rất nhiều thời gian trong việc xác thực thông tin thí sinh tham dự. Nó cũng giúp giảm chi phí tại các cuộc thi sát hạch và tiết kiệm thời gian thi cử khi số lượng thí sinh quá đông. Xét về lợi ích tiềm tàng, mô hình sẽ hỗ trợ kết nối đồng bộ hoá dữ liệu thi cử và tạo niềm tin cho người dân vào các cuộc thi hơn”.
Hiện tại, Viettel đang đề xuất tiếp tục triển khai và đảm bảo nguồn kinh phí để thực hiện. Ðể nâng cao hiệu quả của việc chuyển đổi số trong quản lý sát hạch lái xe đồng bộ, thống nhất thành một hệ thống, cần có sự quản lý tập trung quy trình sát hạch, thanh toán lệ phí và hoàn ứng. Ðồng thời, ứng dụng thiết bị số và AI vào việc kiểm tra giấy tờ, tránh giả mạo, gian lận trong quá trình sát hạch. Toàn bộ quy trình sẽ được thực hiện hoàn toàn 100% trên hệ thống phần mềm.
Ông Trần Hoàng Ngọc Tâm cho biết thêm: “Việc ứng dụng phần mềm này vào việc sát hạch giúp thí sinh có trải nghiệm tốt hơn khi nhận kết quả nhanh chóng, giảm căng thẳng, trong khi giám thị và giám khảo dễ dàng phân tích, theo dõi kết quả. Hiện Viettel đã triển khai thành công hệ thống tại Ðà Nẵng. Chúng tôi không chỉ muốn phần mềm được áp dụng trước phần dự thi mà còn ứng dụng trong lúc thi và sau khi có kết quả thi, để các dữ liệu được nhập đồng bộ và có tính lưu trữ cao, tra cứu dễ dàng hơn sau này”./.
Lam Khánh