Thời gian qua, rừng và đất lâm nghiệp không chỉ góp phần tạo việc làm, cải thiện sinh kế, giảm nghèo, mà còn mang lại giá trị trong nghiên cứu khoa học, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững. Tuy nhiên hiện nay, kinh tế lâm nghiệp vẫn chưa được phát huy xứng tầm với tiềm năng, do vẫn còn những điểm nghẽn.
Hiện nay, diện tích rừng tập trung của tỉnh hơn 92.460 ha, trong đó rừng đặc dụng khoảng 18.706 ha, rừng phòng hộ 20.332 ha, còn lại là rừng sản xuất với hơn 53.422 ha. Không chỉ có diện tích lớn mà số lượng người dân sống trong các lâm phần, kinh tế nhờ vào các nguồn tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp cũng không nhỏ. Ðến nay, tổng số hộ gia đình, cá nhân nhận khoán đất rừng tại các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, công ty lâm nghiệp là 17.457 hộ, với diện tích hơn 81.521,36 ha.
Ngoài ra, hiện có 6.305 hộ trên địa bàn 20 xã, thuộc 6 huyện được giao đất, giao rừng với diện tích hơn 23.308 ha. Cụ thể, khu vực rừng U Minh Hạ có 3.262 hộ với khoảng 14.292 ha, trong đó diện tích đất có rừng đạt khoảng 35%, diện tích đất không có rừng chiếm khoảng 65%. Quy mô diện tích bình quân tại huyện Trần Văn Thời 1 hộ được nhận khoảng 2,93 ha và huyện U Minh là 5,32 ha. Khu vực rừng ngập mặn có khoảng 9.016 ha rừng và đất lâm nghiệp được giao cho 3.043 hộ.
Những năm vừa qua, việc giao khoán rừng, đất lâm nghiệp cũng như việc chuyển mục đích đất lâm nghiệp đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhằm phát huy hết tiềm năng rừng và đất lâm nghiệp, kể từ năm 2009, khu vực U Minh Hạ bắt đầu thực hiện chuyển đổi một phần diện tích rừng tràm sang trồng keo lai, tràm Úc và áp dụng hình thức canh tác bằng phương pháp lên liếp trồng rừng tập trung. Ðến nay, diện tích rừng trồng tập trung có lên liếp thâm canh tại đây khoảng 23.500 ha, trong đó keo lai khoảng 11.250 ha, tràm 12.250 ha.
Ngoài giá trị cây rừng, khu vực rừng ngập mặn còn mang về nhiều nguồn thu giá trị từ hoạt động nuôi thuỷ sản kết hợp. Mô hình rừng - tôm kết hợp có chứng nhận quốc tế là hướng phát triển kinh tế bền vững, đang ngày càng được nhân rộng. Ðến nay, có 5.823 hộ với diện tích 30.578 ha có chứng nhận quốc tế về rừng - tôm bền vững.
Du lịch sinh thái dưới tán rừng trong năm 2024 mang về giá trị khoảng 18 tỷ đồng, trong đó Vườn Quốc gia U Minh Hạ là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn.
Ông Trần Ngọc Thảo, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, cho biết: "Hiện nay, giá trị lâm nghiệp mà cây keo mang lại tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, đối với cây tràm, dù vẫn đảm bảo đầu ra nhưng giá không cao. Ðặc biệt, một số khu vực tràm tại huyện Trần Văn Thời hiện đang khó khăn về đầu ra, do phải phát sinh thêm chi phí vận chuyển trong quá trình khai thác".
Giá cây gỗ giảm, cùng với một số khó khăn liên quan đến hạ tầng phục vụ công tác vận chuyển... từ đó khiến hoạt động khai thác rừng, chế biến và tiêu thụ lâm sản của năm 2024 không đạt kế hoạch đề ra. Cụ thể, diện tích rừng khai thác chỉ đạt khoảng 86%, tương đương diện tích khoảng 5.215 ha. Trong đó, khu vực rừng ngập mặn là 1.171 ha, sản lượng 151.826 m3; khu vực U Minh Hạ khoảng 4.044 ha, sản lượng 500.292 m3.
Ông Thảo cho biết thêm, lĩnh vực khai thác và chế biến lâm sản vẫn là khó khăn hiện nay khi toàn tỉnh chỉ có khoảng 126 cơ sở thu mua, chế biến, kinh doanh các sản phẩm từ gỗ. Không chỉ vậy, trong số này chủ yếu là hộ sản xuất kinh doanh cá thể quy mô nhỏ; chỉ có 8 doanh nghiệp nhưng cũng ở mức nhỏ và vừa, công nghệ chưa hiện đại, sản phẩm thiếu đa dạng để đáp ứng nhu cầu thị trường. Ðể tháo gỡ khó khăn này, thời gian qua, công ty có liên hệ với các nhà đầu tư tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, tuy nhiên, cũng mới dừng ở giai đoạn tìm hiểu.
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Nghị định số 168/2016/NÐ-CP của Chính phủ về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp Nhà nước trên địa bàn tỉnh thời gian qua gặp một số khó khăn nhất định.
“Hiện toàn công ty vẫn còn 118 hộ chưa giao khoán được, do các hộ đi làm ăn xa và một số diện tích xảy ra tranh chấp. Công ty đã xây dựng kế hoạch sẽ thực hiện hoàn thành việc giao khoán trong năm 2025 này”, ông Thảo thông tin.
Ðối với phần diện tích rừng và đất lâm nghiệp do địa phương quản lý, ông Lê Hồng Thịnh, Phó chủ tịch UBND huyện U Minh, cho biết, huyện đang hoàn thiện Kế hoạch sử dụng rừng năm 2025 để trình phê duyệt. Ðồng thời, tiến hành điều chỉnh các phương án giao đất lâm nghiệp cho hộ dân. Tuy nhiên, hiện nay đang gặp khó khăn trong việc chuyển mục đích sử dụng từ đất lâm nghiệp sang các loại đất khác, từ đó khiến nhiều hộ dân tại tuyến dân cư trong lâm phần không thể xây dựng nhà và các công trình liên quan, thậm chí cả việc đầu tư xây dựng đường giao thông.
Tiêu biểu như tuyến từ Tắc Thủ - Ðá Bạc, dù có đường và nhiều hộ dân đã xây dựng nhà ở, nhưng vẫn chưa chuyển mục đích đất, tức còn là đất lâm nghiệp. Hiện trạng này không chỉ gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp mà còn khiến Nhà nước thất thu tiền sử dụng đất do chưa chuyển mục đích sử dụng đất. Rõ ràng, đây là nguồn lực đất đai đang bị lãng phí.
Dù là tỉnh có diện tích rừng lớn, có nhu cầu cây giống phục vụ công tác trồng rừng mới và trồng sau khai thác, nhưng hiện nay tỉnh vẫn chưa có cơ sở sản xuất giống cây tràm để phục vụ nhu cầu người dân. Thời gian qua, 100% giống tràm cho trồng rừng được mua tại các tỉnh như: Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Long An...
Dù đã đạt một số kết quả quan trọng trong công tác quản lý lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhưng ông Phan Minh Chí, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, nhận định, công tác quản lý phát triển rừng và kinh tế lâm nghiệp vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Tiêu biểu như tỷ trọng giá trị, tăng trưởng kinh tế lâm nghiệp đạt thấp, sức cạnh tranh yếu, trong khi tỷ lệ diện tích rừng so với diện tích tự nhiên khá lớn; chất lượng rừng trồng chưa cao, diện tích rừng sản xuất đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững thấp; chưa triển khai được công nghệ chế biến gỗ...
Diện tích quy hoạch rừng sản xuất toàn tỉnh hiện khoảng 91.600 ha, tức chiếm đến 17,4% so với diện tích tự nhiên của tỉnh. Tuy nhiên, tổng thu nhập từ khu vực rừng năm 2024 khoảng 2.013 tỷ đồng, trong đó, giá trị gỗ chỉ khoảng 495 tỷ đồng, còn lại chủ yếu là thuỷ sản 1.470 tỷ đồng, du lịch sinh thái 18 tỷ đồng, lúa kết hợp 25 tỷ đồng, còn lại là chuối (2,7 tỷ đồng), mật ong (1,8 tỷ đồng) và cá (326 triệu đồng). Ðó là những con số cụ thể cho thấy tiềm năng kinh tế rừng của tỉnh hiện còn rất lớn.
Trong năm 2024, tổng giá trị gỗ chỉ khoảng 495 tỷ đồng.
Kinh tế lâm nghiệp đang trên đà phát triển và hiện nay được nhận định còn nhiều dư địa để có thể tạo bước đột phá thời gian tới. Ðể phát huy tối đa giá trị mà rừng mang lại, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nhấn mạnh, thời gian tới cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, nhất là trong công tác giao đất, giao rừng cho người dân, thực hiện giao đất về địa phương quản lý để tạo quỹ đất thực hiện các khu tái định cư và phục vụ dự án... Ðây là 1 trong 3 nguồn lực đặc biệt quan trọng phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, muốn tạo ra giá trị gia tăng, phải nhanh chóng xây dựng rừng đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững, bởi hiện toàn tỉnh chỉ có khoảng 2.212 ha (khoảng 2,32%) đạt chứng nhận này./.
Nguyễn Phú