Hiện nay, nhiều hộ ở vùng ven TP Cà Mau thực hiện mô hình nuôi cá tra khá hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Khác với quy mô công nghiệp như ở các tỉnh trong khu vực, mô hình nuôi cá tra ở đây khá đơn giản, ít tốn chi phí, được xem là hướng đi triển vọng cho nông dân.
Tại phường Tân Xuyên, TP Cà Mau, có hơn 150 hộ đang thực hiện mô hình nuôi cá tra, đa phần bán nhỏ lẻ hoặc cung cấp cho đám, tiệc...
Hộ ông Tô Văn Chua, Khóm 2, có 4 ao nuôi, cho thu nhập ổn định mỗi ngày. Từng thực hiện một số mô hình như: nuôi tôm công nghiệp, nuôi cá chình, cá bống tượng nhưng hiệu quả không cao; tận dụng các ao trên, ông thả nuôi cá tra. Ông Chua cho biết: “Tôi lấy thức ăn thừa ở nhà hàng về làm thức ăn cho cá, bán thấy cũng có lãi, từ đó, 6 năm nay tôi duy trì mô hình nuôi cá tra”.
Mỗi ngày, tờ mờ sáng, gia đình ông Chua kéo lưới bắt khoảng 70 kg cá, khoảng 2-3 kg/con, đem bán ở chợ khu vực cống Kinh Mới. Theo ông Chua, cá tra ít bệnh và dễ nuôi, chủ yếu cần đảm bảo nguồn nước trong ao sạch; cá nuôi khoảng 18 tháng là bán được, giá từ 35-45 ngàn đồng/kg.
Ông Chua cho biết thêm: “Mỗi năm tôi thu hoạch cá lời khoảng 200 triệu đồng, với khoảng 20 ngàn con. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mô hình này, có thể mở rộng diện tích nuôi”.
Ông Cao Văn Thơm, Phó chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Xuyên, thông tin: “Hội tuyên truyền đến hội viên nông dân cùng toàn thể người dân ở phường tận dụng đất trống, ao bỏ hoang để cải tạo, phát triển mô hình nuôi cá tra thương phẩm để tăng thu nhập. Ðồng thời, kết hợp với lực lượng khuyến nông, khuyến ngư hướng dẫn quy trình, kỹ thuật nuôi, nhất là khâu chọn giống và cải tạo, để nuôi đạt hiệu quả hơn”.
Nhiều nông dân tận dụng các ao nuôi cá, nuôi tôm trước đây để thực hiện mô hình nuôi cá tra thương phẩm.
Thức ăn của cá tra chủ yếu là các loại rau, cơm thừa...
Cá tra thương phẩm đạt trọng lượng từ 2 kg trở lên có thể xuất bán.
Cá tra được thu hoạch bằng lưới, tuyển chọn những con to, đạt kích cỡ.
Vận chuyển cá tra thương phẩm đến các điểm chợ.
Nhật Minh thực hiện