Hiện nay, Trung tâm Y tế huyện Năm Căn được cấp trên đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động tại trụ sở mới; cơ sở vật chất 8/8 trạm y tế xã, thị trấn khang trang, với tổng số 38 giường bệnh; duy trì 100% trạm y tế có bác sĩ, hộ sinh hoặc y sĩ sản - nhi; 100% ấp, khóm có nhân viên y tế hoạt động; 100% xã, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế; trạm y tế từng bước hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.
Những năm qua, Trung tâm Y tế huyện đã chủ động tham mưu, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng chống, kiểm soát hiệu quả các loại dịch bệnh truyền nhiễm như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, tả, thương hàn, tiêu chảy, các loại cúm A...
Trạm y tế các xã, thị trấn chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc phục vụ chăm sóc sức khoẻ Nhân dân.
Thầy thuốc Ưu tú, Bác sĩ CKI Lê Chí Nguyện, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Năm Căn, cho biết: "Hằng năm, đơn vị triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ trên giao, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch bệnh. Nhất là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, ngành y tế dự phòng huyện cùng cả hệ thống chính trị vào cuộc, ngăn chặn. Bên cạnh đó, việc triển khai phòng, chống các bệnh lưu hành (sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, các bệnh đường tiêu hoá, các loại bệnh cúm) được triển khai thực hiện kịp thời, không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn".
Chị Phạm Tuyết Hồng, ấp Chống Mỹ A, xã Hàm Rồng, cho biết: “Ở xóm làng nếu có người cao tuổi, bệnh tật đi không được thì các y, bác sĩ tận tình đến nhà khám và điều trị, theo dõi bệnh nhân chu đáo. Ngoài ra, còn thường xuyên đến nhà tuyên truyền, vận động phòng, chống các loại dịch bệnh”.
Thầy thuốc Ưu tú, Bác sĩ CKI Trần Thiện Thanh, nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, đánh giá: “Vai trò của trạm y tế xã, thị trấn hết sức quan trọng trong công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho Nhân dân, như công tác cấp cứu ban đầu, khám chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là ngày càng giảm dần và giảm nhiều những bệnh lây nhiễm; từng bước đưa dịch vụ y tế đến với Nhân dân nhiều hơn, nhất là những xã vùng sâu, vùng xa”.
Ngoài ra, ngành y tế dự phòng huyện đã quản lý chặt chẽ đối tượng sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, các dịch vụ ăn uống, giải khát; thường xuyên kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm; thực hiện các mặt công tác như: tiêm chủng mở rộng, phòng chống bệnh không lây nhiễm, phòng chống HIV/AIDS và các bệnh xã hội, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, dân số - kế hoạch hoá gia đình, bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính, chăm sóc người cao tuổi... Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra về hành nghề y, dược tư nhân, mỹ phẩm...
“Ðặc biệt, việc triển khai chuyển đổi số đối với lĩnh vực y tế cũng được quan tâm chỉ đạo. Ðơn vị đẩy mạnh sử dụng các phần mềm ứng dụng trong quản lý y tế, tạo lập hồ sơ sức khoẻ điện tử, sổ sức khoẻ điện tử, ứng dụng thẻ căn cước công dân trong khám chữa bệnh...”, Bác sĩ Lê Chí Nguyện cho biết thêm./.
Nguyên Tố