Được đi công tác đến các điểm đảo, nhà giàn ở Trường Sa là vinh dự của nhiều người làm báo trong cả nước, bởi không mấy khi được đến nơi đầu sóng ngọn gió ấy, để ghi nhận những thay đổi của Trường Sa.
- Tết này ở đảo Trường Sa
- Ðến với Trường Sa thân yêu
- Trường Sa của Tổ quốc hiên ngang phía biển Ðông
Một góc đảo Trường Sa Lớn.
Nơi đó không chỉ có những chiến sĩ ngày đêm vững chắc tay súng bảo vệ biên cương, mà ở các điểm đảo chính còn có đời sống sinh hoạt của đông đảo ngư dân Khánh Hoà tiên phong ra đảo từ lâu, khai thác hải sản. Ðặc biệt, ở đảo Trường Sa Lớn đã có Nhà Tưởng niệm Bác Hồ, dành cho cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân đến viếng vào các dịp lễ lớn; hay chùa Trường Sa cho người dân sở tại sinh hoạt tín ngưỡng cũng như các đoàn khách trong đất liền có dịp ra đảo đến thăm chùa.
Chúng tôi vinh dự đã đến với Trường Sa trong một lần tháp tùng Ðoàn công tác Vùng 4 Hải quân ra thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ vào dịp tết Nguyên đán. Bên cạnh ấn tượng về những đổi thay, khởi sắc của đảo Trường Sa Lớn (nay là thị trấn Trường Sa Lớn) và 2 xã đảo: Song Tử Tây, Sinh Tồn thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà; chúng tôi không khỏi xúc động khi được tham quan Nhà Tưởng niệm Bác Hồ trên đảo Trường Sa Lớn. Ðây là công trình có ý nghĩa văn hoá, tinh thần quan trọng bậc nhất trên đảo.
Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Lữ đoàn trưởng Quân sự - Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân), Trưởng đoàn công tác khi ấy, dẫn đầu đoàn thắp hương viếng Bác, báo công với Bác về những thành tích của chiến sĩ hải quân Lữ đoàn 146 đạt được, luôn giữ vững chủ quyền biển đảo phía Nam Tổ quốc. Trước anh linh của Người, mọi người bồi hồi, lặng đi trong căn nhà trang nghiêm để tưởng nhớ về Bác Hồ kính yêu, vị Cha già dân tộc suốt đời vì dân, vì nước.
Nhà Tưởng niệm Bác Hồ do cán bộ, Nhân dân tỉnh Nghệ An đóng góp hơn 10 tỷ đồng, tỉnh phối hợp quân chủng hải quân vận chuyển hàng ngàn tấn vật liệu ra đảo Trường Sa Lớn xây dựng trên tổng diện tích gần 800 m2 ở vị trí trung tâm huyện đảo Trường Sa. Sau 2 năm, Nhà Tưởng niệm hoàn thành, khánh thành vào ngày 19/5/2010 nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công trình bao gồm 5 hạng mục: nhà tưởng niệm, nhà bia, nhà chuông, cổng, hàng rào. Nằm trang trọng, uy nghi giữa gian thờ là bức tượng toàn thân của Người bằng đồng, nặng gần 1 tấn; bên trên là câu nói bất hủ của Người: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Nhà Tưởng niệm Bác Hồ trên đảo Trường Sa Lớn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà.
Trong khu vực chính Nhà Tưởng niệm, nhiều tủ kính nổi bật trưng bày ảnh, tư liệu lịch sử gắn liền cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với lực lượng vũ trang, bộ đội hải quân và các tầng lớp Nhân dân như: Bến Nhà Rồng, tàu đô đốc Latútsơ Tơrêvin, chiến khu Việt Bắc, lực lượng vũ trang Nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam... Mỗi bức ảnh ở mỗi thời khắc lịch sử khác nhau, như tái hiện cho lớp cháu con hiểu về những hoạt động của Bác trong hành trình đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc.
Thượng tá Phạm Quang Trung, nguyên Chính trị viên đảo Trường Sa Lớn bấy giờ, hướng dẫn Ðoàn nhà báo tham quan Nhà Tưởng niệm, xúc động nói: “Bác Hồ là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, là người mà cả dân tộc kính trọng và biết ơn vô hạn, là người mà kẻ thù cũng phải nể phục; vì vậy, quân và dân trên đảo Trường Sa Lớn rất đỗi tự hào khi có Nhà Tưởng niệm Bác Hồ nơi đây. Ðây là nơi để chiến sĩ, Nhân dân thị trấn Trường Sa Lớn cùng các đoàn công tác từ đất liền ra đảo làm lễ báo công với Bác”.
Hiện Nhà Tưởng niệm là nơi sinh hoạt, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của quân, dân huyện đảo Trường Sa, quyết tâm giữ gìn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió giữa trùng khơi./.
Thái Khoa