Hiện nay, nông dân ở xã Ninh Quới đang bước vào giai đoạn thu hoạch vụ lúa hè thu sớm. Tuy nhiên, niềm vui ngày mùa không trọn vẹn khi giá lúa giảm, năng suất không cao, trong khi giá vật tư đầu vào lại tăng mạnh. Ðiều này khiến lợi nhuận của nông dân sau một mùa vụ chăm sóc vất vả chỉ ở mức thấp, thậm chí một số hộ chỉ hoà vốn.
- Nông dân 4.0
- Nông dân vùng mặn trồng màu tăng thu nhập
- Nông dân Cà Mau lo lắng trước “bão giá” vật tư nông nghiệp
Năng suất giảm do thời tiết bất lợi
Ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo nông dân tuân thủ lịch thời vụ, xuống giống đồng loạt, áp dụng các giải pháp kỹ thuật như mô hình "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", canh tác bền vững, IPHM, sử dụng giống xác nhận, tăng cường phòng chống sâu bệnh và thiên tai... Nhờ đó, chất lượng lúa vụ này được đảm bảo. Tuy nhiên, thời tiết bất lợi trong giai đoạn làm đòng, trổ bông, làm hạt lúa vô gạo kém, trong khi đó, nắng nóng kèm với mưa bất thường khiến cây lúa phát triển kém, năng suất giảm đáng kể.
Nông dân thu hoạch lúa hè thu 2025.
Theo nông dân địa phương, năng suất vụ hè thu năm nay chỉ đạt từ 25-35 giạ/công, giảm từ 10-15 giạ/công so với cùng kỳ năm trước. Vừa thu hoạch xong 20 công lúa hè thu giống OM545, chị Võ Thị Thu, ấp Ninh Thuận, xã Ninh Quới, cho biết: “Vụ này năng suất lúa đạt khoảng 30 giạ/công. Tôi bán được giá 5.700 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, còn lãi khoảng 1 triệu đồng/công. Chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao khiến lợi nhuận thấp”.
Nông dân gồng mình gánh chi phí
So với vụ hè thu năm trước, giá lúa hiện tại đã giảm từ 500-1.000 đồng/kg. Cụ thể, giống OM5451 được thương lái mua từ 5.500-5.700 đồng/kg; OM18 khoảng 5.800-6.200 đồng/kg; ST 25 có giá từ 7.800-8.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân chỉ thu lãi khoảng 1-1,5 triệu đồng/công, giảm 1,5-2 triệu đồng/công so với vụ trước.
Trong khi đó, chi phí sản xuất tiếp tục tăng từ 10-20%, nhất là giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lúa giống và cả chi phí nhân công. Bình quân, chi phí cho mỗi công lúa dao động từ 2,8-3,5 triệu đồng. Do đó, nhiều hộ không có lãi, hoặc lãi không đáng kể.
Anh Lê Minh Châu, nông dân ấp Ninh Thuận, chia sẻ: “Năng suất giảm khoảng 20% do thời tiết thất thường. Giá lúa lại giảm thêm 800-1.000 đồng/kg, mà giá vật tư nông nghiệp thì càng ngày càng tăng nên nông dân lời rất ít, có nhiều hộ chỉ hoà vốn”.
Giá lúa và năng suất lúa giảm, nông dân có lợi nhuận không cao.
Hiện tại, tranh thủ thời tiết còn thuận lợi, nông dân Ninh Quới đang khẩn trương thu hoạch lúa để tránh thiệt hại do mưa bão dự báo sẽ xuất hiện trong tháng 7.
Ðối với những diện tích lúa hè thu đang trong giai đoạn trổ bông, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng, chủ động phòng trừ sâu bệnh như rầy nâu, đạo ôn, lem lép hạt để đảm bảo năng suất cuối vụ.
Cần hỗ trợ đầu ra và bình ổn giá vật tư
Vụ lúa hè thu sớm năm nay tiếp tục cho thấy những thách thức trong sản xuất nông nghiệp, khi người dân vừa phải gánh chi phí tăng cao, vừa chật vật với đầu ra không ổn định. Tình trạng giá lúa bấp bênh trong khi chi phí đầu vào liên tục leo thang không còn là chuyện mới, nhưng mỗi lần vào vụ thu hoạch, bài toán “được mùa - mất giá” vẫn chưa có lời giải thoả đáng cho người trồng lúa.
Về lâu dài, để đảm bảo thu nhập bền vững cho nông dân, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh liên kết sản xuất - tiêu thụ, nhân rộng các mô hình hợp tác xã kiểu mới, xây dựng cánh đồng lớn, từ đó giúp nông dân được bao tiêu sản phẩm với giá ổn định. Ðồng thời, cần có chính sách kiểm soát và bình ổn giá vật tư nông nghiệp, tránh tình trạng giá tăng tự do gây thiệt hại kép cho người sản xuất. Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất như giống mới năng suất cao, tiết kiệm phân thuốc, kỹ thuật canh tác thông minh cũng cần được thúc đẩy mạnh mẽ để giảm chi phí đầu vào và tăng năng suất, chất lượng lúa.
Huyền Trang