(CMO) Trải qua những ngày giãn cách kéo dài để phòng, chống dịch, ngẫm lại, cuộc sống có quá nhiều thay đổi. Bên cạnh khó khăn, bức bối, lo lắng khó tránh khỏi bởi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, sống chậm cũng mang đến nhiều trải nghiệm thú vị.
Ở quê, nếu không được đi chợ thì cuộc sống với ruộng đồng, vườn rau, ao cá, vuông tôm... vẫn đủ đầy cho bữa cơm hàng ngày. Còn cuộc sống ở thành phố, lệnh giãn cách đã “làm khó” không ít bà nội trợ, nhất là những người bận bịu, thường xuyên ăn uống bên ngoài hàng quán.
Khi hàng quán, kể cả bán mang về cũng đóng cửa, hạn chế di chuyển, muốn ăn chỉ còn cách "lăn" vào bếp, nhiều người “khám phá” ra khả năng bếp núc “tiềm tàng” mà bấy lâu nay phần do cuộc sống hối hả, bận bịu mưu sinh, phần do việc cung cấp đã quá sẵn, quá tiện lợi, nên chính mình cũng lười hơn, không có dịp thể hiện!
Ở nhà lâu, bạn bè trên các trang mạng xã hội rộn vui với sản phẩm từ góc bếp. Người nhồi bột hấp bánh bao, chiên bánh tai yến, người nướng bánh mì, làm bánh bông lan bằng nồi cơm điện, tráng bánh cuốn bằng chảo chống dính, làm sợi bún, bánh canh, mì rau củ... Trừ những “phiên bản lỗi” do vụng tay nghề, lại mới làm lần đầu thì hầu như đa phần là “ổn”. Có những món trước đây chỉ quen đi mua, chưa hề nghĩ một ngày đẹp trời mình có thể tự làm được cho cha mẹ, chồng con ăn. Vất vả nhưng niềm hạnh phúc tràn ngập, cảm giác vui sướng khó tả.
Tuy nhiên, cũng có những gia đình dù ở giữa thị thành nhưng giữ được nếp sinh hoạt truyền thống, ít lệ thuộc quán xá thì cũng không mấy khổ sở vì giãn cách.
Ra chợ sống đã lâu, nhưng cô Tư tôi vẫn giữ nhiều nếp sinh hoạt truyền thống của gia đình từ hồi còn ở quê. Trước nhà, dù chật hẹp nhưng tận dụng thùng xốp, phân đất, cô trồng đủ loại, mỗi thứ một ít, thế là bữa cơm nhà luôn có sẵn hành, ngò, quế, ớt, sả, gừng, lá dứa...
Giãn cách, 3 ngày được đi chợ 1 lần, nên phải tính toán trước, ghi kỹ những thứ cần mua, đi sao cho vừa nhanh gọn, vừa an toàn: mua trứng, mua sẵn thịt, cá, tép... chia vào từng túi nhỏ trữ đông; vài loại rau củ quả để được lâu: bí đỏ, bí đao, khoai, củ sắn...; mua thêm một nải chuối chín và một nải vừa mới “trở mình”; ghé hàng tạp hoá mua thêm ít đậu xanh, nấm mèo, bột mì, bột năng... Thế là gian bếp đủ đầy, ấm cúng bữa ăn cho cả gia đình, già trẻ lớn bé trong cả tuần ở nhà chống dịch.
Ở nhà nội trợ, vốn giỏi giang, khéo sắp xếp nên việc nhà đâu ra đấy, trôi chảy, đồ ăn thức uống trong nhà không thiếu hết bất chợt, cũng không bao giờ bỏ phí vì hư hao. Ðậu xanh mua về, mớ đổ vào keo để dành làm bánh, nấu chè, nấu xôi..., mớ đem ngâm để “trút” giá. Những cọng giá trồng từ đậu xanh mập mạp cô tự làm, đem để vào rổ, bọc cẩn thận có thể bảo quản tủ lạnh ăn cả tuần mà không bị hư. Bà con trong quê gửi cho thứ gì, cô cũng nâng niu, bảo quản cẩn thận. Mớ củ nghệ đem cạo vỏ, xắt lát phơi khô. Mớ cá phi vuông ú mập, cô chừa ít cá tươi để kho, chiên, nấu canh, còn lại ướp gia vị phơi khô. Bọc tép bạc con nhỏ, mềm, thứ có nhiều ở vuông, cô cũng lặt đầu kỹ, rang sẵn. Lười chế biến cầu kỳ, thì chỉ cần nấu món canh rau củ, ăn kèm với tép rang, cá khô chiên, nướng. Bấy nhiêu cũng đủ hao cơm ngày nghỉ dịch. Rau muống đồng ăn không hết thì làm dưa. Chuối xiêm chín cả buồng, ăn không kịp cũng ép kỹ lưỡng phơi khô.
Thích nhất là những món bánh dân gian cô làm từ bột gạo tự xay ở nhà. Mấy lúc rảnh rỗi, “nhắm” trời nắng tốt, cô ngâm gạo, đem cái cối đá gia truyền mang từ quê ra, cặm cụi đẽo gọt, tra “ngỗng” cối mới, gắn tay cầm, sau đó chùi rửa cẩn thận rồi ngồi xay gạo đã ngâm thành bột. Bột xay xong để dằn trong túi vải qua đêm cho khô ráo, sáng dậy sớm cắt bột thành lát, mang phơi khô để dành ăn dần. Lúc cần làm bánh là đã có sẵn bột gạo ngon trong nhà.
Xay bột tuy cực nhọc nhưng bánh làm ra ngon hơn bột mua ở chợ.. Ảnh: LÊ TUẤN |
Công việc cực nhọc này trước đó nhiều người cho là “làm chi cho phí sức”, khi bột gạo sẵn bán đầy hàng tạp hoá. Tuy nhiên, lúc dịch bệnh như hiện nay, đi lại khó khăn, các loại bột, nguyên liệu làm bánh hút hàng, sẵn có cái cối đá trong nhà sẽ tiện lợi đủ đường. Hết bột khô sẵn thì ngâm gạo bằng nước nóng, xay mới cũng nhanh. Sẵn mớ nghệ khô, cô bỏ vào cối xay chung với gạo, để cho ra thứ bột có màu vàng tự nhiên, đem đổ bánh xèo, bánh khọt.
Thèm ngọt thì xay gạo chung với lá rau mơ, nắn bánh, không có lá mít, lá dừa nước như ở quê thì tráng bánh, hoặc nắn bột lên chén, dĩa đem hấp vẫn ngon. Rồi bánh bột luộc, bánh canh mặn - ngọt, bánh chuối hấp, pha thêm bột năng làm bánh ướt, bánh cuốn...
Từ gạo, với chiếc cối đá trong nhà, qua bàn tay khéo léo, siêng năng của cô Tư, vô số món bánh dân gian ngon miệng ra đời. Sáng dậy pha bột sẵn, rồi đi xào nhưn thịt, nấm mèo, củ sắn; pha nước chấm; xong tráng bánh, cả nhà có bữa bánh cuốn ngon miệng mà không cần ra khỏi nhà. Bữa trưa ngán cơm, ngâm ít đậu xanh, bằm thịt, tép, đổ bánh khọt; hoặc chiên bánh xèo với giá, củ sắn sẵn trong tủ lạnh... Ăn bánh đổi vị, thay cơm. Chiều mưa rả rích, thèm đồ ăn vặt, trong nhà có sẵn chuối chín, khoai lang, khoai ngọt thì pha bột chiên bánh chuối chiên, khoai chiên; ngán dầu mỡ thì làm bánh chuối hấp...
Món bánh khọt từ bột gạo tự xay, nghệ khô, ngon tuyệt ngày mưa. Ảnh: LÊ TUẤN |
Sống giữa thị thành mà vẫn được thưởng thức nhiều món bánh ngon tuổi thơ, còn gì yêu thích hơn./.
Tâm Hảo