(CMO) Từ thực tiễn công tác Ðoàn và thanh niên ở Cà Mau, đã đến lúc cấp thiết tìm giải pháp tháo gỡ bài toán tạo nguồn phát triển đảng viên mới từ nguồn lực trọng yếu này. Có thể khẳng định, việc giữ chân lực lượng ÐVTN chính là chìa khoá cởi bỏ những nút thắt đang tồn tại.
Song, cần phân biệt rõ, giữ chân không phải là trói chân, càng không thể áp dụng những biện pháp cứng nhắc, mệnh lệnh. Vấn đề là tạo môi trường thuận lợi để lực lượng ÐVTN cảm thấy yên tâm, có cơ hội phát triển, cống hiến ngay trên quê hương một cách tự nguyện, tự giác, tự thân. Và ở mức độ cao hơn là có thể thu hút, tập hợp được những tinh hoa trong ÐVTN để họ gắn bó và đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh nhà.
Giải bài toán lập thân, lập nghiệp
Như đã đề cập, nguồn phát triển đảng viên mới từ lực lượng ÐVTN tại Cà Mau đã bị “hao hụt” nghiêm trọng vì “làn sóng” lao động ngoài tỉnh. Nói như Bí thư Tỉnh đoàn Cà Mau Nguyễn Hoàng Ðạo: “Ở đây phải chỉ rõ, lực lượng ÐVTN chỉ vì sinh kế chính đáng mà buộc phải xa rời quê hương”. Vậy thì mấu chốt vấn đề và cách giải quyết triệt để nhất để giữ chân được lực lượng này chính là giúp đối tượng này lập thân, lập nghiệp ở chính nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình. Công tác Ðoàn và phong trào thanh niên đang cấp thiết đòi hỏi việc hướng về thực tiễn ở cơ sở, nơi ÐVTN đang mong ngóng lắm những trợ lực.
Tổ chức Ðoàn và lực lượng ÐVTN ngoài nỗ lực tự thân, còn cần sự đồng hành, chia sẻ, được trao cơ hội thật sự của toàn hệ thống chính trị và xã hội. Câu chuyện của vợ chồng đảng viên trẻ Võ Thị Lệ Huyền và anh Hồng Văn Lân, ấp Cái Nước Biển, xã Phú Tân, huyện Phú Tân gợi lên nhiều tín hiệu tích cực. Anh Lân từng là Bí thư Chi đoàn ấp, tuy nhiên, vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên phải gác lại tất cả để đi lao động ở tỉnh Bình Dương. Sau một thời gian, anh trở về quê bàn bạc với vợ để cả nhà cùng lao động ngoài tỉnh. Trong khi đó, cả vợ chồng đều là hạt nhân tích cực trong mọi hoạt động của ấp Cái Nước Biển, đối tượng dự nguồn phát triển Ðảng. Tổ chức Ðoàn xã Phú Tân nhanh chóng báo cáo với cấp uỷ về trường hợp cụ thể này để có phương hướng nắm bắt, giải pháp tháo gỡ.
Ðược sự hỗ trợ của địa phương, tổ chức Ðoàn - Hội, đôi vợ chồng trẻ được tiếp cận nhiều nguồn vốn ưu đãi, quyết định khởi nghiệp tại quê. “Có chí thì nên”, anh Lân hiện là chủ nhiệm tổ hợp tác phát triển kinh tế nuôi cua thương phẩm của ấp, chủ cơ sở dèo tôm giống với quy mô lớn. Chị Huyền cũng năng động làm kinh tế, vừa kinh doanh đa dạng mặt hàng, hình thức (tại chỗ và Online), vừa thành lập tổ hợp tác may thảm vải. Chị còn là Phó bí thư Chi bộ ấp Cái Nước Biển. Mái ấm của đôi vợ chồng trẻ đã vững chãi, đàng hoàng. Anh Lân còn mơ ước cháy bỏng: “Bản thân tôi đang nỗ lực phấn đấu, thực hiện khao khát trở thành đảng viên mà trước đây còn dang dở”.
![]() |
Mô hình dèo tôm của anh Hồng Văn Lân, ấp Cái Nước Biển, xã Phú Tân. |
Trong những chia sẻ về vấn đề hỗ trợ ÐVTN lập thân, lập nghiệp tại chỗ, Bí thư Huyện đoàn Trần Văn Thời Nguyễn Chí Tâm trăn trở: “Nguồn lực của tổ chức Ðoàn có hạn, thế nên giúp anh em khởi nghiệp, phát triển kinh tế vô cùng gian nan”. Nhận thấy việc hỗ trợ, giúp đỡ theo mô hình, đối tượng đơn lẻ chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của ÐVTN, Huyện đoàn Trần Văn Thời khởi xướng nhiều mô hình, câu lạc bộ (CLB) khởi nghiệp. Mới nhất là CLB xe ôm, xe khách và dịch vụ vận tải cho 40 ÐVTN của huyện. Trước đó, Huyện đoàn Trần Văn Thời cũng đã xây dựng thành công các CLB thanh niên làm kinh tế, nông sản sạch, doanh nghiệp trẻ mà sức lan toả đã tạo ra hiệu ứng, niềm tin sâu rộng trong lực lượng ÐVTN. Mong mỏi lớn nhất của anh Tâm là tổ chức Ðoàn có đủ nguồn lực, khả năng tiếp cận nguồn lực để đồng hành cùng ÐVTN trong lập thân, lập nghiệp.
Ðể “bền gốc, sâu rễ”
Các chủ trương, chính sách về công tác ÐVTN hiện nay cho thấy sự quan tâm to lớn của toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội về lực lượng rường cột của tương lai nước nhà. Thế nhưng, thực tiễn lại nêu lên những đòi hỏi bức thiết, mà ở đó cần tầm nhìn chiến lược, đúng đắn, có khả năng bao quát vĩ mô và tính ứng dụng thực tiễn để công tác ÐVTN cởi bỏ được những rào cản.
Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh: “Tổ chức Ðoàn - Hội - Ðội cần có giải pháp cụ thể, tăng sức hấp dẫn để thu hút thanh niên, phải hiểu họ cần gì, muốn gì”. Lập thân, lập nghiệp cho ÐVTN không đơn giản chỉ là phong trào mang tính thời điểm, mô hình đơn lẻ, điểm sáng cá nhân riêng biệt, mà cần phải trở thành chiến lược, phong trào sâu rộng, bền vững trong công tác ÐVTN và lan toả trong xã hội.
Là người trưởng thành từ công tác Ðoàn, ông Hải tâm huyết: “Nội lực của ÐVTN là một chuyện, nhưng môi trường để tập hợp, phát huy lực lượng này mới là căn cội của vấn đề. Cà Mau còn khó khăn, thế nên kỳ vọng lớn lao hơn là quê hương có đủ môi trường, cơ hội để thế hệ trẻ ưu tú là con em Cà Mau có thể lựa chọn gắn bó, phát triển”. Cho nên, ông Hải nhấn mạnh: “Không cách nào khác Cà Mau phải phấn đấu trở thành địa phương “phát triển nhanh, bền vững”, phải là điểm tựa vững chắc, tin cậy để thế hệ trẻ tự hào, dám dấn thân, dám khao khát và cống hiến. Toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội phải nhìn nhận thấu đáo, trân trọng và đồng hành với lực lượng ÐVTN. Công việc này phải liên tục, thường xuyên, là quá trình chớ không phải là chỉ mang tính thời điểm, cục bộ và hô hào hình thức”.
Nhìn từ góc độ của đảng bộ địa phương huyện Phú Tân, Phó bí thư Thường trực Huyện uỷ Nguyễn Hoàng Thám cho rằng: “Các cấp uỷ Ðảng cần quán triệt nhận thức về vai trò, vị trí của lực lượng ÐVTN và tổ chức Ðoàn. Ðồng ý là “việc gì khó có thanh niên”, nhưng phải chấm dứt ngay hiện tượng “Ðảng chỉ tay 5 ngón, mệnh lệnh giáo điều” cho ÐVTN làm. Cấp uỷ Ðảng phải thật sự chú trọng công tác định hướng, dìu dắt, nêu gương, đặc biệt là phải tạo không khí cởi mở, thân thiện, có tính khuyến khích, động viên để ÐVTN có cơ hội, điều kiện phát huy”.
Trở lại bài toán tạo nguồn phát triển đảng viên mới từ lực lượng ÐVTN, Bí thư Tỉnh đoàn Cà Mau Nguyễn Hoàng Ðạo kiến nghị: “Giữ chân ÐVTN, tạo cơ hội phát triển tại chỗ là trúng và đúng để tạo nguồn phát triển đảng viên mới vững chắc. Nhưng phải xác định rõ, là giữ cho bằng được những hạt nhân tích cực nhất, có khát khao cống hiến, có ý chí vươn lên và hội đủ các điều kiện để đứng vào hàng ngũ của Ðảng”. Xây dựng Ðảng - vấn đề hệ trọng, mang tính chất sống còn của đất nước nhìn từ gốc rễ, thì công việc đầu tiên chính là phát triển đảng viên mới vừa “lượng”, vừa “chất”.
Và nhất thiết công việc ấy phải bắt đầu, trước tiên, trước một bước từ công tác ÐVTN. Như lời Bác Hồ từng dặn dò trong Di chúc của Người trước lúc đi xa: “Ðoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Ðảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc rất quan trọng và rất cần thiết”./.
Quốc Rin - Băng Thanh