Mới đây, tại một trường THCS ở huyện Ðầm Dơi đã xảy ra tình trạng học sinh đánh nhau do mâu thuẫn. Sự việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn bạo lực học đường vốn gây nhức nhối nhiều năm qua. Vấn nạn này đặt ra yêu cầu, gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương cần quan tâm, có giải pháp ngăn chặn kịp thời, và quan trọng nhất chính là xây dựng môi trường học tập an toàn, không bạo lực.
Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực (thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) phối hợp với Sở GD&ÐT Cà Mau vừa tổ chức buổi toạ đàm “Thúc đẩy các kỹ năng trong học tập, kỹ năng ứng phó với các tình huống thiếu an toàn xảy ra trong trường học, cuộc sống cho học sinh THPT, các trường phổ thông liên cấp, phổ thông dân tộc nội trú tại tỉnh Cà Mau và một số tỉnh khu vực ÐBSCL”. Ðây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Học tập và kỹ năng cho trẻ em giai đoạn 2022-2026”, do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) viện trợ không hoàn lại năm 2023. Tại buổi toạ đàm, GS-TS. Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, phụ trách trung tâm, nhấn mạnh, việc quan trọng nhất thời điểm này là giúp học sinh hiểu biết về các kỹ năng cơ bản trong học tập và các kỹ năng xử lý, đối diện với các tình huống khó khăn trong cuộc sống ở lứa tuổi học đường. Trong đó, có những kỹ năng cần thiết để sẵn sàng đối diện với bạo lực học đường, kể cả dạy trẻ kỹ năng sống an toàn trên không gian mạng và thiết lập quy tắc ứng xử dựa trên yêu thương, tôn trọng.
“Hơn hết, các em cần môi trường học tập an toàn, không bạo lực. Ðể làm được điều này, nhà trường, thầy cô và chính gia đình các em cần dạy kỹ năng kiểm soát cảm xúc, giải quyết vấn đề một cách đúng đắn. Cần giáo dục nhân cách cho các em, giúp các em trở thành người tự tin, biết cách ứng xử, biết quan tâm đến mọi người...”, ông Lê Anh Vinh chia sẻ.
Việc xây dựng mối quan hệ bạn bè tích cực sẽ giúp các em học tập tốt hơn, hiệu quả hơn. (Ảnh chụp tại Ký túc xá Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Cà Mau).
Em Lâm Huỳnh Anh Thy, lớp 11A10, Trường THPT Hồ Thị Kỷ (TP Cà Mau) tâm tình, ở lứa tuổi các em có nhiều thay đổi tâm sinh lý, tình cảm và các mối quan hệ xã hội, bên cạnh đó là sự tác động của công nghệ số, do đó, các em rất cần nhà trường tổ chức nhiều hoạt động vui chơi bổ ích, các hoạt động về tư vấn tâm lý, cách ứng xử, giao tiếp...
“Chương trình toạ đàm vừa qua là một hoạt động ý nghĩa, chúng em rất cần những chia sẻ từ các chuyên gia. Qua đó, chúng em còn được nói lên suy nghĩ và học được rất nhiều kiến thức, kỹ năng. Tuy nhiên, chương trình chỉ có số ít bạn được tham gia và thời gian ngắn, em mong rằng các trường có thể tổ chức định kỳ những chương trình như thế để các bạn đều được nói lên chính kiến của mình”, Anh Thy chia sẻ.
Cô Châu Kim Hún, Bí thư Ðoàn Trường THPT Hồ Thị Kỷ, cho biết, do trường có 2 cấp học nên tâm sinh lý các lứa tuổi đa dạng. Do vậy, các chương trình, hoạt động cũng được tổ chức phù hợp theo độ tuổi; chú trọng rèn kỹ năng sống, ý thức chấp hành pháp luật thông qua hoạt động học tập, cũng như các hoạt động giáo dục khác trong và ngoài nhà trường. Ðặc biệt, trường có Tổ Tư vấn học đường để hỗ trợ với các em gặp phải vấn đề về tâm sinh lý theo cách tư vấn 1:1, hoặc tư vấn thông qua tin nhắn riêng. Ngoài ra, Ðoàn trường còn tăng cường tuyên truyền cho các em trên trang fanpage về các vấn đề giới tính, sức khoẻ, đặc biệt là về bạo lực học đường.
Ðể phát huy hiệu quả Tổ tư vấn tâm lý học đường, Ðoàn Trường THPT Hồ Thị Kỷ đều có “vệ tinh” ở mỗi lớp, đây là lực lượng góp phần phát hiện những trường hợp cần hỗ trợ tâm lý và có thể trực tiếp chia sẻ với các bạn trong một số trường hợp đơn giản.
Chị Hồ Quý Nhi, Trưởng ban Thanh thiếu nhi - Trường học, Phó chủ tịch Hội đồng Ðội tỉnh, cho rằng, không chỉ từ phía nhà trường, gia đình, mà còn cần các tổ chức địa phương... tất cả cùng chung tay mới có thể giúp cho môi trường học đường trở nên an toàn hơn. Bởi bạo lực học đường có thể diễn ra bất kỳ đâu, thậm chí trên mạng xã hội. Song thực tế, trên địa bàn tỉnh còn thiếu nhiều môi trường, sân chơi lành mạnh cho các em; tỉnh chưa có chuyên gia tâm lý để có thể tham vấn, tư vấn hiệu quả.
Học sinh cần được hướng dẫn và tạo tói quen tích cực trong sử dụng và ứng xử trên không gian mạng.
“Hiện các trường có phòng, tổ tư vấn học đường, đây được xem là giải pháp cần thiết nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả, vì hầu hết không có giáo viên chuyên trách mà phải bố trí kiêm nhiệm nên thiếu chuyên sâu trong việc chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho học sinh. Ban Thanh thiếu nhi - Trường học có nhiều dự định nhưng trở ngại lớn là vấn đề kinh phí, vì phải có chuyên gia để có thể thiết lập ra các quy trình phòng ngừa can thiệp ban đầu, can thiệp chuyên sâu, kết nối các nguồn lực...”, chị Quý Nhi trăn trở.
Thiết nghĩ, công tác bảo vệ trẻ khỏi bạo lực học đường cần sự quan tâm đúng mức, đồng bộ về nguồn lực, nguồn tài chính để thực hiện và duy trì xuyên suốt, nhất là hoạt động này trong nhà trường để đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay./.
Băng Thanh - Hữu Nghĩa