“Thế trận lòng dân” trên không gian mạng có vai trò quan trọng đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. “Thế trận lòng dân” trên không gian mạng là cơ sở, tiền đề bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Ðảng, ngăn ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá.
- Ðổi mới phương thức giáo dục lý luận chính trị
- Sắt son với “Mười lời thề danh dự”
- Phải thích nghi và làm chủ mạng xã hội
Tranh: Minh Tấn |
Trên không gian mạng hiện nay, nhằm đẩy mạnh các phương thức chống phá Ðảng, Nhà nước ta, các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng các mạng xã hội có máy chủ ở nước ngoài để tán phát các bài viết có nội dung xuyên tạc, chống phá Ðảng, Nhà nước. Lợi dụng triệt để sự phát triển của kỹ thuật công nghệ, chúng thiết lập hệ thống hàng ngàn trang web, blog, tài khoản mạng xã hội để tuyên truyền phá hoại nền tảng tư tưởng. Nhiều trang được đầu tư lớn về tài chính, có hệ thống máy chủ, đội ngũ kỹ thuật và chuyên gia về bảo mật riêng.
Ðể tránh bị lực lượng chức năng phát hiện, các đối tượng đã triệt để khai thác tính ẩn danh trên không gian mạng, dùng những thủ đoạn tinh vi kết hợp với các phương tiện kỹ thuật, phần mềm chuyên dụng để che giấu danh tính, xoá các dấu vết. Sử dụng đa dạng các loại hình, nội dung thông tin tuyên truyền phá hoại.
Trước những âm mưu, thủ đoạn và sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên không gian mạng thì vai trò của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là quần chúng Nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói chung, trên không gian mạng nói riêng là vô cùng quan trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Ðảng ta còn. Ngược lại, nếu cái gì làm trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”. Do đó, để chủ động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, Ðảng, Nhà nước cùng các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã luôn quan tâm chăm lo xây dựng, phát huy “thế trận lòng dân”; xây dựng, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật để khai thác vai trò của không gian mạng trong phát triển, nâng cao vị thế chính trị, kinh tế, xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân.
Với nhiều chính sách quan trọng, Nhà nước đã có sự đầu tư thích đáng tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ về nhiều mặt cho các địa phương trên cả nước thích ứng nhanh, phù hợp với chuyển đổi số. Ðưa ứng dụng khoa học vào trong sản xuất để nâng cao đời sống, phát huy tối đa tính sáng tạo của người dân. Nhờ đó, đời sống của đông đảo quần chúng Nhân dân được cải thiện, dân chủ xã hội được phát huy, mối quan hệ giữa Ðảng, chính quyền với Nhân dân và lực lượng vũ trang được tăng cường, nhất là trong những thời điểm cấp bách như: thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh cả nước phải chung vai, sát cánh để cùng nhau vượt qua và hỗ trợ nhau trong cuộc sống.
Tỉnh Cà Mau đã thực hiện tốt các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tạo nên “thế trận lòng dân” vững chắc cả trong thực tế và trên không gian mạng. Ban Chỉ đạo 35 Công an tỉnh đã viết 1.947 bài, chia sẻ 93.084 bài viết, hình ảnh, video clip về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có hơn 150 triệu lượt tương tác, tiếp cận, góp phần lan toả “phủ xanh” thông tin tích cực để mọi người dân nhận biết các nguồn thông tin từ những trang web, trang mạng xã hội không rõ nguồn gốc, những thông tin cá nhân nhạy cảm để tránh chia sẻ, bình luận.
Với những tài khoản có đăng nhiều nội dung vi phạm, chống phá thì tập hợp lực lượng cùng nhau “report” (báo cáo) giúp quản trị mạng có cơ sở để xoá thông tin sai sự thật hoặc khoá tài khoản; duy trì hoạt động 218 nhóm Zalo với 15.939 thành viên phục vụ công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân phòng, chống tội phạm...
Triển khai Ðề án xây dựng thế trận an ninh Nhân dân trên không gian mạng năm 2023, Công an tỉnh Cà Mau đã phát hiện, xử lý 5 vụ, 7 đối tượng liên quan đến việc lợi dụng mạng xã hội đăng tải, chia sẻ bài viết xuyên tạc, chống Ðảng, Nhà nước; xác minh, xử lý 65 trường hợp sử dụng mạng xã hội vi phạm pháp luật (phạt vi phạm hành chính 26 trường hợp với số tiền 185 triệu đồng; răn đe, nhắc nhở cam kết không tái phạm 39 trường hợp).
Những việc làm trên đã góp phần củng cố lòng tin của quần chúng Nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới, tạo nền tảng xây dựng “thế trận lòng dân”, góp phần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Ðảng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng ở tỉnh Cà Mau cũng còn tồn tại những hạn chế nhất định.
Các thế lực thù địch, phản động sẽ tiếp tục triệt để sử dụng không gian mạng để tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Việt Nam, gây chia rẽ, suy giảm niềm tin của quần chúng Nhân dẫn vào Ðảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam nói chung và địa bàn tỉnh Cà Mau nói riêng. Ðể tiếp tục củng cố, xây dựng và phát huy “thế trận lòng dân” trên không gian mạng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của các lực lượng nòng cốt và cả “thế trận lòng dân” trong quần chúng Nhân dân.
Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho toàn dân về ý thức rõ trách nhiệm trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Các cơ quan, ban, ngành trong toàn hệ thống chính trị của tỉnh trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là lực lượng Quân đội, Công an tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục làm cho các tầng lớp Nhân dân hiểu rõ quan điểm về vị trí, vai trò của không gian mạng trong phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh của đất nước; nhận thức đúng chủ trương, đường lối của Ðảng và pháp luật Nhà nước ta về bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc; nhận diện và nâng cao khả năng “miễn dịch” sức đề kháng của cán bộ, đảng viên, Nhân dân trước âm mưu, hoạt động tuyên truyền chống phá, gây chia rẽ nội bộ của các thế lực phản động, chống đối. Nội dung tuyên truyền phải đa dạng và phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng; tận dụng triệt để các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, TikTok, YouTube... để lan toả rộng rãi đến các tầng lớp công nhân, Nhân dân, sinh viên, học sinh trong tỉnh. Các cấp, các ngành, các huyện, TP Cà Mau cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chuyên trách làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự đồng thuận “ý Ðảng - lòng Dân”.
Hai là, kết hợp và thực thi tốt các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trên không gian mạng. Ðây là vấn đề huy động sức dân, là cơ sở, nền tảng vững chắc cho nhiệm vụ xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng. Gắn chặt việc xây dựng “thế trận lòng dân” với xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên, người dân là một lá chắn thép, là một chiến sĩ trên mặt trận đấu tranh không tiếng súng.
Ba là, xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng phải đặt dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của các cấp uỷ đảng, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Muốn vậy, cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp phải được xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực sự là hạt nhân lãnh đạo xây dựng “thế trận lòng dân”. Cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp cần tập trung xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, đủ năng lực tổ chức điều hành, làm việc công tâm, thực sự vì dân, quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, là chỗ dựa tin cậy của Nhân dân; bảo đảm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và chính sách an sinh xã hội... tạo tiền đề để xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.
Bốn là, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy vai trò của các tổ chức, cá nhân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Ðẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, góp phần đẩy lùi nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.
Năm là, lực lượng Quân đội, Công an tỉnh phải làm tốt chức năng tham mưu với Ðảng, Nhà nước, cấp uỷ, chính quyền các cấp về công tác an ninh, quốc phòng; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc; bồi dưỡng, nâng cao kiến thức quốc phòng, an ninh cho quần chúng Nhân dân và chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể địa phương thống nhất kế hoạch thực hiện trong quá trình xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng. Làm tốt công tác dân vận, phát động hiệu quả các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, từ đó tạo thành các mối quan hệ máu thịt với Nhân dân./.
Trần Ngọc Nguyễn