ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 1-7-25 07:06:06
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài 2: Bước chuyển mình của đô thị hoá nông thôn

Báo Cà Mau Khác với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đô thị động lực, như TP Cà Mau, Sông Ðốc và Năm Căn, những làng quê, nơi mà quá trình đô thị hoá đang diễn ra một cách lặng lẽ lại trở thành nơi lý tưởng, đáng sống, ước mơ của nhiều người. Cà Mau, từ một bức tranh tưởng chừng đơn điệu, với ruộng lúa, ao tôm, cánh đồng hoa màu và những con rạch hiền hoà, nay khoác lên mình diện mạo mới, hiện đại hơn, thuận tiện hơn, nhưng vẫn giữ được bản sắc miền Tây sông nước.

Ðòn bẩy thúc đẩy đô thị hoá nông thôn

Tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại Cà Mau đang đạt những dấu ấn quan trọng. Ðến nay, 65/82 xã, đạt 79,2%, đã được công nhận đạt chuẩn, nhiều địa phương tiếp tục nâng cấp lên NTM nâng cao và kiểu mẫu. Quan trọng hơn, sự thay đổi không chỉ dừng lại ở con số mà còn thể hiện rõ nét trong đời sống người dân.

Hạ tầng giao thông là nhân tố then chốt. Nếu trước đây, việc đi lại chủ yếu phụ thuộc vào xuồng ghe, thì nay, hơn 95% tuyến đường nông thôn đã được nhựa hoá hoặc bê tông hoá. Thông tin từ Sở Xây dựng, toàn tỉnh có hơn 10.950 km đường, trong đó 9.000 km thuộc cấp xã. Ðặc biệt, 82/82 xã đã có đường ô tô đến trung tâm, tạo nền tảng vững chắc cho giao thương và phát triển kinh tế.

Giao thông nông thôn được đầu tư khang trang, hướng đến cuộc sống tiện nghi, rút ngắn khoảng cách thành thị.

Giao thông nông thôn được đầu tư khang trang, hướng đến cuộc sống tiện nghi, rút ngắn khoảng cách thành thị.

Sự thay đổi dễ thấy nhất là ở những địa phương tiên phong, như xã Tân Dân, huyện Ðầm Dơi, là xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn NTM, đặt nền móng cho quá trình đổi mới toàn diện khu vực nông thôn. Không dừng lại ở đó, đến năm 2021, Tân Dân tiếp tục lập thêm cột mốc quan trọng khi trở thành xã đầu tiên đạt chuẩn NTM nâng cao.

Ông Ðỗ Hoàng Thơ, Phó chủ tịch UBND xã Tân Dân, cho biết: “Hiện nay, xã đang hướng đến mục tiêu cao hơn, là xây dựng NTM kiểu mẫu, với các tiêu chí phát triển bền vững và nâng cao chất lượng sống toàn diện cho người dân. Xã đã đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, đảm bảo kết nối thuận lợi giữa các ấp; 100% trường học đạt chuẩn quốc gia, 100% ấp có trụ sở sinh hoạt cộng đồng. Ðời sống kinh tế khởi sắc với hơn 90% hộ khá, giàu, thu nhập bình quân đầu người đạt 61 triệu đồng”.

Tại thị trấn Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân, trong năm 2024, có 6 công trình hạ tầng quan trọng (mở rộng tuyến lộ bê tông, nâng cấp cầu, đầu tư hệ thống điện chiếu sáng và nạo vét kênh thoát nước) đã hoàn thành, nâng chất lượng sống của người dân lên một tầm cao mới. Ông Lê Minh Cảnh, Phó chủ tịch UBND thị trấn, cho biết: “Ðịa phương đang triển khai 3 công trình trọng điểm, đạt tỷ lệ hoàn thành 80-100%. Hạ tầng phát triển giúp giao thông thuận lợi, kinh tế - xã hội khởi sắc theo”.

Không chỉ đường bộ, chương trình xây dựng cầu vùng nông thôn cũng tạo hiệu ứng tích cực. Tính đến nay, toàn tỉnh có 1.335 cây cầu bê tông được đưa vào sử dụng, thay thế những cây cầu gỗ cũ kỹ, giúp người dân đi lại an toàn hơn và tăng kết nối giao thương. Ðồng thời, dự kiến đến cuối tháng 8 tới, sẽ có tổng số 4.400 căn nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Song song với giao thông, điện, nước sạch và viễn thông cũng là những lĩnh vực được đầu tư mạnh mẽ. Ðến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ dân nông thôn có điện lưới quốc gia đạt 99,9%, đảm bảo nguồn cung ổn định cho sản xuất và sinh hoạt. Ông Nguyễn Duy Ðăng, Phó phòng Kinh doanh, Công ty Ðiện lực Cà Mau, khẳng định: “Việc đầu tư hạ tầng điện giúp nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng sống cho người dân nông thôn”.

Tương tự, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt 85%, nhờ 26 công trình cấp nước tập trung. Dự kiến trong năm nay sẽ có thêm 15 ngàn hộ được tiếp cận nguồn nước sạch ổn định.

Viễn thông cũng góp phần không nhỏ vào sự thay đổi diện mạo nông thôn. Ðến nay, hơn 90% hộ gia đình ở Cà Mau có kết nối Internet, mở ra cơ hội tiếp cận thông tin và kinh doanh trực tuyến. Nhiều hộ dân đã tận dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Từ những đổi thay trên, có thể thấy đô thị hoá nông thôn tại Cà Mau không đơn thuần là mở rộng quy mô hay đầu tư cơ sở hạ tầng, mà quan trọng hơn là nâng cao chất lượng sống, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững. Như lời ông Thái Thành Thơ, cựu chiến binh Ấp 13, xã Khánh An, huyện U Minh: “Trước đây, mỗi lần ra huyện phải chèo xuồng cả tiếng đồng hồ. Giờ có đường nhựa, chạy xe máy chưa đến 20 phút là tới nơi. Nhà nước hỗ trợ hộ nghèo xây nhà, cho vay vốn làm ăn. Nhờ vậy, đời sống bà con ngày càng khấm khá”.

Nhìn rộng hơn, đô thị hoá nông thôn không chỉ giúp thay đổi diện mạo vùng quê mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế, giữ chân lao động trẻ và hình thành những vùng nông thôn mới, nơi giao thoa giữa truyền thống và hiện đại.

Dáng vóc đô thị xanh

Quá trình đô thị hoá nông thôn ở Cà Mau không chỉ là mở rộng hạ tầng mà còn hướng đến phát triển bền vững, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên và nâng cao chất lượng sống. Từ những vùng quê thuần nông, nhiều địa phương trong tỉnh đang khoác lên mình diện mạo mới, một đô thị xanh giữa vùng quê.

Xây dựng đô thị xanh trở thành xu hướng tất yếu, với mục tiêu tạo không gian sống hài hoà giữa con người và thiên nhiên. Nhiều xã như Lý Văn Lâm, Tân Thành (TP Cà Mau); Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình)... đã triển khai Chương trình “Xanh - Sạch - Ðẹp”, biến những con đường làng thành những tuyến phố nhỏ đầy cây xanh, hàng rào hoa rực rỡ. Ðến nay, hơn 90% tuyến đường tại các xã này đã đạt tiêu chí sáng - xanh - sạch - đẹp.

Bức tranh nông thôn xã Lý Văn Lâm (TP Cà Mau) phát triển theo hướng xanh, hiện đại.

Bức tranh nông thôn xã Lý Văn Lâm (TP Cà Mau) phát triển theo hướng xanh, hiện đại.

Người dân không chỉ hưởng lợi từ cảnh quan mà còn chủ động tham gia xây dựng quê hương. Ông Hồ Văn Triều, Ấp 2, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, không giấu được niềm vui: “Nhờ bà con đồng lòng chỉnh trang cảnh quan, xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu mà bộ mặt nông thôn đã thay đổi rõ rệt chỉ trong thời gian ngắn. Không chỉ đẹp hơn, khang trang hơn, mà cuộc sống của mọi người cũng khởi sắc hơn”.

Bên cạnh phát triển đô thị xanh, Cà Mau còn triển khai mô hình “Ấp thông minh” nhằm nâng cao đời sống người dân. Tiêu biểu, ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau được chọn làm điểm chỉ đạo xây dựng NTM kiểu mẫu. Hiện tại, ấp đã đạt 6/6 tiêu chí ấp thông minh, thu nhập bình quân đầu người lên đến 86,71 triệu đồng. Ðời sống người dân không ngừng cải thiện, cảnh quan môi trường thay đổi rõ nét. Thành quả này chính là trái ngọt của chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu, nhờ sự chung sức, đồng lòng của cả cộng đồng.

Không chỉ xanh, nông thôn Cà Mau còn ứng dụng công nghệ vào sản xuất và quản lý. Người dân dần quen với phần mềm theo dõi mùa vụ, ứng dụng dự báo thời tiết, sử dụng thiết bị thông minh (máy bay không người lái) tưới phân, chăm sóc ruộng lúa, hoa màu, giúp giảm rủi ro và nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhờ vậy, nhiều xã đã hình thành các vùng sản xuất chất lượng cao, điển hình như xã Tân Thành, TP Cà Mau với 2 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao, có làng cá Tân Thành giúp đời sống bà con no ấm. Thu nhập bình quân tại đây đạt 68,4 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,26%. Ông Trần Quang Thum, Bí thư Ðảng uỷ xã Tân Thành, nhấn mạnh: “Công nghệ cùng ý thức xây dựng môi trường sống xanh đã giúp nông thôn thay đổi toàn diện, tiệm cận chuẩn đô thị hiện đại”.

Dù có nhiều bước tiến, nông thôn Cà Mau vẫn đối mặt với những thách thức, như việc giữ gìn bản sắc văn hoá trong quá trình đô thị hoá; thu hút đầu tư khi hạ tầng còn hạn chế và ứng phó với biến đổi khí hậu...

Bà Cao Hồng Cẩm, Chủ tịch UBND xã Lý Văn Lâm, nhìn nhận: “Ðô thị hoá nông thôn không chỉ đơn thuần là mở rộng đường sá, xây dựng cơ sở hạ tầng, mà quan trọng hơn là làm sao nâng cao chất lượng sống của người dân. Ðiều đó đòi hỏi sự đồng lòng của cả chính quyền và Nhân dân trong việc duy trì môi trường sống xanh, sạch, hiện đại... nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hoá địa phương”.

Ông Lâm Văn Bi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, khẳng định: “Xây dựng nông thôn theo hướng đô thị xanh không chỉ là câu chuyện hạ tầng, mà còn là nâng cao chất lượng sống và phát triển bền vững”.

Thực tế cho thấy, khi nông thôn phát triển theo hướng xanh, hiện đại nhưng vẫn gìn giữ bản sắc, không chỉ cảnh quan đổi thay mà đời sống người dân cũng được nâng cao. Ðây chính là tương lai mà Cà Mau đang hướng tới, một nông thôn mang dáng vóc đô thị xanh./.

 

Loan Phương - Việt Mỹ

Bài 3: Giải mã “điểm nghẽn” để khơi thông tiềm năng

 

Khi ý Ðảng gặp sức dân - Bài cuối: Nâng cao hiệu quả quản trị cộng đồng

Bức tranh toàn cảnh về sự hình thành và những thành công bước đầu của mô hình tổ Nhân dân tự quản (NDTQ) tại Cà Mau, cho thấy một thiết chế đầy tiềm năng trong việc kết nối ý Ðảng với sức mạnh cộng đồng. Tuy nhiên, hành trình xây dựng và phát triển mô hình này không tránh khỏi những “gập ghềnh”, những “nút thắt” cần được tháo gỡ.

Viết báo tết trong chiến khu

Buổi sáng cuối đông năm 1973, bầu trời se lạnh. Chúng tôi ngồi viết báo Tết trong khu vườn dừa của chú Sáu Lân ở ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.

Khi phóng viên địa bàn đồng hành cùng địa phương

Từ thời Báo Minh Hải, phóng viên đã được Toà soạn phân công phụ trách địa bàn để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với cơ sở, với bà con, nắm bắt thật sát tình hình địa phương, thực hiện các tin, bài nóng hổi tính thời sự, góp phần và đồng hành cùng với sự ổn định, phát triển của địa bàn phụ trách.

Khi ý Ðảng gặp sức dân

Trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân, vì dân”, ở Cà Mau, một mô hình tổ chức xã hội đặc biệt đang âm thầm bén rễ và lan toả sức sống: Tổ Nhân dân tự quản (NDTQ). Thoạt nghe, cụm từ này có vẻ khô khan, mang nặng tính hành chính, nhưng khi đặt chân đến những xóm, ấp nơi mô hình này đang hoạt động, người ta mới cảm nhận được hơi thở của sự tự nguyện, tinh thần đoàn kết và khát vọng làm chủ cuộc sống cộng đồng. Ðây không chỉ là hình thức tập hợp người dân theo địa bàn cư trú, mà sâu xa hơn, nó đang dần khẳng định vai trò như một cầu nối sống động, nơi ý Ðảng được truyền tải một cách gần gũi nhất, hoà quyện với nhu cầu và sức mạnh nội tại của Nhân dân.

Với nghề, tôi thấy mình như vừa chập chững tập đi...

Tôi bắt đầu công việc viết lách từ rất sớm, như các bạn tuổi mới lớn khác, tập tành sáng tác thơ và tản văn. Ở những năm học cấp III, tôi chi tiêu cho mua dụng cụ học tập, hàng quà hay những thứ lặt vặt khác, từ chính nguồn nhuận bút viết lách.

Thức cùng sóng biển

Hầu như năm nào cũng vậy, khi những làn gió chướng đầu tiên lao xao trên cành lá là cái rạo rực về những bài báo xuân cứ thôi thúc trong mỗi chúng tôi.

Làm báo thời chiến

Từ buổi bình minh của cách mạng và xuyên suốt các chặng đường đấu tranh gian khổ, báo chí Cà Mau luôn khẳng định là vũ khí sắc bén, đóng góp tích cực vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong những năm tháng đầy lửa đạn ấy, những người làm báo Cà Mau dù phải đối mặt với muôn vàn hiểm nguy, kề cận với cái chết nhưng vẫn kiên cường giữ vững niềm tin và khí tiết cách mạng. Họ đã xuất sắc hoàn thành sứ mệnh của những người chép sử, ghi lại chân thực cuộc chiến đấu anh dũng của dân tộc, của quê hương.

Nơi tôi “khởi mầm” nghề báo

Nhà báo Nguyễn Danh gọi nhắc: Báo Cà Mau chuẩn bị làm kỷ yếu kỷ niệm 100 năm báo chí cách mạng, Kiều Tiên viết gì gửi về đi! Dù bận khá nhiều việc ở cơ quan nhưng tôi cũng hứa sẽ tranh thủ viết. Xem đây là dịp để nhắc về kỷ niệm một thời cùng các anh chị em ở Báo Cà Mau và cũng để tri ân nơi “khởi mầm” nghề báo cho tôi đến hôm nay.

Hành trình về ngôi nhà chung

Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau (CTV) được thành lập vào ngày 4/7/1977, tiền thân là Ðài Phát thanh - Truyền hình Minh Hải. Hơn một tháng sau ngày thành lập, Ðài chính thức phát đi tiếng nói đầu tiên lúc 5 giờ sáng ngày 19/8/1977, khởi nguồn chặng đường xây dựng và phát triển của loại hình báo phát thanh - truyền hình trên mảnh đất cực Nam Tổ quốc.

Nhà báo tay ngang

Hôm bữa, Nam Phong, Phó Tổng Biên tập Báo và Ðài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau - bạn tắm sông thuở nhỏ của tôi, gửi Zalo bản chụp bài báo “Về một xí nghiệp đóng tàu” (Báo Minh Hải, thứ Năm, ngày 8/10/1987). Trời đất! Tìm đâu ra vậy? Ðó là “lễ vật chào sân” của tôi với Báo Minh Hải thuở tập tành viết báo.