Hiện bình quân toàn tỉnh có khoảng 5,4 trường học/đơn vị xã, phường. Mạng lưới trường, lớp học đều khắp với nhiều loại hình đào tạo khác nhau đã tạo nhiều cơ hội học tập tốt nhất cho người dân.
Hiện bình quân toàn tỉnh có khoảng 5,4 trường học/đơn vị xã, phường. Mạng lưới trường, lớp học đều khắp với nhiều loại hình đào tạo khác nhau đã tạo nhiều cơ hội học tập tốt nhất cho người dân.
“Với quy mô 562 trường ở các cấp học được xây dựng kiên cố và bán kiên cố; đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn ngành hơn 18.000 người được đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn, giáo dục Cà Mau đang phát triển khá toàn diện”, Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau Nguyễn Minh Luân cho biết.
Hệ thống trường, lớp đều khắp
Trong sự nghiệp phát triển giáo dục ở Cà Mau, 2 huyện U Minh và Ngọc Hiển được xem là nơi khó khăn nhất, nhưng giờ khoảng cách về hệ thống trường, lớp học và chất lượng giáo dục ở 2 địa phương này so với mặt bằng chung của tỉnh đã không còn.
Nhờ nâng chất toàn diện, mặt bằng giáo dục của Cà Mau thu hẹp khoảng cách nông thôn - thành thị. (Trong ảnh: Các em học sinh Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển). Ảnh: MINH TẤN |
Có 2 con học tại Trường Tiểu học Đào Duy Từ, chị Nguyễn Mỹ Linh, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, phấn khởi nói: “Bây giờ điều kiện học tập của con em ở vùng rừng này rất tốt so với 5 năm về trước. Trường, lớp học được xây dựng khang trang, học sinh đến trường bằng xe đạp trên đường nhựa. Thật sự đây là điều trước đây bà con ở giữa khu rừng này không thể ngờ. Vì thế mà nhiều gia đình dù nghèo nhưng vẫn cố gắng cho con đi học”.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đào Duy Từ Triệu Thanh Dùm cho biết, năm học này trường có 478 học sinh, trong đó có 163 em thuộc hộ nghèo và 32 em con hộ cận nghèo nhưng chưa có em nào bỏ học. Điều đặc biệt hơn nữa là trường có 100% học sinh tham gia bảo hiểm y tế. Hiện nay, trường có 26 giáo viên đều đạt chuẩn và trên chuẩn nên chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên.
Theo Trưởng Phòng Giáo dục huyện U Minh Trần Hoàng Lạc, đến nay, hệ thống trường, lớp học của huyện đã được xây dựng kiên cố và bán kiên cố 100%, đảm bảo điều kiện học tập cho tất cả các địa bàn từ trung tâm huyện đến các lâm phần rừng tràm.
Là địa bàn vùng biển khó khăn, Tân Ân được xem là một trong những xã có hộ nghèo cao nhất huyện Ngọc Hiển vì đa phần bà con ở đây thuộc diện tái định cư, thiếu tư liệu sản xuất. Thế nhưng, chuyện học tập của con em ở đây rất được phụ huynh quan tâm, nhất là từ khi Trường Tiểu học xã Tân Ân đạt chuẩn quốc gia (năm 2012) đến nay hầu như không có học sinh bỏ học. Thầy Nguyễn Tiến Lợi, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Thực tế có một vài em bỏ học, nhưng nhà trường cử giáo viên xuống gia đình vận động và giúp đỡ nên các em quay lại lớp, không bỏ học nữa. Hiện nay trường có 15 lớp học với 348 học sinh".
Trưởng Phòng Giáo dục huyện Ngọc Hiển Hoàng Ngọc Hùng phấn khởi khoe: "Năm 2008 huyện đã xoá hết phòng học tạm, 15 trong tổng số 32 trường đạt chuẩn quốc gia, kế hoạch năm 2015 sẽ công nhận thêm 3 trường đạt chuẩn. Năm 2010, toàn huyện thiếu gần 200 giáo viên nhưng đến nay giáo viên THCS và tiểu học cơ bản đã đủ, đều đạt chuẩn và trên chuẩn".
Tập trung nâng cao chất lượng
Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Cà Mau đã tập trung đầu tư kiên cố hoá trường, lớp học với nguồn kinh phí hơn 661 tỷ đồng. Thực hiện chương trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2010-2015 với tổng kinh phí theo kế hoạch 1.116 tỷ đồng; có 203 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt 38,01%. |
Định hướng về nâng cao chất lượng giáo dục sắp tới, Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau Nguyễn Minh Luân lạc quan: "Trên nền tảng trường, lớp được xây dựng ổn định và đội ngũ cán bộ, giáo viên luôn được nâng cao trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn như hiện nay, ngành sẽ tập trung thực hiện các mục tiêu phát triển giáo dục toàn diện giai đoạn 2015-2020. Ngoài tranh thủ các nguồn kinh phí đầu tư xây dựng trường học theo hướng tập trung, đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, ngành sẽ ưu tiên đào tạo lại để nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên theo hướng dạy học tích hợp nhiều môn ở tất cả các cấp học, bậc học".
Theo định hướng phát triển của ngành, đến năm 2020, tất cả giáo viên đều đạt chuẩn trình độ theo quy định. Trong đó, 60% giáo viên THCS có trình độ đại học sư phạm; 30% cán bộ quản lý, giáo viên THPT có trình độ thạc sĩ trở lên. Bên cạnh là nâng cao chất lượng đào tạo của các trường cao đẳng và trung cấp để thực hiện tốt việc đa dạng các loại hình đào tạo, đáp ứng yêu cầu thực tế của địa phương.
“Việc nâng chất giáo dục phải thực hiện toàn diện cả về cơ sở vật chất lẫn đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Trong đó, cán bộ quản lý và giáo viên có trình độ chuyên môn tốt, trình độ lý luận chính trị vững vàng là nhân tố mang tính quyết định", ông Nguyễn Minh Luân khẳng định./.
Nguyễn Danh