(CMO) Từ khoảng năm 2018, Cà Mau bắt đầu xuất hiện loại hình dịch vụ xe ôm công nghệ. Sau thời gian lắng xuống do ảnh hưởng của dịch bệnh, hiện nay các tổ, nhóm đã bắt đầu hoạt động sôi nổi trở lại, tạo công ăn việc làm cho nhiều đối tượng lao động, từ sinh viên đến nông dân.
Tại trung tâm TP Cà Mau, từ sau 18 giờ không quá khó để bắt gặp các nhóm xe công nghệ lưu thông trên đường hoặc tập trung phía trước các nhà hàng, quán nhậu. Giá cước cho các dịch vụ có mức trung bình từ 5.000 đồng/km cho dịch vụ giao nhận hàng; 10.000 đồng/km đầu (5.000 đồng/km tiếp theo) cho dịch vụ xe gắn máy; 10.000 đồng/km trong 10 km đầu tiên và 9.000 đồng/km những km tiếp theo cho dịch vụ ô-tô.
Khác với dịch vụ vận tải nhiều nơi, tại Cà Mau, dịch vụ xe ôm công nghệ phát triển chủ yếu phục vụ cho khách hàng đã có sử dụng rượu, bia, không thể tự điều khiển phương tiện giao thông theo quy định. Vì vậy, nghề chạy xe công nghệ ở Cà Mau có những đặc điểm riêng. Dịch vụ hoạt động 24/24, nhưng hoạt động mạnh nhất từ sau 18 giờ. Khách thường có yêu cầu chở người và lái xe của khách đi về. Thế nên mỗi cuốc xe cần có 2 tài xế, 1 người điều khiển xe khách, 1 người điều khiển phương tiện của khách (khách đi xe máy). “Khách hàng là người vừa uống say chiếm khoảng 80%, 20% còn lại dành cho dịch vụ giao nhận hàng và chở khách thông thường. Nhu cầu tăng cao vào ngày cuối tuần và các ngày lễ”, anh Bùi Thiên Triều (40 tuổi) chủ nhóm xe ôm Grab Xanh cho biết.
Các thành viên muốn tham gia phải từ đủ 18 tuổi, có giấy phép lái xe và những giấy tờ cần thiết khác. Thành viên tham gia nhóm cung cấp thông tin căn cước công dân cùng ảnh chân dung để trưởng nhóm nắm thông tin, không cần cam kết về giờ chạy. Tuy nhiên, nhóm có nội quy riêng về tác phong, cách hoạt động. Với nhóm chạy Grab Xanh, anh Triều chia sẻ: “Các lỗi nhỏ chúng tôi thống nhất với nhau phạt 10.000 đồng cho 1 lần vi phạm. Số tiền đó được dùng làm quỹ khi có hoạt động chung hoặc hỗ trợ anh em trong đội trong những trường hợp cần thiết”.
“Theo tôi biết, hiện nay nếu tính luôn các nhóm nhỏ có từ 3 thành viên hoạt động thì trên địa bàn tỉnh có trên 70 nhóm chạy xe công nghệ. Tuỳ theo quy định của nhóm, tại Grab Xanh anh em sẽ duy trì đóng phí cố định hàng tháng, chứ không thu hoa hồng theo cuốc xe vì mỗi cuốc thường đi 2 người, chia theo hoa hồng thì anh em còn lại chẳng bao nhiêu”, anh Triều nói về cách thức chia lợi nhuận của nhóm.
Mỗi ngày từ 17 giờ, nhóm của anh Triều sẽ tập trung tại quán nước cố định khu vực trung tâm TP Cà Mau. Việc nhận khách thực hiện thông qua số điện thoại cá nhân của anh Triều và đây cũng là số đường dây nóng của nhóm. Anh Triều cũng là người trực tiếp phân chia cuốc xe cho anh em tại điểm tập trung. “Trước đây, tại Cà Mau có hãng đã dùng ứng dụng công nghệ trên điện thoại thông minh để khách hàng đặt xe, tuy nhiên không hiệu quả, không thể cạnh tranh với cách gọi trực tiếp. Các thao tác trên ứng dụng khiến khách cảm thấy rườm rà hơn cách gọi điện trực tiếp”, anh Triều thông tin.
Làm thợ cắt tóc gần 2 năm tại TP Cà Mau, tận dụng thời gian rảnh buổi tối, anh Nguyễn Bé Ngoan (18 tuổi) tham gia nhóm chạy Grab Xanh để kiếm thêm thu nhập. Sau khi kết thúc công việc tại tiệm tóc lúc 20 giờ, anh Ngoan tranh thủ đến điểm tập trung của nhóm chờ nhận cuốc. “Tôi thường chạy đến 12 giờ đêm thì nghỉ. Hôm nào mệt thì tôi nghỉ lấy sức. Công việc thoải mái và nguồn thu ổn", anh Ngoan nói.
Anh Nguyễn Bé Ngoan (bên phải) chuẩn bị rước khách cùng đồng nghiệp. |
Do phục vụ chủ yếu cho khách đã sử dụng rượu bia nên lắm lúc các bác tài cũng gặp những tình huống dở khóc dở cười. “Làm nghề này nhiều khi cũng gặp mấy tình huống éo le, có khi khách gọi xe mình đến nơi phải ngồi đợi khách nhậu tiếp hơn 1 tiếng sau mới về, nhưng đã nhận cuốc rồi nên anh em vẫn phải vui vẻ ngồi chờ. Cũng có khi khách chưa rõ về dịch vụ bên mình nên đặt xe nhầm", anh Ngoan chia sẻ.
Tiếp nối chuỗi câu chuyện éo le của nghề, anh Nguyễn Văn Minh (46 tuổi, thành viên đội Grab Xanh) kể: “Ðêm đó tôi nhận cuốc chở 1 khách say. Ði được một đoạn thì khách bảo không còn nhớ đường về nhà nữa, tôi lúng túng vì không biết cách liên lạc với người thân của khách, trong khi khách mang theo nhiều tài sản có giá trị. Thế là anh em trong đội quyết định nhờ công an khu vực hỗ trợ nhằm đảm bảo tốt nhất cho tài sản của hành khách”.
Anh Triều chia sẻ: “Từ ngày lập nhóm, lợi nhuận thu về giúp tôi có cuộc sống ổn định hơn. Vui nhất là mình có việc, anh em cũng có việc, tận dụng giờ nhàn rỗi kiếm thêm thu nhập. Tôi nghĩ nghề này ở Cà Mau sẽ còn phát triển nên tôi cũng tìm phương án thu hút thêm nhiều anh em tham gia, nhất là dịp Tết”./.
Minh Thừa