(CMO) Tết Nguyên đán sắp đến, là cái tết đầu tiên làng nghề Ðất Mũi, nằm ngay cổng Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau (xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển) đón xuân với tấm áo mới chỉn chu. Tươi đẹp và rạng rỡ hơn khi hạ tầng được xây dựng đảm bảo, chỗ nơi buôn bán sắp xếp ngăn nắp… 57 hộ dân trước đây cất nhà tạm bợ, mua bán nhỏ lẻ đã được quy hoạch tập trung thành khu làng trong những căn nhà khang trang, chắc chắn, tạo điều kiện kinh doanh, nâng chất mỹ quan cửa ngõ khu du lịch trọng điểm.
Dù biết lượng khách năm nay chắc chắn sẽ không bằng năm rồi do tình hình chung của đại dịch Covid-19, tuy nhiên, cách nay cả tháng, ông Phạm Thành Ngoan (hộ dân ở làng nghề) đã lên kế hoạch nhập hàng và tự sản xuất sản phẩm đặc sản để bán cho du khách dịp Tết. “Tết ở đây vui lắm, đón rất nhiều du khách, đủ mọi thành phần, vùng miền, có cả khách nước ngoài. Sức tiêu thụ những ngày Tết vì thế tăng rất cao. Nhà tôi đã lên kế hoạch hết rồi, đảm bảo hàng hoá đa dạng, phong phú, chủ yếu là đặc sản địa phương, tươi ngon và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hàng trăm kí-lô-gram đã được tôi đặt hàng với các vựa khô, chỉ cần a-lô là có ngay lượng hàng tươi ngon”, ông Ngoan hồ hởi.
![]() |
Các mặt hàng đặc sản của địa phương, chủ yếu là khô, được các hộ kinh doanh bày biện bắt mắt, ngăn nắp, dễ thu hút du khách. |
Vui mừng trong căn nhà mới, liền kề các hộ dân khác thành khu vực đông vui, cảnh quan đẹp đẽ, tay sắp xếp lại các sản phẩm khô đang trưng bày, ông Ngoan cho biết, đời sống gia đình ông và những hộ dân quanh đây đã ổn định, thu nhập tăng lên. Ðặc biệt là ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường sống, an toàn thực phẩm có nhiều chuyển biến; việc tiếp xúc với du khách cũng khá lịch sự, gần gũi và cởi mở hơn. “Có cuộc sống mới, ổn định, chúng tôi phải thay đổi cả về cách thức giao tiếp, nhất là khi đây là khu du lịch quốc gia, nhiều du khách khắp nơi tìm về, mình phải tạo hình ảnh mới. Thương hiệu Ðất Mũi giờ không chỉ là những sản phẩm rừng, biển mang tính đặc trưng, đó còn là tính cách con người hiếu khách, hiền hoà”, ông Ngoan tự tin khẳng định.
Bắt gặp gia đình chị Huỳnh Thị Dưỡng tại gian nhà trong khu làng nghề đang tất bật làm khô ghẹ, nghĩ rằng nghề mới, qua tìm hiểu mới biết chị đã làm nghề này từ cách đây nhiều năm. “Trước tôi làm nhỏ lẻ, nguồn nguyên liệu khi có khi không, làm ra bán không hết thì để ăn. Giờ vào khu nhà mới, mua bán có mối lái hết và nhu cầu đang tăng cao nên tôi làm suốt, không sợ tồn hàng hay thiếu nguyên liệu”, chị Dưỡng ngừng tay trao đổi với chúng tôi khi được hỏi về nghề mà mình đang làm.
Ðược biết, để có 1 kg khô ghẹ, phải chế biến từ 15 kg ghẹ tươi. Thịt ghẹ sau sơ chế sẽ được nghiền thủ công, ướp gia vị, rồi tráng lên thành miếng, sau đó mang đi phơi nắng. Sản phẩm khô ghẹ được đóng gói trọng lượng 0,5 kg, hút chân không nhằm bảo quản lâu ngày cho du khách di chuyển xa. Khô ghẹ thơm, ngọt, ngon như các loài hải sản Ðất Mũi đậm chất biển, làm đa dạng thêm sản phẩm du lịch của vùng đất cuối trời.
![]() |
Khô ghẹ, sản phẩm đặc trưng chỉ có ở làng nghề Ðất Mũi. |
Phó chủ tịch UBND xã Ðất Mũi Bùi Thanh Thương cho biết, làng nghề Ðất Mũi tại ấp Cồn Mũi phục vụ khách du lịch nay đã được quy hoạch, trở thành một trong những tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, dự báo sẽ còn phát triển nhanh hơn trong thời gian tới, đi cùng với sự phát triển của Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau. Theo ông Thương, làng nghề không những duy trì và phát triển nghề truyền thống, tạo công ăn việc làm tại chỗ, mà còn góp phần tiêu thụ sản phẩm sau khai thác, là động lực rất lớn góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong phong trào xây dựng NTM tại địa phương.
![]() |
Làng nghề Ðất Mũi được bố trí ngăn nắp, khang trang, tạo ấn tượng cho du khách. |
Ðã lùi xa hình ảnh xóm nhà ẩm thấp của dòng lưu dân, môi trường và chất lượng cuộc sống đảm bảo, xuân mới dường như đến sớm hơn nơi làng nghề Ðất Mũi với biết bao niềm vui, nụ cười, vững niềm tin phát triển hơn trong tương lai./.
Trần Nguyên