Những năm qua, các cấp hội phụ nữ huyện U Minh triển khai thực hiện hiệu quả mô hình “3 biết”: biết mặt, biết hoàn cảnh, biết nhu cầu của hội viên; từ đó có nhiều giải pháp thiết thực, hỗ trợ hội viên xây dựng nhiều mô hình sinh kế, góp phần cùng địa phương thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo.
Bà Ðoàn Thảo Nhi, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện, cho biết: "Ðể giúp hội viên phụ nữ có điều kiện phát triển kinh tế, những năm qua, được sự quan tâm của Hội LHPN tỉnh, Hội huyện tiếp cận được nhiều chương trình, dự án, mang lại lợi ích thiết thực cho phụ nữ, như dự án quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai của Trung ương Hội với 250 triệu đồng, đã hỗ trợ 10 hội viên phụ nữ xã Khánh Tiến vay lãi suất thấp để chăn nuôi, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Ðến nay, nguồn vốn này đã tăng trưởng, cho thêm 4 chị vay để sản xuất, kinh doanh... Từ nguồn vốn khoa học công nghệ, hội chủ động phối hợp với các địa phương triển khai được 13 dự án, mỗi dự án từ 120-200 triệu đồng. Trong đó, hiệu quả nhất là dự án nuôi ốc bươu đen tại Ấp 10, xã Nguyễn Phích, bước đầu có 9 hộ tham gia, qua gần 1 năm thực hiện đạt hiệu quả cao, bình quân mỗi hộ thu hoạch từ 200-250 ngàn đồng/ngày. Ðến nay, mô hình này đã nhân rộng hơn 30 hộ ở các ấp lân cận và xã khác trong huyện".
Mỗi năm, chị Phạm Thị Cẩm Tú (Ấp 9, xã Khánh Thuận) thu hoạch hàng trăm triệu đồng từ trồng màu.
Ngoài các dự án trên, hội phát huy tốt nguồn vốn uỷ thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, thành lập 75 tổ vay vốn, cho 3.708 hộ vay với tổng số tiền trên 111 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, hội tập trung phát triển thêm các mô hình, tổ hợp tác, hợp tác xã gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” phù hợp với từng địa phương, như: xã Khánh An với mô hình trồng bồn bồn; xã Nguyễn Phích với mô hình trồng cây ăn trái, trồng tre lấy măng, đan đát truyền thống gắn với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, làm thảm, cây lau nhà, thớt mù u; xã Khánh Lâm với mô hình vót đũa tre; xã Khánh Hội có mô hình làm cá khô thương phẩm, làm lưới, vá lưới; xã Khánh Tiến có mô hình làm chả cá phi; xã Khánh Thuận với mô hình trồng cây ăn trái, trồng màu... Từ đó, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.
Các mô hình đã tạo điều kiện cho rất nhiều hội viên tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế gia đình, tham gia các mô hình liên kết, mô hình sinh kế, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo của huyện.
Trong năm nay, Hội LHPN huyện còn huy động vốn nội lực từ tiết kiệm tín dụng, hùn vốn trong hội viên phụ nữ trên 3 tỷ đồng, cho 1.500 chị mượn mua sắm vật dụng sinh hoạt, kinh doanh mua bán nhỏ, xây nhà tiêu hợp vệ sinh, mua bảo hiểm y tế...
Ðể các nguồn vốn được triển khai đến các đối tượng thụ hưởng, hội cử người khảo sát thực tế từng địa bàn, nắm nhu cầu hội viên, sau đó sẽ sàng lọc, có chọn lựa ưu tiên để hỗ trợ cụ thể, phù hợp tình hình thực tế. Theo đó, trong 2 năm qua, các cấp hội phụ nữ trong huyện giúp 94 hộ giảm nghèo, đạt 117% chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
Bên cạnh đó, hằng năm, hội tham mưu UBND huyện tổ chức các phiên chợ khởi nghiệp để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của huyện đến người tiêu dùng; tổ chức truyền thông tại cộng đồng để hướng dẫn kiến thức về lao động việc làm, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho phụ nữ./.
Trọng Nguyễn