(CMO) Ông Thái Thanh Hoà (Ấp 4, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn) là thương binh 4/4. Ở tuổi 74, niềm vui duy nhất của ông là ngày ngày được thờ phụng Bác và sưu tầm những tấm ảnh liên quan đến Bác, để ghi nhớ công ơn vị Cha già kính yêu của dân tộc và nhắc nhở, răn dạy con cháu sống, học tập, lao động theo gương Bác.
Ông Thái Thanh Hoà tham gia hoạt động cách mạng năm 1963 khi mới 17 tuổi, với nhiệm vụ giao liên tại Ðội vận tải thuộc Công binh xưởng V1201. Năm 1969, ông bị thương trong một trận biệt kích. Hoà bình, ông về quê, ra sức làm ăn, nuôi 5 người con ăn học thành tài.
Ðối với ông Thái Thanh Hoà, những bức ảnh Bác là tư liệu vô giá, ông gìn giữ, trân trọng như báu vật để lưu lại cho con cháu sau này. Về Ấp 4, xã Hàng Vịnh, hỏi nhà ông Hoà thì ai cũng biết, vì ông nổi tiếng với sở thích sưu tầm ảnh Bác. Bước vào căn nhà của ông, hình ảnh ấn tượng đầu tiên chính là những bức ảnh Bác được treo rất nhiều ở vị trí trang nghiêm từ trong ra ngoài. Thấy tôi thắc mắc, ông Hoà cười hiền: “Treo ở đây cho người dân qua lại xem, để họ nhớ, biết ơn Bác Hồ, người đã hy sinh trọn đời mình cho đất nước, để có được hoà bình như ngày hôm nay”.
Ðể có được những bức ảnh quý giá ấy, ông Hoà phải tìm tư liệu nhiều nơi, xin ảnh gốc về rồi rọi ra khổ lớn, lồng vào khung kính để treo. Ðến thời điểm hiện tại, ông cũng không nhớ mình đã sưu tầm được bao nhiêu tranh, ảnh về Bác. Bà Nguyễn Thị Nguyễn, vợ ông Hoà, kể: “Từ năm 2000 chồng tôi bắt đầu sưu tầm ảnh về Bác. Ban đầu tôi còn nghĩ ông chỉ tìm vài bức về treo trong nhà, nhưng niềm đam mê của ông không dừng lại ở đó. Ông càng tìm càng thích, có được bức nào mới là ông cứ xuýt xoa, ngắm mãi, nhìn hạnh phúc lắm. Rồi sau đó ông đóng khung treo lên ở những chỗ trang nghiêm trong nhà”.
Sự kính yêu của ông Hoà đối với Bác không chỉ dừng lại ở việc sưu tầm những bức ảnh, ông còn bàn với gia đình và xin ý kiến chính quyền, Hội Cựu chiến binh xã để được thờ cúng Bác chính thức và lấy ngày 2/9 là ngày giỗ Bác hàng năm. Ðể nơi thờ cúng Bác được trang nghiêm, ông Hoà cất riêng căn nhà để thờ Bác, đồng thời trang bị đầy đủ bàn ghế để đồng đội và người dân trong vùng cũng có thể đến viếng Bác.
Vị trí thờ cúng Bác được ông Hoà đặt nơi trang nghiêm trong gia đình và hương khói hàng đêm. |
Nói về của cải vật chất, có thể ông Hoà không giàu có vượt bậc, nhưng ông lại có một khối tài sản quý giá nhất không ai sánh bằng, chính là những tư liệu hình ảnh về Bác. Bà Nguyễn kể: “Ông ấy đi xin hình, về rọi ra khổ lớn, lồng vào khung rồi ghi chú cẩn thận các mốc lịch sử từ thời niên thiếu của Bác, Bác ra đi tìm đường cứu nước, Bác đến thăm các hộ dân, Bác Hồ với các cháu thiếu nhi...”.
Khi xã phát động phong trào học tập và làm theo Bác thì ông thấy việc làm của mình thật ý nghĩa. Ðiều ông tâm đắc nhất về Bác, là dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn luôn gần dân, sát dân, hiểu được đời sống của Nhân dân. Theo ông, đây là điều đáng trân quý ở vị lãnh tụ mà cả đời chúng ta học mãi vẫn không bằng được. Mỗi bức ảnh là mỗi câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Bác, qua đó để răn dạy con cháu. Và ngôi nhà thờ cúng Bác còn là nơi cho các thế hệ thanh niên về đây học tập.
Nói về những dự định của mình, ông Hoà phấn khởi cho biết sẽ sưu tầm nhiều ảnh hơn nữa để treo tại nhà thờ cúng và tìm kiếm thêm nhiều tư liệu về Bác. Với ông Hoà, sưu tầm ảnh Bác không chỉ đơn thuần là niềm đam mê, mà còn là sự tôn kính, tưởng nhớ của ông đối với Bác. Dù đã lớn tuổi và những vết thương do chiến tranh trên cơ thể luôn khiến ông đau nhức khi trái gió trở trời, song ông tâm nguyện còn sức là còn đi sưu tầm ảnh tư liệu về Bác Hồ. Những bức ảnh Bác luôn là động lực sống, là niềm tin thôi thúc người lính năm nào vượt qua mọi khó khăn, bệnh tật./.
Kim Cương