ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 27-4-25 12:50:26
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

“Những sườn núi lấp lánh” của Lê Minh Khôi - những lấp lánh buồn...

Báo Cà Mau (CMO) …Nhưng may mắn đó không phải là cái buồn bi luỵ khiến người ta phải khóc than, ngán ngẩm mà đó là nỗi buồn với những giọt nước mắt như được giữ lại tận sâu bên trong. Đó là phong cách viết vốn có của bác sĩ kiêm Nhà văn Lê Minh Khôi, vốn được biết đến nhiều với bút danh Mạc Đại. “Những sườn núi lấp lánh” là tập hợp những bài viết với nhiều đề tài với các góc nhìn của tác giả qua con mắt của một bác sĩ tim mạch có cơ hội tiếp xúc với nhiều người và được đi nhiều quốc gia nhưng vẫn “đi tìm cái đẹp bị vùi dập hay khuất lấp giữa đời thường. Như con nhện bé nhỏ chăm chỉ giăng lưới không phải để bẫy bắt những con mồi mà chỉ để giữ lại vẻ lấp lánh của những giọt sương, tia nắng và cả những hư ảo sắc màu” (Trần Nhã Thuỵ - lời bạt).

Là những câu chuyện, nhỏ thôi - và giản đơn như thể trong buổi trà chiều ngồi ngắm mây, ngắm đất, người ta bỗng chắc lưỡi kể về một câu chuyện nào đó từng xảy ra với mình hoặc mình từng được chứng kiến. Đó có thể là con chó phèn ngày nào còn quấn chân chủ, giờ đã yên nghỉ ở bụi đất sau nhà hoặc bâng quơ tự hỏi không biết năm nay cây mai ở góc làng có kịp nở trong thời tiết ẩm ương này không dù hoa mai, hoa đào cứ đến Tết là đầy chợ; hoặc bàn về ngày giỗ chạp trong làng, ngoài xóm... theo cái kiểu mà người kể và người nghe có thể lơ đãng; hoặc cũng có thể lặng lẽ khóc cười theo câu chuyện với những lời tự sự, chất chứa bao nỗi niềm.

Bao nhiêu năm rồi Nu nhỉ? Có hỏi Nu cũng chẳng thể trả lời. Nu đã làm xong phận sự cày bừa rồi. Và người ta cũng đã nhanh chóng xẻ thịt Nu lâu lắm rồi. Con người vốn vô tâm lắm Nu à. Mày không quên tao nhưng lúc ấy suýt chút nữa tao đã quên mày. Và rồi có lẽ cũng đã mười năm nay, tao đâu có một lần nào nhớ tới mày, người bạn tuổi thơ, người bạn đã nâng đỡ lòng tự ái bị tổn thương của tao. Chiều nay. Tự dưng tiếng gõ nhịp trên đường ray của con tàu ở nơi xa lắc này lại đưa tao về với khúc cua đường tàu năm nọ, nơi mày khóc và liếm tay tao. Chắc mày biết đó là lần cuối, đúng không Nu?" (Con Nu).

Những hoài niệm tuổi thơ với niềm vui, nỗi buồn ấy nuôi lớn tâm hồn đứa trẻ ở miền cát cháy lớn lên, trở thành bác sĩ tim mạch rồi vì lý do công việc nên đi khắp bốn phương, từ Đông sang Tây, đâu đâu cũng gặp những phận người với vạn nỗi niềm riêng biệt mà lại giống nhau đến lạ lùng. Đó là những thiếu nữ sớm bỏ chuyện học hành lẫn tuổi thơ ngây để về làm vợ, làm mẹ, đến với “cuộc sống mới không hề đơn giản. Trăm dâu đổ đầu tằm. Dường như chỉ có một nơi duy nhất để trang trải nỗi lòng: những đứa con. Phương thức chuyển tải nỗi lòng của các bà mẹ phổ thông nhất và đôi khi duy nhất là những bài hát ru. Hát ru con hay hát ru nỗi lòng mình. Ru tuổi thơ mình. Ru mẹ. Ru ngày xưa. Ru mối tình đầu ngơ ngác. Có lẽ ngày xưa, chỉ có mẹ là tiên cảm được số phận phù vân của đứa con gái mình nên bà đã chăm sóc con, hữu ý hay vô thức, bằng tình thương đặc biệt xen lẫn chút ngậm ngùi. Bây giờ làm mẹ ru con, cái ngày xưa êm ả ấy lại hiện về, không đi qua ngõ nắng mà chỉ lầm lũi bằng ngõ sau” (Thương nhớ ca dao).

Đó cũng là nói thay lời tâm sự của đứa trẻ bị bệnh tim, sớm bị cha mẹ chối bỏ, dù được ông bà nội đem về nuôi nhưng trên đôi môi đã tắt hẳn nụ cười “Liệu bao giờ trái tim ấy biết đập lên những nhịp hân hoan như bao trái tim con trẻ ngây thơ khác? Điều này thì có lẽ không có cuộc mổ nào, không có loại thần dược nào có câu trả lời khi mà trái tim ấy ngay từ những ngày ấu thơ đã không được sưởi ấm bởi vòng tay yêu thương của chính những người sinh thành ra nó, cho nó nhịp đập đầu tiên” (Ba mẹ nó thôi nhau).

Có thể bởi tác giả Lê Minh Khôi là một bác sĩ mang tâm hồn của một nhà văn mà cũng có thể là một nhà văn nhìn cuộc đời qua con mắt của một bác sĩ nên đa phần trong các bài viết của mình, tính chất “lương y” như luôn ẩn hiện đâu đó qua từng câu chữ. Điều đó thể hiện qua những tiếng thở dài cố nén khi chứng kiến những cảnh đời nghèo khó, thắt ruột khi thấy một bệnh nhân nam của mình ngồi khóc nơi một góc bệnh viện khi số tiền chạy chữa vượt quá khả năng kinh tế cho phép; ứa nước mắt khi thấy một cặp sinh viên đi chợ lựa cho mình món rau củ dập nát, giá rẻ nhất “với hy vọng tiết kiệm được những đồng tiền vốn ít ỏi được gửi vào từ miền Trung bão lũ. Bà bán hàng chép miệng, lắc đầu thương cảm rồi đưa tay bốc thêm chút rau bỏ vào túi ni-lông của hai sinh viên nọ sau khi họ đã trả tiền”. Hoặc khi “bắt gặp những con người đốt rừng ấy. Họ vẫn thường gánh củi, gánh than đi hàng chục cây số đường rừng để ra chợ bán. Không khó khăn gì để nhận ra họ với khuôn mặt đen nhẻm, nhoè nhoẹt mồ hôi. Không ít lần tôi ngẩn người khi nhìn thấy trên những gương mặt ấy, dưới ánh nắng trưa, có cái gì đó lấp lánh. Một nỗi lấp lánh gợi nhớ chành chạnh lòng" (Những sườn núi lấp lánh)…

Lâu lắm rồi mới được đọc một quyển sách thật buồn mà cũng thật đẹp. Nét đẹp đó không lung linh, rạng ngời mà đó là nét đẹp của những nỗi buồn rưng rức, thẳm sâu, xót lòng xót dạ và gợi lên những niềm thương cảm đến vô chừng…/.

Ngọc Lợi

Phim lịch sử trỗi dậy

Từ năm 2023 đến nay, các bộ phim về đề tài lịch sử nhận được sự quan tâm của công chúng. Các nhà làm phim cũng chỉn chu, đầu tư hơn hẳn cho thể loại phim đặc biệt này.

Khám phá bản thân cùng nhảy múa

Ngày nay, bên cạnh các môn thể thao, nhiều bạn trẻ lựa chọn học thêm kỹ năng nhảy múa. Ðặc biệt là dân văn phòng tìm đến các lớp nhảy múa như cách rèn luyện cơ thể dẻo dai, giảm căng thẳng.

“Những người bạn” hội ngộ

Những chàng sinh viên trường Mỹ thuật năm nào nay tìm về bên nhau trong cuộc hội ngộ nghệ thuật mang tên “Art friends”. Các tác phẩm được dệt nên từ những kỷ niệm đẹp mà họ cùng trải qua trong suốt những năm lao động nghệ thuật.

Người giữ hồn văn hoá dân tộc

Bằng niềm đam mê, tâm huyết của mình, nhiều nghệ nhân trên địa bàn tỉnh Cà Mau nói chung, nghệ nhân người Khmer nói riêng đã và đang miệt mài tham gia gìn giữ, truyền dạy, phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc mình từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong đó phải kể đến Nghệ nhân Hữu Văn Kel, ở ấp Cây Khô, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình.

Ðồng bào Khmer đón Tết no ấm

Những ngày qua, đồng bào dân tộc tại xóm Khmer Lớn, Ấp 6, xã Khánh Hoà tất bật trang hoàng nhà cửa, làm cỏ hai bên đường, tập trung tại salatel dọn dẹp vệ sinh, tạo không gian xanh - sạch - đẹp để đón Tết cổ truyền của dân tộc.

Phim trường phục dựng bối cảnh xưa cũ: Nỗ lực lớn của nhà làm phim Việt

Cùng với nội dung và dàn diễn viên chuyên nghiệp, việc tìm đúng bối cảnh để phục dựng tạo nên phim trường chân thực, sát với thời gian, không gian mà phim miêu tả, là nỗ lực lớn của các nhà làm phim, góp phần tạo nên thành công cho tác phẩm.

Tâm huyết bảo tồn chữ viết dân tộc

Với tâm niệm không để ngôn ngữ và chữ viết dân tộc mình bị mai một, nhiều thầy giáo, các vị sư dân tộc Khmer đã âm thầm cống hiến công sức, trí tuệ, truyền dạy ngôn ngữ, chữ viết Khmer cho lớp trẻ. Qua đây, ngày càng có nhiều con em đồng bào Khmer thông thạo ngôn ngữ, chữ viết, cùng nhau giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Tài sản vô giá cho hậu thế

Trở lại năm 2012, khi UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, niềm vui ấy, sự tự hào lớn lao ấy lan toả khắp cả đất nước Việt Nam. Bởi một lẽ đơn giản, đâu đâu trên mảnh đất hình chữ S này, Vua Hùng cũng được Nhân dân thành kính khói hương.

Thăng hoa cùng nhiếp ảnh

Chàng trai trẻ Cà Mau toả sáng trong giới thời trang

Sinh ra và lớn lên ở huyện U Minh, trong một gia đình khá khó khăn, Huỳnh Ngọc Huấn từ nhỏ đã quyết tâm học tập để mang đến cuộc sống tốt hơn cho cha mẹ. Ðam mê ngành học thời trang, nhưng hiểu điều kiện gia đình không đủ lực để hỗ trợ mình, bởi quá trình học ngành này rất tốn kém, Huấn chuyển sang thi ngành thiết kế nội thất của Ðại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh (Cơ sở Cần Thơ). Huấn kể: “Tôi thi đậu vào trường. Cha mẹ nghe tin con trai đậu đại học thì mừng hơn bắt được vàng, khoe khắp nơi. Nhưng niềm đam mê lại thúc giục tôi rẽ sang lối đi khác”.