ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 21-11-24 15:44:10
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

“Ước mơ xanh” của Kỹ sư Tấn

Báo Cà Mau "Thùng rác thông minh" và "Robot vớt rác tự hành trên sông" là 2 mô hình anh Huỳnh Công Tấn, Khóm 1, phường Tân Thành, TP Cà Mau, hỗ trợ nhóm sinh viên Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau thực hiện, đã lọt vào Top 10 Cuộc thi Sáng tạo khởi nghiệp tỉnh năm 2024 (CamaUP’24) và chuẩn bị tranh giải vào đầu tháng 11 tới đây.

Ấn tượng hơn, sau gần 5 năm nghiên cứu, sáng tạo, hoàn thiện, dự án khởi nghiệp mang tên: Wesolife “Hành trình đổi mới sáng tạo vì con người và môi trường” của anh Tấn xuất sắc giành nhiều giải thưởng uy tín, danh giá cấp tỉnh, khu vực và quốc tế. Sau gặt hái giải thưởng cấp tỉnh, khu vực, năm 2024, dự án trên tiếp tục vinh dự được chọn làm đại diện Việt Nam tham dự vòng chung kết Tech Planter Châu Á vào tháng 8, do Leave a Nest tổ chức tại Malaysia; lọt vào Top 10 Chương trình Green Innovation Fellowship do BSSC, IBP và YBA phối hợp tổ chức; được tham gia chương trình huấn luyện tăng tốc doanh nghiệp trong 3 tháng của KisStartup... Ðiều tuyệt vời hơn, khi đây là dự án rất cần thiết cho tất cả mọi người trong xử lý môi trường nước sinh hoạt và sản xuất, nhất là hộ nuôi tôm công nghiệp, tôm siêu thâm canh ở Cà Mau nói riêng, cả nước nói chung.

Anh Tấn (bìa phải) kiểm tra thiết bị công nghệ điện hoá để tạo ra Clo, thay thế cho việc sử dụng Clo bột và khí hoá lỏng, tại hộ anh Nguyễn Ngọc Khoe, Ấp 6, xã Phong Thạnh Tây, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu.

Anh Tấn (bìa phải) kiểm tra thiết bị công nghệ điện hoá để tạo ra Clo, thay thế cho việc sử dụng Clo bột và khí hoá lỏng, tại hộ anh Nguyễn Ngọc Khoe, Ấp 6, xã Phong Thạnh Tây, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu.

Khá tò mò về dự án khởi nghiệp vươn tầm quốc tế trên, giữa tháng 10, chúng tôi tháp tùng cùng anh Huỳnh Công Tấn và anh Tiêu Hoàng Pho (chuyên viên Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ) đến khu nuôi tôm công nghiệp của anh Nguyễn Ngọc Khoe (Ấp 6, xã Phong Thạnh Tây, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) và hộ anh Lý Hoàng Hà (ấp Kinh Hội, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời). Ðây là 2 địa điểm đã và đang lắp thiết bị công nghệ điện hoá để tạo ra Clo, thay thế cho việc sử dụng Clo bột và khí hoá lỏng do anh Tấn nghiên cứu, sáng tạo. Các hộ nuôi đều khá bất ngờ, phấn khởi và đầy kỳ vọng với thiết bị này.

Anh Lý Hoàng Hà thông tin: "Chỉ việc lấy nước từ sông, vuông tôm chạy qua hệ thống điện phân sẽ tạo Clo khử trùng, diệt tất cả vi khuẩn trong nước trước khi đưa vào đầm nuôi. Rất nhanh và tiện lợi, thiết bị này sẽ rất hữu ích cho hộ nuôi tôm công nghiệp, nó thân thiện môi trường, giúp tiết kiệm được khoảng 30% chi phí xử lý nước, mặt khác còn đỡ tốn công sức và đảm bảo sức khoẻ cho người nuôi".

Theo lời anh Tấn, trước đây, khi còn công tác trong ngành cấp thoát nước, anh đã chứng kiến nhiều sự cố và tai nạn nghề nghiệp xảy ra do sử dụng khí hoá lỏng Clo trong quá trình khử trùng nước. Lại thêm, gia đình anh Tấn cũng từng nuôi tôm công nghiệp, phải sử dụng Clo nước, Clo bột để xử lý ao nuôi tôm, việc sử dụng hoá chất, kháng sinh không đảm bảo tiêu chuẩn quy định có thể gây tác dụng ngược, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, môi trường hoặc để lại dư lượng trong nước nuôi tôm. Những mối nguy hiểm tiềm ẩn này thôi thúc anh Tấn nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp thay thế, không chỉ bảo vệ con người và tài sản mà còn hướng đến việc bảo vệ môi trường, lợi ích và hiệu quả kinh tế bền vững cho người dân.

Từ kỹ sư chuyên ngành cấp thoát nước, anh Tấn nghỉ việc để tập trung nghiên cứu các thiết bị xử lý nước không cần sử dụng hoá chất, hướng đến sản xuất xanh.

Từ kỹ sư chuyên ngành cấp thoát nước, anh Tấn nghỉ việc để tập trung nghiên cứu các thiết bị xử lý nước không cần sử dụng hoá chất, hướng đến sản xuất xanh.

Năm 2018, anh Tấn bắt đầu thử nghiệm các thiết bị áp dụng công nghệ điện hoá để tạo ra Clo, thay thế cho việc sử dụng Clo bột và khí hoá lỏng. Ðặc biệt là trong việc nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh, anh đã thiết kế và áp dụng giải pháp phù hợp để nhằm giảm chi phí, an toàn cho con người, chủ động trong sản xuất và giảm phát thải CO2 ra môi trường. Với tính nhân văn và giá trị bền vững, thiết bị rất hữu ích cho người dân Cà Mau nói riêng, hộ dân nuôi tôm công nghiệp, vận hành xử lý nước sinh hoạt trong gia đình nói chung. Nhờ đó, dự án khởi nghiệp của anh Tấn chinh phục giám khảo, giành giải Nhất CamaUP’22 và vị trí thứ 2 tại Cuộc thi “Khởi nghiệp Ðồng bằng sông Cửu Long”, cùng nhiều giải thưởng vinh dự cấp quốc tế.

Anh Tấn tâm tình: "Ðể có được thành công này, nhờ sự đồng hành, tư vấn, hỗ trợ rất nhiều từ các anh em, bạn bè có cùng khát vọng khởi nghiệp xanh. Ðồng thời, bản thân cũng phải đánh đổi rất nhiều: chấp nhận từ bỏ công việc trong ngành cấp thoát nước đã gắn bó hơn 25 năm; khi nghỉ việc tiền cũng cạn, có thời điểm phải bán đất để lấy tiền xoay xở việc đầu tư, mua sắm thiết bị nghiên cứu, chuyển giao công nghệ từ nước ngoài... Bao nhiêu nỗ lực và quyết tâm của mình nay được đền đáp. Niềm hạnh phúc lớn nhất không chỉ nằm ở giải thưởng, mà đích đến là giúp người dân cải thiện hiệu suất sản xuất, hướng đến sản xuất xanh, bền vững".

"Cà Mau có trên 300.000 ha nuôi trồng thuỷ sản, trong đó diện tích thâm canh, siêu thâm canh 6.525 ha, việc khử trùng bằng Clo đóng một vai trò quan trọng trong sản xuất, tôi tin rằng thiết bị này sẽ rất hữu ích, đồng hành đường dài và bền vững cùng người dân cả trong sản xuất cũng như trong cuộc sống. Hiện tôi đang tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hơn công nghệ này để có thể nâng tuổi thọ thiết bị từ 3 lên 5 năm và có thể tái sử dụng lâu dài, góp phần tiết giảm chi phí trong sản xuất, sinh hoạt cho người dân", anh Tấn chia sẻ thêm.

Anh Tấn dành nhiều thời gian nghiên cứu, sáng tạo thiết bị phục vụ nuôi trồng thuỷ sản.

Chị Lê Nhị Bảo Ngọc, chuyên viên Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp (IPEC), nhận xét: "Anh Tấn có hoài bão đầy tính nhân văn, đó là hiện thực hoá ước mơ sản xuất xanh cho cộng đồng, cùng với khát vọng chăm bồi, phát triển “vườn ươm khởi nghiệp” cho thế hệ tương lai. Ðể thúc đẩy phong trào khởi nghiệp ở Cà Mau phát triển, rất cần những người đầy nhiệt huyết như anh Tấn. Từ đây, trung tâm đã kết nối anh Tấn với các trường học, các địa phương và hộ dân, để nhân rộng “vườn ươm khởi nghiệp”, giúp mọi người có cơ hội, điều kiện phát triển bản thân, cũng là cơ hội khởi nghiệp, tạo thu nhập ổn định và bền vững cho hiện tại và tương lai".

Em Bùi Nghĩa Trọng, sinh viên năm 3, Lớp CK08 cơ điện tử A1, Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau, chia sẻ: "Từ đầu khoá học đến gần về đích, em hầu như chỉ học lý thuyết, nay được thầy Tấn trực tiếp chia sẻ, hướng dẫn thực hiện ý tưởng khởi nghiệp với mô hình Thùng rác thông minh, thực sự em rất hạnh phúc và có thêm động lực để cùng nhóm bạn thắp sáng ước mơ khởi nghiệp. Ðây cũng là mong muốn của rất nhiều sinh viên Cà Mau, “học nên đi đôi với hành”, có như vậy mới nâng cao trình độ tay nghề và ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn".

Anh Tấn hỗ trợ nhóm sinh viên Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau hoàn chỉnh mô hình Thùng rác thông minh.

Anh Tấn hỗ trợ nhóm sinh viên Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau hoàn chỉnh mô hình Thùng rác thông minh.

Hiện là Giám đốc Công ty TNHH Wesolife (Khóm 1, phường Tân Thành), anh Huỳnh Công Tấn vẫn sống giản dị, giành phần nhiều thời gian tại nhà xưởng của gia đình, mày mò, lặng lẽ nghiên cứu, chế tác các dụng cụ thiết thực phục vụ nuôi trồng thuỷ sản. Tất cả xuất phát từ niềm tin, tâm huyết, bản lĩnh trong lao động sáng tạo.

Anh Tấn chia sẻ: "Người nuôi tôm đang đối mặt với nhiều khó khăn như: chi phí sản xuất cao, lạm dụng hoá chất trong quá trình xử lý nước, chịu áp lực tiếng ồn từ thiết bị nuôi tôm... Những hạn chế này không chỉ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả, lợi nhuận sản xuất mà còn sức khoẻ người dân. Từ trăn trở này, tôi đang tiếp tục nghiên cứu các dự án mới, như: thiết bị OxyBoost tạo oxy trong nước; WioT nền tảng giám sát vận hành và tự động hoá trong nuôi thuỷ sản; thiết bị giảm tiếng ồn trong nuôi tôm công nghiệp, qua đây dần tạo thói quen sản xuất xanh, tiết giảm chi phí, sức người và thích ứng với biến đổi khí hậu trong cộng đồng".

Trong khuôn viên nhà xưởng rộng hơn 200 m2 của gia đình anh Tấn, chúng tôi thấy đầy đủ các thiết bị cơ điện tử; hệ thống nghiên cứu xử lý nước; nhiều đầu sách nghiên cứu sáng tạo khởi nghiệp vì môi trường; khoảng 15 tấm bằng chứng nhận, giấy khen, bằng khen từ các giải thưởng khởi nghiệp danh giá cấp tỉnh, quốc gia và quốc tế, cùng với tiếng cười nói rôm rả, ánh mắt hạnh phúc của các bạn trẻ đang được anh Tấn “truyền lửa” khơi dậy niềm đam mê khởi nghiệp... Ðiều đó, như tiếp thêm động lực để anh Huỳnh Công Tấn dành nhiều thời gian nghiên cứu, học tập, sáng tạo các dự án phục vụ nuôi trồng thuỷ sản cho tỉnh nhà và chăm bồi những trái tim trẻ với khát vọng khởi nghiệp, hướng đến mục tiêu bảo vệ sức khoẻ con người và tạo môi trường sản xuất xanh, bền vững./.

 

Loan Phương

 

Thiết lập mạng lưới chuyển đổi xanh

Diễn đàn khởi nghiệp ĐBSCL lần thứ II năm nay vừa được tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp với chủ đề: “Kinh tế xanh - Động lực mới cho sự phát triển”. Mục tiêu của diễn đàn hướng tới thiết lập mạng lưới chuyển đổi xanh cho vùng ĐBSCL trong tương lai.

Khởi nghiệp tại quê nhà

Nếu nhiều thanh niên nông thôn có xu hướng rời địa phương lên thành phố tìm kiếm việc làm, thì anh Trần Hoài Thư, ấp Phú Thạnh, xã Phú Hưng, quyết định ở lại quê nhà khởi nghiệp với mô hình nuôi ếch giống sinh sản, mang về nguồn thu nhập khá.

“Ước mơ xanh” của Kỹ sư Tấn

"Thùng rác thông minh" và "Robot vớt rác tự hành trên sông" là 2 mô hình anh Huỳnh Công Tấn, Khóm 1, phường Tân Thành, TP Cà Mau, hỗ trợ nhóm sinh viên Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau thực hiện, đã lọt vào Top 10 Cuộc thi Sáng tạo khởi nghiệp tỉnh năm 2024 (CamaUP’24) và chuẩn bị tranh giải vào đầu tháng 11 tới đây.

Ấn tượng những dự án khởi nghiệp trẻ

Nhiều mô hình khởi nghiệp gắn liền với nông nghiệp và bảo vệ môi trường đã được các bạn trẻ tại Cà Mau mày mò, tìm tòi và nỗ lực hoàn thiện để tranh tài tại Cuộc thi Khởi nghiệp, trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp tỉnh Cà Mau 2024 (CamaUP’24).

Biến pallet xanh thành chìa khoá mở cánh cửa toàn cầu

Giữa làn sóng khởi nghiệp của thế hệ trẻ Việt, hành trình của Bùi Phương Thảo, cô gái đến từ Phường 8, TP Cà Mau, như ngọn đuốc sáng dẫn đường. Ðảm nhận vai trò Giám đốc Phát triển chiến lược tại AirX Carbon và chiến thắng Startup Wheel 2024, Thảo không chỉ thành công nhờ bản lĩnh mà còn bởi tầm nhìn vượt trội, khởi tạo niềm tin về một Việt Nam xanh hơn, bền vững hơn.

Ðồng hành cùng thanh niên lập nghiệp

Các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa hỗ trợ đoàn viên, thanh niên (ÐVTN) khởi nghiệp, lập nghiệp; hỗ trợ thanh niên trong xây dựng mô hình phát triển kinh tế; xây dựng quỹ góp vốn xoay vòng, quỹ khởi nghiệp, giúp nhau lập nghiệp.

Giúp chị em tự tin khởi nghiệp

Ðồng hành cùng phụ nữ Cà Mau tự tin khởi nghiệp, những năm qua, tổ chức hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp trong tỉnh luôn là điểm tựa, cầu nối dẫn dắt quan trọng và tích cực hỗ trợ chị em khởi nghiệp, phát triển kinh tế, hiện thực hoá các ý tưởng kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, phát triển các loại hình doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã...

Ðồng hành giúp thanh niên khởi nghiệp

Thời gian qua, chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp được quan tâm. Các chương trình hỗ trợ triển khai ở nhiều cấp, từ Trung ương đến địa phương. Theo đó, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh Cà Mau xác định hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp và khởi nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm.

Phụ nữ tăng thu nhập từ thủ công mỹ nghệ

Với niềm đam mê từ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, chị Lý Kim Biền, Khóm 7, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, đã bắt tay vào khởi nghiệp để phát triển kinh tế gia đình. Các sản phẩm được chị Biền làm ra khá đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng, ngày càng được nhiều khách hàng biết đến (giỏ xách, gấu bông, thảm, các dụng cụ nhà bếp và đặc biệt thêu tên lên sản phẩm làm quà tặng, quà lưu niệm). Ðây là mô hình giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nhiều chị em phụ nữ.

Khởi nghiệp tại quê nhà

Tận dụng diện tích trong nhà, anh Trần Minh Ðăng (Ấp 2, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình) khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi rắn ri tượng. Không chỉ mở ra hướng đi mới cho gia đình, đây cũng là nguồn thu nhập giúp anh Ðăng vươn lên trong cuộc sống.