ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 9-7-25 06:07:39
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

“Vua bọc” Út Nghĩa

Báo Cà Mau Vợ chồng Út Nghĩa đến xóm đầu lộ Tân Thành lập nghiệp vào năm 1992. Ðây là cái xóm nhộn nhịp công nhân lột tôm cho các nhà máy, xí nghiệp đông lạnh, vui như chợ, có mùi tanh tanh của tôm, mằn mặn của cá biển. Vợ chồng Út Nghĩa mua miếng đất nhỏ bên bờ sông. Chỗ đó là cặp bên bến ghe của xí nghiệp chế biến thuỷ sản đông lạnh. Ban ngày là bãi lên xuống hàng hoá, ban đêm là vựa rác bao bì thùng giấy và bọc ni-lông đựng tôm nặng mùi.

Vợ chồng Út Nghĩa đến xóm đầu lộ Tân Thành lập nghiệp vào năm 1992. Ðây là cái xóm nhộn nhịp công nhân lột tôm cho các nhà máy, xí nghiệp đông lạnh, vui như chợ, có mùi tanh tanh của tôm, mằn mặn của cá biển. Vợ chồng Út Nghĩa mua miếng đất nhỏ bên bờ sông. Chỗ đó là cặp bên bến ghe của xí nghiệp chế biến thuỷ sản đông lạnh. Ban ngày là bãi lên xuống hàng hoá, ban đêm là vựa rác bao bì thùng giấy và bọc ni-lông đựng tôm nặng mùi.

Vợ chồng Út Nghĩa dựng căn nhà nhỏ bên bờ sông. Nhà cặm cột bằng tre, vách bằng mê bồ, mái che cao su như cái chòi giữ vịt ngoài đồng. Út Nghĩa đen cháy như than, vợ và 2 con nhỏ bị suy dinh dưỡng héo hon như cây sậy, nhìn là thấy biết dân khổ rồi.

Cơ sở phế liệu bọc của Út Nghĩa.                            Ảnh: ÁI NHƯ

Mà đúng là khổ thật. Vợ chồng dựng nhà ở không bao lâu, dân xóm thấy chị vợ chiên chảo khoai trước cửa, Út Nghĩa bưng mâm khoai chiên đi bán cùng xóm và bán cho công nhân lột tôm ở xí nghiệp. Vợ chồng bán khoai chiên chạy gạo ăn hằng ngày. Bán ở xóm được vài hôm, ế, Út Nghĩa phải bưng mâm khoai chiên đi bán từ đầu lộ Tân Thành đến Tắc Vân. Có hôm lên đến tận Nhàn Dân, bán hết mâm khoai mới chịu về. 2 gót chân nứt nẻ, đế dép Lào mòn như dao cạo. Út Nghĩa đi bán về tới nhà bữa nào cũng 9-10 giờ đêm.

Khoai chiên ăn không no bụng và mau ngán, công nhân lột tôm lại cần những thứ chắc bụng hơn. Vợ chồng và 2 đứa con nhỏ của Út Nghĩa ăn khoai chiên ế gần chết và bán được vài tháng thì cụt vốn, không còn tiền mua dầu và khoai để chiên. Hết vốn, vợ chồng đánh liều vô xí nghiệp xin việc. Vợ chồng tuổi mấp mé U40, xin lao động chân tay. Ai đâu thuê lao động chân tay ở cái tuổi muốn về vườn? Hết cách, chị vợ đành về nhà nhận vá đồ mướn cho đám công nhân lột tôm, kiếm được bữa cơm bữa cháo, còn Út Nghĩa lang thang ở xóm, ai mướn gì làm nấy.

Không còn đi bán khoai, Út Nghĩa có thời gian nhìn con sông sau nhà về đêm, tình cờ phát hiện một chuyện trời ơi của đám công nhân, bảo vệ xí nghiệp và không ngờ điều này làm thay đổi số phận mình. Ðó là vào một đêm, Út Nghĩa ngồi dàu dàu sau nhà, có vài bao trắng trắng trôi cặp vào sàn lãn, trong bao là nhiều giấy cạc-tông và bọc ni-lông đựng tôm nặng mùi. Út Nghĩa chồm qua vách nhìn vựa rác của xí nghiệp, vài công nhân, bảo vệ còn làm việc khuya trên bến, Út Nghĩa hiểu vấn đề. Nhìn bao giấy và bọc ni-lông nặng trĩu nằm trên sàn lãn, nhớ có lần đi chợ thị xã, có thấy qua vài chỗ mua phế liệu, Út Nghĩa mau mau đi qua bãi rác của xí nghiệp.

Mấy công nhân, bảo vệ của xí nghiệp giật mình nhìn Út Nghĩa và sường sượng nói, “ông không được vào đây”. Út Nghĩa cười và nói với mấy anh công nhân, bảo vệ, cứ mang hết ba cái của nợ này đổ qua nhà mình. 1 người nhìn Út Nghĩa như người “tưng” và hỏi, “ông lấy chi vậy?”. Út Nghĩa cười trả lời, rằng làm sạch lại và bán phế liệu. Mấy công nhân, bảo vệ nhìn nhau và nhìn Út Nghĩa: “Nói thiệt hông cha nội?”.

Út Nghĩa không nói không rằng, vác liền 1 bao bọc lên vai đi về nhà mình, mấy công nhân, bảo vệ nhìn Út Nghĩa và vui “như lượm được vàng”. Vậy là sau đêm đó, đám công nhân và bảo vệ của xí nghiệp không còn thập thò bên bờ sông như trộm, mà đường đường chính chính, mang những thùng giấy và bọc ni-lông đựng tôm nặng mùi chất đầy sân của Út Nghĩa. Nhà của Út Nghĩa trở thành cái kho giấy cạc-tông và bọc ni-lông khổng lồ. Có một điều Út Nghĩa không lường trước. Vào thời điểm ấy, ở thị xã Cà Mau chỉ có vài vựa thu mua phế liệu có tên tuổi như vựa của ông Búp, vựa Châu Phát và họ chỉ mua giấy, mủ, sắt, không mua bọc.

Vựa không mua thì đành chịu chứ biết làm sao bây giờ. Út Nghĩa bán được giấy, có tiền chạy gạo cho gia đình, còn bọc ni-lông chất đầy nhà, đầy sân, trắng như núi tuyết, dân xóm ai cũng cười. Mà dân xóm cười cũng phải. Tự dưng mang ba cái của nợ hôi hám chất đầy nhà và rước hoạ vào thân, vì bấy giờ Út Nghĩa mang đổ xuống sông, địa phương đến “hỏi thăm sức khoẻ” liền. Út Nghĩa gom tiền bán giấy, mang 2 bao bọc ni-lông chất lên xe đò đi TP Hồ Chí Minh chào hàng. Lên đến Bến xe miền Tây, Út Nghĩa có biết ở đâu thu mua phế liệu mà tìm, nhờ ông đạp xích lô chở mình đi.

Nhìn khách ngơ ngáo, ông đạp xích lô biết là dân mới lên thành phố lần đầu, chở đại Út Nghĩa qua vựa phế liệu của cô Ðào ở tận bên Gò Vấp, đường xa, chém tiền Út Nghĩa cho ngọt. Nhưng cả hai đâu có ngờ, đây chính là vựa thu mua phế liệu mà Út Nghĩa tìm. Sau khi coi qua 2 bao bọc ni-lông, cô Ðào nhìn Út Nghĩa và hỏi có nhiều không? Út Nghĩa lí nhí trả lời, khoảng 6-7 tấn. Cô Ðào nhìn Út Nghĩa và cười, có 6-7 tấn mà phải lên tới tận đây à?

Út Nghĩa không dám nói thật là mình chỉ lượm có được chừng ấy mà nói không có vốn nên chưa thu mua được nhiều, đang cố gắng làm ăn từ từ. Út Nghĩa không ngờ cô Ðào nhận mua hàng của ông, còn đưa ông 2 triệu đồng, trị giá gần 1 lượng vàng vào thời điểm đó để làm vốn.

Út Nghĩa về tới nhà như người đi trên mây. Vợ chồng ôm nhau khóc như mưa tháng 10. Sau đó, bao nhiêu bọc ni-lông trong nhà đều chở lên hết thành phố, bao nhiêu rác của xí nghiệp tiêu thụ sạch. Út Nghĩa lại rơi vào một tình thế khó xử khác là không đủ bọc cung cho vựa. Ðúng lúc này, Út Nghĩa sực nhớ có lần cùng vợ đến chơi với một người họ hàng ở Cái Ðôi Vàm. Ở đó có nhiều nhà máy đông lạnh lớn.

Út Nghĩa tức tốc đi Cái Ðôi Vàm và có ngay câu trả lời. Cả bến sông dài trắng bọc ni-lông của các nhà máy chất thành nhiều lớp dày, thuỷ triều tống đi không nổi. Út Nghĩa nhìn như không tin vào mắt mình. 3 ngày sau, Út Nghĩa mướn 2 ghe lớn, có trọng tải gần chục tấn, mang theo hơn chục người, xử lý bãi rác bọc ni-lông ở Cái Ðôi Vàm.

Út Nghĩa thu gom bãi ở Cái Ðôi Vàm gần 2 tháng trời, hơn 50 tấn bọc, dân Cái Ðôi Vàm nhìn xanh mặt. Sau vụ thu gom bãi bọc ở Cái Ðôi Vàm, Út Nghĩa trúng đậm, mua thêm đất, mở rộng nhà kho chứa bọc ni-lông. Các nhà máy, xí nghiệp chế biến thuỷ sản đông lạnh hay chuyện tìm đến Út Nghĩa, nhờ Út Nghĩa xử lý bãi rác bọc cho mình. Công việc làm ăn của Út Nghĩa như diều gặp gió.

Nhưng ở đâu có mật là có ruồi. Không lâu sau đó, biết chuyện làm ăn ngon lành của Út Nghĩa, mấy vựa thu mua phế liệu ở thị xã, ở TP Cần Thơ đến đặt vấn đề mua bọc ni-lông của các nhà máy. Kể từ đó, rác ở các nhà máy, xí nghiệp chế biến thuỷ sản trở thành tiền, không còn bỏ và cho không. Út Nghĩa phải tham gia đấu giá với các vựa thu mua phế liệu công bằng.

Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường 6, TP Cà Mau Nguyễn Thanh Hùng chia sẻ: “Út Nghĩa không chỉ vượt khó, làm giàu, giúp nhiều lao động ở xóm có việc làm, mà còn đóng góp rất nhiều vào công tác an sinh xã hội ở địa phương, như xây dựng Nhà Tình nghĩa, Nhà Đồng đội, Nhà Đại đoàn kết, Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Khuyến học, khuyến tài và được điển hình trong phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Riêng cá nhân tôi, tôi rất ngưỡng mộ và khâm phục chuyện vượt khó và vươn lên làm giàu độc đáo của Út Nghĩa”.

Nói vậy, các nhà máy, xí nghiệp chế biến thuỷ sản đông lạnh cũng biết xử sự ở đời, không quên những thời điểm khó khăn xử lý môi trường, nhờ Út Nghĩa thu gom bọc ni-lông cho mình. Có gần chục nhà máy chế biến thuỷ sản lớn hợp đồng dài hạn thu gom rác của nhà máy với Út Nghĩa.

Giờ Út Nghĩa có một cơ ngơi và sự nghiệp vững vàng. Thú vị hơn, 2 đứa con bệnh tật, suy dinh dưỡng héo hon đều thành đạt. Người con trai là Nguyễn Trung Kiên, tốt nghiệp Ðại học Kế toán, đi làm cho 1 công ty ở TP Cà Mau. Người con gái là Nguyễn Thị Phương Thuý, lấy 3 bằng đại học là Ðại học Công nghệ thông tin, Ðại học Quản trị kinh doanh, Ðại học Ngoại ngữ, đi làm cho công ty của Nhật ở TP Hồ Chí Minh.

Sinh năm 1956, người ấp Công Nghiệp, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, ông tham gia cách mạng năm 1972, ở đơn vị biệt động của thị trấn Sông Ðốc, được đơn vị cử đi học y tá, trở thành y tá chiến trường. Ðầu năm 1975, Út Nghĩa được rút về Tiểu đoàn 5 đặc công của tỉnh, chuẩn bị giải phóng thị xã Cà Mau. Ông có mặt trong một cánh quân của đặc công, ém quân ở Lung Trâu nhiều đêm liền, vượt kinh xáng Cà Mau - Bạc Liêu, tiến về căn cứ Trung đoàn 32 của đối phương và có mặt trong ngày 30/4/1975 lịch sử tiếp quản thị xã Cà Mau. Cuối năm 1975, Út Nghĩa được rút về Trung đoàn K32 Công an vũ trang của Khu Tây Nam Bộ, đóng quân ở Bình Thuỷ, TP Cần Thơ, giữ nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu quan trọng.

Sau khi rời quân ngũ với lý do sức khoẻ, ông hưởng chế độ nghỉ chính sách 1 lần, không nhiều. Rồi không may là ngay sau đó, 2 con nhỏ của ông bị bệnh rất nặng, con trai đứng trước nguy cơ bị hư 1 mắt, vợ chồng có bao nhiêu tiền đều đổ hết vào bệnh tình của 2 con. Vợ chồng chỉ còn một ít tiền mua miếng đất nhỏ bên bờ sông làm chỗ ở là hết sạch.

Từ người sống chung với bãi rác bọc hải sản, có mùi muốn phát điên, Út Nghĩa đã biến bãi rác bọc thành tiền. Cách làm giàu của Út Nghĩa “không đụng hàng”. Út Nghĩa đã viết nên kỳ tích ở xứ sở này./.

Bút ký của Ái Như

Công tác cán bộ: Ai chọn, chọn ai?

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi công tác cán bộ là vấn đề hết sức hệ trọng đối với sự nghiệp cách mạng: “Cán bộ là cái gốc của mọi việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Công tác cán bộ là công việc khó, nhiều biến số, do đó cần có quy trình, cơ chế, tiêu chí lựa chọn chặt chẽ, thận trọng nhưng đồng thời cũng phải có sự mạnh dạn, đột phá. Việc “chọn người” cần phải làm rõ những vấn đề mấu chốt nhất, đó là “ai chọn?”, “chọn ai?” và chọn như thế nào? Gắn với cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp hiện nay, công tác cán bộ là vấn đề hết sức thời sự, quyết định đến hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy mới.

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc - Bài cuối: Dệt nghĩa tình nơi vùng biên

Thắt chặt tình quân - dân, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa bàn biên giới biển, đảo, thường xuyên thực hiện các hoạt động nghĩa tình, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con. Ðiều này góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết, tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc - Bài 2: Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng

Là lực lượng chủ công trên mặt trận phòng chống các loại tội phạm trên biển, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau ngày đêm tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi xâm phạm chủ quyền, vi phạm pháp luật. Những chiến công liên tiếp trong việc triệt phá các chuyên án, bắt giữ tội phạm đã góp phần giữ vững an ninh trật tự, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế biển.

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc

Năm 2025 là năm đặc biệt đối với Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau khi đánh dấu 50 năm xây dựng, chiến đấu và không ngừng lớn mạnh, trở thành “lá chắn thép” nơi cực Nam Tổ quốc, đảm bảo sự bình yên và vững chắc cho vùng biển, đảo quê hương. Cán bộ, chiến sĩ BÐBP còn là những người bạn, người thân của Nhân dân, cùng chung tay xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Bộ đội Cụ Hồ.

Lớn lên từ những chuyến đi

Trong suốt chặng đường theo nghề báo hơn 25 năm, có những lúc áp lực, tưởng chừng sẽ phải dừng lại. Song, khi nhìn lại, tôi thầm cảm ơn và tự hào với những gì mà nghề đã mang lại cho tôi, đó là những chuyến đi, khám phá những vùng đất mới, xa xôi, đặc biệt là những chuyến đi biển, đảo. Chính những hành trình ấy đã tiếp thêm sức mạnh, tình yêu quê hương, đất nước, bùng thêm ngọn lửa nghề trong tim tôi.

Khi ý Ðảng gặp sức dân - Bài cuối: Nâng cao hiệu quả quản trị cộng đồng

Bức tranh toàn cảnh về sự hình thành và những thành công bước đầu của mô hình tổ Nhân dân tự quản (NDTQ) tại Cà Mau, cho thấy một thiết chế đầy tiềm năng trong việc kết nối ý Ðảng với sức mạnh cộng đồng. Tuy nhiên, hành trình xây dựng và phát triển mô hình này không tránh khỏi những “gập ghềnh”, những “nút thắt” cần được tháo gỡ.

Viết báo tết trong chiến khu

Buổi sáng cuối đông năm 1973, bầu trời se lạnh. Chúng tôi ngồi viết báo Tết trong khu vườn dừa của chú Sáu Lân ở ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.

Khi phóng viên địa bàn đồng hành cùng địa phương

Từ thời Báo Minh Hải, phóng viên đã được Toà soạn phân công phụ trách địa bàn để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với cơ sở, với bà con, nắm bắt thật sát tình hình địa phương, thực hiện các tin, bài nóng hổi tính thời sự, góp phần và đồng hành cùng với sự ổn định, phát triển của địa bàn phụ trách.

Khi ý Ðảng gặp sức dân

Trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân, vì dân”, ở Cà Mau, một mô hình tổ chức xã hội đặc biệt đang âm thầm bén rễ và lan toả sức sống: Tổ Nhân dân tự quản (NDTQ). Thoạt nghe, cụm từ này có vẻ khô khan, mang nặng tính hành chính, nhưng khi đặt chân đến những xóm, ấp nơi mô hình này đang hoạt động, người ta mới cảm nhận được hơi thở của sự tự nguyện, tinh thần đoàn kết và khát vọng làm chủ cuộc sống cộng đồng. Ðây không chỉ là hình thức tập hợp người dân theo địa bàn cư trú, mà sâu xa hơn, nó đang dần khẳng định vai trò như một cầu nối sống động, nơi ý Ðảng được truyền tải một cách gần gũi nhất, hoà quyện với nhu cầu và sức mạnh nội tại của Nhân dân.

Với nghề, tôi thấy mình như vừa chập chững tập đi...

Tôi bắt đầu công việc viết lách từ rất sớm, như các bạn tuổi mới lớn khác, tập tành sáng tác thơ và tản văn. Ở những năm học cấp III, tôi chi tiêu cho mua dụng cụ học tập, hàng quà hay những thứ lặt vặt khác, từ chính nguồn nhuận bút viết lách.