(CMO) Chợ hoa ở TP. Cà Mau năm nay, lượng hàng dồi dào, giá cả ổn định nhưng sức mua lại không cao. Nguyên nhân chủ yếu là do cung tăng hơn so với năm trước, cùng với tâm lý người mua chờ đến khi hoa giảm giá mới mua.
Đa phần hoa Tết tại chợ hoa được mang trực tiếp từ nhà vườn ở các làng hoa nổi tiếng như Sa Đéc (Đồng Tháp), Cái Mơn (Bến Tre), Tân Thành (TP. Cà Mau)...
Dù lượng hoa về nhiều, giá cả ổn định nhưng lượng khách mua không nhiều, chủ yếu tham quan và hỏi giá. |
Mang hoa xứ Cái Mơn về cập bến ở đây đã được 19 cái Tết, năm nay, vợ chồng ông Cao Thái Sơn (48 tuổi, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) thuê ghe chở 200 chậu mai vàng và 1.500 chậu hoa vạn thọ Pháp xuống Cà Mau bán, nhiều hơn năm trước 300 chậu. Mỗi chuyến 15 triệu, hoa nhà ông phải chở 3 chuyến mới hết.
Ông Sơn kể: “Ở làng hoa Cái Mơn, bà con làm nghề đa phần thuê phương tiện chở đi các tỉnh khác bán trong dịp Tết. Chi phí mỗi cặp hoa vạn thọ ít nhất cũng 100 ngàn đồng, bán ra 140-200 ngàn đồng tuỳ loại, tương đương với giá hoa năm trước. Còn mai vàng thì phải tìm mua cây tại vườn và tốn công chăm sóc, cắt tỉa, uốn. Năm nay thời tiết ít mưa, mai và vạn thọ được mùa, hoa nở đều và đẹp. Nhưng đến 29 Tết, lượng hoa bán ra chậm hơn năm trước một nửa. Mai vàng giá khá cao nên kén người mua nhưng có thể đem về chăm sóc cho mùa hoa Tết năm sau. Còn vạn thọ nếu đến đêm 30 Tết vẫn không bán hết thì chỉ có bỏ đi thôi”.
Người bán chợp mắt nghỉ ngơi sau một ngày dài buôn bán. |
Ông Dương Phước Hậu, cũng là nhà vườn làng hoa Cái Mơn, bán hoa ở đây hơn 16 năm. Chợ hoa Tết năm nay, ông Hậu đem 1.800 chậu hoa vạn thọ, cúc bán. Nhờ hoa đẹp và giá cả hợp lý, từ 160 ngàn đồng/cặp hoa vạn thọ Thái, 220 ngàn đồng/ cặp hoa cúc Hà Lan, nên đến tối ngày 28 âm lịch, ông còn khoảng 600 chậu.
Ông Hậu cho biết: “Chợ hoa năm trước, tôi và nhiều tiểu thương cũng đành bỏ hoa thành rác vì ế. Thế nhưng sau giao thừa, người dân kéo đi mua hoa rất đông và trả giá rất thấp. Tôi quyết định thà bỏ hoa, chịu lỗ chứ không giảm giá hoa theo yêu cầu, vì công sức cả năm để đợi đến mùa hoa tết, nếu mình giảm giá năm này thì tết năm sau, người mua sẽ tiếp tục đợi đến đêm giao thừa mới mua hoa. Người mua chỉ mong được mua hoa đẹp với giá thấp nhất mà không biết rằng, nhà vườn sẽ đem những chậu hoa đẹp nhất đến chợ sớm để chào hàng. Nếu hoa bán chạy, trừ đi chi phí chăm sóc, thuê lô, vận chuyển thì sau mỗi mùa hoa tết, mỗi nhà vườn cũng lời chừng 70 triệu, còn không thì số tiền lỗ cũng vài chục triệu”.
Trong khi mặt hàng hoa khá vắng vẻ thì dưa hấu lại được người dân ưa chuộng. Đa phần là dưa hấu được trồng tại xã Lý Văn Lâm, TP. Cà Mau. Anh Sơn Trường Phương Vũ (ngụ Phường 2, TP. Cà Mau) mua dưa hấu tại nhà vườn ở Lý Văn Lâm với số lượng 500 trái loại từ 8-12 kí, bán ra với giá từ 160-300 ngàn đồng/cặp tuỳ loại. Dưa hấu có khắc chữ năm nay bán khá chạy, với giá từ 250-400 ngàn đồng/trái. Đến 29 Tết, số dưa hấu của anh còn khoảng 100 trái. Anh Sơn chia sẻ: “Dưa hấu được ưa chuộng nhất là dưa hấu truyền thống để chưng trong ngày Tết. Năm nay, thời tiết khô hạn, thiếu nước tưới nên loại trái to rất ít, phần lớn dưa hấu đạt trọng lượng trung bình từ 5-8 kí/ trái”.
Năm nay, chợ hoa, dưa hấu tết TP. Cà Mau chính thức hoạt động từ ngày 10/1/2020 đến ngày 24/1/2020 (nhằm ngày 16 đến ngày 30 tháng Chạp năm Kỷ Hợi) với khoảng 160 lô, mỗi lô có diện tích 52m2./.
Trịnh Mơ