(CMO) Mưa sớm. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Nguyên (ấp Ông Bích, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời) đứng ngồi không yên. Vội mặc áo mưa, xách theo mớ trái cây, ông nhắn với vợ con rằng mình đi công việc quan trọng. Mưa ngày càng nặng hạt, vậy mà tuyến lộ nông thôn lại đông đúc. Trên đường, ông Nguyên gặp nhiều người quen, họ cùng hối hả đến trụ sở văn hoá ấp để chuẩn bị mâm cơm cúng đồng đội, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.
Với cựu chiến binh Nguyễn Văn Nguyên và cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên nơi đây, ngày cúng cơm các liệt sĩ là sự kiện hết sức đặc biệt. Dẫu có công chuyện gì đi chăng nữa, mọi người vẫn tranh thủ đến họp mặt, dâng hương anh linh các anh hùng liệt sĩ. Người mang chén đũa, thức ăn; người chở bánh, nước, trái cây… đến trụ sở ấp, chẳng mấy chốc mâm cơm được bày biện tươm tất trước bia ghi danh liệt sĩ. Tấm bia màu đỏ, chất liệu đơn giản, nhỏ gọn vừa để viết hàng chữ “Tổ quốc ghi công” và họ tên 36 liệt sĩ của ấp, được đặt cạnh ảnh Bác Hồ. Tấm bia ghi danh liệt sĩ ấy là biểu tượng thiêng liêng và niềm tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương.
Hình ảnh thiêng liêng, cảm động mâm cơm cúng liệt sĩ ở ấp Ông Bích. |
Mâm cơm cúng đồng đội rất đơn giản, ai có gì góp nấy và hoàn toàn tự nguyện. Tất cả đều thể hiện sự nhiệt thành, tuỳ điều kiện mà có thể góp tiền hoặc sản vật của chính gia đình mình làm ra. Ông Phạm Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Khánh Bình, cho biết, trên địa bàn xã có 228 thương binh, 277 liệt sĩ, trong đó có 62 liệt sĩ mất tích. Việc lập bia ghi danh liệt sĩ ở 9/9 ấp đã đáp ứng nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ và các cựu chiến binh. Hàng năm, từ giữa tháng 7 là các ấp bắt đầu tổ chức lễ cúng, họp mặt ôn lại truyền thống. Việc làm thiết thực này như lời tri ân, xoa dịu nỗi đau người ở lại, ấm lòng những người đã không tiếc máu xương vì nền độc lập, tự do cho dân tộc.
Thành kính dâng nén tâm hương có đồng chí uỷ viên BCH Đảng bộ xã phụ trách địa bàn, có chi uỷ, trưởng ban Nhân dân ấp, đại diện các đoàn thể, hội viên cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ… Nhìn tấm bia phảng phất khói hương, cựu chiến binh Huỳnh Thị Én (74 tuổi) đau đáu nỗi nhớ thương chồng (liệt sĩ Nguyễn Văn Trắng) và 3 liệt sĩ khác là anh em của chồng mình. Mẹ chồng bà Én là Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tươi có 6 người con. Bà lần lượt tiễn 4 người lên đường bảo vệ Tổ quốc, rồi lần lượt hy sinh. Bà Én cũng giác ngộ cách mạng từ nhỏ, tham gia công tác giao liên, sau đó chuyển nhiệm vụ ở Cục hậu cần Quân khu 9. Bà Én tâm tình: “Chồng tôi hy sinh không tìm được thi thể, 3 anh em của chồng thì mộ phần ở tận miền Đông xa xôi, gia đình không có điều kiện thăm viếng, nên tôi xem tấm bia này như ngôi mộ chung, hàng năm đều cùng đồng đội tổ chức cúng cơm tưởng nhớ. Không mâm cao cỗ đầy, nhưng tôi cảm nhận được tình cảm của anh em dành cho đồng chí, đồng đội và người thân của mình”.
Ôn lại lịch sử vùng đất, con người nơi đây, ông Quách Minh Thông, Bí thư Chi bộ ấp Ông Bích, tự hào: “Hiếm có nơi nào như ở đây, chỉ cách khoảng 1 cây số có đến 5 Mẹ Việt Nam anh hùng, có mẹ hiến dâng 4 người con cho Tổ quốc. Liệt sĩ cũng nhiều nhất so với các ấp khác. Dân ấp Ông Bích có truyền thống đoàn kết lâu đời, hồi xưa đồn giặc đóng sát bên nhưng bà con vẫn một lòng che chở cán bộ, bộ đội làm nhiệm vụ. Bây giờ thì đồng lòng xây dựng quê hương”.
Được gặp nhau trong không khí đầm ấm, các cựu chiến binh thường nhắc nhớ những kỷ niệm về tình đồng chí, đồng đội. Qua lời kể của cựu chiến binh Võ Hồng Hạnh (66 tuổi), chúng tôi càng hiểu thêm sự sống - chết thời chiến tranh chỉ trong gang tấc. 14 tuổi, bà Hạnh tham gia giao liên, một hôm cùng đồng đội làm nhiệm vụ, khi xuồng đến kênh Thọ Mai thì bị giặc đón đường phía trước, may thay đêm tối, người dẫn đoàn chèo lạc nên cả 6 xuồng đều an toàn. Không lâu sau bà Hạnh được điều về Cục Hậu cần Quân khu 9, công tác cho đến ngày giải phóng. Trở về quê, vừa lo sinh kế, vừa tham gia công tác phụ nữ, rồi đến mặt trận ấp, và hiện đảm nhận Phó bí thư Chi bộ ấp. Bà Hạnh bộc bạch: “Bọn giặc không chừa một ai, nhờ may mắn nên tôi và anh em được tiếp tục hoạt động. Tôi nguyện còn sức thì còn cống hiến, làm vui lòng các anh hùng đã nằm xuống”.
61 hội viên cựu chiến binh ấp Ông Bích đã một thời dâng hiến tuổi thanh xuân trong mưa bom bão đạn, nay vẫn một lòng sắt son theo Đảng, tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ vì sự phát triển quê hương. Đó là những câu chuyện thực tế, sinh động để giáo dục các thế hệ lớn lên trong hoà bình biết nhớ ơn, sống xứng đáng với những hy sinh của tiền nhân.
Xuất thân trong gia đình có truyền thống cách mạng, bà nội là Mẹ Việt Nam anh hùng, anh Lê Quốc Toản (29 tuổi) không ngừng rèn luyện để đứng vào hàng ngũ của Đảng, được người dân tín nhiệm bầu làm Trưởng ban Nhân dân ấp. Vợ của anh Toản, chị Lê Thị Mỳ (24 tuổi) là Bí thư Chi đoàn ấp. Đôi vợ chồng trẻ đang từng ngày cống hiến tâm sức cho sự phát triển quê hương. Trưởng ban Nhân dân ấp Lê Quốc Toản bộc bạch: “Được góp sức dâng mâm cơm cúng tri ân các anh hùng liệt sĩ, tôi cảm thấy tự hào và quyết tâm lập nhiều thành tích, để mỗi độ tháng 7 về tự hào báo công lên các anh hùng liệt sĩ”. Anh Toản phấn khởi thông tin, ấp Ông Bích có 333 hộ dân, phấn đấu đến cuối năm nay xoá trắng hộ nghèo. Cán bộ, đảng viên và Nhân dân ấp đoàn kết chung lòng xây dựng nông thôn mới nâng cao, vừa cùng nhau đóng góp lắp 34 bộ đèn năng lượng trên tuyến dài gần 2.000 m, mang ánh sáng văn minh đến với đường quê. Hiện chính quyền đang ra sức vận động kinh phí, nhân rộng mô hình ánh sáng nông thôn, đồng thời tu sửa lại trụ sở văn hoá ấp, để cúng cơm năm sau mời người dân trong ấp cùng đến dự và hiểu thêm về truyền thống cách mạng quê mình./.
Mộng Thường