ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 11-12-23 13:26:10

Áp dụng kỹ thuật, tăng năng suất tôm nuôi

Báo Cà Mau Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tôm nuôi xảy ra dịch bệnh gây thiệt hại đến kinh tế của người dân. Ðể giảm bớt rủi ro trong quá trình nuôi tôm, nhiều hộ dân mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật, cải thiện môi trường nuôi, hạn chế dịch bệnh, giúp tôm lớn nhanh, đạt năng suất cao.

Nhiều năm nay, ông Phạm Hữu Nghĩa, ấp Bảo Vĩ, xã Tam Giang Tây, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào nuôi tôm, từ khâu cải tạo vuông nuôi, thả giống, chăm sóc, quản lý đến thu hoạch nên năng suất tôm nuôi đạt cao, với 220 kg/ha/năm, tăng cao hơn cách nuôi truyền thống. Ðặc biệt, ông Nghĩa chú trọng khâu phơi đầm trước khi thả giống để loại bỏ những khí độc tích tụ trong đất, tạo ra lớp đất mới, sản sinh tảo làm thức ăn tự nhiên cho tôm nuôi phát triển; hạn chế dịch bệnh, rút ngắn thời gian thu hoạch.

Do không sử dụng thuốc trong quá trình cải tạo ao nuôi nên con tôm sinh thái của huyện Ngọc Hiển sẽ là mặt hàng tôm xuất khẩu quan trọng.

Theo ông Nghĩa, sau khi sên vét vuông tôm, sẽ tiến hành phơi đầm khoảng 10 ngày. Khi mặt đất khô nứt sẽ lấy nước vào để xử lý trước khi thả giống. Nhờ thực hiện tốt việc phơi đầm mà nhiều năm nay, các vụ nuôi tôm của ông Nghĩa đều thành công, cho lợi nhuận trên 300 triệu đồng/năm.

“Ở ấp Bảo Vĩ, xã Tam Giang Tây, với những hộ áp dụng việc phơi đầm vuông nuôi tôm, không nóng vội trong vụ mùa, chọn con giống tốt, xử lý vuông nuôi hiệu quả, hầu như ai cũng trúng vụ. Cá biệt, có những hộ diện tích vuông nuôi khoảng 10 ha, thu hoạch mỗi con nước hơn 30 triệu đồng”, ông Nghĩa cho biết.

Chú trọng cải tạo vuông, xử lý men vi sinh trước khi thả giống, nhiều hộ dân không chỉ trúng tôm mà con cua cũng phát triển và đạt năng suất cao.

Ðể nuôi tôm đạt hiệu quả cao, một số hộ thường xuyên bổ sung men vi sinh giúp hạn chế rong rêu, cải tạo môi trường nước, cân bằng hệ sinh thái trong vuông nuôi. Anh Phạm Minh Tâm, ấp Bảo Vĩ, xã Tam Giang Tây, cho biết: “Trong quá trình nuôi tôm, tôi sử dụng men vi sinh để loại bỏ những vi khuẩn gây hại, chất cặn bã như lá cây, rong rêu tồn đọng dưới đáy vuông. Men vi sinh được làm từ mật đường và bột men, ủ khoảng 7-10 ngày là có thể sử dụng để tạt ra vuông. Cách nửa tháng tôi sẽ tạt men vi sinh một lần, nhằm tạo ra vi khuẩn có lợi và thức ăn, giúp tôm hấp thu tốt dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, tạo môi trường nước ổn định, hạn chế dịch bệnh”.

Ông Lê Hoài Phương, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, khuyến cáo: “Việc cải tạo vuông tôm trước khi thả giống rất quan trọng, giúp hạn chế dịch bệnh trên tôm. Vì thế, chúng tôi thường xuyên hướng dẫn người dân kỹ thuật xử lý đất, nguồn nước để đảm bảo các thông số môi trường vuông tôm trước khi thả giống. Theo đó, nhiều hộ dân đã mạnh dạn sử dụng men vi sinh hoặc phơi đầm để loại bỏ những vi khuẩn gây hại, tạo ra lượng thức ăn tự nhiên giúp tôm mau lớn, nhanh thu hoạch, hạn chế rủi ro trong sản xuất”./.

 

Hồng My - Chí Hiểu

 

Tổng duyệt chương trình khai mạc Festival Tôm

Tối 9/12, tại Quảng trường Phan Ngọc Hiển ( Phường 9, TP Cà Mau), Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân đến dự buổi tổng duyệt chương trình khai mạc “Festival Tôm Cà Mau - Tự hào thương hiệu Việt”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Tôi tin tưởng, sau công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư, Cà Mau sẽ có bước đột phá phát triển"

Sáng 9/12, Cà Mau long trọng tổ chức Hội nghị Công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau, đây là nội dung rất quan trọng của chuỗi sự kiện Festival Tôm và Diễn đàn Kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long. Hội nghị vinh dự đón tiếp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành trong cả nước; các tổ chức quốc tế, các hội, hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam; các chuyên gia, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Ẩm thực đặc sắc Cà Mau hưởng ứng ngày hội lớn

Nhiều điểm du lịch trong tỉnh không chỉ trang hoàng mà còn chuẩn bị thêm những thực đơn độc đáo, ngon miệng để phục vụ du khách đến với ngày hội Festival tôm Cà Mau năm 2023.

Quảng bá sản vật Cà Mau tại Lễ hội Diễu hành đường phố

Nằm trong chuỗi hoạt động của Festival Tôm Cà Mau năm 2023, Lễ hội Diễu hành đường phố sẽ diễn ra trong khoảng thời gian 17giờ 30-19 giờ 30, từ tối 9-12/12 nhằm quảng bá, giới thiệu về những nét văn hoá tiêu biểu, những sản vật đặc trưng của vùng đất Cà Mau, đặc biệt là con tôm.

Ðội lân tí hon chào mừng Festival tôm

Tại sự kiện Festival Tôm Cà Mau sắp diễn ra (từ 10-13/12) và thông xe cầu Sông Ðốc (trong chuỗi sự kiện) sẽ có sự góp mặt của Ðoàn Lân sư rồng Hoàng Phi Long, thường được gọi “Ðội lân tí hon”. Ðây là đội lân thanh thiếu niên duy nhất trên địa bàn TP Cà Mau, hoạt động khá sôi nổi, ghi nhiều dấu ấn thời gian qua.

Công tác chuẩn bị Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL năm 2023 phải chặt chẽ

Sáng 7/12, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tiến Hải;Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt; Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Thành Ngại có buổi làm việc Ban tổ chức Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL 2023 về công tác chuẩn bị cho sự kiện này.

Khát vọng đưa sản phẩm OCOP vươn xa

Huyện Ngọc Hiển được thiên nhiên ưu đãi với nhiều sản vật. Khai thác tiềm năng, lợi thế đó, người dân trên địa bàn đã khéo léo tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng gắn liền với rừng, với biển và nâng tầm thương hiệu đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hơn 20 năm đạt, vượt chỉ tiêu thu ngân sách

Ông Trần Hoàng Vũ, Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Thới Bình, cho biết: "Ngay từ đầu năm, Chi cục Thuế khu vực IV tham mưu cho UBND huyện Thới Bình xây dựng kế hoạch, chỉ đạo đội thuế quản lý các nguồn thu, điều tra nắm chặt những đối tượng đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Ðồng thời, kết hợp với công an, đội quản lý thị trường và các ngành chức năng tuyên truyền hướng dẫn hộ kinh doanh đăng nộp thuế theo quy định. Huyện Thới Bình hoàn thành công tác thu ngân sách sớm hơn so kế hoạch và tăng hơn 126% so với cùng kỳ".

Liên kết tạo đầu ra ổn định cho nông sản

Ðể đảm bảo đầu ra trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có các trà lúa trên địa bàn, UBND xã Tân Phú, huyện Thới Bình, chủ động liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị thu mua hỗ trợ bao tiêu nông sản, qua đó, tạo không khí phấn khởi, tăng nguồn thu cho nông dân.

Hiệu quả mô hình đa giá trị trên vùng mặn

Bắt đầu từ năm 2018, hộ ông Tiêu Hoàng Trung, ấp Rạch Láng, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân, đã triển khai mô hình giữ ngọt giữa vùng đất lợ, mặn. Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá đây là mô hình đa giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất theo hình thức thuận thiên.