(CMO) Tôi biết đến bánh ú bà Hai qua lời giới thiệu của anh em trong UBND xã Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình): “Ở đây có món bánh ú lá tre ngon lắm, tuy là món bánh giản dị nhưng ăn một lần rồi sẽ nhớ". Tôi hơi ngờ ngợ, nhưng vẫn đều bước xuống căn tin của xã.
Bên bụi tre xanh mướt, cặp bụi chuối xiêm đang trổ buồng là nồi bánh ú đang đỏ lửa, mùi thơm thoang thoảng. Bánh chín, dĩa bánh mời khách còn bốc khói, tôi nhẹ lột lớp vỏ lá tre, bánh có màu vàng trong vắt, các hạt nếp nhuyễn tạo thành khối. Vỏ bánh vừa dẻo thơm, vừa sần sật mang vị riêng của hạt nếp ngâm nước tro, hoà quyện cùng mùi thơm của lá tre, ngọt bùi của đậu, béo của dừa tạo nên hương vị “bánh ú bà Hai”.
Bà Hai (Phạm Lệ Thuỷ, 62 tuổi, xã Hồ Thị Kỷ) được má truyền nghề từ năm 11 tuổi, hơn 50 năm tay nghề làm bánh ú gia truyền, chị em bà cũng tạo được thương hiệu “bánh ú vàm Cái Tàu”. Bà Hai cho biết, làm bánh ú lá tre ngỡ dễ nhưng thật sự không dễ. Bánh nhìn rất đơn giản, nhưng để làm ra cái bánh ngon phải qua nhiều công đoạn. Mỗi người đều có công thức riêng, nhưng đối với gia đình bà, công đoạn ngâm nếp là quan trọng vì nó quyết định sự thành công của mẻ bánh. Nếp phải ngâm với nước tro lắng vôi trong 24 tiếng rồi xả nhiều lần với nước sạch. Người ngâm nếp phải có kinh nghiệm, pha nước tro đúng liều lượng, đặc quá bánh sẽ đắng, khó ăn, nếu loãng, nếp không nhuyễn, bánh không dai và không ngon.
Quê bà ở vàm Cái Tàu (ấp Tắc Thủ, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình), khi có gia đình về xã Hồ Thị Kỷ. Tuy chỉ khác xóm nhưng nơi đây hầu như không ai biết gói bánh này, mỗi khi ở xóm có đám giỗ, bà chuẩn bị ngâm nếp, ngâm đậu xanh cà rồi hướng dẫn chị em trong xóm gói bánh. Ðậu xanh đãi sạch vỏ, nấu cho chín mềm, sên chung với đường, nước cốt nạo, để lửa nhỏ đến khi đậu khô lại, tắt bếp, để nguội rồi vo viên.
Lá tre ngâm nước, rửa sạch. Bà dùng một nắm dây lác chẻ nhỏ phơi khô, buộc chùm vào cây đinh ở góc nhà cho thòng xuống, xếp 2 hoặc 3 lá tre tuỳ theo lá lớn hay nhỏ “chồng lệch” lên nhau, quấn lại thành cái quặng, cho nếp và nhân bánh vào, canh cho nhân nằm giữa hai phần nếp, tiếp tục cho nếp phủ kín phần nhân, cuối cùng là gói các góc lá tre thành hình tam giác và buộc dây lác lại sao cho 3 mặt của chiếc bánh bằng nhau tạo thành hình tam giác.
Công đoạn nấu bánh cũng rất kỳ công, nấu nước thật sôi mới thả bánh vào nồi và phải canh cho lửa cháy đều, lửa tắt bánh sẽ bị chay. Châm nước liên tục không để nồi bánh cạn nước bánh chín không đều. Có như vậy bánh mới giữ được vị ngọt thanh của đường, dẻo của nếp và mùi thơm của lá tre, giữ được 3-4 ngày mà không bị hư. Theo bà Hai, bánh lá tre có thể luộc khoảng 2 tiếng là chín, nhưng để cho nếp nhuyễn và lâu hư thì phải nổi lửa đều khoảng 3 tiếng mới vớt bánh.
“Lúc đầu theo mẹ học gói bánh, đôi lúc tôi muốn bỏ cuộc, từ cách quấn lá đến buộc dây đều rất khó đối với cô bé mới lên 10, cái bánh làm ra không đồng đều, méo mó tùm lum, đôi lúc sứt dây, bung nếp. Nhưng nhờ sự kiên nhẫn hướng dẫn của mẹ nên tôi dần thành thạo”, bà Hai trần tình.
Tay vẫn thoăn thoắt quấn từng chiếc bánh, bà Hai tiếp tục kể: “Ngày xưa mấy chị em tôi mê xem hát lắm, nghe trong xóm nói có “gánh hát” về chợ Thới Bình là nôn nao xin má đi xem. Má giao 3 chị em từ xế trưa đến chiều phải gói xong 1.000 cái bánh ú mới được đi xem hát. Tuy mới biết gói, nhưng 3 chị em bà vì muốn được đi xem hát nên đều tay cho ra những chiếc bánh đẹp. Nồi bánh đỏ lửa, 3 chị em bắt đầu diện đồ mới cùng chị em trong xóm lội bộ từ vàm Cái Tàu ra chợ huyện xem hát”.
Ðó là chuyện xưa, chứ giờ mình bà 1 ngày gói hơn 1.000 cái bánh là chuyện bình thường. Lá, dây, nếp, nhân chuẩn bị sẵn, bà gói một mạch hơn 250 cái/tiếng. Tết Ðoan ngọ năm nay, bà gói hơn 9.000 cái bánh ú. Từ sáng mùng 2-4 bếp nhà bà luôn đỏ lửa và kịp giao bánh cho các mối quen.
Mỗi ngày, bà Hai có thể cho ra lò 1.500 cái bánh ú. |
Những lúc rảnh, bà Hai còn đan giỏ dây nhựa cho các xí nghiệp hoặc chị em phụ nữ ở xã có đợt đi dự thi các sản phẩm khéo tay từ sản phẩm giỏ nhựa bà đều góp ít công sức. Khi có hội thi bánh dân gian của tỉnh, chị em trong Hội Phụ nữ xã cũng có ý mời bà tham gia nhưng bà từ chối. Ông Hai lúc này cũng có tuổi rồi, nay ốm, mai đau, chân ông cũng yếu, con cháu ở xa nên lúc nào bà cũng muốn ở cạnh bên hủ hỉ.
Hàng ngày bà đốn chuối, xắt khoanh, ông Hai bằm nhuyễn trộn với cám, lúa nuôi đàn vịt, gà sau nhà gần 100 con. Lúc đầu bà định nuôi vài con vịt, mấy con gà để dành cho con cháu về chơi hay đãi khách phương xa. Nhưng bầy vịt, gà tới lứa đẻ trứng, ăn không hết bà lại lụi hụi làm ổ, rồi ấp con. Bà mát tay và chăm sóc kỹ bầy gà, vịt nào cũng tròn trĩnh, lớn nhanh. “Ba người con bà “nhằn” miết, "giờ ba, má lớn tuổi rồi, các con cũng thành đạt, nhà cũng có đất cho mướn, thu nhập hàng tháng kha khá, có thể “về hưu” để an hưởng tuổi già”. Ông bà đều không chịu, không làm sẽ buồn, nhất là nghề gói bánh ú, lâu lâu không gói bà thấy buồn.
Ông Hai cũng là người kề cận, khi bà chuẩn bị làm bánh, ông xách rổ ra vườn hái lá tre, so dây lác buộc thành chùm, trong lúc bà gói bánh thì kiếm củi nhóm lửa, lấy nồi nấu nước. Bà xắt chuối thì ông cũng xách dao, thớt bằm nhuyễn, hai vợ chồng sớm tối có nhau.
Kinh tế gia đình khá ổn định, các con thành đạt nhưng bà Hai vẫn không muốn “quay lưng" với nghề truyền thống của mẹ để lại. Mỗi nghề có nét đặc trưng riêng, mỗi người có đam mê khác nhau nhưng đối với bà Hai, lúc nào cũng muốn góp ít công sức “thổi lửa” cho nghề bánh ú lá tre truyền thống luôn cháy mãi./.
Bảo Hân