Cô Tư Mãnh đảm nhiệm công việc Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi khóm 8, phường 8, TP Cà Mau vào cuối năm 2009. Vào thời điểm ấy, chi hội có 5 tổ hội, 70 hội viên, quỹ hoạt động gần như không có gì, người cao tuổi ở khóm chưa vào tổ chức hội chiếm hơn 50%; 2 chi hội phó và 5 tổ trưởng nhìn bà chi hội trưởng già “cóp thùng thiếc” như mình, lắc đầu ngao ngán. Thế nhưng, cô Tư Mãnh mau chóng cho mọi người thấy trí tuệ không già.
Cô Tư Mãnh đảm nhiệm công việc Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi khóm 8, phường 8, TP Cà Mau vào cuối năm 2009. Vào thời điểm ấy, chi hội có 5 tổ hội, 70 hội viên, quỹ hoạt động gần như không có gì, người cao tuổi ở khóm chưa vào tổ chức hội chiếm hơn 50%; 2 chi hội phó và 5 tổ trưởng nhìn bà chi hội trưởng già “cóp thùng thiếc” như mình, lắc đầu ngao ngán. Thế nhưng, cô Tư Mãnh mau chóng cho mọi người thấy trí tuệ không già.
Ðảm nhận công việc chi hội trưởng người cao tuổi ở khóm vài tháng, cô cùng với 2 chi hội phó và 5 tổ trưởng đến từng nhà người cao tuổi ở khóm thăm hỏi, tìm hiểu nguyên nhân vì sao người cao tuổi chưa mặn mà với tổ chức hội. Cô sớm nhận được câu trả lời thích đáng. Người cao tuổi vào tổ chức hội, chỉ thêm việc đóng hội phí 1 năm 24.000 đồng, chẳng được ích lợi gì. Trong khi đó, người cao tuổi không vào tổ chức hội, đến 80 tuổi, vẫn được Nhà nước tổ chức mừng thọ, được hưởng trợ cấp xã hội, được mua bảo hiểm y tế, vào tổ chức hội chi cho mệt và mất 24.000 đồng. Ðó cũng chính là nguyên nhân, những người tiền nhiệm ở chi hội trước cô thối chí, không tập hợp được người cao tuổi vào tổ chức hội, chi hội hoạt động cầm chừng.
Phút giây thư giãn của bà Phạm Thị Mãnh. Ảnh: ÁI NHƯ |
Tìm ra được nguyên nhân sâu xa này, cô Tư Mãnh chẳng những không chùn bước, mà mau chóng cho mọi người cao tuổi ở khóm thấy, tổ chức hội người cao tuổi không phải chỉ có vậy. Người cao tuổi còn phải được chăm sóc tốt hơn, sống vui, sống khoẻ hơn và phải được phát huy vai trò của mình nhiều hơn trong gia đình, trong đời sống xã hội. Mà muốn làm được vậy, người cao tuổi phải vào tổ chức hội. Cô bắt tay ngay vào công việc củng cố tổ chức chi hội, tổ hội. Tập hợp những cán bộ nghỉ hưu, có uy tín làm nòng cốt ở các tổ hội. Mở ra nhiều hoạt động thiết thực, gần gũi cho người cao tuổi ở khóm như: gây quỹ hội, thăm viếng người cao tuổi ốm đau, giúp đỡ gia đình người cao tuổi khó khăn; tổ chức câu lạc bộ văn nghệ, xe đạp, tập dưỡng sinh cho người cao tuổi.
Ðặc biệt là trong việc gây quỹ hoạt động của chi hội, cô bàn trong chi hội và đi đến thống nhất, dùng số tiền tiết kiệm trong chân quỹ của người cao tuổi cho con cháu trong gia đình của người cao tuổi vay lại để làm ăn, lấy lợi nhuận trang trải cho hoạt động chi hội, các câu lạc bộ.
Lấy lợi nhuận thăm viếng người cao tuổi ốm đau, phúng viếng người cao tuổi từ trần, giúp đỡ người cao tuổi khó khăn. Vốn tiết kiệm trong chân quỹ của người cao tuổi vẫn nguyên vẹn và có thể rút ra khi cần. Cách làm này, gia đình người cao tuổi chỉ thêm có lợi, cần vốn thì có vốn làm ăn. Người cao tuổi lại có thêm nhiều điều kiện trong sinh hoạt bổ ích như tham gia các câu lạc bộ phù hợp với mình và giúp đỡ lẫn nhau.
Những hoạt động thiết thực này của cô Tư Mãnh mau chóng làm thay đổi cách nghĩ, cách nhìn của người cao tuổi ở khóm và kết quả có được khá bất ngờ. Cuối năm 2010, Chi hội Người cao tuổi khóm 8 từ 70 hội viên tăng lên 279 hội viên. Trong đó có 189 nữ, phát triển được 10 tổ hội, chiếm hơn 80% người cao tuổi ở khóm vào tổ chức hội. Năm 2010, chi hội xây dựng được nguồn quỹ 8,5 triệu đồng. Năm 2011, tăng lên 15,8 triệu đồng. Năm 2012, tăng lên 69,3 triệu đồng. Năm 2014, tăng lên gần 90 triệu đồng. Ðầu năm 2015, tăng vọt lên 156 triệu đồng. Số tiền quỹ này của chi hội còn lớn hơn quỹ hội của nhiều hội người cao tuổi xã, phường ở thành phố. Hội Người cao tuổi thành phố phải giật mình và thán phục.
Cô Tư Mãnh tên thật là Phạm Thị Mãnh, sinh năm 1938, quê quán ở Quận 8, TP Hồ Chí Minh. Cô tham gia cách mạng năm 1953, công tác ở Xã đoàn xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn. Năm 1958, cô được tổ chức đưa đi học đỡ sinh, hoạt động ở các địa bàn xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn; xã Trần Thới, huyện Cái Nước; xã Quách Văn Phẩm, huyện Ðầm Dơi. Năm 1959, cô lập gia đình với một nhà báo, một nghệ sĩ của Ban Tuyên huấn Cà Mau. Ðiều thú vị là nhà báo, chồng cô, sau này lại là một thi sĩ tài hoa mà nhân hậu ở Cà Mau. Ông là Nguyễn Hải Tùng, hay còn được gọi thân thương là Út Nghệ, tác giả của bài thơ nổi tiếng “Từ trái tim em” viết về Nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Hồ Thị Kỷ.
Từ năm 1960-1975, Nhân dân ở các xã Hàm Rồng (Năm Căn), Trần Thới (Cái Nước), kinh Mang Rổ, kinh Ông Ðơn, kinh Bào Hầm, kinh Khai Hoang (Ðầm Dơi) đều biết đến cô Tư Mãnh, với cái tên gọi rất mộc mạc và thân thương là “Bà mụ Tư Mãnh”. Trong giai đoạn này, chiến tranh hết sức khốc liệt, chuyện sinh đẻ của Nhân dân trong cũng như giáp ranh vùng giải phóng hết sức khó khăn. Chuyện sinh đẻ cơ bản phải tìm đến mấy bà mụ, chứ không phải trạm y tế hay bệnh viện. Việc tìm mấy bà mụ giúp đỡ sinh, có hên xui, may rủi cũng nhiều. Gia đình nào tìm được bà mụ “Tây” thì yên tâm, bà mụ “vườn” thì phải “đánh lô tô” trong bụng.
Bà mụ vườn giúp đỡ sinh, cơ bản được truyền kinh nghiệm là chính, xử lý khử trùng cho em bé, hay tình huống phức tạp của người mẹ phát sinh thì bó tay. Bà mụ "Tây" có khá hơn, vừa được truyền đạt kinh nghiệm của mụ vườn, vừa được học bài bản của y tế trong xử lý khử trùng cho em bé, trong xử lý tình huống phức tạp của người mẹ phát sinh. Nên mấy bà mụ "Tây" trở nên quý hiếm và cô Tư Mãnh ở trong số quý hiếm đó.
Trong suốt thời gian chiến tranh khốc liệt diễn ra, cô Tư Mãnh đỡ sinh “mẹ tròn con vuông” cho gần 200 đồng bào trong và ngoài vùng giải phóng. Trong gần 200 trường hợp đó, bản lĩnh của bà mụ "Tây" ở cô được thể hiện rõ ràng. Một lần, vào năm 1965, ở kinh Mang Rổ, trạm y tế xã bó tay với 1 ca sinh là người mẹ đã tím tái, vẫn chưa tìm thấy được đầu của em bé để đưa em bé ra ngoài. Cô Tư Mãnh được mời đến, cô phát hiện em bé bị sinh ngược nên không tìm thấy được đầu và 1 chân bị kẹt lại nên người mẹ đã tím tái vẫn không sinh ra được. Cô xếp 2 chân em bé lại, đưa em bé ra ngoài, mẹ tròn con vuông.
Hay như có lần vào năm 1966, ở kinh Khai Hoang, 1 bà mụ vườn phát hoảng khi không cầm được máu cho người mẹ. Cô đã có mặt kịp thời và giúp bà mụ vườn cầm được máu cho người mẹ. Và cũng trong gần 200 trường hợp đó, cái tâm, cái đức, cái tình người trong bà mụ "Tây" của cách mạng ở cô Tư Mãnh cũng được thể hiện rõ ràng. Như có lần vào năm 1969, ở Năm Căn, nửa đêm, có gia đình binh sĩ phía đối phương đến tìm cô cầu cứu, giúp đỡ sinh cho con gái của mình. Cô đã bỏ 3 đứa con nhỏ lại cho bà ngoại ở giữa rừng, theo gia đình của người binh sĩ giúp đỡ sinh cho con gái của họ.
Hơn 15 năm giúp đỡ sinh trong mưa bom bão đạn, bà mụ Tư Mãnh đã mang lại niềm vui, hạnh phúc và tiếng cười cho nhiều gia đình ở Cà Mau. Trong công việc thầm lặng đó, bà còn là chiến sĩ binh vận tuyệt vời. Với gương mặt phúc hậu, cái tâm trong sáng, giọng nói nhẹ nhàng, dễ truyền cảm với người đối diện, bà cùng với tổ chức kêu gọi được nhiều đồng bào ở ngoài vùng giải phóng đứng lên đấu tranh trực diện với các đồn bốt ở Chi khu Ðầm Dơi, Cái Nước, Năm Căn và nuôi dưỡng, che giấu nhiều cán bộ của cách mạng. Và giờ đây, 40 năm đã trôi qua, vẫn gương mặt phúc hậu, cái tâm trong sáng, giọng nói nhẹ nhàng, dễ truyền cảm với người đối diện, bà mụ Tư Mãnh đến với hội người cao tuổi của khóm bằng cả cái lòng và cái tình. Chính cái tâm và tấm lòng trong sáng đó của bà lý giải được vì sao người cao tuổi ở khóm 8 đã xem hội người cao tuổi của khóm là mái nhà chung của mình./.
Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi TP Cà Mau Lê Quang Hồng nhận định, TP Cà Mau có rất nhiều cán bộ hưu trí, tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn cống hiến hết mình cho công tác hội người cao tuổi. Trong đó, bà Phạm Thị Mãnh là một điển hình. Bà năm nay đã gần 80 tuổi. Bà đã xây dựng chi hội người cao tuổi ở khóm 8 từ hoạt động yếu trở nên mạnh nhất ở TP Cà Mau hiện nay. Bà thật sự là một tấm gương đầy ấn tượng và điển hình trong phong trào thi đua “Tuổi cao gương sáng” của TP Cà Mau. |
Bút ký của Ái Như