(CMO) Chỉ trong 2 năm (2019 và 2020), tình hình thiên tai diễn biến bất thường, không theo quy luật, làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất, hạ tầng của Cà Mau. Theo thống kê, khoảng thời gian này đã xảy ra 1 đợt hạn nặng; 21 cơn bão, 5 đợt áp thấp nhiệt đới trên biển và nhiều cơn dông, lốc, triều cường, sạt lở, sụp lún đất... Tổng giá trị thiệt hại hơn 1.100 tỷ đồng.
Hậu quả khốc liệt
Báo cáo gần đây nhất của UBND tỉnh, hạn kéo dài vào đầu mùa khô năm 2019-2020 đã làm thiệt hại 21.000 ha lúa, 17.000 ha nuôi thuỷ sản. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 21.000 hộ dân khó khăn về nước sinh hoạt. Cũng theo báo cáo mới nhất về thiên tai của UBND tỉnh Cà Mau, đợt hạn đầu năm 2020 còn làm xảy ra 6 vụ cháy, thiệt hại 1,5 ha rừng; 18 cống thuỷ lợi bị hư hỏng, có nguy cơ xâm nhập mặn vào nội đồng; hơn 1.300 vị trí thuộc các tuyến đường giao thông bị sạt lở, sụp lún với tổng chiều dài gần 43 km, ước thiệt hại khoảng 800 tỷ đồng.
Cư dân ven biển vẫn còn “ám ảnh” sau đợt triều cường lịch sử vào tháng 8/2019. |
Và mới đây, mưa lớn kéo dài kết hợp với triều cường, nước dâng gây ngập úng, ngoài làm thiệt hại lúa, hoa màu; nuôi thuỷ sản, còn làm nhiều tuyến đường giao thông hư hỏng, nghiêm trọng nhất là các tuyến nội ô TP Cà Mau. Riêng hệ thống các tuyến đường do địa phương quản lý, có khoảng 145 km, ước thiệt hại trên 200 tỷ đồng.
Theo đánh giá của ngành chuyên môn, thời tiết, thiên tai ngày càng cực đoan; hạn mùa khô năm 2019-2020 kéo dài, khắc nghiệt hơn cả mùa khô năm 2015-2016, trong khi tỉnh Cà Mau đang thiếu nguồn nước ngọt bổ sung. Hệ thống công trình thuỷ lợi chưa hoàn chỉnh, chưa đầu tư ô thuỷ lợi trong các tiểu vùng, thiếu trạm bơm; trạm quan trắc khí tượng thuỷ văn chưa được đầu tư phủ kín.
Mặt khác, việc nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch, tổ chức sản xuất thích ứng biến đối khí hậu (BĐKH) chưa kịp thời; chưa đề ra đủ các biện pháp ứng phó với các tình huống diễn ra trên thực tế.
Nhiều năm qua, tỉnh Cà Mau chịu tác động rất lớn từ thiên tai, BĐKH, nhất là khu vực đô thị TP Cà Mau, mỗi lần triều cường đều ngập. |
Song, với địa hình của Cà Mau trũng, thấp, khi lượng mưa tăng, gặp tình huống triều cường kéo dài (với đỉnh triều lịch sử trong 30 năm trở lại đây); hệ thống thuỷ lợi khép kín vùng ngọt hoá nhưng chưa được đầu tư đồng bộ, thiếu trạm bơm tiêu thoát nước dẫn đến ngập úng nặng là vấn đề tất yếu.
Đến nay, ngoài giải pháp khắc phục các công trình trọng yếu, Cà Mau đã hỗ trợ người dân trên 18 tỷ đồng và đang hoàn thiện thủ tục tiếp nhận 5 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại do mùa hạn đầu năm 2020 gây ra. Song song đó, các huyện, thành phố chủ động sử dụng ngân sách địa phương để khắc phục các đoạn đường bị sụp lún do hạn gần 2 tỷ đồng.
Một vấn đề phát sinh khi thực hiện khắc phục thiệt hại do hạn, như dân cư sống phân tán nên việc xây dựng hệ thống cấp nước nối mạng đòi hỏi kinh phí đầu tư cao; việc khắc phục sụp lún vùng ngọt phải chờ đến mùa mưa mới có nước để vận chuyển vật tư, khi đến mùa mưa thì lại khó thi công; việc bơm bùn vào các kênh, mương để ngăn chặn sụp lún đất rất hiệu quả nhưng lại gây nhiễm mặn, thiệt hại cho sản xuât vùng ngọt; công tác rà soát, thống kê, đánh giá thiệt hại của một số địa phương còn chậm, chưa chính xác, việc hỗ trợ khắc phục hậu quả một số nơi chưa kịp thời; nguồn kinh phí khắc phục thiệt hại còn hạn chế, chưa khắc phục được triệt để thiệt hại.
Việc khắc phục thiệt hại do ngập úng được chỉ đạo tích cực ngay trong và sau mưa bão, thiên tai; tuy nhiên, thực tế gặp nhiều khó khăn, như khi xảy ra tình huống mưa nhiều, trùng với kỳ triều cường ở mức cao, hệ thống cống bị vô hiệu, hệ thống trạm bơm chưa được đầu tư đủ; nhiều vị trí, tuyến đường giao thông bị sụp lún do hạn hán chưa được khắc phục xong, khi ngập úng xảy ra dài ngày làm hư hỏng càng nặng hơn, khó khắc phục được ngay.
Ngoài ra, trong quy hoạch sản xuất vùng ĐBSCL chưa làm rõ giải pháp chuyển nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau; mặt khác, còn nhiều ý kiến khác nhau trong việc quy hoạch sản xuất vùng này theo hệ sinh thái nào để đạt hiệu quả kinh tế cao, bền vững và phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu.
Song song đó, tỉnh đã xử lý sạt lở đai rừng phòng hộ bảo vệ đê biển Tây tổng chiều dài trên 6.700 m, với tổng kinh phí gần 92 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ.
Cần giải pháp bền vững
Việc tổ chức sản xuất vùng ngọt thích ứng với BĐKH cần có thêm thời gian để nghiên cứu chặt chẽ, với đầy đủ cơ sở khoa học, thực tiễn. Trước mắt, bên cạnh việc tập trung khắc phục thiệt hại do thiên tai, UBND tỉnh chỉ triển khai các biện pháp: theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến thời tiết, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của Nhân dân về công tác phòng, chống thiệt hại trong sản xuất; phát động Nhân dân tích cực tham gia thử nghiệm các mô hình mới, cách làm hay trong sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế, theo hướng tiết kiệm nước; tuyên truyền, vận động, kiểm soát không để phát sinh việc xây cất nhà cửa, công trình trái phép ven sông rạch, không tự ý khai thác đất dưới lòng sông; điều chỉnh lịch thời vụ sản xuất linh hoạt; hướng dẫn chính quyền địa phương cùng với Nhân dân xây dựng và thực hiện lịch thời vụ sản xuất nông nghiệp cụ thể cho từng vùng, từng ô thuỷ lợi nhỏ theo hướng phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong bơm tát, luân chuyển, trữ nước ngọt, hạn chế tối đa việc tháo nước ngọt ra vùng mặn.
Vận động Nhân dân nhân rộng mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả đối với những vùng có điều kiện phù hợp, như nuôi cá đồng công nghiệp, sử dụng nước tuần hoàn trong ruộng lúa; trồng bí đỏ, đậu xanh trên ruộng lúa... Ngoài ra, UBND tỉnh đang chỉ đạo hoàn chỉnh hạ tầng (đê bao, cống, trạm bơm...) một vài ô thuỷ lợi vùng sản xuất lúa - tôm trong khu vực để có cơ sở so sánh hiệu quả về kinh tế và môi trường, làm cơ sở cho việc nghiên cứu quy hoạch sản xuất vùng ngọt hoá của tỉnh.
Khẩn trương đầu tư hoàn thiện một số ô thuỷ lợi nhỏ trong vùng ngọt để đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân rộng ngay trong vụ đông xuân 2020-2021. Xây dựng trạm bơm di động; xây dựng đập tạm bằng cao su, đập bằng ống nước, đập thép; củng cố bờ bao khuôn hộ, bờ bao kênh nội đồng để điều tiết nước tạm thời trong thời gian xuống giống, hạn chế tiêu thoát, gây thiếu nước cuối vụ.
Về lâu dài, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng liên quan, các địa phương vùng ngọt hoá quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Đồng thời, tuyên truyền sâu rộng đối với chính quyền cơ sở và Nhân dân vùng ngọt hoá về quan điểm, chủ trương, định hướng quy hoạch sản xuất thích ứng với BĐKH, để chính quyền cơ sở và Nhân dân tham gia ý kiến quy hoạch sản xuất vùng ngọt hoá của tỉnh.
Cà Mau đã và đang quyết liệt chỉ đạo ngành chức năng, các huyện vùng ngọt phối hợp với các viện, trường triển khai các hoạt động khảo sát để đề xuất nghiên cứu quy hoạch lâu dài; đồng thời đang kiến nghị Trung ương hỗ trợ thực hiện nghiên cứu quy hoạch đối với vùng ngọt hoá, làm cơ sở, căn cứ phù hợp cho việc quy hoạch vùng ngọt hoá của tỉnh, chủ động ứng phó BĐKH thời gian tới./.
Phong Phú