ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 16:41:02
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Bạn

Báo Cà Mau (CMO) 1. Mười bảy tuổi, tôi đậu cao đẳng sư phạm - hồi đó học trước tuổi.

Ngày nhập học, bỏ hết đồ vào cái túi xách móc trước cổ xe, cột sau ba ga một chồng bánh tráng, lọc cọc đạp chiếc xe không thể tàng hơn xuống nội trú nhận phòng.

À khoan, trên đường đi tôi gặp “tai nạn”. Cũng tại hồi giờ buổi đến trường, buổi lang thang đầu ghềnh cuối bãi với mấy con bò nên không quen ra đường lớn. Đi rất chậm mà cũng va quẹt. Một chiếc xe chở ba chạy ngang qua, chạy sát vào tôi, cụng vào chồng bánh tráng. Tôi và xe lăn ra đường nhựa. Chồng bánh lộn mấy vòng giữa đường, làm một chiếc xe tải phải thắng gấp, hú hồn, chồng bánh chưa nằm dưới lốp xe.

Tôi lồm cồm ngồi dậy, ê cái mông quá chừng. Chưa kịp đỡ chiếc xe, vội chạy lại chỗ chồng bánh tráng. Ủa, mới đó mà không thấy nữa. Tôi đứng mếu. Có người đứng bên nói, coi thử tay chân có bị sao không? Nhìn lại thì thấy một gã trai nét mặt có chút lo lắng, tay cầm chồng bánh gọn hơ. Hắn lại đỡ chiếc xe dậy, sắp xếp lại đàng hoàng, bảo tôi vào mé trong đi, hắn sẽ đi bên ngoài hộ tống. Trước khi đi còn bảo nếu thấy đau thì đem xe vô nhà người quen của hắn gửi, hắn sẽ chở ra trường giùm. Tôi lắc đầu bảo không sao. Thấy hắn nhẫn nại đi bên, tôi hỏi sao biết học trường nào mà đòi chở giùm. Hắn kêu ngày xưa thi cùng phòng mà. Ôi trời, ai đâu mà nhớ mấy chuyện lông bông. Kỳ thi đó, tôi chỉ nhớ mỗi cái đề. Hắn cười nói, một mình hắn nhớ là đủ rồi, hôm đó bạn là thí sinh nổi bật nhất phòng thi, chỉ cắm cúi viết chứ đâu liếc mắt qua cậu bạn ngồi cùng bàn. Nói rồi cười hi hi. Khi gần đến trường thì nói, không nghĩ chúng ta sẽ gặp nhau, đúng là hữu duyên.

Vào trường, hắn chỉ tôi cách tới phòng quản lý nội trú ghi danh, chỉ đường ra căn tin, đường tới giảng đường. Tôi hỏi sao thạo vậy, hắn kêu có chị họ học năm ba, trước giờ thường vào trường chơi nên rất rành. Nói xong câu đó rồi hẹn tối tới cổng trường uống cà phê, tôi lắc đầu.

Đi sao được mà hẹn trời. Thứ nhất, không quen biết. Thứ hai, má dặn đi học chứ không đi đua đòi, nhất định đừng dính vô mấy vụ yêu đương, con gái yêu đương học dốt liền. Tôi hoàn toàn nhất trí. Muốn thoát nghèo chỉ còn cách phải học.

Hồi đó nhà tôi nghèo lắm. Thèm gần chết chiếc áo dài và cái áo khoác có mũ đội đầu, chiếc cặp đeo bên hông nhưng má không duyệt. Thèm đến nỗi mỗi lần trường có tổ chức giao lưu với trường bạn hoặc đi chơi đâu xa, tôi luôn phải muối mặt mượn quần áo con Hoa cùng phòng. Hồi đó, nỗi ám ảnh của tôi là sáng thứ Hai sinh viên phải dự chào cờ. Sinh viên sư phạm đương nhiên phải áo dài mực thước. Khổ thân, thời tôi học phổ thông chưa có quy định mặc áo dài, giờ lấy đâu đồng phục cũ mà tận dụng, vậy là má xin áo dài cũ của cô giáo trong xóm. Thùng thình, mặc vào lọt thỏm, chẳng thấy eo phọt chỗ nào. Ngượng quá nên mặc áo dài phải thêm áo khoác, kéo lên tận cổ. Ngượng cứng mình luôn, vì tôi biết có bốn con mắt cứ lén nhìn mình.

Về chuyện này, tôi khổ tâm hết sức. Hắn hội đủ các yếu tố mà một bạch mã hoàng tử nên có: Đẹp trai, nhà giàu, tài hoa. Học không giỏi nhưng năng khiếu rất tốt. Nếu trường tổ chức văn nghệ, đằng nào hắn cũng ôm ghi ta đệm hát. Mỗi khi chứng kiến gã rải ngón trên các dây đàn là ngực tôi không ngừng xào xạc.

 Hình như hắn cũng có tình ý với tôi. Đúng là không còn chuyện nào oái ăm bằng. Tôi với hắn như đôi đũa lệch, lệch mười mươi. Vì lệch xa quá nên tôi không lạc quan chuyện hắn tơ tưởng là thật lòng. 

Học cùng lớp, hắn kề vai sát cánh với tôi, gần như mọi lúc. Mắc cười nhất chuyện tôi một buổi học một buổi đạp xe tới thư viện đọc sách thì hắn cùng đồng hành, có điều thay vì tới đọc sách, hắn tới ngủ. Tội nhất là lúc xuống phòng mượn, những quyển sách cần đặt cọc tiền, hắn đều móc túi cho mượn. Hắn bảo tiền làm thêm chứ không phải tiền xin nhà, đừng ngại.

Minh hoạ:  Minh Tấn

Cảm động hơn nữa là chuyện hôm đó tôi từ thư viện cuốc bộ về nội trú, khóc sưng mắt. Hắn đứng đợi ngay cầu thang, hỏi:

- Có chuyện gì?

- Mất xe rồi! - Tôi nói và bật khóc hu hu.

- Đừng khóc nữa! Tui thương!

Không “thương” bằng lời nói suông. Những ngày sau đó, hắn chở tôi từ trường về nhà và đến tận nhà đón tôi ra trường. Tôi và hắn khác xã, nhà cách nhau 20 km nhưng hắn tình nguyện làm tài xế riêng, còn chỉn chu thưa với ba mẹ tôi chiếc xe bị mất cắp là lỗi tại hắn mượn đi ăn cơm rồi đểnh đoảng mà mất. Hứa sẽ đền. Mẹ tôi nói không sao, đợi tới mùa sẽ tìm mua chiếc xe cũ cho tôi đi học.

Không cần tới mùa, hắn đã tặng tôi chiếc xe không quá cũ - trích từ quỹ đêm đêm ôm đàn đi hát ở quán cà phê. Tôi không nhận, hắn buồn rượi. Cuối cùng tôi bảo chỉ mượn chứ không lấy. Hắn Ok.

Mấy đứa cùng phòng vò đầu bứt tóc, chúng bảo không hiểu hắn thích tôi ở chỗ nào. Tôi cười, có trời mới biết. Chúng bảo tranh thủ thời cơ “tổng tiến công giành chính quyền”, tôi bảo mắc học, chưa rảnh.

2. Không bỏ cuộc, sự kiên trì của hắn khiến tim tôi không khỏi chông chênh.

- Sao đằng ấy không đi thực tế với các bạn?

- Má nói không có tiền.

- Nhưng tui nói… có.

- Không thích hàm ơn.

- Khùng! Tui có cho không đâu, tui ghi sổ, mai mốt đi dạy trả.

- Lỡ không xin được việc?

- Thì sau này chồng mấy người tính.

- Tui xấu quắc ai ưng mà tính?

- Yên tâm, hông ai ưng thì tui…

Hắn nói lấp lửng rồi nheo mắt bỏ đi. Tôi hơi “chao” nhưng không để ý nhiều đến nhịp đập ngực trái mà nhanh chân tìm lớp trưởng ghi danh tham quan Đà Lạt. Thực lòng lần này phải cảm ơn hắn đã cứu nguy nhưng làm gì đến nỗi “chồng tính”. Tôi không thuộc tuýp phụ nữ tầm gửi. Nhận học bổng quý tới tôi sẽ trả đúng, trả đủ liền. Má tôi nghèo và tiện tặn nên xin sáu trăm ngàn (hơn một chỉ vàng) để du ngoạn một tuần là xa xỉ, nhưng nếu dối má học bổng kỳ này chỉ nhận ba tháng vì trường đang khó khăn thì bà không chút nghi ngờ. Tôi vì quyết tâm phải đặt chân đến hồ Than Thở, ngồi dưới rừng thông trước khi trở thành cô giáo mà quyết định mang ơn Nhân (tên gã) và “nói dối” má.

Ngày xuất phát, tôi vừa bước lên xe thì hắn kéo tay nhận vào hàng ghế trước. Đi đâu, cái thân say xe thì ngồi yên đây cho tui. Túi ni lông đó, ói mửa gì cứ tuỳ nghi!

Xe mới chạy được mười phút tôi đã nằm bẹp. Bốn giờ chiều chúng tôi đến Đà Lạt. Hắn tự nhiên lại xốc ba lô và nhờ cô bạn dìu tôi về phòng. Tôi ói tới mật xanh mật vàng nên chẳng thấy nét mặt lo âu đến khó coi của hắn mà cô bạn ghé tai nói nhỏ.

Điểm đến đầu tiên là Trúc Lâm Thiền Viện.

Trong khuôn viên chùa, tôi tròn mắt trước những bông hoa, chúng đẹp tuyệt.

- Giá có thể đem hết vườn hoa này về nhà?

- Ta chỉ ước có thể đem một bông hoa về nhà…

Nói đùa nhưng hắn không cười, trái lại rất nghiêm túc nhìn sâu vào mắt. Tôi hơi run, lật đật bỏ chạy.

- Đây là chuyến đi kết thúc, hãy giả bộ dịu dàng với anh, một lần thôi!

Trời đất, tự dưng xưng anh ngọt xớt, có gì “sai sai” á, tôi hơi đỏ mặt.

Chỉ chừng đó mà tôi để Nhân cầm tay dắt lên các bậc thang và chụp hình chung. Hắn cầm tay bóp chặt khiến tôi phải kêu đau…

Cũng không nhớ tôi đã gọi “anh” lúc nào nhưng khi hắn dịu dàng đeo vào tay tôi sợi chuỗi mua ở chợ đêm thì tôi biết trái tim mình đã bị “làm dấu”. Tôi run run để yên tay mình trong vòm tay rộng rãi kia mà nghe từng tế bào rung lên xào xạc.

Đó là đêm cuối cùng của chuyến thực tế, chúng tôi lang thang ở chợ đêm, từ các khu bán quà lưu niệm, quần áo đến các gian hàng ăn uống. Thầy Thiện (trưởng đoàn) bảo các em cứ vui chơi thoả thích để lỡ sau này không còn dịp gặp lại vẫn có điều để nhớ. Thầy vừa nói xong thì tôi nghe tiếng thì thầm:

- Đây là lý do bằng mọi giá anh buộc em phải đi. Có chuyện gì à? Sau khi nhận bằng tốt nghiệp, anh sẽ theo gia đình vào thành phố định cư. Ba mẹ muốn mở rộng làm ăn nên...

Chỉ vậy rồi trường tan, tình tan.

3. Chừng ấy đã gọi tình đầu được chưa? Tình đầu trong trẻo nhưng khắc cốt ghi tâm? Tất cả đều mơ hồ nhưng sao mỗi lần nhớ lại, tôi cứ thấy bàn tay mình đau, y như có ai đó đang bóp chặt...

Bắt đầu như chưa bắt đầu và kết thúc như chưa từng kết thúc - mối tình này chỉ có vậy.

Bây giờ, đứa nào cũng có gia đình riêng, gặp nhau xem nhau là bạn bè. Tôi cũng chưa bao giờ nói với Nhân sợi chuỗi ngày xưa tôi còn cất ngay ngắn trong hộp đựng những món đồ quý nhất của mình./.

Nguyễn Thị Bích Nhàn

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.