ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 2-5-25 10:15:05
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Bâng khuâng nhớ bóng hàng cau

Báo Cà Mau (CMO) Mấy ngày gần đây, tôi đã đọc nhiều bài viết đầy xúc động của bạn bè trên mạng xã hội. Họ, vì lệnh giãn cách mà không thể về quê giỗ cha mẹ, hay ông bà. Dịch Covid thật ghê gớm, nó không chỉ bào mòn thể xác, mà còn làm tổn thương tâm hồn con người một cách âm thầm, dai dẳng.

Trông người lại ngẫm đến ta, chợt nhớ ngày giỗ ngoại cũng sắp tới rồi. Tôi không chắc ngày đó mình có được về thắp cho ngoại nén nhang hay không, dù từ nơi tôi ở về quê ngoại chỉ hơn mười cây số.

Chiều chiều ra đứng bờ ao

Trông về quê ngoại ruột đau chín chiều

Ðường không cách trở bao nhiêu

Cò bay thì được, tôi về thì không… (*)

Ngoại qua đời khi tôi mới vào đầu cấp hai. Hơn 30 năm đã trôi qua, nhưng những ấn tượng về tình thương của ông, bà ngoại dành cho tôi vẫn còn in rõ trong tâm trí.

Nhà ngoại hồi đó trồng nhiều cau, mỗi khi ba má về chơi, biết tôi thích, lần nào ngoại cũng gởi cho vài cái quạt làm bằng mo cau. Có cái mới tinh, cái thì đã nhiều vết sờn quanh mép quạt, chỗ tay cầm lấm tấm dấu thâm kim vì bám mồ hôi. Tôi rất quý và tưng tiu những cái quạt ngoại gửi cho. Phần ba má thì được ngoại cho một vài keo cau khô để ăn dần. Bà ngoại ghiền ăn trầu, nên trong nhà lúc nào cũng phải có cau tươi, rồi cau khô dự trữ.

Hàng cau, bờ dừa, rưng rưng kỷ niệm tuổi ấu thơ. Ảnh: HUỲNH LÂM

Lúc tôi còn nhỏ xíu, ba má đã xin giống cau của ngoại về, trồng được hai cây bên hè. Má nói, trồng cau để lâu lâu ngoại xuống chơi, có cau cho ngoại ăn trầu. Hai cây cau bên hè ấy đã gắn liền với những ngày thơ của anh em nhà tôi, với biết bao là kỷ niệm hồn nhiên, trong trẻo.

Cây cau lớn khá nhanh, trồng vài năm đã vượt lên cao vút; cau xếp vào hàng “lão” thì chiều cao trên mười thước là chuyện bình thường. Thân cau thẳng đuột như nến, cấu tạo khá giống với thân dừa, nhưng mảnh dẻ hơn nhiều, bề hoành chỉ chừng năm sáu tấc. Với hình dáng như thế, chỉ cần một cơn gió nhẹ thoảng qua, từng chùm lá, buồng cau tít trên cao lại xào xạc, đong đưa.

Cũng như cây dừa, cau trưởng thành trổ khá nhiều buồng cách quãng nhau không xa, những buồng cau sai dễ có đến hàng trăm trái. Buồng cau được chọn thu hoạch thông qua đánh giá bằng cảm quan về màu sắc của trái cau. Mỗi ngày qua đi thì trái cau sậm màu thêm một chút. Người có kinh nghiệm, nhìn sơ qua màu vỏ là biết buồng cau nào còn non, buồng cau nào vừa ăn.

Với những cây cau lão, muốn lấy buồng, không còn cách nào ngoài việc leo lên tận ngọn. Công việc này chỉ có thanh niên trai tráng mới đủ sức làm, nhưng thường phải có “dây nài” đi theo.

Dây nài khá đơn giản, làm từ dây chuối khô bện, ngâm nước cho dẻo hoặc một đoạn dây dù dài chừng bảy tám tấc, buộc chặt hai đầu với nhau, sau đó luồn vào nối hai bàn chân người leo cau để tăng ma sát. Những người leo cau giỏi, mang nài vô là “đi” thoăn thoắt một hơi từ gốc tới ngọn. Leo cau phải mang theo dao để cắt buồng và một sợi dây dài, loại chắc. Buồng cau sau khi chặt ra được buộc dây, thả từ từ xuống đất trong sự hồi hộp và thán phục của những người bên dưới.

Hồi nhỏ, tôi hay theo các anh trong nhà đi hái cau rồi giành xách buồng cau. Buồng cau nặng trịch, rinh è ạch, phải dừng lại… thở dốc vài bận mới đem vô tới nhà.

Cau đem vô nhà, trước tiên là lặt trái rồi chẻ hai lấy ruột. Chẻ cau chỉ cần dùng dao bén loại thường, nhưng khâu tách ruột ra khỏi vỏ phải dùng một công cụ đặc biệt, gọi là “dao cau”. Loại dao này đã lâu tôi không còn nhìn thấy.

Dao cau có hình dáng rất đặc trưng, với cán dài gấp đôi phần lưỡi. Trong tổng thể chiều dài lưỡi dao chừng một tấc thì một phần ba là mũi nhọn, hai phần ba phía gần cán được rèn to bản, nhìn mặt ngang như một ngọn núi nhô cao. Có thể mường tượng dao cau với hình dáng con lạc đà, hoặc phần đầu của loài cá heo. Phần lưng nhô lên làm điểm tựa và tăng lực cho bàn tay, phần nhọn để tách ruột cau cho dễ dàng. Trái cau chỉ lớn tương đương cái trứng gà, nhưng được cái vỏ mỏng nên phần ruột thu được khá lớn. Vỏ cau khi ấy thường được cắt thành nhiều miếng nhỏ bằng ngón tay út, giắt trên vách nhà để dành… chà răng cho sạch, vì thời đó kem đánh răng rất hiếm.

Ruột cau có màu hồng sẫm bắt mắt, nếu nhà có người ăn trầu thì ăn ngay cau tươi sẽ ngon hơn. Phần lớn ruột cau sau khi tách ra thì đem đi luộc chín, sau đó vớt ra, xắt ra khoanh với độ dày vừa phải rồi dùng giần hoặc sàng phơi nắng cho thật khô. Cau khô phơi nỏ sẽ có màu huyết sậm đặc trưng, miếng cau rất cứng phải vận lực hàm răng khi cắn mới bể. Gia đình tôi xưa lúc nào cũng có sẵn vài keo cau khô, hầu như ai cũng có thói quen ăn món này. Cau khô mang vị chát, có tác dụng chống chứng “ở cổ” và tanh miệng rất tốt, nhất là sau mỗi bữa ăn. Những năm đầu đi làm, mỗi lần về quê tôi đều xin má ít cau khô, mỗi lần đi… nhậu về là lấy một miếng nhai tóp tép.

Người lớn chờ cau chín, còn đám trẻ thì ngày ngày trông mong cho mo cau mau rụng. Một cái mo cau rụng xuống là cả niềm sung sướng của tụi trẻ nít trong nhà. Cứ chiều chiều, năm sáu anh em, đứa ngồi, đứa kéo “tàu” mo cau vòng vòng trước sân nhà. Trạc tuổi nhau thì đứa ngồi, đứa kéo; mấy đứa nhỏ hơn thì hai ba đứa một bận cùng đi. Ðứa kéo lả mồ hôi, đám “khách” thì cười nghiêng ngả. Kéo tốc độ, có khi giữa đường tàu… lật, cả đám té lăn cù, mình mẩy, đầu cổ bám đầy bụi đất… mà vui. Tàu mo cau kéo lâu ngày mòn vẹt vẫn cứ chơi, rồi hóng chừng kiếm cái mo cau khác.

Nếu “thu hoạch” được nhiều mo cau rụng, người lớn sẽ lấy cắt làm quạt, để dành phe phẩy trong những ngày hè. Một cái mo thường cắt được chừng hai ba cái quạt. Các chị gái thì tận dụng phần bìa mo dư ra, cắt thành những miếng hình tròn lót trong lòng cái rế nồi cơm, vừa tránh lọ nồi bám vào, vừa giữ cho bền rế.

Những cây cau già, không còn ra trái hoặc bị sâu đục phá được đốn xuống, một là dùng bắc cầu qua sông, hai là bổ đôi, móc ruột làm máng xối hứng nước mưa. Thân cau cũng ưa được xả thành ván lót sàn lãng hoặc đóng sạp xuồng.

Với những nơi có nghề dệt chiếu thì thân cau rất quý, vì được sử dụng làm cây chuồi lác. Nhà tôi, những năm còn dệt chiếu có mấy cây chuồi lác bằng cau bóng dợn, lên nước nhìn rất thích mắt. Rồi nghề dệt chiếu mai một, cây chuồi lác chẳng mấy ai giữ lại làm chi...

Ngoại qua đời, không còn nghề chiếu, hai cây cau nhà tôi từ từ già đi, rồi theo ông theo bà. Vườn cau nhà ngoại với những bóng cây ngả dài trên bờ ao cũng không còn nữa. Thời hiện đại, người còn ăn trầu có lẽ chỉ đếm được trên đầu ngón tay, những vườn cau sum sê trước kia được thay thế bằng vuông tôm, ao nuôi cá công nghiệp, hoặc trồng các loài cây cho thu nhập lý tưởng hơn.

Sự tồn tại của cây cau đến giờ, lý do chính nhất, theo tôi bởi trái cau, cùng với lá trầu là hình ảnh tượng trưng cho tình yêu đôi lứa. Theo phong tục truyền thống của người Việt, đám hỏi, đám cưới nhất định phải có mâm trầu cau trong phần sính lễ. Chú rể, cô dâu cùng dỡ mâm trầu cau là nghi thức bắt buộc phải có trong lễ thành hôn. Trong dòng chảy văn hoá mới, giữ được nét đẹp ấy âu cũng là điều đáng mừng.

Dưới chân cầu Mới, phía Phường 2 có mấy sạp bán trầu cau, nghe chừng đã tồn tại khá nhiều năm rồi. Mỗi lần qua đây, tôi lại tự hỏi bao nhiêu người yêu nhau đã đến đây mua cau, mua trầu rồi kết tóc, se tơ, sinh con đẻ cái? Hơn 10 năm trước, tôi cũng từng đến đó.

Ngẫm lại có lẽ, cây cau - dây trầu là một trong những hình tượng xuất hiện nhiều nhất trong các tác phẩm văn học - nghệ thuật Việt Nam. Phải đến hơn 20 năm rồi, đến giờ tôi vẫn thích xem vở cải lương “Sự tích Trầu Cau”, vẫn yêu say sưa cái giai điệu ngọt ngào của “Hoa cau vườn trầu”, vẫn rưng rưng nhớ về thuở ấu thơ khi nghe ai đó cất lên bài ca cổ “Buồng cau quê ngoại”.

Bâng khuâng nhớ bóng hình những hàng cau năm xưa, nghĩ về chặng đường sắp tới, tôi càng tin quá khứ không chỉ là kỷ niệm, mà ở đó còn có những chất liệu làm nên điểm tựa vững chắc, để con người hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn./.

 

(*) Trích trong bài vọng cổ “Buồng cau quê ngoại” của soạn giả Thu An

Tuấn Ngọc

 

Ngày giải phóng Cà Mau

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều

Thông tư 29/2024/TT-BGDÐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Câu hỏi đặt ra là việc quản lý sau đó như thế nào để không có việc “nóng” kiểm tra thời gian đầu, còn sau lại đâu vào đó? Giáo viên, phụ huynh và học sinh các cấp sẽ “sống” cùng với thông tư như thế nào? Bên cạnh đó, các cơ sở dạy thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang oằn mình để đón thêm lượng học viên quá tải...

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài cuối: Nền móng vững chắc cho Cà Mau vươn xa

Chủ trương sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, một quyết sách chiến lược của Chính phủ hướng đến bộ máy hành chính tinh gọn đã mang đến những thay đổi sâu rộng trong quản lý đô thị trên cả nước. Tại Cà Mau, bối cảnh mới này đòi hỏi sự đánh giá lại về quỹ đạo phát triển của các khu vực đô thị, đặc biệt là những nơi đã nỗ lực xây dựng các tiêu chí đô thị văn minh. Tới đây, các danh xưng hành chính có thể thay đổi, nền tảng hạ tầng, kinh tế và xã hội đã được kiến tạo vẫn là tài sản vô giá, làm nền móng vững chắc, định hình tương lai phát triển của Cà Mau sau này.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài 2: Bước chuyển mình của đô thị hoá nông thôn

Khác với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đô thị động lực, như TP Cà Mau, Sông Ðốc và Năm Căn, những làng quê, nơi mà quá trình đô thị hoá đang diễn ra một cách lặng lẽ lại trở thành nơi lý tưởng, đáng sống, ước mơ của nhiều người. Cà Mau, từ một bức tranh tưởng chừng đơn điệu, với ruộng lúa, ao tôm, cánh đồng hoa màu và những con rạch hiền hoà, nay khoác lên mình diện mạo mới, hiện đại hơn, thuận tiện hơn, nhưng vẫn giữ được bản sắc miền Tây sông nước.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài 3: Giải mã “điểm nghẽn” để khơi thông tiềm năng

Tốc độ đô thị hoá của Cà Mau tăng trung bình 1,3%/năm, phản ánh sức hút và tiềm năng nội tại. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa tương xứng với tiềm lực vốn có và còn cách biệt so với khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Quá trình đô thị hoá tại Cà Mau vẫn đang đối diện với những nút thắt cần tháo gỡ.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh

Tỉnh Cà Mau đang kiến tạo một nền tảng vững chắc để đô thị hoá trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Ðến cuối năm 2024, tỷ lệ đô thị hoá của tỉnh đạt 33,04%, với 22 đô thị, cao hơn mức trung bình của đồng bằng sông Cửu Long (32,0%) và vượt một số tỉnh lân cận, như Vĩnh Long (28,7%), Hậu Giang (30,5%)... Với TP Cà Mau, Năm Căn và Sông Ðốc làm tam giác động lực, tỉnh không chỉ mở rộng không gian đô thị mà còn tạo sức bật kinh tế toàn diện. Không chạy theo đô thị hoá ồ ạt, tỉnh tập trung xây dựng nền tảng hạ tầng vững chắc, phát huy lợi thế kinh tế biển, logistics và dịch vụ thương mại để trở thành điểm sáng mới của vùng Tây Nam Bộ.

Khởi nghiệp “xanh” - Xu hướng phát triển bền vững - Bài cuối: Khơi thông dòng chảy

Khởi nghiệp dựa vào tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng tài nguyên bản địa của địa phương là một lợi thế. Tuy nhiên, nó cũng có nhiều thách thức cho hoạt động khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp “xanh” nói riêng của tỉnh. Ðể nâng tầm khởi nghiệp “xanh”, Cà Mau đang cần những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Ðịa phương cũng cần chú trọng hơn đến phát triển kinh tế bền vững và hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp “xanh”, cũng như các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, đào tạo, phát triển cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.