ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 21-11-24 22:46:36
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Bánh phồng nếp đón Tết

Báo Cà Mau (CMO) Ởhuyện Ðầm Dơi, vẫn còn một vài hộ dân duy trì nghề làm bánh phồng nếp truyền thống, quết bằng chày cây và cối đá.

Thông qua trang Faebook bán bánh phồng nếp, chúng tôi hỏi thăm và tìm được nhà bà Huỳnh Thị Thiêu, ấp Tân Lợi B, xã Tạ An Khương Nam, người duy trì nghề quết bánh phồng nếp truyền thống đã gần 50 năm qua.

Mỗi sáng, bà Huỳnh Thị Thiêu cùng con trai quết bánh phồng bằng chày cây và cối đá.

Bà Thiêu kể lại: "Khi còn thiếu nữ, tôi được mẹ dạy làm các loại bánh, trong đó có món bánh phồng nếp, rồi bưng ra chợ bán. Ðến khi lập gia đình riêng, tôi vẫn duy trì nghề này đến nay”.

Ðể ra lò những cối bánh mới, ngon, bà Thiêu chỉ quết theo đơn đặt hàng của khách. Mỗi chiều tối, bà Thiêu rút nếp ngâm, đến 3-4 giờ khuya bà cùng con dâu thức xay bột, bồng bột cho ráo, rồi bắt viên bột vừa tay luộc chín, vớt ra để ráo. Khi bột còn âm ấm thì cho ra cối đá quết, người con trai có sức nên dùng chày quết. Còn bà Thiêu vừa nhào, trộn bột vừa thêm nước đường thắng, sao cho bánh có vị ngọt vừa, đến khi vừa tay không quá khô, cũng không quá nhão thì thực hiện công đoạn cán bánh.

Từ những cục bột tròn như viên chè trôi nước, với đôi tay quen, nhanh nhẹn, chỉ phút chốc bà Thiêu cán thành những chiếc bánh phồng nếp mỏng, tròn, thoang thoảng hương thơm, rồi nhanh chóng xếp đều lên chiếu manh, đưa lên giàn phơi, kịp đón nắng sớm. Bánh phơi càng được nắng, mặt chiếc bánh phồng càng căng, bóng đẹp và khi nướng độ phồng càng nhiều…

Theo lời bà Thiêu, ngày xưa khi còn làm ruộng, cứ mỗi dịp Tết đến, nếp vừa chín ngoài đồng, gặt vô chà rồi ngâm quết bánh phồng liền, hương vị đặc biệt lắm. Giờ đây, tuy hương vị không được như xưa, nhưng bà cố gắng mua nếp dẻo ngon và thực hiện theo bí quyết làm bánh được ông bà truyền lại để làm nên chiếc bánh phồng ngon, giúp mọi người cảm nhận được hương vị quen thuộc, nhất là những ngày Tết.

"Hiện nay, tôi cũng truyền nghề lại cho các con, cháu với mong muốn duy trì nghề truyền thống và cũng góp phần có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Mỗi ngày, tôi làm ra từ 200-500 bánh, thu nhập từ 150.000-250.000 đồng", bà Thiêu cho biết thêm.

Nắng gắt, phơi bánh phồng đạt chất lượng nhất, giúp bánh căng bóng và phồng nhiều khi nướng.

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Việt, ấp Tân Ðức A, xã Tân Ðức, huyện Ðầm Dơi, cũng đã “nối nghề” làm bánh phồng nếp của gia đình trên 30 năm nay.

Ông Nguyễn Quốc Việt cùng gia đình duy trì nghề làm bánh phồng trên 30 năm nay.

Ông Việt cho biết, ngoài làm vuông, nhiều năm qua, nghề bánh phồng đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình, nhất là vào dịp Tết thì lượng bánh tăng lên gấp hai, gấp ba so với ngày thường. Tuy nhiên, năm nay ảnh hưởng dịch bệnh, gia đình chỉ nhận đơn bánh theo nhu cầu.

Theo những người làm bánh phồng nếp tại huyện Ðầm Dơi, để tạo đầu ra bánh phồng nếp, thời gian qua, ngoài kênh người quen, hội viên chi hội phụ nữ giới thiệu, bà con còn chủ động tìm đầu ra bằng hình thức đăng bán trên các trang mạng Zalo, Facebook… Nhờ đó, món bánh phồng quê được nhiều người biết đến, đặt hàng, giúp bà con duy trì nghề.

Chị Nguyễn Thị Màu, Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Ðầm Dơi, cho biết: “Hiện nay, nghề làm bánh phồng tôm khá phổ biến trong hội viên trên địa bàn huyện. Riêng với nghề quết bánh phồng nếp truyền thống khá vất vả, phải thức dậy từ 2-3 giờ sáng để nấu nếp, quết ra bánh cho kịp nắng sáng và làm theo mùa nên số hộ duy trì nghề không nhiều, chỉ còn tầm 3-4 hộ. Thời gian tới, hội sẽ có những hoạt động cụ thể, tác động đến hội viên gìn giữ và phát triển nghề quết bánh phồng nếp cùng với một số nghề truyền thống khác, kết hợp giới thiệu đầu ra, giúp chị em tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần gắn kết tình chị em trong chi hội”./.

 

Loan Phương

 

Liên kết hữu ích
Công ty quà tặng doanh nghiệp grand cru

Mắm ngon từ con tôm, con ruốc

Cà Mau là vùng sông nước, được thiên nhiên ưu đãi nhiều loài thuỷ sản như: tôm, cá và các loài giáp xác, đặc biệt là con ruốc. Cũng từ những thứ này, người dân Cà Mau đã chế biến ra nhiều món ẩm thực độc đáo như mắm tôm, mắm ruốc làm nức lòng bao thực khách.

Xe tàu hũ của bà

“Hũ đây”, “Tàu hũ nóng đây”, “Ai tàu hũ không”, tiếng rao ấy của cụ bà Tô Thị Y (86 tuổi, ở Phường 1, TP Cà Mau) đã trở nên quen thuộc gần 40 năm qua.

Mắm chay ngày giỗ nội

Bà nội mất khi tôi còn nhỏ xíu, vì vậy ký ức của tôi về bà không nhiều, chỉ lờ mờ nhớ hình ảnh lúc bà nội nấu món chay trong cái nồi nhỏ có tay cầm, lúc bà lom khom hái bông bí, đọt bí sau nhà. Bà nội tôi ăn chay trường, nên sau này mỗi lần giỗ bà nội, ba mẹ tôi làm món chay để cúng, thường là món gỏi cuốn chay, nấu canh kiểm và đặc biệt luôn trộn món mắm chay.

Chả cá thu xứ biển

Cà Mau có bờ biển dài 254 km, với ngư trường rộng lớn (trên 100.000 km2), rất dồi dào nguồn lợi thuỷ hải sản, trong đó có nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao như: cá cơm, cá ngừ, cá thu...

Chiếc bánh “hạnh phúc”

Bánh phu thê (hay còn gọi là bánh xu xê) là món ăn tượng trưng cho tình cảm vợ chồng thuỷ chung, son sắt, một lòng một dạ gìn giữ tình yêu bền chặt. Ðây cũng là một trong những loại bánh cổ truyền của người Việt Nam qua bao đời nay.

Ba khía vào mùa

Con ba khía rừng ngập mặn Cà Mau tập trung nhiều ở các huyện: Ngọc Hiển, Năm Căn và Ðầm Dơi, với sản lượng hàng ngàn tấn mỗi năm. Năm 2019, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã công nhận nghề làm ba khía muối Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, là Di sản Văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia, từ đó được cả nước chú ý và lượng tiêu thụ cũng ngày càng tăng lên.

Món ngon từ cá bống

Cà Mau có 254 km chiều dài bờ biển, với hàng ngàn sông ngòi, kênh, rạch có dòng thuỷ triều chảy ra vào tạo thành bãi bồi hàng trăm ngàn héc-ta, đây cũng là nơi sinh sản, trú ngụ của nhiều loài cá bống dưới hang, đáy nước, bọng dừa, bọng lá, hang bờ phù sa và bãi sình lầy như bống tượng, bống kèo, bống cát, bống trăng, bống sao, bống rạ (bống trắng), bống bớp, bống mú, bống đất, bống dừa, bống xệ... Trong đó, có giá trị kinh tế nhất hiện nay là cá bống tượng, bống kèo, bống cát, bống xệ.

Bánh mì - Món ăn dân dã mà gây thương nhớ

Bánh mì, cái tên bình dị, thân thương đã in sâu trong tâm trí biết bao thế hệ người dân Việt Nam bởi món bánh dân dã này dễ chế biến, có thể thưởng thức mọi lúc, mọi nơi và được bán trên khắp các con đường, ngõ phố, từ thành thị đến thôn quê.

Mắm chưng - Món ngon cho bữa cơm gia đình

Các loại mắm cá quen thuộc như: mắm lóc, mắm cá sặt, mắm cá phi, mắm cá linh, mắm cá sơn... ngoài ăn sống, nấu lẩu thì món mắm chưng cùng thịt ba rọi bằm nhuyễn, hột vịt, nêm gia vị, được xem là món ăn dân dã nhưng khá hao cơm trong các bữa cơm gia đình Việt.

Mát dịu vị tuổi thơ

Vốn là thức quà vặt gắn liền với tuổi thơ của biết bao người, ngày nay, các món kem mát lạnh dù được biến tấu với những sắc màu sáng tạo riêng để trở nên hấp dẫn hơn, nhưng đối với thực khách, món giải khát phổ biến này vẫn giữ đúng dư vị tuổi thơ mà ai cũng thích mê.