(CMO) Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, song, nông dân Cà Mau vẫn duy trì sản xuất, bảo đảm lương thực, nông sản tại chỗ. Cùng với sự vào cuộc của ngành chức năng, các địa phương cũng có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện để nông dân yên tâm sản xuất, bảo đảm đời sống trong điều kiện phòng, chống dịch.
Sản xuất thích nghi mùa dịch
Qua các phương tiện thông tin đại chúng và được cán bộ đến tận nơi tuyên truyền, mỗi người dân đều nâng cao ý thức phòng, chống dịch Covid-19 tại nhà, đồng thời tăng gia lao động, đảm bảo đời sống. Việc sản xuất của nông dân vẫn diễn ra rộng khắp trên đầm tôm, ruộng lúa, vườn tược… với hy vọng dịch bệnh sớm được đẩy lùi, giá cả nông sản sẽ tăng trở lại, hoạt động giao thương được thông suốt.
Ông Nguyễn Văn Cảnh (ấp Bàu Sơn, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau) phấn khởi khi vừa thu hoạch xong 4 công dưa hấu trái vụ được 12 tấn, trừ chi phí lời khoảng 70 triệu đồng. Mọi năm ông Cảnh chỉ trồng dưa bán Tết, nhưng năm nay theo khuyến cáo của địa phương trồng dàn trải để dễ tiêu thụ, nên ông Cảnh và nhiều hộ cùng thực hiện khoảng 20 ha.
Ông Cảnh cho biết: “Trồng dưa trái vụ cực công chăm sóc và tốn nhiều chi phí bơm nước, tránh ngập úng. Nhờ thường xuyên được hỗ trợ kỹ thuật nên ruộng dưa được mùa, trúng giá 7.500 đồng/kg, so với năm rồi tăng 2.000 đồng/kg”.
Cùng với thành công vụ dưa hấu trái vụ, nông dân xã Lý Văn Lâm vừa thu hoạch xong vụ lúa hè thu, tổng sản lượng 5.500 tấn, giá bán bình quân 4.900 đồng/kg. Ông Mạc Ngọc Truyền, Chủ tịch Hội Nông dân xã, chia sẻ: “Qua thách thức của dịch bệnh, nông dân dần thích nghi và đoàn kết hơn trong sản xuất. Như vụ lúa hè thu rồi, bà con đồng loạt thu hoạch, tạo thuận lợi cho việc bán lúa. Ðối với mùa dưa hấu trái vụ, bà con mạnh dạn thực hiện theo khuyến cáo về kỹ thuật nông nghiệp, tuân thủ kỹ thuật chăm sóc, mang lại thu nhập khá. Trên nền tảng phấn khởi, vụ lúa trên đất nuôi tôm năm nay, nông dân của xã xuống giống đạt 100%”.
Thời điểm dịch bệnh này, dù tính ra lời lãi không bằng điều kiện bình thường, nhưng nông dân Cà Mau vẫn khéo tính toán, cần mẫn sao cho tăng thu nhập gia đình. Ông Nguyễn Chí Cường, xã Ðông Hưng, huyện Cái Nước, vừa lên ao tôm công nghiệp hơn 4 tấn, lời trên 60 triệu đồng.
Ông Cường mừng rỡ khoe: “Tôi chờ giá nhích lên mới kéo tôm, chứ giá như mấy tuần trước nếu lên chỉ huề vốn. Nuôi tôm thẻ công nghiệp vốn đầu tư nặng, nên phải linh hoạt nắm bắt mùa vụ, thị trường. Khoản lời này đủ để tôi cải tạo ao đầm, thả giống mới”.
Tôm tăng giá trở lại, ông Nguyễn Chí Cường phấn khởi thu hoạch đầm tôm công nghiệp. |
Việc tiêu thụ nông sản gặp nhiều trở ngại, song ruộng vườn vẫn được phủ xanh, chăm sóc tốt, nông dân tin tưởng vụ mùa bội thu. Nhà bà Lê Thị Nữ (ấp Rạch Bào, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời) trồng rau màu nối vụ, nên hàng ngày đều thu hoạch hơn 100 kg rau cải các loại. Trước đây, thương lái đến tận nhà thu mua; những ngày thực hiện giãn cách xã hội, địa phương hỗ trợ tiêu thụ nên bà yên tâm. Mới đây, con bà lên xã xin giấy đi đường để chở cá trê, ếch đến chợ Phường 7, TP Cà Mau và chợ Tân Lộc, huyện Thới Bình giao cho mối lái.
Bà Nữ cho biết: “Nhu cầu rất lớn, những ngày thực hiện Chỉ thị 16, mấy mối họ cứ gọi suốt, tôi hẹn qua giãn cách mới giao được. Tuy hơi cực nhưng giá bán vẫn cao nên gia đình mừng lắm. Thu hoạch xong đợt này, tôi tiếp tục cải tạo ao, cải tạo đất nuôi mới, trồng mới, mong mùa vụ sau đỡ vất vả hơn”.
Gia đình bà Lê Thị Nữ hàng ngày đều thu hoạch hơn 100 kg rau cải các loại. |
Tiếp sức nông dân
Cùng với nhiệm vụ hàng đầu phòng, chống dịch Covid-19, các cấp, các ngành và địa phương quan tâm duy trì sản xuất, bảo đảm kinh tế hộ và đời sống người dân. Từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã hướng dẫn thành lập 312 tổ hợp tác, 89 hợp tác xã; nhiều chi, tổ hội nghề nghiệp hoạt động hiệu quả được nhân rộng. Bên cạnh đó là nâng cao hiệu quả Quỹ Hỗ trợ nông dân. Ðến nay, nguồn quỹ này đã giải ngân được 30 dự án, số tiền 8,5 tỷ đồng cho 429 hộ vay. Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện, thành phố giải ngân 33 dự án, gần 4 tỷ đồng cho 469 hộ vay.
Tín hiệu đáng mừng là những ngày qua tôm, cua tăng giá trở lại, thời tiết thuận lợi, sản lượng đạt tốt, hoạt động thu mua diễn ra bình thường nên người dân trong tỉnh yên tâm lao động, sản xuất. Mới đây nông dân xã Khánh Hoà, huyện U Minh được Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh giải ngân 300 triệu đồng, cho 14 hộ vay và thành lập tổ hợp tác tôm - cua kết hợp để phát huy nguồn vốn.
Ông Tô Hoàng Giang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Hoà, cho biết: “Kinh tế chủ yếu của xã là tôm, cua. Những tháng qua, ảnh hưởng dịch Covid-19, tôm, cua rớt giá, bà con gặp khó về vốn tái sản xuất nên khi được nhận nguồn hỗ trợ, nông dân hết sức phấn khởi, có điều kiện mua phân bón, con giống thả nối vụ, tiếp tục phát triển sản xuất”.
Tiếp sức cùng nông dân sản xuất, kinh doanh trong điều kiện dịch Covid-19, các cấp Hội Nông dân trực tiếp hỗ trợ tiêu thụ và phối hợp hỗ trợ tiêu thụ giúp nông dân thông qua các tổ hỗ trợ nông vụ, gian hàng tiêu thụ nông sản hơn 150 tấn. Ðồng thời, có gần 6.000 hội viên, nông dân khó khăn hoặc cách ly y tế được tiếp sức lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm… vượt qua đại dịch.
TP Cà Mau thành lập 12 tổ hỗ trợ nông vụ giúp nông dân chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ nông sản trong thời điểm dịch Covid-19 phức tạp. Các tổ do phó chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng, thành viên gồm các ngành, đoàn thể của xã và trưởng ấp. Ông Mạc Ngọc Truyền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lý Văn Lâm, cho biết: “Thời điểm thu hoạch lúa rơi vào đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tổ kịp thời kết nối 8 máy gặt đập liên hợp và các thương lái, để nông dân thuận lợi trong thu hoạch và bán lúa với giá tốt. Ðể thuận tiện và tránh tập trung đông người, các trưởng ấp làm đầu mối đứng ra thu mua lúa, rồi chuyển một lần cho thương lái”.
Bà Trần Hồng Quyết, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: “Trung ương Hội đã ban hành kế hoạch về việc tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tổ chức sản xuất, kinh doanh trong điều kiện vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, các cấp hội trong tỉnh đã phối hợp nhân rộng nhiều mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác và chi, tổ hội nghề nghiệp, nhằm xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân bằng hình thức các gian hàng tiêu thụ nông sản, giúp nông dân khởi nghiệp, sáng tạo… Tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trong điều kiện đặc biệt này”./.
Mộng Thường