(CMO) Những chiếc ghe nằm trên mé đất nứt nẻ vì nước sông đã cạn đáy từ lâu. Thoạt nhìn ai cũng có thể nghĩ ngay đến chuyện chỉ cần bắc một tấm ván nhỏ dưới đáy sông là có thể vài bước đi từ bờ bên này sang bờ bên kia. Đó là câu chuyện của mùa hạn này mà người dân tại xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời phải gồng mình chống chọi.
“Một số kênh rạch tại địa phương bắt đầu cạn đáy từ khoảng cuối tháng 12 năm trước. Nước cạn cũng là lúc đúng vào mùa thu hoạch nên gây thiệt từ 30-70% năng suất. Lúa trổ thất thu mà đường sông hết nước thì buộc giá lúa đội lên vì chi phí vận chuyển xa, thế là nhiều bà con mất vốn. Năm nay, diễn biến thời tiết mùa khô khá khắc nghiệt hơn so với năm 2016”, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc Bùi Chí Ngạn trần tình.
Khổ vì thiếu nước
Ao nuôi cá của gia đình ông Công giờ đã cạn đáy vì hạn lớn. |
Gia đình bà Lệ chật vật vì lúa thất thu. |
Gia đình bà Hồ Thị Lệ, ở Ấp 5, xã Khánh Bình Tây Bắc, chưa hết vui mừng vì mới mướn được 3 công đất ruộng, cứ nghĩ có đất thì có lúa, ai dè đành ngậm ngùi nhìn lúa thất thu.
Theo lời bà Lệ, gia đình bà trước đây sinh sống bằng nghề làm mướn nên cuộc sống khá bấp bênh. Nhiều năm trước nhà bà thuộc diện hộ nghèo của xã, nhưng nhờ chí thú làm ăn mà dần có nhiều chuyển biến mới. Nhưng giờ thì sự ổn định ấy cũng dần rơi vào cảnh bấp bênh do thời tiết.
“Mới ổn định, định bụng kiếm công chuyện làm thêm để tăng nguồn thu nhập. Thế là vợ chồng tôi vét hết vốn mướn 3 công đất ruộng để trồng lúa. Mới làm có vụ đầu tiên mà thất thu. Thiếu nước, nắng nóng, con người ta sống còn không nổi huống hồ gì cây lúa. Lúa nhà tôi chỉ để chà gạo ăn trong gia đình còn không đủ. Hạn kiểu này hoài thì dân mình khổ thiệt à”, bà Lệ lo lắng.
Mướn đất rồi trồng lúa và nuôi heo tưởng sẽ ổn định cuộc sống hơn. Nào ngờ, gia tài có 5 con heo thì bị chết vì dịch bệnh vài tháng trước. Tiếc mấy con heo dày công chăm sóc, nhưng bà nghĩ vẫn còn cây lúa. Nhưng mấy tháng rồi, khi thu hoạch lúa, một lần nữa niềm hy vọng của bà đành ngậm ngùi dập tắt.
“Nghĩ coi, trước đây mình khổ thì lo làm ăn, sản xuất nhưng có thu được gì đâu. Nuôi heo thì heo tự dưng chết, trồng lúa không đủ ăn. Sắp tới chưa biết làm gì sống đây. Còn được mấy con vịt thì ráng lo, hy vọng vớt vát lại vốn. Chắc làm mướn thêm để nuôi mấy đứa cháu, cha mẹ nó đi làm ăn, mình ở nhà giúp được gì thì giúp”, bà Lệ tâm sự.
Mấy năm trước làm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân Ấp 5, hơn ai hết, ông Nguyễn Văn Dũng (chồng bà Lệ) thấu hiểu đời sống của bà con quê mình. Ông Dũng chia sẻ: “Xóm này còn nghèo lắm, kinh tế bà con nơi đây chật vật. Mấy năm trước, tuy khó khăn nhưng chưa đến nỗi, giờ dịch bệnh cộng thêm hạn hán nặng coi như khổ càng thêm khổ. Cứ tình trạng diễn biến xấu như thế này hoài, xóm này đã thưa thanh niên nay còn vắng hơn trước”.
Gồng mình chống chọi
Đến với xã Khánh Bình Tây Bắc mùa này mới thấy rõ sự khắc nghiệt của thiên nhiên vào mùa hạn hán. Cây cỏ thiếu nước, sông ngòi cạn đáy, cộng thêm cái nắng gắt đủ để thấy người dân nơi đây phải gồng mình để chống chọi.
Chỉ về phía cái ao nuôi cá rô, cá trê, anh Lê Chí Công, ấp Sào Lưới, xã Khánh Bình Tây Bắc, nói như than: “Cái ao nuôi chừng 1 ngàn mét vuông, mà nước đã cạn tới đáy. Mấy bữa sốt ruột quá nên tôi đào cái lòng ao cho sâu thêm để cá còn nước mà sống. Vốn liếng có bao nhiêu đổ hết xuống đây nên cỡ nào cũng phải cứu nó. Mùa này không chỉ riêng gia đình tôi mà nhà nào hầu như cũng vậy, gồng đến chừng nào hay chừng ấy”.
Gia đình anh Công mới làm đơn xin thoát nghèo năm vừa rồi. Niềm vui có căn nhà mới, nguồn thu nhập ổn định từ nuôi cá chưa bao lâu thì nay phải chống chọi để cứu nguồn thu nhập cuối cùng của gia đình. Lo lắng cho ao nuôi nhưng cũng đành chịu vì nguồn nước sông còn cạn thì sao đến lượt mấy con cá rô, cá trê nhà anh.
“Mình không đất sản xuất, căn nhà lại được cất nhờ trên phần đất nhà người cậu ruột. Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cậu cho mượn luôn cái ao bỏ trống để tôi thả cá. Mùa trước bán cá thấy ham, còn mùa này chưa biết sao. Thấy cạn quá sợ mấy con cá không sống sót hết mùa hạn này. Năm 2016, con sông Sào Lưới cũng bị cạn, năm nay là năm thứ 2 lặp lại, nhưng đợt này cạn hơn”, anh Công bày tỏ.
Trưởng ấp Sào Lưới Nguyễn Văn Mãi cho biết: “Đa phần các hộ dân nơi đây hoàn cảnh gia đình khó khăn, vì hầu hết không đất sản xuất, thu nhập chính dựa vào nghề làm thuê. Hạn hán năm nay khắc khiệt hơn so với năm 2016. Không chỉ thiếu nước sản xuất, nhiều hộ dân có thể thiếu nước sinh hoạt khi bước vào đỉnh điểm mùa khô. Nhiều gia đình trong ấp hiện đã xảy tình trạng bơm không được nước giếng khoan, hoặc bơm được nhưng bị nhiễm mặn. Sợ thời gian tới, nguồn nước sinh hoạt sẽ càng khó khăn hơn”./.
"Toàn xã Khánh Bình Tây Bắc có khoảng 255,8 ha đất trồng lúa bị thiệt hại, trên 264,2 ha rừng đang bị đe doạ nghiêm trọng, cảnh báo cháy rừng ở cấp 5. Các nhánh sông, kênh rạch hầu như cạn đáy nên đe doạ nghiêm trọng đến những cánh rừng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân tại địa bàn xã. Mong rằng cấp trên có giải pháp kịp thời hỗ trợ địa phương và Nhân dân vượt qua mùa khô hạn năm nay, để người dân ổn định cuộc sống trong thời gian tới", ông Bùi Chí Ngạn thông tin. |
Hằng My