Những ngày gần đây, bệnh tay chân miệng (TCM) ở trẻ trên địa bàn huyện Ðầm Dơi đang diễn biến hết sức phức tạp. Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện, từ đầu năm đến ngày 24/11, toàn huyện xảy ra hơn 500 trường hợp mắc TCM, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2022. Riêng từ trung tuần tháng 10 đến nay, xảy ra hơn 250 trường hợp, tập trung nhiều ở các xã: Ngọc Chánh, Tân Trung, Trần Phán và Nguyễn Huân.
Bà Nguyễn Thị Lệ, bà nội của một bệnh nhi mắc TCM ở ấp Tân Thành, xã Nguyễn Huân, cho biết: “Cháu tôi bị nóng sốt, gia đình đưa đến bệnh viện huyện khám, được bác sĩ chẩn đoán cháu bị bệnh TCM. Qua 6 ngày điều trị, cháu tôi đã khoẻ lại”.
Bà Thang Thị Thảo, ấp Tân Ðiền, xã Tân Duyệt, có cháu ngoại vừa mắc bệnh TCM, cho biết: “Cháu tôi bị nóng rất nhiều, gia đình chở đến Bệnh viện Ða khoa Ðầm Dơi khám và được bác sĩ cho thuốc uống. Về nhà không bớt nên gia đình tiếp tục đưa đến bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh TCM, đề nghị nhập viện theo dõi. Gia đình cũng ý thức vệ sinh thường xuyên, nhưng cháu vẫn mắc bệnh TCM, gia đình rất lo lắng”.
Bác sĩ Trần Thanh Quận kiểm tra các dấu hiệu bệnh tay chân miệng cho trẻ.
Ðể chủ động phòng, chống dịch bệnh, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, ngành y tế huyện Ðầm Dơi đã chủ động triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, giám sát, quản lý ca bệnh đã điều trị khỏi, các ca bệnh tại khu vực phát sinh đang điều trị; thực hiện tốt công tác phát hiện ca bệnh tại tất cả các cơ sở y tế xã, thị trấn; xử lý ổ dịch. Chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể, nhất là ngành giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nguyên nhân gây bệnh, đường lây truyền, triệu chứng và sự nguy hiểm của dịch bệnh để nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống bệnh TCM.
Bác sĩ Trần Thanh Quận, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Ða khoa huyện Ðầm Dơi, khuyến cáo: “Bà con nên chủ động phòng tránh bệnh TCM cho trẻ; hạn chế cho trẻ tiếp xúc tập trung, trực tiếp với nhau, nhất là tiếp xúc những trẻ có bệnh. Ðó là những biện pháp ngăn ngừa lây lan bệnh, nhất là trong thời điểm học sinh đang học, nếu các trường mẫu giáo, mầm non, trường tiểu học có trẻ mắc bệnh thì dễ lây lan. Khi trẻ mắc bệnh, theo dõi chặt chẽ tình hình sức khoẻ của trẻ, tuân thủ lời dặn của thầy thuốc”.
Ðể phòng bệnh TCM, mỗi gia đình, từng điểm trường cần giữ vệ sinh môi trường sạch, ăn sạch, ở sạch, đồ chơi của trẻ cũng phải luôn giữ sạch, đặc biệt là rửa tay cho trẻ thường xuyên. Khi thấy trẻ có các dấu hiệu như lở miệng, nổi bóng nước tại bàn tay, chân, đầu gối, mông thì phải nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời./.
Trần Danh