ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 1-7-25 07:05:15
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Biển có vững, bờ mới yên - Bài 2: Ðiểm tựa vững chắc của ngư dân

Báo Cà Mau Mỗi điểm đảo trong chuyến công tác đều để lại trong tôi cũng như các thành viên trong đoàn những ấn tượng, cảm xúc thiêng liêng, tự hào. Quân dân Trường Sa không chỉ luôn kiên định, vững vàng, đoàn kết trong lao động, sản xuất, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc mà còn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Ðến với Trường Sa Lớn, trung tâm huyện đảo Trường Sa hôm nay đã có thêm nhiều công trình mới, trang thiết bị hiện đại phục vụ việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của quân và dân trên huyện đảo.

Sau lễ chào cờ, thắp hương viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sa, thắp hương Nhà tưởng niệm Bác Hồ, chùa Trường Sa, chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá Trường Sa. Những con đường bê tông sạch đẹp, rợp bóng mát bởi những cây bàng quả vuông, dừa, phong ba và nhiều loài cây được mang ra từ đất liền. Thành viên trong đoàn không khỏi ấn tượng với giàn hoa, vườn rau và cả cây ăn trái của đất liền được các chiến sĩ chăm sóc phát triển xanh tốt.

Thấp thoáng dưới màu xanh ấy là những gam màu rực rỡ từ mái ngói của trường học, nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ, các hộ dân; trung tâm y tế, chùa, trạm khí tượng thuỷ văn, hệ thống điện gió, năng lượng mặt trời...

Sau hơn 15 phút tản bộ, chúng tôi ra được âu tàu xây dựng khang trang, kiên cố. Tại đây, tôi được gặp ngư dân Nguyễn Văn Bảo, quê Bình Ðịnh, là ngư phủ trên tàu BÐ-97445. Chỉ sau vài câu chào hỏi, anh Bảo hồ hởi chia sẻ, từ lâu âu tàu là điểm tựa mà ngư dân đánh bắt trên ngư trường quần đảo Trường Sa tìm đến mỗi khi có mưa bão, tàu hư hỏng và cả khi gặp vấn đề sức khoẻ hoặc hết nhiên liệu, nước ngọt.

Âu tàu trên đảo Trường Sa Lớn là nơi neo đậu tránh trú bão và tiếp nhiên liệu cho các tàu cá đang khai thác ở vùng biển Trường Sa.

“Nhiên liệu được bán bằng với giá trong đất liền, còn nước ngọt, thuốc men được cấp miễn phí”, anh Bảo chia sẻ.

Dù cuộc trò chuyện khá ngắn ngủi, nhưng tôi cảm nhận được phần nào tình cảm mà anh Bảo cũng như những ngư dân đang neo đậu tại âu tàu Trường Sa dành cho các cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa.

Anh Bảo cho biết: “Những năm qua, ngư dân có vấn đề sức khoẻ, tai nạn trên biển đều được các chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 cứu chữa kịp thời”.

Trung tá Trần Quang Phú, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, chia sẻ: “Bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, Trường Sa còn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển. Anh em chiến sĩ trên đảo sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Phối hợp với âu tàu, làng chài, giúp đỡ ngư dân trong việc tránh trú bão, cung cấp nhiên liệu bằng giá đất liền, tiếp nước ngọt và cả việc sửa chữa tàu miễn phí cho bà con ngư dân”.

Song song với nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, duy trì nghiêm lực lượng, phương tiện trực và huấn luyện sử dụng thuần thục các loại vũ khí, việc hỗ trợ ngư dân là nhiệm vụ luôn được chiến sĩ trên đảo Len Ðao quan tâm triển khai thực hiện.

Các đảo trong quần đảo Trường Sa là điểm tựa của ngư dân khi khai thác thủy sản trong khu vực ngư trường Trường Sa.

“Thực hiện Chương trình Hải quân Việt Nam là điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển, trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, các chiến sĩ trên đảo đã khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 11 lượt ngư dân”, Thượng uý Nguyễn Văn Ðức, Chỉ huy trưởng đảo Len Ðao, chia sẻ.

Thiếu tá Phan Văn Mung, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/9, cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã khám và cấp thuốc miễn phí cho 7 lượt ngư dân trên biển, tiến hành cấp cứu 2 trường hợp bị tai nạn khi đang hành nghề trên biển.

Là một trong những trường hợp đã được chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa cấp cứu kịp thời khi bị nạn trên biển, anh Trần Vinh, xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, thuyền viên tàu cá QNg - 92604 TS, nhớ lại: “Trong lúc đang khai thác, tôi bất cẩn té ngã gãy xương chân, không thể di chuyển, phải phát tín hiệu cấp cứu với Nhà giàn DK1/9. Ngay lập tức, tổ quân y của Nhà giàn đã sang tận tàu để cứu chữa. Sự ân cần, nhiệt tình, chu đáo của cán bộ, chiến sĩ giúp chúng tôi yên tâm hơn trong hành trình bám biển mưu sinh”, anh Vinh bộc bạch.

Cách âu tàu không xa là Trường Tiểu học Trường Sa. Lúc chúng tôi đến, các em nhỏ đang vui đùa tại khu vui chơi trước sân trường. Thầy giáo Lê Xuân Hạnh, quê huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà, phấn khởi khoe: “Các em ở đây ngoan lắm. Sự ngoan ngoãn, hồn nhiên của các em chính là động lực để chúng tôi cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp giáo dục".

Dù chỉ ở trên đảo hơn một buổi nhưng cũng đủ để tôi cảm nhận cái nghĩa, cái tình, sự gắn bó mật thiết, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong công việc cũng như trong cuộc sống của quân và dân nơi đây.

Trung tá Trần Quang Phú cho biết, cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên đảo Trường Sa hôm nay đã được cải thiện đáng kể. Có đường, nhà cửa, trường học, các công trình phục vụ sinh hoạt văn hoá, điện gió, điện năng lượng mặt trời... Tất cả góp phần hun đúc thêm tinh thần sẵn sàng chiến đấu vì “Chủ quyền Tổ quốc là bất khả xâm phạm, quyết không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường, kiên quyết chiến đấu và sẵn sàng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của quân, dân trên huyện đảo Trường Sa”.

Trong 7 điểm đến suốt hải trình Trường Sa lần này, điều ấn tượng là những vườn rau sạch rộng hàng trăm mét vuông, chuồng chăn nuôi gia súc... để cung cấp nguồn thực phẩm tươi cho chiến sĩ và người dân trên đảo. Những việc làm bình dị, giản đơn hằng ngày ấy góp phần xây dựng thêm để Trường Sa luôn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển, là nơi in đậm dấu ấn nghĩa tình quân – dân.


Ðại tá Ngô Văn Thành, Chính uỷ Cục Kỹ thuật, Quân chủng Hải quân, cho biết, Hải quân Nhân dân Việt Nam đang triển khai thực hiện 2 chương trình lớn: “Hải quân Việt Nam là điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển” và “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân”. Ðây là những chương trình có ý nghĩa sâu sắc, nhằm hỗ trợ kịp thời cho ngư dân trong kiểm tra, kiểm soát ngư trường, cứu hộ, cứu nạn, cung cấp thông tin trên biển, chia sẻ khó khăn để ngư dân yên tâm bám biển, phát triển kinh tế.


 

Nguyễn Phú

Bài cuối: Quân - Dân nghĩa tình

 

Khi ý Ðảng gặp sức dân - Bài cuối: Nâng cao hiệu quả quản trị cộng đồng

Bức tranh toàn cảnh về sự hình thành và những thành công bước đầu của mô hình tổ Nhân dân tự quản (NDTQ) tại Cà Mau, cho thấy một thiết chế đầy tiềm năng trong việc kết nối ý Ðảng với sức mạnh cộng đồng. Tuy nhiên, hành trình xây dựng và phát triển mô hình này không tránh khỏi những “gập ghềnh”, những “nút thắt” cần được tháo gỡ.

Viết báo tết trong chiến khu

Buổi sáng cuối đông năm 1973, bầu trời se lạnh. Chúng tôi ngồi viết báo Tết trong khu vườn dừa của chú Sáu Lân ở ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.

Khi phóng viên địa bàn đồng hành cùng địa phương

Từ thời Báo Minh Hải, phóng viên đã được Toà soạn phân công phụ trách địa bàn để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với cơ sở, với bà con, nắm bắt thật sát tình hình địa phương, thực hiện các tin, bài nóng hổi tính thời sự, góp phần và đồng hành cùng với sự ổn định, phát triển của địa bàn phụ trách.

Khi ý Ðảng gặp sức dân

Trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân, vì dân”, ở Cà Mau, một mô hình tổ chức xã hội đặc biệt đang âm thầm bén rễ và lan toả sức sống: Tổ Nhân dân tự quản (NDTQ). Thoạt nghe, cụm từ này có vẻ khô khan, mang nặng tính hành chính, nhưng khi đặt chân đến những xóm, ấp nơi mô hình này đang hoạt động, người ta mới cảm nhận được hơi thở của sự tự nguyện, tinh thần đoàn kết và khát vọng làm chủ cuộc sống cộng đồng. Ðây không chỉ là hình thức tập hợp người dân theo địa bàn cư trú, mà sâu xa hơn, nó đang dần khẳng định vai trò như một cầu nối sống động, nơi ý Ðảng được truyền tải một cách gần gũi nhất, hoà quyện với nhu cầu và sức mạnh nội tại của Nhân dân.

Với nghề, tôi thấy mình như vừa chập chững tập đi...

Tôi bắt đầu công việc viết lách từ rất sớm, như các bạn tuổi mới lớn khác, tập tành sáng tác thơ và tản văn. Ở những năm học cấp III, tôi chi tiêu cho mua dụng cụ học tập, hàng quà hay những thứ lặt vặt khác, từ chính nguồn nhuận bút viết lách.

Thức cùng sóng biển

Hầu như năm nào cũng vậy, khi những làn gió chướng đầu tiên lao xao trên cành lá là cái rạo rực về những bài báo xuân cứ thôi thúc trong mỗi chúng tôi.

Làm báo thời chiến

Từ buổi bình minh của cách mạng và xuyên suốt các chặng đường đấu tranh gian khổ, báo chí Cà Mau luôn khẳng định là vũ khí sắc bén, đóng góp tích cực vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong những năm tháng đầy lửa đạn ấy, những người làm báo Cà Mau dù phải đối mặt với muôn vàn hiểm nguy, kề cận với cái chết nhưng vẫn kiên cường giữ vững niềm tin và khí tiết cách mạng. Họ đã xuất sắc hoàn thành sứ mệnh của những người chép sử, ghi lại chân thực cuộc chiến đấu anh dũng của dân tộc, của quê hương.

Nơi tôi “khởi mầm” nghề báo

Nhà báo Nguyễn Danh gọi nhắc: Báo Cà Mau chuẩn bị làm kỷ yếu kỷ niệm 100 năm báo chí cách mạng, Kiều Tiên viết gì gửi về đi! Dù bận khá nhiều việc ở cơ quan nhưng tôi cũng hứa sẽ tranh thủ viết. Xem đây là dịp để nhắc về kỷ niệm một thời cùng các anh chị em ở Báo Cà Mau và cũng để tri ân nơi “khởi mầm” nghề báo cho tôi đến hôm nay.

Hành trình về ngôi nhà chung

Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau (CTV) được thành lập vào ngày 4/7/1977, tiền thân là Ðài Phát thanh - Truyền hình Minh Hải. Hơn một tháng sau ngày thành lập, Ðài chính thức phát đi tiếng nói đầu tiên lúc 5 giờ sáng ngày 19/8/1977, khởi nguồn chặng đường xây dựng và phát triển của loại hình báo phát thanh - truyền hình trên mảnh đất cực Nam Tổ quốc.

Nhà báo tay ngang

Hôm bữa, Nam Phong, Phó Tổng Biên tập Báo và Ðài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau - bạn tắm sông thuở nhỏ của tôi, gửi Zalo bản chụp bài báo “Về một xí nghiệp đóng tàu” (Báo Minh Hải, thứ Năm, ngày 8/10/1987). Trời đất! Tìm đâu ra vậy? Ðó là “lễ vật chào sân” của tôi với Báo Minh Hải thuở tập tành viết báo.