Bà nội Hai kể với má: “Hồi sáng này má đưa em Hiền Mụi ra xóm ngoài sông lớn hốt thuốc nam. Gặp nước ròng nửa sông, chảy siết, nước trong đập xổ ống bọng đổ ra ầm ầm, lòi bãi xa quá, nên má để Mụi ngồi trên xuồng. Vừa đẩy xuồng qua đập, chiếc xuồng vọt theo dòng nước, má nắm sợi dây mũi kéo lại, xuồng lật úp.
Đó là một chiều cuối đông 1973, tôi theo mẹ tới thăm nhà Bà nội Hai, bà chăm em Hiền Mụi đang sốt.
Bà nội Hai kể với má: “Hồi sáng này má đưa em Hiền Mụi ra xóm ngoài sông lớn hốt thuốc nam. Gặp nước ròng nửa sông, chảy siết, nước trong đập xổ ống bọng đổ ra ầm ầm, lòi bãi xa quá, nên má để Mụi ngồi trên xuồng. Vừa đẩy xuồng qua đập, chiếc xuồng vọt theo dòng nước, má nắm sợi dây mũi kéo lại, xuồng lật úp.
Má phóng theo vớt Mụi, nhưng không kịp, nó bị xuồng úp lên, rồi xuồng trôi phăng ra ngoài sông. Má mò dọc hết dòng nước không có, liền lao ra sông cái, lặn mò, hết hơi ngoi lên. Có hai thằng nhỏ lao ra giữa lòng sông, một thằng lặn mò bên trái (thằng nước da trắng), một thằng bơi theo nước xuôi đón đầu, mò gần ngã ba (thằng nước da đen). Cả ba lặn hụp mò lâu mà không thấy. Một lát sau, bỗng thằng trắng đưa Mụi nhô lên, má lao tới, thằng trắng vừa buông tay, đuối sức nên bị nước cuốn, vừa trôi vừa chìm... Má chụp tóc nó, nhưng không còn kịp.
Minh hoạ: Minh Tấn |
Không thể làm sao được nữa, má ôm cháu bơi vô bãi. Bãi sình dài lún quá, không còn sức lội lên mặt đập, má ôm Mụi bường một tay trên bãi sình. Con Mụi lạnh ngắt, bụng trướng nước, sùi bọt mép. Bường lên được tới trên mặt đập, má cõng ngược, nắm hai chân nó nhảy dựng một hồi, có tiếng nấc, rồi cựa nhẹ, rồi nó nháy mắt được. Nó đã sống lại!
Để con Mụi nằm khuất trong lùm cây phía phải đập, má đi dài trên mặt đập, thẫn thờ, nhìn ra giữa dòng sông mà lòng dạ đau đớn tơi bời như ai cầm dao cắt ruột. Dòng sông đã nuốt chửng hai thằng nhỏ. Không biết con cái nhà ai? Nó đã chết chìm dưới dòng sông này để cứu hai bà cháu? Trời...ơi... !
Hai đầu gối má lỏng dần, khuỵ xuống mặt đập. Hai thằng nhỏ, một thằng trắng, một thằng đen, má biết chỉ có vậy thôi. Hai thằng nhỏ cứ chập chờn trước mắt... Chết, tụi nó chết thật rồi sao???
Nắng vẫn chang chang, vắng ngắt. Sao nghe hình như có tiếng khọt khẹt ở đâu đó, quay lại, thấy con Mụi vẫn nằm thiếp dưới gốc cây. Nãy giờ lâu lắm, không có bóng dáng ai đi qua đây, xa đây lắm mới có nhà. Ở đây mà la làng cũng đâu có ai mà nghe? Vẫn còn nghe có tiếng động ở đằng xa. Đi riết về phía cuối bên trái mặt đập, trong lùm đước, phía dưới bãi sình, hai thằng nhỏ bằng xương bằng thịt, chỉ còn cái quần cụt ướt sũng, bết sình, toàn thân tái mét, hai tay ôm gì chang đước. Cả hai nằm xoài trên bãi sình, sát mé đập. Một mớ nhầy nhụa lẫn máu vun vãi trên bãi sình lầy, dưới gốc cây đước. Cơn nguy kịch đã qua. Má dìu hai đứa nhỏ lên mặt đập. Cả ba không ai còn nói được. Thằng đen đã ngồi được, thằng trắng nằm rũ rượi. Má đem con Mụi lại ngồi chung, đợi coi có ai ra vô đập đặng giang vô nhà.
Con Mụi sốt nhiều. Hỏi nhà hai cháu ở đâu, thằng đen lắc đầu. Hỏi cha mẹ hai cháu tên gì, nó lại lắc đầu. Hỏi con tên gì? Liêm! - thằng đen trả lời.
Thằng trắng chưa nói chuyện lại được nhưng đã ngồi dậy. Trời nắng nhạt, phía xa trong đập có bóng xuồng đang ra, má mừng hết sức. Là chú Thạch Phol, nhà ở trong ngọn Thanh Tùng.
- Chú đưa hai đứa con về nhà nghen? Hai thằng nhỏ lắc đầu lia lịa. Rồi thằng đen dìu thằng trắng đứng dậy, lom khom bước đi về phía trái mặt đập. Chú Phol vội đi theo, đợi rất lâu chú mới trở lại. Chú nói: “Trò trường Ninh Bình” bằng giọng lơ lớ của người dân tộc Khmer. Rồi chú đưa má và con Mụi vô nhà hồi xế này”.
Tôi nghe chuyện xúc động đến nghẹt thở, nhưng chỉ biết được có vậy thôi.
Một thời gian sau, tôi đi bán men cơm rượu với bà tôi ở Bàu Dừa, khi chèo xuồng ra tới đập thì gặp lúc nước ròng đang chảy xiết. Hai bà cháu đợi nước lớn để kéo xuồng ra sông. Ở trong đập, sông đầy nước, chảy lặng lẽ. Ở phía ngoài đập, con sông rất lớn, không nhìn thấy bờ thấy bãi bên kia, chỉ thấy một màu xanh của lá. Ở bờ bên này, cạn queo, bãi sình hàng chục thước. Một cái đập dài, bít ngang cửa sông Thanh Tùng. Giữa đập, một cái ống bọng bự bằng bốn, năm con trâu chữa nhập lại, và nước đổ ầm ào. Tự nó khoét thành một cái hố lớn, sâu hoắm trước cửa miệng ống bọng, gào thét, tung bọt trắng xoá, nhảy dựng đổ ào ào ra giữa sông, nhập với nước giữa lòng sông đang băng băng chảy, cuộn tròn, cuộn tròn trôn ốc để đến ngã ba sông gần đó.
Ngồi gần hai tiếng đồng hồ chờ nước lớn, tôi nhìn dòng nước giành giật, chen lấn, hung hãn khi sắp được ra tới cửa biển, lòng miên man nhớ về hai bạn nhỏ đã giành giật sự sống ở con đập này.
Đầu năm 1974, tôi đi học Trường Ninh Bình ở Bàu Dừa, vào lớp phát hiện có một thằng bạn tên Liêm đen thui. Hay... đây là thằng đen? Chắc không phải! Thằng đen ở Thanh Tùng, sao trường Ninh Bình lại ở đây? Chắc cứ là trường học chữ thì kêu là Ninh Bình, tôi nghĩ vậy. Bởi từ sinh ra tới giờ, tôi sống trong rừng U Minh, chiến tranh ác liệt mới tản cư qua Thanh Tùng, ở gần nhà Bà nội Hai mấy tháng, chưa từng nghe chữ trường là gì.
Đã 42 năm trôi qua, hồi giữa tháng 11 năm rồi, trong dịp họp mặt của nhóm học sinh Trường Ninh Bình ở Quận 1, TP Hồ Chí Minh, tình cờ nghe anh Đoàn Minh Trung nói với bạn Liêm: “Hôm đó ông không mò được tui thì giờ hai thằng mình đâu còn ngồi đây!”.
Ngồi cạnh bạn Liêm, tôi phăng theo câu chuyện, thì chắc chắn đây là thằng trắng, thằng đen rồi. Tôi hỏi Liêm: “Sao lúc tôi vô học ở Bàu Dừa thì Liêm ở đó?”. “Tui bị rớt”, Liêm cười.
Tôi viết lại câu chuyện này gởi tặng hai bạn trước ngày về thăm lại ngôi trường cũ. Nếu hai bạn có về trong dịp này tôi sẽ dẫn hai bạn đến thăm mộ Bà nội Hai và đến thăm nhà em Hiền Mụi. Tôi cũng muốn kể hai bạn nghe một điều mà có lẽ đến giờ phút này hai bạn chưa biết. Vài tháng trước khi câu chuyện này xảy ra thì ba em Hiền Mụi đã hy sinh. Bà nội Hai đã nói: “Nếu hôm nay con Mụi chìm luôn thì Má cũng sẽ chết theo. Hai thằng nhỏ đó, tao nhớ ơn suốt đời!”./.
Huỳnh Đào